PHỎNG VẤN ÔNG HOÀNG XUYÊN VỀ “CHIẾN KHU HOÀNG CƠ MINH”:
“MẶT TRẬN KHÁNG CHIẾN HOÀNG CƠ MINH” BỊP HAY KHÔNG?
SỰ THẬT NGAY TRONG “KHU CHIẾN” NHỮNG NGÀY ĐẦU.
Lời Mở Đầu: Cụ Hoàng Xuyên là nhà báo đầu tiên được
"Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam" mời vào khu chiến
tham dự Lễ Tuyên Bố Bản Cương Lĩnh Chính Trị. Sau khi ở "khu chiến"
về cụ Hoàng Xuyên đã viết một loạt bài du ký tả lại cuộc đi thăm Khu Chiến,
được đăng tải trên tờ bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong, xuất bản tại
Arlington, Virginia khiến Mặt Trận được đồng Hương khắp nơi trên thế giới được
cuồng nhiệt hoan nghênh đưa tin "Mặt Trận lên tận mây xanh như thể Việt
Nam sắp được giải phóng khỏi ách thống trị bạo tàn của cộng sản. Số tiền do
đồng hương yểm trợ vượt kỷ lục trong một thời gian ngắn đã thu được số tiền
khổng lồ lên tới hàng chục triệu mỹ kim. Song song với chiến dịch làm tiền đồng
hương. Ban Kinh Tài của Mặt Trận cũng ráo riết hoạt động, bốn (4) tàu đánh cá,
nhiều nhà in và con số chưa phải là cuối cùng, 38 tiệm phở Hòa được khai
trương, tại nhiều tiểu bang có đông người Việt cư ngụ, các thùng tiền quyên góp
được đặt ở các tiệm convenience như 7-Eleven, Utotem ở các thành phố nơi
có nhiều người Việt cư ngụ, đó là chưa kể ở Âu Châu, Úc Châu và Gia Nã Đại...
Để hiểu rõ thêm về cái gọi là "Mặt Trận" đã có lần ồn ào ấy, thật sự
có muốn dấn thân làm lại lịch sử giải phóng quê hương, hay chỉ lợi dụng lòng
căm thù cộng sản của người Việt Hải Ngoại, mà bày trò kháng chiến bịp bợm, với
mục đích duy nhất là móc túi đồng hương một cách trắng trợn, chúng tôi nghĩ
không gì bằng phỏng vấn cụ Hoàng Xuyên, để có thêm một tiếng chuông vô tư, có
những điều chưa được nói ra, về cái Mặt Trận đã vang bóng một thời.
Hỏi: - Thưa bác Hoàng Xuyên, bác là nhà báo đầu tiên được về thăm
Khu Chiến của “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” mà người ta
thường nôm na gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, tuy nay đã rõ rệt đen trắng nhưng
vẫn còn là đề tài để đồng hương tranh luận. Có nhiều người đến nay vẫn còn mù
quáng hoạt động cho Mặt Trận ấy, nhưng hầu hết đều kết tội bọn chủ chốt
anh em Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Long, Hoàng Cơ Ðịnh đều là những tên đại bịp mà
các ông Phạm Văn Liễu, Phạm Ngọc Lũy, Trần Minh Công vì thơ ngây nhẹ dạ nên
cũng bị mang tiếng lây. Bác không phải là đoàn viên Mặt Trận, chỉ là một nhà
báo duy nhất được mục kích cái Khu Chiến giả tạo và tham dự “Lễ Tuyên Bố Bản
Cương Lĩnh Chính Trị”, tiếng nói của bác chắc chắn trung thực để gióng lên một
tiếng chuông vô tư theo sự tai nghe mắt thấy hầu làm sáng tỏ thêm vấn đề. Trước
hết xin hỏi tại sao không là một người khác, mà bác lại có cái may mắn được mời
về thăm Khu Chiến?
Ðáp: - Tôi xin đính chính ngay, đó là một “đại bất hạnh”,
một “sai lầm to lớn” chớ không phải là may mắn khi tôi nhận lời đại
diện tờ Văn Nghệ Tiền Phong đi về cái Khu Chiến “dởm” đó để cũng bị mang
tiếng lây! Chuyện Mặt Trận Hoàng Cơ Minh cũ rích rồi, bươi ra làm gì nữa để
đồng hương phải lợm giọng?
Hỏi: - Xin bác cứ vui
lòng cho biết ý kiến.
Ðáp: - Tôi quen ông Phạm Văn Liễu từ khi còn ở Sài Gòn. Năm 1975 sang
tị nạn tại Hoa Kỳ, ông Liễu thường liên lạc với tôi, tâm tình cho tôi biết sơ
qua về dự định thành lập “Mặt Trận” với nguyên trung tướng Nguyễn Chánh Thi,
rồi sau với cựu phó đề đốc Hải Quân VNCH Hoàng Cơ Minh. Dĩ nhiên tôi hết sức
khuyến khích.
Tháng 7 năm 1983 ông Liễu từ miền Nam Cali điện thoại cho biết
hôm sau sẽ cùng với 4 người nữa đến nhà tôi ở Milpitas và yêu cầu “tiện nội”
tôi sửa soạn cho một bữa cơm trưa 5 người ăn. Khoảng 2 giờ chiều, Liễu
đến giới thiệu với tôi những khuôn mặt mà tôi chưa gặp lần nào như Hoàng Cơ
Minh, luật sư Vũ Ngọc Tuyền, luật sư Nguyễn Tường Bá và Phạm Ngọc Lũy. Tôi
được mời dự thính hội nghị bàn tròn để nghe Hoàng Cơ Minh phân tích về tình
hình thế giới liên quan đến “cái thế” xuống dốc của Cộng Sản Việt Nam và sự cần
thiết khẩn cấp có một lực lượng võ trang của người Việt hải ngoại bắn một tiếng
súng khai hỏa là các tổ chức cách mạng bí mật chống Cộng trong nước sẽ đồng
loạt nổi dậy thì “cái thế tất thắng” (Minh thường dùng cụm từ này) của chúng ta
chắc chắn rõ rệt như hai cộng hai là bốn. Cuối cùng, Minh cho biết hai tuần sau
sẽ có một số cán bộ nòng cốt từ Hoa Kỳ về Khu Chiến. Trong lúc ăn cơm Liễu cho
biết Phạm Ngọc Lũy đã nhận lời giữ vai hề “Chủ tịch Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến
Trung Ương” và yêu cầu luật sư Vũ Ngọc Tuyền nhận chức Ủy Trưởng Tài Chánh và
tôi làm Phụ tá. Ông Tuyền và tôi đều giữ yên lặng không nhận lời mà cũng không
từ chối. Tin buổi họp này bị tiết lộ nên một vài báo Việt ngữ địa phương đã
đăng rằng nhà con trai tôi là địa điểm của một buổi họp kín lịch sử. Ít hôm
sau, tôi điện thoại hỏi luật sư Vũ Ngọc Tuyền về vai tuồng được mời thì ông
cười trả lời: “Ðó là các ông ấy đề nghị chứ tôi đã nhận lời đâu!” Tôi trả lời
cũng cùng quan điểm.
11 giờ đêm ngày 10/12/1981, Liễu điện thoại từ Sacramento rủ tôi
về Khu Chiến. Trong lúc ngái ngủ, tôi hỏi không suy nghĩ: “Khu Chiến nào?”
Liễu cười chê tôi là anh cả quỷnh rồi nói: “Ngoài MTQGTNGPVN thì làm gì còn có
Mặt Trận nào để rủ về Chiến Khu?” Tôi hỏi lại tại sao lại rủ một anh già yếu
như tôi, thì Liễu cho biết Ðài Truyền Hình CBS đã cử cameraman Nguyễn Ngọc Ấn.
Liễu biết tôi có một ít kinh nghiệm về nhiếp ảnh nên yêu cầu tôi cùng đi, để
phụ trách thu vào ống kính những bức ảnh lịch sử mà anh vững tâm tôi có thừa
điều kiện làm tròn việc đó.
Hỏi: - Bác nhận lời?
Ðáp: - Không, tôi từ chối! Tôi nhắc cho Liễu
biết tôi đã 64 tuổi (năm 1981) sức đâu mà băng rừng, lội suối, trèo non, thì
Liễu thuyết phục rằng, phụ nữ người ta còn đi về như đi chợ, tại sao một “lão
gân” như tôi lại không đi được? Rồi anh cho biết, đến biên giới sẽ có các anh
em chiến sĩ võ trang đón hướng dẫn vào Chiến Khu, họ sẽ mang hết hành lý, máy
ảnh, máy quay phim, mình chỉ chống gậy thơ thới hân hoan đi, khi nào mệt thì
dừng lại nghỉ. Liễu cũng cho biết hành trình từ biên giới vào Chiến Khu
mất hai ngày. Tôi hỏi biên giới nào, thì Liễu trả lời: Bí mật quân sự đến
nơi sẽ biết! Tôi yêu cầu để tôi suy nghĩ và bàn với tiện nội nếu đi được sẽ trả
lời, thì Liễu muốn tôi nhận lời ngay bằng cách cho tôi biết là có cả Phạm Ngọc
Lũy, Hồ Anh, chủ nhiệm báo Văn Nghệ Tiền Phong và một kỹ sư trẻ tuổi ở Oregon
cũng cùng đi. Ðến Bangkok sẽ có “phái đoàn Nhật Bổn” gồm một giáo sư người Nhật
tên Tonoko và một số sinh viên Việt Nam trong nhóm Người Việt Tự Do sống lâu
năm ở Nhật, trong đó có Ngô Trí Dũng, Nguyễn Văn Ðoàn vân vân... sẽ cùng nhập
bọn đi Chiến Khu. Tôi vẫn không dứt khoát nhận lời.
Còn hai tuần lễ trước ngày lên đường thì Liễu điện thoại cho
biết Hồ Anh và Phạm Ngọc Lũy bị bệnh không đi được. Ðể tôi trả lời dứt khoát
nếu không sẽ tìm người khác, Liễu cho biết Hồ Anh đề nghị sẽ trả tiền
vé máy bay khứ hồi cho cả Liễu và tôi với điều kiện tôi nhận lời viết bài tường
thuật cho báo Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi điện thoại cho Hồ Anh để sáng tỏ vấn
đề, đồng thời tôi vẫn bảo Hồ Anh nên cố đi để viết theo đường lối của tờ báo,
thì anh ta thuyết phục tôi rằng cứ việc ghi đầy đủ tất cả những gì tai
nghe mắt thấy rồi về viết lại. Nếu cần anh ta sẽ hiệu chính sau. Sau cùng
Hồ Anh bảo tôi cứ viết như những bài tôi đã viết cho VNTP trong năm năm qua mà
Lê Triết đã có lần “cho điểm” là văn viết vững, rất pro! Thật ra, trước năm
1975, tôi đã từng là thông tín viên chiến trường cho NBC, KTLA Los Angeles,
British Commonwealth International News Agency và thông tín viên tự do
(freelancer) cho UPI, AP và tuần báo Newsweek, vân vân 13 năm, với những biến
cố sôi động xảy ra hàng ngày tại Nam Việt Nam, tôi đã viết hàng ngàn bài tường
thuật bằng Anh văn. Vậy thì một bài tường thuật tầm thường dù là “du ký về Khu
Chiến” có gì mà tôi không viết nổi. Tôi dè dặt là vì chơi với Hồ Anh từ
lâu, biết tính anh ta trở mặt như trở bàn tay, khi nào muốn lợi dụng
ai thì nói như xẻ cửa xẻ nhà, nhưng khi nào vì mục đích “mị độc giả”, anh sẽ
dùng tờ “lá cải” của anh đặt điều vu khống - như vẫn làm-để bôi bẩn bất
cứ ai kể cả bạn thân. Tôi sẽ nói thêm về bài báo đăng trên VNTP số 475
ngày 15/10/1995 Hồ Anh “bôi bẩn” tôi chỉ vì tôi từ chối không làm chứng
trong vụ Mặt Trận kiện Hồ Anh, Cao Thế Dung và Nguyên Vũ hồi tháng 11 năm 1994 tại
San Jose.
Hỏi: - Ðã biết thế, sao bác lại nhận lời đi Khu Chiến để viết bài cho
VNTP?
Ðáp: - Vì Hồ Anh than rằng hắn thật sự bị bệnh và quá bận, năn
nỉ tôi cố gắng giúp hắn, hắn đã đưa tiền cho Liễu để mua vé máy bay khứ hồi cho
Liễu và tôi rồi. Vốn có máu giang hồ cộng với lòng tò mò muốn biết sự thật có
kháng chiến hay không, sau khi bàn sơ qua với tiện nội, một giờ sau khi tôi
điện thoại dứt khoát nhận lời đại diện tờ VNTP đi Khu Chiến.
Theo lời yêu cầu của Liễu từ hai hôm trước, mọi người phải có
mặt trước 5 giờ chiều Chủ Nhật 22/2/82 tại nhà Nguyễn Văn N., một đoàn viên của
Mặt Trận ở Oakland để cùng ra phi trường San Francisco. Ðến nơi, tôi thấy cả
Phạm Ngọc Lũy và Hồ Anh, không ai có dáng điệu gì đau ốm cả. Tôi hỏi thì Liễu
nói nhỏ vào tai tôi: “Họ là những con thỏ gan to bằng... con kiến. Thôi đừng
hỏi nữa!” Sau bữa cơm do các anh chị em đoàn viên Mặt Trận khu Oakland
khoản đãi để chúc chúng tôi... một ra đi sẽ trở về!
Phái đoàn Hoa Kỳ chính thức lên đường gồm có Phạm Văn Liễu, bí
danh Trần Trung Sơn, trưởng đoàn, tôi, đại diện bất đắc dĩ tờ lá cải VNTP, Nguyễn
Văn Ấn, quay phim cho CBS, kỹ sư trẻ tuổi Trương Sơn Bổn Tài từ Oregon tới.
Chúng tôi được khoảng 20 đoàn viên Mặt Trận đưa tiễn tại phi trường San
Francisco. Mọi người vui vẻ đứng chụp hình lưu niệm với phái đoàn, dĩ
nhiên không ảnh nào thiếu mặt hai con “thỏ đế”! Lợi dụng lúc nhân
viên đài truyền hình CBS phỏng vấn Phạm Văn Liễu trước khi lên phi cơ, Hồ Anh
kéo tôi ra một nơi dặn dò tôi nhớ ghi mọi chi tiết những gì tai nghe mắt thấy
để về viết bài và chụp nhiều ảnh. Tôi riễu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
11 giờ đêm, chúng tôi vui vẻ bước lên phi cơ và sau 15 giờ bay,
chúng tôi đến phi trường quốc tế Vọng Các. Ra đón tại phi trường có Nguyễn Kim
Hườn, bí danh Nguyễn Kim (hiện giữ chức Tổng Vụ Hải Ngoại sau khi Phạm Văn Liễu
bị anh em Hoàng Cơ Minh hạ bệ). Rồi ông bà Nguyễn Chí Trung, bí danh Phan
Thái Hòa (hồi còn mồ ma VNCH, ông Trung được bác sĩ Trần Kim Tuyến cử
sang làm tình báo tại Tòa Ðại Sứ VNCH tại Bangkok; khi miền Nam VN sụp đổ, ông
Trung ở lại và trở thành công dân Thái. Ông bà Trung rất thạo Thái ngữ nên đã
thành công trong công tác môi giới trung gian với giới chức thẩm quyền Thái Lan
để thuê đất rừng làm Khu Chiến cho Mặt Trận). Phái đoàn Nhật Bản gồm năm thanh
niên cũng ra đón tại phi trường để cùng nhập bọn với chúng tôi đi Khu Chiến.
Hỏi: - Bác có thể “bật mí” cho biết đích xác Khu Chiến nằm ở đâu
không?
Ðáp: - Trong loạt bài du ký của tôi chỉ có một đoạn bắt buộc
tôi phải viết sai vị trí của Mật Khu, vì cả Hoàng Cơ Minh lẫn Phạm Văn Liễu
đều nhiều lần nhắc nhở mọi người, nếu muốn CSVN đem máy bay đến tàn sát thì hãy
tiết lộ địa điểm Mật Khu cho mọi người biết. Chúng tôi nghĩ vấn đề quan trọng
là họ có thật sự chiến đấu hay không, còn vấn đề giữ bí mầt địa điểm Mật Khu là
điều họ không cần dặn chúng tôi cũng có ý thức bảo mật điều đó. Ít năm sau, mặt
nạ bịp bợm của Mặt Trận bị phơi bày, tôi đã viết một bài trần tình coi như
“viên đạn ơn huệ” (coup de grace) đăng trong VNTP số 233 kể rõ tất cả những bịp
bợm và nói rõ địa điểm Khu Chiến nằm sâu trên lãnh thổ Thái Lan, thuộc tỉnh
Ubon, làng Bultarit, cách biên giới Cao Miên khoảng 15 cây số.
Tôi xin kể tiếp là sau khi chúng tôi ra khỏi phi trường Bangkok
thì cách Bangkok khoảng 500 kilômét về phía Ðông Bắcông bà Nguyễn
Chí Trung hướng dẫn mọi người lên hai chiếc xe Toyota minivan đi đến làng Ubon,,
ngừng tại một tiệm ăn nhỏ để dùng bữa. Thái Lan có khoảng 500 ông đại
tướng, mỗi ông chia nhau làm chủ một cơ sở thương mại; ông thì làm chủ một
số nhà tắm hơi, ông thì cai quản một số sòng bạc, ông thì có một số ổ mãi dâm,
vân vân... Ðại tướng Sud Sai làm vua vùng Ubon để khai thác gỗ, đồng thời cho
thuê một số đất rừng hoang để tổ chức chiến khu như loại Chiến Khu Hoàng Cơ
Minh, Nguyễn Văn Chức (Công Binh) vân vân... Có lần ông Nguyễn Chí
Trung hỏi tôi nếu tôi muốn có mấy mẫu đất để làm “chiến khu”, chỉ cần chi cho
tướng Sud Sai 20.000 mỹ-kim tiền vào cửa là xong ngay, ngoài ra chỉ phải trả
mỗi tháng 3.000 mỹ kim tiền thuê.
Cơm nước xong, mọi người lại lên xe, chạy thêm khoảng 30 cây số
thì đến một làng hẻo lánh có tên là Bultarit nằm ngay bên cạnh một khu rừng
già. Xe đến một con đường mòn độc đạo, có một khúc cây dài (barrière) chắn
ngang do hai anh lính địa phương canh gác.Ông Trung xuống xe đưa cho hai
người lính xem giấy phép do thủ tướng Thái Lan ký. Anh lính xem xong, chạy
vào trình một sĩ quan cấp trên. Viên sĩ quan trẻ tuổi đi ra nói với ông Trung
rằng anh không biết Thủ Tướng là ai, chỉ được lệnh Ðại Tướng không cho ai vào
nếu không có giấy phép do chính đại tướng ký. Thì ra câu “quan thì xa, bản nha
thì gần” được áp dụng khắp mọi nơi. Ông Trung cố thuyết phục viên sĩ
quan trẻ tuổi nhưng vô hiệu, đành phải cho xe lui đến một phòng ngủ rẻ tiền gần
đó, mọi người xuống để ông bà Trung lái xe trở về Bangkok vận động. Chúng
tôi ăn trực nằm chờ ở Bultarit 12 ngày. Ông bà Trung trở lại với giấy
phép của tướng Sud Sai sau khi đã nộp 2.000 mỹ-kim tiền mãi lộ.
Sáng ngày 7/3/1982 chúng tôi rời phòng ngủ, lại lên xe vượt qua
gác canh để vào đường mòn dẫn đến một cánh rừng rậm, xuất hiện 5 người ăn mặc
quần áo đen, tay cầm súng.Nhạc sĩ Trần Thiện Khải, bí danh Trần Khánh, tươi
cười tiến đến cho biết anh được lệnh dẫn một tiểu đội đến đây đón chào chúng
tôi và hướng dẫn mọi người vào Khu Chiến. Anh phát cho mỗi người một bộ bà ba
đen, một đôi dép râu “Bình Trị Thiên”, một khăn rằn ri và một chiếc mũ bằng vải
đen, rồi yêu cầu mọi người vào gốc cây hay bụi rậm gần đó để thay quần áo. Mười
phút sau, chúng tôi đã thật sự “lột xác” thành những dị nhân... nửa người nửa
ngợm thì Trần Khánh yêu cầu mọi người tập họp để anh thuyết trình.Anh lập lại
lời đã nói: “Tôi được lệnh chiến hữu Chủ Tịch ra đây đón chào chiến hữu
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại (Phạm Văn Liễu) và quý vị trong phái đoàn Hoa
Kỳ và Nhật Bổ và mời quý vị theo tôi vào Mật Khu của chúng ta.
Ðường vào Mật Khu có hơi vất vả, nhưng các anh em chiến sĩ chúng
tôi vừa có bổn phận hộ tống, vừa mang hành lý dùm quý vị. Ngoài ra, xin quý vị
cứ an tâm, suốt lộ trình vào Mật Khu đều có binh sĩ võ trang của ta đóng rải
rác. .Ðường đi sẽ phải mất hai ngày, chúng ta sẽ phải ngủ lại đêm nay tại
một trạm giao liên”
Phải nói rằng Hoàng Cơ Minh và đồng bọn đã mất khá nhiều
ngày giờ để soạn thảo một vụ bịp có quy củ, mặc dù đôi khi tréo cẳng
ngỗng vì ông nói gà, bà nói vịt! Ði được một đoạn đường khá xa, đến một cái đồi
dưới ánh nắng khó chịu vùng nhiệt đới thì Khải cho biết có một phụ nữ vào thăm
Khu Chiến đến đây bị sỉu nên các anh em chiến sĩ đặt địa danh cho nơi đây
là “đồi Bà Sỉu”. Rồi đến một khu đầy dây leo chằng chịt thì cũng có
tên là “đồi Tarzan”, rồi “suối Yamamoto” để kỷ niệm một thân hữu
Nhật Bổn đã vào Khu Chiến đến đây vì nóng bức quá phải xuống tắm.
Quá trưa, mọi người ngừng dưới một khu rừng rậm, bóng mát dầy
đặc, trên nhiều cây cổ thụ có những cụm lan rừng nở đầy hoa. Gần đó là vài vũng
nước đọng trên vài khối đá to bằng cánh phản đầy rêu và cung quăng bơi lội.
Khải nói địa danh này là “hồ Xuân Hương”.
Ăn trưa xong, mọi người lại khăn gói bị gậy lên đường đi một
quãng qua “Suối Mơ”, vì cách đó khoảng 500 mét có một cái thác nhỏ. Vất
vả nhất là lúc băng qua một vùng cáttrơ trụi không cây cối dài khoảng
4 cây số. Nắng trên trời chiếu xuống hắt hơi nóng dưới cát lên khiến mọi người
vô cùng khó chịu, nơi này cũng được đặt tên là “sa mạc Kháng Chiến”.
Khi mặt trời đã lặn, chúng tôi đến một nơi có sẵn một nhà sàn, mái tranh, vách
lácòn khá mới mà Khải nói đó là “trạm giao liên”.
Các anh em “chiến sĩ” chia nhau công tác, người thì đem thức ăn
ra (xôi nếp, muối vừng, cá khô, lạp xưởng...), người lo chụm lửa nấu nước,
người lo trải báo làm nơi bày thức ăn. Các anh em khác vác súng chia nhau mỗi
người một góc để bảo vệ an ninh cho mọi người.
Ðêm hôm đó, chúng tôi được nằm trên căn nhà sàn ọp ẹp, còn các
anh em “chiến sĩ” thì mắc võng nằm chung quanh. Sáng hôm sau, mặt trời vừa hừng
sáng, mọi người lại chuẩn bị lên đường. Từ đây đường đi phần nhiều dưới bóng
mát và ít phải leo trèo nên đỡ mệt. Khoảng quá ngọ, chúng tôi được hướng dẫn
leo lên một ngọn đồi đầy tre già mọc chi chít. Ðến một ven đồi, Khải chỉ cho
mọi người thấy xa xa phía dưới khoảng 5 cây số đường chim bay, có đường mòn và
rải rác vài căn nhà tranh mà Khải nói đó là “khu vực của Việt Cộng”, rồi
y phịa ra những chuyện giật gân rằng khoảng nửa năm về trước, hai chiến sĩ của
ta đã phục kích chỗ gần bản doanh của địch, phá hủy một xe Jeep, giết chết hai
tên Việt Cộng, nhưng một trong hai “chiến sĩ anh dũng” của ta đã đền nợ nước.
Cái đặc biệt là tuy chết nhưng chiến sĩ can trường của ta vẫn ôm trong người
khẩu tiểu liên!
Mỗi người tìm một chỗ dưới rặng tre để ngồi nghỉ trong khi Khải
ra lệnh cho ba chiến sĩ trong “đội thám báo” đi trước thám thính xem có
an toàn hay không. Nửa giờ sau, Khải cho biết các chiến sĩ đã trở về và cho
biết tình hình tương đối an toàn nên mọi người âm thầm luồn lách qua những rặng
tre để đi thêm khoảng 30 phút thì trong bụi rậm nhô ra“chiến hữu chủ tịch”
và “bộ tham mưu” của ông. Sau này tôi đoán 3 anh “thám báo” chỉ là “đóng
kịch” cho có vẻ quan trọng, thật ra họ đi trước báo cho Hoàng Cơ Minh biết
chúng tôi đã đến nơi để ra đón.
Hỏi: - Ngày giờ... “lịch sử” ấy là ngày nào?
Ðáp: - Khoảng 2 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 7/3/1982. Hoàng
Cơ Minh gầy gò, mảnh khảnh trong bộ bà ba đen, râu ria cũng gần giống ... già
Hồ! Ðầu tiên, “ông Chín” (bí danh của Minh) tiến đến ôm chặt, bắt
tay Phạm Văn Liễu và tươi cười nói: “Ðây là Chiến Khu của chúng ta, xin mời
tất cả các chiến hữu đi theo tôi”. Rồi ông ôm từng người và giới
thiệu các chiến hữu trong Bộ Tham Mưu gồm có thiếu tướng Tư Lệnh Lê
Hồng, bí danh Ðặng Quốc Hiền, Nguyễn Trọng Hùng, Trần Văn Lộc, Hoàng Nhật, v.v...
Ði khoảng 100 mét thì đến “đại bản doanh” (sic!) của Mặt
Trận. Ðây là một khu đất rừng khoảng hơn một mẫu tây, cây nhỏ và cỏ tranh được
dọn sạch, chỉ còn rải rác một số cây cổ thụ. Mọi người được dẫn vào “hội
trường” là một căn nhà mái tranh, vách tre dài khoảng 15 mét, rộng 5 mét. Cuối
nhà là một bàn thờ Tổ Quốc làm bằng cây rừng cao khoảng 1 mét 30, trên tường có
hình bản đồ Việt Nam đè lên lá quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ. Trên bàn
thờ ở giữa là một lư hương lớn bằng đồng khói hương nghi ngút, hai bên có hai
cây cắm nến (chandeliers) cũng bằng đồng, một bên là đĩa trái cây, một bên là
một bình bông cắm các loại hoa rừng.
Dọc theo chiều dài của các bức tường, treo rải rác những cụm hoa
lan (orchids) đủ màu sắc. Ðầu bên này căn nhà, đối diện với bàn thờ là lá quốc
kỳ VNCH được ghim chặt vào tường. Giữa căn nhà, theo chiều dài là một bàn dài
làm bằng thân cây rừng, hai bên có hai dẫy ghế dài cũng làm bằng thân cây còn
cả vỏ. Ðầu bàn hướng về phía trên bàn thờ là một ghế cá nhân có dựa tay cũng
bằng cây rừng.
Vào đến “hội trường”, Hoàng Cơ Minh ngồi trên chiếc ghế chủ tọa
và mời tất cả các “đồng chí” an tọa hai bên. Ngồi cạnh Minh bên tay mặt là
Liễu, bên trái dành cho tôi, người lớn tuổi nhất trong đám. Sau những lời chào
sáo ngữ, Minh lại “vở cũ soạn lại” kể lể và phân tích những khó khăn Việt Cộng
đương gặp phải nhất là vấn đề kinh tế lụn bại, mức sống của người dân sau 7 năm
độc lập, thống nhất vẫn đói khổ, Việt Nam được xếp hạng là một quốc gia nghèo
nhất thế giới nên dân tình oán trách, những phong trào cách mạng trong nước bí
mật thành hình chỉ chờ hải ngoại “bắn súng lệnh” là họ sẽ nhất loạt đứng lên
tiêu diệt bọn Cộng Sản khát máu.
Ðến phần phát biểu ý khiến, tôi hỏi vấn đề lương thực có đủ cho
các anh em chiến sĩ thì Minh đáp: “Nhờ tinh thần vượt mọi khó khăn, quyết tâm
diệt Cộng giải phóng quê hương nên các chiến hữu cũng như cá nhân tôi, cơm thì
ngày được ăn với cá khô, một tuần phải xen kẽ một vài bữa cháo hoa với trứng
vịt muối, đau ốm thì chỉ có aspirin và tylenol. Nói đến đây, Minh vén ống quần
lên cho tôi thấy từ đầu gối xuống đến mắt cá chân có nhiều mụn nhọt to bằng vảy
cá hay đồng quarter, rồi nói tiếp: “Chính bản thân tôi bị ghẻ lở như thế này mà
cũng không dám bỏ tiền đi khám bác sĩ.” Hít một hơi thuốc lá, Minh lại nói:
“Quần áo không ai đủ mặc, nhưng ai cũng vui vẻ hăng hái làm nhiệm vụ.” Tôi lại
hỏi: “Sao không sắm lấy ít chiếc nỏ để anh em chiến sĩ săn hươu nai, cáo
chồn... tưởng cũng giải quyết được phần nào vấn đề lương thực.” Minh cười: “Có
chứ, thỉnh thoảng cũng hạ được hoặc heo rừng hoặc mang mễn, nhưng hàng ngày thì
có hai đồng chí có kinh nghiệm cao về “bẫy chuột”. Vì sợ chuột nghe thấy nói
đến tên mình sẽ không vào bẫy nên các anh em cứ phải nói trệch hỏi nhau”hôm nay
được mấy ông chí, chứ không dám dùng danh từ “chuột”! Tôi lại hỏi có được sự trợ
giúp trực tiếp hay gián tiếp của Hoa Kỳ không, thì Minh trả lời: “Hoàn toàn
không. Trước hết chúng ta phải tự cứu và phải làm được những gì cụ thể tốt đẹp
mới mong người ngoài trông thấy rồi trợ giúp chúng ta.” Rồi ông phịa ra
câu chuyện:
“Nếu có tiền thì công cuộc giải phóng quê hương rất nhanh, vì
cách đây không lâu có một tiểu đoàn địch, khoảng 300 người, liên lạc cho biết
muốn đem cả vũ khí chạy về với chúng ta. Nhưng chúng tôi không dám nhận vì tiền
đâu mà nuôi họ ăn hàng ngày. Người nào không có quần áo, vũ khí thì tiền trang
bị vũ khí, quần áo mỗi người cũng phải tốn khoảng 200 mỹ-kim.”
Rồi Minh kết luận: “Công cuộc giải phóng quê hương là
nhiệm vụ chung của mọi người Việt Quốc Gia, tôi yêu cầu các chiến hữu khi trở
lại Hoa Kỳ hãy dùng cơ quan ngôn luận kêu gọi đồng hương khắp nơi trên thế giới
tiếp tay cùng chúng tôi thì chắc chắn quê hương chúng ta sẽ được giải phóng một
ngày không xa.”
Sau khoảng 2 giờ trao đổi ý kiến mà đúng ra là để nghe “ông
Chín” phịa ra những chuyện trên trời dưới biển, mọi người được mời tham quan
một vài nơi như nhà bếp, sân tập dượt quân sự, ngôi nhà tranh nhỏ nơi “ông
Chín” làm việc và ngủ, rồi ông dẫn đến một cái suối nước chảy rất yếu, cách
“đại bản doanh” khoảng 100 mét, được gọi là “Suối Thiên Phù”, vì - theo
lời Minh - ở một khu rừng thiêng nước độc như thế này, bỗng có một ngọn suối
nằm ngay bên cạnh Mật Khu thì quả là thượng đế thương mà phù hộ cho những người
chiến đấu vì quê hương.
Khi mặt trời đã bắt đầu lặn, chim chóc đã xào xạc bay về tổ, mọi
người được mời đến một góc rừng, dưới mấy cây cổ thụ có một bàn dài làm bằng
thân cây rừng. Ngay gần đó là một lều tranh dùng làm nhà bếp. Ông Chín ngồi đầu
bàn, mọi người ngồi hai bên. Ông Chín cho biết bữa cơm hôm nay là “đại
tiệc” vì được ăn rau, cá khô, lạp xường và ruốc thịt heo.
Sau bữa “đại tiệc”, tôi được một chiến hữu dẫn đến một căn lều
nhỏ chỉ vừa một người nằm, giữa đám cỏ tranh cao ngất. Vì có muỗi và đêm lạnh
nên anh chiến sĩ mắc cho tôi chiếc mùng cá nhân màu cứt ngựa và một mền đơn
cũng của nhà binh. Suốt hai ngày đi đường mệt nhọc, tôi nằm xuống là ngủ như
chết. Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, Liễu đến chòi tôi ngủ, ngồi bên cạnh và cho
tôi biết hôm nay, tại buổi lễ tuyên bố Bản Cương Lĩnh Chính Trị, lúc đến phần
đại diện các đoàn thể phát biểu ý kiến thì tôi là người lớn tuổi hơn cả trong
phái đoàn Hoa Kỳ sẽ được mời ra phát biểu đầu tiên. Sau những lời ca tụng sự hy
sinh và can trường của các anh em chiến sĩ, Liễu dặn tôi đừng quên tuyên bố lớn
rằng tôi sẽ “ủng hộ Mặt Trận 2.000 mỹ-kim để mua vũ khí”.
Tôi ngồi nhổm dậy bảo Liễu: “Tôi đem theo 2.000 mỹ-kim, nhưng
nằm “valise” 12 ngày ở làng Bultarit, phần nhiều ăn uống tôi phải bỏ tiền ra
trả, cộng thêm tiền mua rượu, quà tặng các anh em chiến sĩ, tôi làm gì còn đủ
hai ngàn mà tặng ai?” Liễu cười bảo tôi: “Vì có gần 30 người ở Thái và Lào
đến dự nên anh (tức tôi) chỉ làm cử chỉ cò mồi chứ đâu có phải bỏ tiền
ra mà sợ.”
Sau khi rửa mặt, tôi được một “chiến hữu” đem hành trang của tôi
gồm hai máy ảnh cùng nhiều phim ảnh và cuốn sổ đựng trong hai bao da đen, hướng
dẫn tôi đến địa điểm hành lễ là một khu bằng phẳng nằm bên cạnh đồi, phía trong
là một phiến đá thiên nhiên mặt bằng phẳng như một bức tường cao khoảng hơn 10
mét, rộng 5 mét. Một lá quốc kỳ VNCH màu vàng ba sọc đỏ vĩ đại được căng thẳng
trên mặt tường đá. Phía dưới có ba hàng ghế dài để Chủ Tịch và Ban Tham Mưu
ngồi hàng ghế trước, còn các đồng bào và phái đoàn các nước ngồi hai hàng ghế
sau. Những khẩu hiệu dài nền vàng chữ đỏ được giăng từ cây cổ thụ này sang cổ
thụ kia kín cả khu hành lễ. Dưới mỗi khẩu hiệu là những lá quốc kỳ VNCH treo
dày đặc như một rừng cờ.
Ðến địa điểm hành lễ khoảng 8 giờ, tôi thấy ông Minh và mọi
người trong Bộ Tham Mưu đã có mặt đầy đủ. Ông Minh, Liễu và Lê Hồng ra đứng nơi
chiếc cổng duy nhất để đón các đơn vị võ trang vào tham dự buổi lễ. Loa phóng
thanh bắt đầu hô to: “Ðây là tiểu đoàn Pháo Binh 27 vào khu hành
lễ” thì khoảng 20 anh chị em chiến sĩ vũ trang đủ loại súng săn cổ lỗ
sĩ, mousquetons, tiểu liên AK..., đi đầu là chiến hữu chỉ huy đơn vị
vừa đeo súng vừa vác hành lý, cùng đi hàng một qua chiếc cổng được “chiến hữu
Chủ Tịch” tươi cười vỗ tay đón chào. Rồi đại đội “Thám Báo 36”, trung đoàn
“Xung Kích 45”, “trung đội Cảm Tử 72”, vân vân và vân vân...
Ðiều đáng chú ý là số của mỗi đơn vị, nếu cộng lại đều thành số
hên “9 nút”. Khoảng gần 200 chiến sĩ vừa đực vừa cái
lần lượt vào đứng chung quanh khu hành lễ. Tôi đứng chụp hình khi họ đi qua
khiến tôi lại nhớ đến cái đoàn quân “Tàu phù ô hợp” của Lư Hán khi
sang miền Bắc nước ta tước võ khí quân đội Nhật năm 1945. Có những
chiến sĩ lối phục sức. mặt mày, tóc tai khá kỳ dị!
Trong lúc hành lễ, lợi dụng đệ tứ quyền của một nhà báo tôi len
lỏi đi vào những nơi các binh sĩ đứng để chụp ảnh và phỏng vấn một số chiến sĩ
đứng phía sau thì không ai thèm trả lời! Ðến một nơi khác, tôi
lại hỏi thì một chiến sĩ người Việt bảo tôi: “Họ là người Lèo, đâu có
biết tiếng Việt mà bác hỏi!” Thì ra, Bộ Tham Mưu Mặt Trận đã thuê
khoảng 3/4 số người Lèo giả là binh sĩ đứng phía sau với mục đích “mập mờ đánh
lận con đen” để chúng tôi chụp hình quay phim quảng cáo với đồng hương rằng lực
lượng của Mặt Trận có nhiều, rất nhiều, nhưng chỉ có một số tối thiểu từ các
mặt trận gần về tham dự mà thôi. Thật ra thì thực lực quân số của Mặt
Trận vỏn vẹn có khoảng không hơn 40 thanh niên ốm yếu lấy từ các trại tị nạn ra.
Buổi lễ khởi sự bằng nghi lễ thông thường: chào quốc kỳ, phút
mặc niệm, đến diễn văn khai mạc của ông Phan Thái Hòa, lời hiệu triệu chiến sĩ
của tướng Ðặng Quốc Hiền (Lê Hồng), diễn văn của Trần Trung Sơn (Phạm Văn Liễu)
rồi kế tiếp là “hịch” của chủ tịch Hoàng Cơ Minh; sau đó Bản
Cương Lĩnh được đọc to, mọi người đồng loạt giơ quả đấm lên cao hô to “Việt Nam
Ðộc Lập Muôn Năm! Ðả Ðảo Cộng Sản!” Sau đó một số chiến sĩ được tuyên dương
công trạng và được gắn huy chương trong đó có bà Cao Thị Phượng Loan (vợ
Nguyễn Chí Trung), Trần Văn Lộc là hai người có công tiếp tế
đều đều cho Mặt Trận. Chiến sĩ Hoàng Nhật được khen thưởng vì đã chỉ huy mặt
trận tả ngạn sông Cửu Long đánh nhiều trận làm đối phương thiệt hại lớn về nhân
mạng và vũ khí (sic!). Cuối cùng là phần phát biểu của đại diện các phái đoàn
và đoàn thể. Tôi được mời đầu tiên.
Hỏi: - Bác vẫn nhớ lời Liễu dặn đấy chứ?
Ðáp: - Nhớ lắm chứ! Ðó là “nghề của chàng mà”! Năm 1945 tham gia “Mặt
Trận Kháng Chiến Nam Bộ” tôi bị thực dân bắt cùng Huỳnh Tấn Phát nhốt trong
Khám Lớn Sài Gòn 18 tháng. Ở trong tù tôi đã tham dự một lớp huấn luyện về tài
hùng biện trước công chúng nên sau khi lớn tiếng ca ngợi “lòng hy sinh dũng cảm
vô biên của các chiến sĩ, con yêu của tổ quốc Việt Nam đã vì đại cuộc mà hy
sinh cả gia đình hạnh phúc, lẫn cuộc sống đầy tiện nghi tại các quốc gia văn
minh về đây hăng say làm lại lịch sử. Ðể tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa đó
tôi xin ủng hộ Mặt Trận số tiền hai ngàn mỹ-kim để mua thêm súng đạn diệt thù.
Tôi mong rằng hiện diện tại đây cũng có nhiều vị mạnh thường quân yêu nước sẽ
nhiệt liệt ủng hộ không những tinh thần mà cả vật chất để các anh em chiến sĩ
có thêm phương tiện làm tròn sứ mạng”.
Sau khi tôi dứt lời, tiếng vỗ tay vang dội cả khu rừng. Khoảng
12 giờ thì buổi lễ bế mạc, sau khi tiễn phái đoàn Việt kiều ở các nước lân bang
ra về, ông Chín vui mừng hướng dẫn chúng tôi đi tham quan một số cơ sở kể cả
việc dẫn vào một hang đá trong đó có một máy điện nhỏ cũ rích và một số
dụng cụ mà ông Chín nói đó là để thiết lập đài phát thanh. “Vì không
có tiền”, ông Chín nói tiếp, “nên cứ phải mua dần dần mà chỉ dám mua đồ cũ chớ
tiền đâu mà mua dụng cụ mới! Chỉ trong một thời gian ngắn chờ một số máy móc ở
Nhật gửi về đài phát thanh sẽ có thể hoạt động, chắc chắn vùng Ðông Nam Á, nhất
là Việt Nam có thể nghe rất rõ tiếng nói của Mặt Trận!”
Chiều hôm đó, ông Chín dành cho tôi và chú Nguyễn Ngọc An của
Ðài CBS lần lượt phỏng vấn. Trong lúc phỏng vấn, ông Minh nhắc đi nhắc lại rằng
chú Ấn và tôi phải giữ tuyệt đối bí mật địa danh của Mật Khu và khi trở về Hoa
Kỳ tôi phải dùng mọi phương tiện thông tin để thuyết phục đồng hương Việt Nam
khắp thế giới hãy yểm trợ “tất cả cho Mặt Trận” thì đại sự mới mau thành công.
Ông nói ông và các chiến hữu của ông đã uống máu ăn thề rằng con đường độc đạo
họ phải đi là con đường “Ðông Tiến” hướng về quê hương Việt Nam, kẻ nào đi giật
lùi kể cả ông Minh, những người phía sau có quyền xả súng. Ông và các chiến hữu
của ông cũng đã quyết liệt nói với vợ con rằng chỉ sau khi Việt Nam được thật
sự giải phóng khỏi ách thống trị của Cộng Sản thì họ mới trở lại với gia đình;
ngược lại hãy coi họ như đã đền nợ nước. Sau cuộc phỏng vấn, tôi ngỏ ý cho Minh
biết hôm sau chú Ấn và tôi sẽ quay phim, chụp ảnh đời sống của các anh em chiến
sĩ đồng thời phỏng vấn họ thì Minh nói ngay rằng các chiến sĩ, sau buổi lễ đã
trở về đơn vị tác chiến hết, chỉ còn vài chiến hữu ở lại canh gác, không còn ai
mà phỏng vấn. Minh cho biết, sáng sớm hôm sau, điểm tâm xong thì tất cả các
chiến hữu trong hai phái đoàn Hoa Kỳ và Nhật cùng ra về. Tôi ngạc nhiên hỏi tại
sao không cho chúng tôi ở thêm một ngày nữa để nghỉ ngơi và có dịp quan sát
doanh trại thì Minh nhanh trí trả lời: “Trước khi các chiến hữu vào thì
chúng tôi mong từng giờ từng phút, nhưng sau khi hành lễ xong thì chúng tôi lại
mong quý chiến hữu rời nơi này càng sớm càng tốt, sợ số người từ các quốc gia
khác đến tham dự buổi lễ có Cộng Sản trà trộn, họ về từ chiều hôm qua có đủ thì
giờ báo cho địch biết đem máy bay đến bỏ bom tàn sát, trách nhiệm đó ai chịu?
Tôi mong các chiến hữu thông cảm.”
Tôi đi lang thang gặp một số cán bộ hỏi dò: “Mặt Trận có bao
nhiêu chiến khu?” người thì nói rất nhiều, người thì nói năm sáu chiến khu. Về
quân số thì họ “tiết lộ” rằng có nhiều ngàn người rải rác trên các mặt trận, kể
cả tại quê nhà vùng giáp ranh Việt Lèo. Có chiến hữu cho tôi biết đây là Ðại
Bản Doanh số 7, nhưng mươi phút sau hỏi một chiến hữu khác trong Bộ Tham
Mưu thì lại xác nhận đây là Bản Doanh số 9. Hỏi một binh sĩ
thì anh này “tân binh” nên nói thật: “Cháu vào đây gần 3 tháng, nhưng
có đánh đấm gì đâu.”
Lúc chúng tôi rời Mật Khu, ông Chín đứng chặn lối ra bảo tôi:
“Bác Hoàng Xuyên là người lớn tuổi hơn cả, yêu cầu bác nói với tất cả các anh
em trong hai phái đoàn Nhật và Hoa Kỳ chụp được bao nhiêu cuốn phim,
xin đưa cho tôi, tôi sẽ giao cho hai chiến hữu võ trang đi theo. Khi đến
Bangkok sẽ trả lại đầy đủ cho các chiến hữu, vì sợ đến chỗ đồn canh, lính Thái
xét tịch thu hết thì không lẽ chúng ta lại tổ chức lại buổi lễ để chụp hình
quay phim hay sao?” Tôi làm theo lời Minh yêu cầu, thu tất cả phim đưa cho
Minh, nhưng riêng tôi, có hai cuốn mỗi cuốn 36 kiểu chụp hết rồi nhưng tôi ngại
lấy ra cứ để trong máy, nhờ đó mà sau này còn có một số ảnh phổ biến.
Hỏi: - Cũng có khá nhiều ảnh Chiến Khu được phổ biến trên các báo,
nhất là trên tờ VNTP, vậy ảnh ấy của ai?
Ðáp: - Tôi đã nói tôi còn hai cuốn phim, mỗi cuốn 36 kiểu nằm trong
hai máy ảnh, là phim tôi chụp buổi lễ, tôi không đưa ông Minh nên mới có ảnh mà
in lên các báo. Một điều tự tố cáo cái mưu mô xảo quyệt của Mặt Trận là
lúc vào làng Bultarit đến Chiến Khu thời gian đi mất hai ngày, nhưng khi trở ra
bằng đường tắt bằng phẳng dễ đi, lại chỉ mất có hơn hai giờ.
Hỏi: - Bịp bợm như thế với mục đích gì?
Ðáp: - Tôi đoán, có lẽ lúc đầu họ bàn với nhau dẫn phái đoàn đi
vòng vo trong rừng để họ nói láo rằng Mật Khu nằm trên lãnh thổ Cao Miên. Nhưng
sau, họ đổi ý dẫn về bằng đường tắt cho chính họ đỡ vất vả.
Hỏi: - Lúc đi vào “mật khu”, bác và mọi người không biết họ dẫn
đi vòng vo tam quốc hay sao?
Ðáp: - Làm sao định hướng được, nhất là họ dẫn vào những khu rừng già
dày đặc, tối om, có chỗ người hướng dẫn phải dùng dao chặt những cây nhỏ để có
lối đi. Lấy một thí dụ, chúng ta được dẫn đến một khu phố đông đúc ở bất cứ
thành phố nào rồi bảo ta tìm đường về khách sạn, ta có làm được không? Chiến
hữu Chủ Tịch rời Chiến Khu sau chúng tôi, thế mà khi chúng tôi đến khách sạn ở
Bangkok đã thấy chiến hữu chủ tịch có mặt ở khách sạn, tắm rửa, thay quần áo
sạch sẽ rồi. Chiến hữu chủ tịch tìm tôi và gặp ở chân cầu thang, câu
đầu tiên chiến hữu chủ tịch hỏi: “Bác Hoàng Xuyên hứa ủng hộ Mặt Trận
2.000 dollars, một số anh em chiến sĩ chờ bác đưa tiền để họ đi mua súng đạn
ngay!” Tôi ngạc nhiên hỏi lại Minh: “Thế anh Liễu không nói gì với
anh à?” Minh lắc đầu. Tôi yêu cầu Minh cho tôi vài phút để gặp Liễu rồi sẽ
nói chuyện lại. Gặp Liễu, tôi cằn nhằn thì Liễu cười nham nhở xin lỗi vì nhiều
việc nên quên chưa nói cho Minh biết và Liễu hứa sẽ tìm ngay Minh để nói rõ vấn
đề. Sau khi gặp Liễu, chỉ năm phút sau gặp lại tôi, Minh đổi ngay thái
độ thờ ơ, mặt lạnh như tiền! Tôi hơi khó chịu, nhưng vẫn hỏi về những
cuộn phim thì Minh bảo tôi hỏi một chiến hữu khác, tồi chiến hữu khác lại chỉ
cho một chiến hữu thứ ba, rốt cuộc không ai biết ai là người giữ mấy
chục cuộn phim! Rứa là... hòa cả làng
Hỏi: - Lạ nhỉ! Sao họ lại muốn giữ độc quyền, không muốn để các người
thông tin có tài liệu phổ biến những cái họ muốn quảng bá? Phái đoàn Hoa Kỳ sau
khi rời Bangkok thì đi đâu, có chuyện gì xảy ra không?
Ðáp: - Câu trả lời này xin nhường cho các “quan” có thẩm quyền
trong Mặt Trận. Trên đường trở về Hoa Kỳ, chúng tôi theo Liễu ghé Tokyo một
tuần lễ để Liễu họp các anh em trong nhóm “Người Việt Tự Do”. Chúng tôi được
thông thả nên rủ Tài đi Atami thăm ông bạn đồng tuế Lê
Văn Quý, một nhà bác học Việt Nam nổi tiếng đã từng bán trên 200
bằng sáng chế (inventions) cho Chính Phủ Nhật. Ngồi trên xe lửa tốc
hành, tôi nói cho Tài biết những cái “tréo cẳng ngỗng” trong Mật Khu, tôi nghi
đây lại là một trò bịp mà nếu chúng tôi không khéo sẽ bị vạ lây. Tôi nhắc lại
số lượng các chiến sĩ tham dự buổi lễ phần đông là người Lèo, số các đơn vị
chiến đấu đều “9 nút”, những lời tuyên bố trái ngược nhau, tại sao lại dẫn
đường đi vòng vo trong rừng đến hai ngày trong khi chỉ cần vài giờ. Tại sao lại
lừa dối để chiếm mấy chục cuộn phim, thái độ lạnh nhạt của Minh về số tiền
2.000 dollars, vân vân. Tôi nói khi trở lại Hoa Kỳ có lẽ tôi sẽ không viết lách
gì cả. Lập tức Trường Sơn Bổn Tài nổi khùng liền lên lớp tôi:
“Cháu nghĩ rằng bác là tay sai Cộng Sản thì hãy có ý nghĩ bất hợp tác như
thế! Bác nên nhớ khi Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản Ðông Dương trong
hang Pác Bó chỉ có ba người. Thế mà, sau khi được quần chúng tích cực tham gia
ủng hộ, họ đã giành được độc lập trong tay thực dân Pháp và làm cho Mỹ phải bỏ
chạy khỏi Ðông Dương. Vạn sự khởi đầu nan, bác phải để cho người ta có cơ hội,
có đà vươn lên đại sự mới thành công được. Chưa gì bác đã định phá hoại ngay
thì chỉ có địch mới có những hành động vô trách nhiệm như thế!” Ðể tránh một
cuộc tranh luận với một người trẻ đương đầy nhiệt huyết, tôi cáo lỗi rời chỗ đó
đi về phía phòng vệ sinh.
Hỏi: - Tại sao bác viết cho VNTP?
Ðáp: - Về đến nhà hai tuần lễ, tôi vẫn ở trong tình trạng bất
động trong khi Hồ Anh hàng ngày hai ba lần điện thoại hối thúc tôi viết bài, sợ
để lâu tin tức sẽ thiu (stale news). Tôi nói rõ tất cả cho Hồ Anh biết những
uẩn khúc, nghi kỵ tai nghe mắt thấy của tôi, kể cả việc Minh và Liễu dặn chú Ấn
(CBS) và tôi đánh lạc hướng đường vào Mật Khu, thì Hồ Anh nói việc ấy không
quan trọng. Cuối cùng Hồ Anh bảo tôi cứ viết lại đầy đủ để anh ta định liệu.
Loạt bài du ký “Về Thăm Chiến Khu Vùng Giải Phóng” được đăng trên VNTP từ số
151 (ngày 1/5/1982) đến số 156 (ngày 16/7/1982).
Sau loạt bài của tôi thì hầu như, trừ những người cố hữu chống
đối Mặt Trận vì lý do này hay lý do khác, tất cả người Việt hải ngoại đều thật
sự lên cơn sốt, ai cũng phải công nhận từ trước đến giờ chưa có một phong trào
đấu tranh nào được hầu hết mọi người cuồng nhiệt ủng hộ như Mặt Trận HCM. Những
“Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến” được mọc lên khắp đó đây trong một thời gian
kỷ lục. Riêng ở Hoa Kỳ tại bang Cali, ngoài “Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến” địa
phương, người ta còn thành lập ở các công tư xưởng, hãng buôn những nhóm “yểm
trợ kháng chiến” riêng rẽ do một người được anh chị em bầu lên làm “Trưởng ban”
có nhiệm vụ thâu tiền yểm trợ hàng tháng của mọi người trong nhóm không cần
biết người đó có ưng thuận đóng góp hay không. Nơi thì họ ấn định tiền yểm trợ
tính theo bách phân (percentage) của tiền lương mỗi cá nhân. Tại các siêu thị,
các phòng mạch bác sĩ, nha sĩ, bệnh viện, rạp hát, rạp chiếu bóng và cả tư gia
cũng có những “Hộp Kháng Chiến” để mọi người có dịp tham gia tỏ lòng yêu nước.
Ngoài ra, người ta còn thường xuyên tổ chức, tại những đô thị lớn trên khắp thế
giới những nơi có đông người Việt cư ngụ, những đêm liên hoan, văn nghệ có
chiếu phim Kháng Chiến với giá vé cắt cổ, vậy mà những rạp hát chứa năm sáu
ngàn người không còn chỗ trống.
Hỏi: - Thời gian đó nhiệm vụ của bác làm gì?
Ðáp: - Người ta yêu cầu tôi đóng vai “nhân chứng sống” phải
khoác vào người bộ áo bà ba đen, đi giép râu, quàng khăn rằn ri đến các nơi tổ
chức văn nghệ để ba hoa chích chòe kể lể cuộc hành trình đầy... gian khổ vào
Mật Khu! Cũng có những nơi như Sacramento, Oregon mời cá nhân tôi đem cuốn phim
đến chiếu và nói chuyện tại một rạp hát cho hàng ngàn người nghe. Tôi cũng khá
bận rộn vì các báo, đài truyền hình Mỹ đến phỏng vấn. Ðiều lạ lùng nữa là, tôi
không là cái quái gì trong Mặt Trận, thế mà mỗi buổi tối khách vào ra nườm
nượp!
Hỏi: - Bác có nghĩ rằng bác cũng chịu một phần trách nhiệm về sự lừa
bịp của Mặt Trận không?
Ðáp: - Nào có ai nghĩ đến chữ “ngờ”, nhất là trước đó các báo
đã không ngớt lời ca tụng ông Minh là một tướng sạch, đứng đắn và ông Liễu là
một chuyên viên đảo chánh nặng lòng với quê hương đất nước, tin cậy được. Ai
cũng tưởng các ông ấy kháng chiến thật chớ nếu biết họ bịp bợm thì riêng tôi,
được ăn cái “dải rút” gì đâu mà mất công ủng hộ các ông ấy! Nếu kết tội tôi thì
những người khác cũng có tội “ngây thơ” nên bị bịp lừa như tôi. Tóm lại, anh
em Hoàng Cơ Minh biết lợi dụng đúng lúc, đúng thời điểm lòng căm thù Cộng Sản
của người Việt bỏ nước ra đi đã lên đến tột độ, tổ chức kháng chiến để tha hồ
móc túi đồng hương một cách công khai vô tội vạ. Cũng có thể, lúc mới
đầu Hoàng Cơ Minh định dấn thân thật sự kháng chiến giải phóng quê hương, nhưng
sau thấy đường về Việt Nam dài quá, vạn triệu khó khăn nguy hiểm không khác gì
đường lên Hỏa tinh trong khi tiền yểm trợ ồ ạt vào như nước, lòng yêu nước bị
lòng tham chi phối, Minh lơ là để mấy ông em, nhất là Hoàng Cơ Ðịnh,
một người trẻ tuổi đầy tham vọng, tha hồ thao túng bằng cách dựa trên uy thế và
tiền tài của Mặt Trận, dùng sắt máu thẳng tay đàn áp những người dám chống đối
Mặt Trận.
Hỏi: - Theo sự xét đoán của bác thì Mặt Trận có ai về được Việt Nam
chưa?
Ðáp: - Tôi tin chắc 100% rằng chưa, mặc dù tờ
báo Kháng Chiến của Mặt Trận thường đăng những tin giật gân tưởng tượng nào là
quân du kích của Mặt Trận vẫn tung lựu đạn vào xe quân sự của địch, đặt bom phá
hủy nhiều cơ sở địch ngay tại Sàigon Chợlớn hoặc các chiến sĩ Mặt Trận đã phục
kích đoàn xe quân sự địch trên đường Sàigòn Ðàlạt đốt nhiều xe và giết nhiều
địch, vân vân. Nếu quả những biến cố này thật sự xảy ra thì không thể nào bưng
bít được bọn phóng viên quốc tế.
Ngoài ra, thời gian đó, nhiều đồng hương được gia đình bảo lãnh
đi thẳng từ Sàigòn sang Hoa Kỳ bằng máy bay, rất ngạc nhiên về những tin thất
thiệt của tờ Kháng Chiến. Họ nói ở Sài Gòn vẫn yên tĩnh, không hề nghe
thấy báo chí hay ai nói đến những “chiến công” mà tờ báo Kháng Chiến đã trắng
trợn tưởng tượng phịa ra. Thật là chuyện “đêm giữa ban ngày”!
Hỏi: - Thời điểm nào bác ngưng hoạt động cho Kháng Chiến?
Ðáp: - Ngày 16/4/1982 Hoàng Cơ Minh đến Santa Ana mà các báo chí loan
tin bịp rằng “Phái đoàn Mặt Trận do chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh cầm đầu từ
quốc nội (sic) đến thăm đồng hương hải ngoại. Một cuộc meeting khoảng trên
5.000 người tụ tập lại tại một rạp hát để đón Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đến có xe
máy dầu cảnh sát Mỹ hộ tống. Người ta coi Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh như một vị cứu
tinh dân tộc. Khi ông Minh bước ra khỏi xe thì tiếng hoan hô vang dội, người ta
xúm lại công kênh ông Minh lên cao như công kênh một cầu thủ túc cầu đã đá lọt
lưới đối phương nhiều bàn.
” Ngày 17/4/1982 Minh chủ tọa một cuộc họp báo có Trần Minh Công
ngồi bên. Dưới hàng ghế ký giả có tôi. Khi nghe Minh lớn tiếng tuyên bố “Mặt
Trận hiện có 10.000 chiến sĩ võ trang đầy đủ đương chiến đấu rải rác tại nhiều
nơi ở quê nhà”, tôi vô cùng sửng sốt vì một câu tuyên bố quá láo khoét thốt
ra từ cửa miệng một người lãnh đạo. Bởi vì, nếu quả thật Mặt Trận có đến 10.000
người võ trang đầy đủ thì chắc chắn đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ, mà
đã có đụng độ thì không tài nào giấu nhẹm được bọn phóng viên quốc tế.
Thật sự lực lượng Mặt Trận có khoảng không đầy 50 người.
Nếu nói phét thổi phồng thành 500 đã là quá, còn có thể nghe được. Cho ra con
số 10.000 là khinh thường dư luận quốc tế, khinh thường đồng hương và là một
điều vô ý thức, nếu không muốn nói là ngu xuẩn!
Tôi lập tức ra khỏi phòng họp báo và gọi ngay điện thoại cho
Liễu biết kể từ giờ phút đó, tôi không còn dính líu đến Mặt Trận, và dù vé máy
bay đã mua rồi tôi cũng sẽ không dự “Ðại Hội Chính Nghĩa” tại Hoa Thịnh Ðốn
được tổ chức vào tháng sau. Không tham dự đại hội này để làm trò hề, Liễu giận
tôi lắm. Hai năm sau có một sự nứt rạn giữa Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu.
Vì sợ mọi trách nhiệm về tiền bạc sẽ đổ lên đầu mình, Liễu quyết
liệt bằng những văn thư chính thức yêu cầu Phan Vụ Quang (tức Hoàng Cơ Ðịnh)
phải trình cho Liễu xem sổ sách kế toán, thì lập tức Hoàng Cơ Minh dùng quyền
của mình thẳng tay cách chức Liễu cho Nguyễn Kim Hườn thay thế. Nhờ hai bên tố
nhau, những bí mật bịp bợm của Mặt Trận được bật mí cho công chúng biết. Tôi rất mừng đã
dứt khoát lánh xa Mặt Trận.
Tiện đây tôi cũng nói phớt qua về cụ Phạm Ngọc Lũy,
đối với tôi không hề có “ân oán giang hồ”, tôi vẫn kính mến mặc dù cụ ít tuổi
hơn tôi. Một vài thân hữu tỏ vẻ tiếc tiền vì đã mua lầm hai cuốn hồi ký mà cụ
không hề nói lên được điểm nào mà mọi người trông đợi về cái bịp bợm của Mặt
Trận mà cụ là chủ tịch ủy ban yểm trợ trung ương khiến đã có lần tờ VNTP đưa
nghi vấn là cụ cũng có chia “verbe”. Trọn hai cuốn hồi ký cụ chỉ kể lể “cái
thằng tôi đáng ghét” lẫy lừng của cụ. Họ cũng cho biết có khoảng một
dòng rưỡi viết về tôi (Hoàng Xuyên) thì cụ lại dùng ngôn từ hằn học,
thiếu vô tư, ngụ ý bênh Hoàng Cơ Minh và trách cứ về việc tôi bỏ phòng họp báo
để chống đối lời nói khoác lác quá trớn của Hoàng Cơ Minh.
Hỏi: - Theo bác, thì Hoàng Cơ Minh có thật đã bị giết chết ngày
26/8/1987 mà các báo đã đăng tải?
Ðáp: - Lúc ở trong “Mật Khu”, tôi đã chụp chân dung Hoàng Cơ Minh
nhiều khía cạnh để sau này có tài liệu đắp tượng ông ta là vị... “anh hùng dân
tộc”, nên khi tấm ảnh ông Minh nằm chết đăng trên báo thì đem những tấm hình đã
chụp ra so sánh, tôi xác nhận đó là Hoàng Cơ Minh.
Hỏi: - Vì sao người ta lại cố giấu nhẹm việc Hoàng Cơ Minh chết?
Ðáp: - Tôi phân tách theo ngu ý của tôi, nếu Mặt Trận tuyên bố
Hoàng Cơ Minh chết thì ai là người kế vị? Hoàng Cơ Long, bí danh Lý Thái Hùng,
người lùn thấp, hình dáng kỳ dị, không thể thay Minh được; Hoàng Cơ Ðịnh trẻ
quá, hiếu thắng, thiếu chín chắn, làm lãnh tụ sẽ không ai theo; Nguyễn Kim
Hườn, bí danh Nguyễn Kim, một cựu thiếu tá lái trực thăng của Không Lực VNCH,
là một thanh niên cowboy sở trường về ăn chơi hơn là đấu tranh. Vấn đề quan
trọng là nếu loan tin Minh chết, tất cả cái “chaine” hàng trăm hiệu Phở Hòa ở
Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới sẽ không ai chịu đóng “hụi chết” hàng tháng cho
Mặt Trận nữa. Những cơ sở thương mại khác cũng sẽ ra mây gió. Vấn đề yểm trợ
cũng sẽ tan rã ngay. Trong tam thập lục kế thì “kế ngậm miệng” là thượng sách
để kéo dài thời gian móc túi đồng hương thêm được đồng nào hay đồng nấy, rồi
mai hậu trước việc đã rồi, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu.
Hỏi: - Tin Hoàng Cơ Minh chết đã hơn 10 năm qua, ai cũng biết là
ông ta thật sự chết rồi, sao đến nay vẫn có người hăng say làm việc cho Mặt
Trận?
Ðáp: - Những cơ sở kinh tài vẫn làm ra tiền thì khi đã sẵn đồng
tiền trong tay, thiếu gì kẻ lạy lục để xin việc làm, vừa được trả lương tháng
hậu hĩnh vừa được tiếng ra cái điều ta cũng đấu tranh chống Cộng.
Hỏi: - Bác có biết vì sao Hoàng Cơ Minh bị giết không?
Ðáp: - Năm 1993, tôi về Việt Nam ghé Bangkok chơi một tuần, người
ta kể cái chết của ông Minh như sau, xin kể lại đúng nguyên văn, còn đúng hay
sai tôi hoàn toàn không có ý kiến! Họ nói rằng khi nhiều “chiến khu” của người
Việt được tổ chức trên lãnh thổ Thái Lan thì Chính phủ Cộng Sản Việt Nam gửi
công hàm chính thức trách Chính phủ Thái Lan đã dung túng những phần tử chống
đối họ, lập chiến khu trên đất Thái để mưu đồ lật đổ Chính phủ Cộng Sản Việt
Nam. Họ yêu cầu Chính phủ Thái dẹp ngay những “chiến khu” ấy đi, nếu không họ
sẽ đem xe thiết giáp vượt biên giới tàn sát tất cả. Tưởng là CSVN chỉ đe dọa
suông thôi nên giới chức địa phương Thái Lan chỉ “cảnh cáo” những người sống
trong các “chiến khu” kia nên kín đáo hơn, chớ không có biện pháp cương qưyết,
vì còn muốn kéo dài để thu tiền thuê hàng tháng. Thấy chính phủ Thái lơ là,
CSVN liền gởi tối hậu thư (ultimatum) cho Chính phủ Thái cho hạn ba tháng nếu
những “chiến khu” nêu trên chưa dẹp thì CSVN sẽ đem quân đội và xe bọc sắt vượt
biên giới xan bằng tất cả khu đó, mọi thiệt hại về vật chất và nhân mạng Chính
phủ Thái hoàn toàn chịu trách nhiệm. Lần này Chính phủ Thái triệu tập phiên họp
bất thường tại Quốc Hội để bàn về việc CSVN khiếu nại và quyết định cấm không
ký chiếu khán nhập nội (entry visa) cho Hoàng Cơ Minh. Các chiến hữu trong Mặt
Trận lúc đó mới thật sự lo lắng, một mặt báo cáo cho Hoàng Cơ Minh biết, một
mặt tìm địa điểm rời Chiến Khu về phía Tây Bắc. Khi tìm được địa điểm rồi, họ
vận động xin Chính phủ Thái cho phép Hoàng Cơ Minh đến Thái Lan lần chót để dọn
Chiến Khu sang đất Lào, nhưng sự thực vẫn nằm trên lãnh thổ Thái, sát với biên
giới Lào. Chính phủ Thái ưng thuận. Minh đến Thái Lan vào Mật Khu họp tất cả
mọi người để dùng ba tấc lưỡi trấn an các chiến hữu. Khi nói chuyện xong thì có
ba chiến hữu trẻ tuổi tuyển mộ từ các trại tị nạn đứng lên xin phát biểu. Họ
nói họ sống trong chiến khu đã hơn hai năm mà không thấy đánh đấm gì cả trong
khi hàng ngày tinh thần họ vô cùng bị căng thẳng vì sự đe dọa của quân đội CSVN
sẽ tràn sang tàn sát bất cứ giá nào. Minh dùng mọi lời lẽ để thuyết phục, nhưng
một anh chàng khăng khăng nhất định xin ra khỏi Mật Khu để trở về trại Tị Nạn.
Sáng hôm sau hai người còn lại thấy bạn mình bị mất tích một cách bí mật trong
đêm vừa qua nên hết sức sợ hãi về số phận của mình. Họ kín đáo ra vẻ vui lòng ở
lại, rồi chờ ít ngày sau trong lúc thuận tiện cả hai đều vượt Mật Khu và dặn
một người bạn thân ở lại báo tin cho họ biết đích xác ngày dọn chiến khu. Họ
quyết tâm trả thù cho người bạn xấu số bằng cách mật báo cho quân Pathet Lào
biết quân số, võ khí của Hoàng Cơ Minh. Ðúng ngày đã định, đoàn quân vỏn vẹn
không quá 50 người, kẻ khiêng, người vác lương thực và một số ít ỏi vũ khí. Khi
đến một khu rừng già thì quân Pathet Lào đông gấp 5 lần phục kích bao vây tứ
phía giết trên 20 mạng, bắt sống 19 người đem về giao cho CSVN. Vài ngày sau,
lấy khẩu cung những tù binh đều khai trong số những người bị bắn chết có Hoàng
Cơ Minh. CSVN lại cho người trở lại nơi phục kích thì tìm thấy xác Hoàng Cơ
Minh nên chụp ảnh rồi loan báo cho các báo chí biết.
Ngày 25/4/1997 vừa qua đi hành hương tại chùa Tây Tạng ở Quận
Pomona, California, tình cờ gặp Lê Tấn K đã giữ một vai trò quan trọng của Mặt
Trận trong lúc phôi thai, quả quyết với tôi rằng Hoàng Cơ Minh chỉ mới chết hồi
tháng 10 năm 1997. Tôi hỏi tin Hoàng Cơ Minh chết rất bất lợi cho Mặt Trận tại
sao lại để đến hơn 10 năm vẫn không cải chính mà cải chính thì khó khăn gì,
Hoàng Cơ Minh chỉ cần tìm một anh ký giả tầm thường nào chụp chung một tấm ảnh
để họ loan tin, thế là đủ cải chính mọi tin tức sai lầm từ trước và đưa uy tín
Mặt Trận trở lại. Nếu còn sống sao hồi cuối năm 1994 khi Mặt Trận kiện Cao Thế
Dung, Hồ Anh và Nguyên Vũ đã vu khống Mặt Trận thuê người giết vợ chồng ký giả
Lê Triết, được xử tại tòa án San Jose trong 21 ngày có tôi tham dự. Luật sư
Nguyễn Tâm, biện hộ cho bên bị, đã thẳng thắn chỉ vào mặt Hoàng Cơ Ðịnh tức
Phan Vụ Quang nói rằng: “Các ông là những người chuyên môn bịp bợm, chuyên môn
nói láo. Nếu các ông vẫn nói láo rằng Hoàng Cơ Minh hiện nay còn sống thì xin
cho biết hiện ông ta ở đâu?” Bị đưa vào chỗ bí, Ðịnh trả lời “ấm ớ hội tề” rằng
Minh di chuyển thường xuyên nên không nhất định ở đâu! Một lãnh tụ lớn của một
phong trào mà đi đâu, ở đâu lại không liên lạc cho những yếu nhân trong Bộ Tham
Mưu biết thì điều đó nói với con nít chúng cũng không tin! Ðén đây Lê Tấn K trả
lời cù nhầy rằng nếu muốn biết sự thật về cái chết của Hoàng Cơ Minh, xin hỏi
bà Châu nào đó là người làm bảo hiểm cho Minh.
Hỏi: - Bác nói vì trong vụ Mặt Trận kiện Hồ Anh và báo VNTP năm
1994, bác từ chối không nhận làm chứng theo lời yêu cầu của luật sư nên Hồ Anh
đã trở mặt “bôi bẩn” bác trên báo VNTP, xin cho biết thêm chi tiết.
Ðáp: - Trong 21 ngày đến San Jose hầu tòa, Hồ Anh đến ăn ở nhà
tôi. Hàng ngày tôi lấy xe chở anh ta đến Tòa để cùng tham dự rồi tan giờ lại
chở hắn về. Trước ngày xử, luật sư Tâm, biện hộ cho Hồ Anh yêu cầu tôi nhận làm
chứng cho Hồ Anh bằng cách “lật tẩy” những trò bịp bợm trong chiến khu. Tôi từ
chối vì lớn tuổi không muốn gây ân oán giang hồ với ai nữa. Thế là Hồ Anh tỏ vẻ
khó chịu với tôi, y bắt tôi phải lái xe phạm luật lưu thông khiến đã có lúc tôi
định ngưng xe giữa đường đuổi hắn xuống tìm taxi mà đi. Tôi về kể lại chuyện
cho tiện nội nghe, thì bà vợ tôi khuyên nên cố gắng nhẫn nhục giữ hòa khí, vì
chỉ còn ít hôm nữa tòa xử xong, hắn sẽ cút.
Hỏi: - Bác đã dự 21 ngày Tòa xử, vì yếu tố nào đã làm Mặt Trận
thua kiện?
Ðáp: - 90% nhờ bài trần tình dài hấp dẫn của Phạm Văn Liễu, rồi
nhân chứng Nguyễn Xuân Phát, với một lối hành văn vững vàng bằng Anh ngữ phơi
bày tội ác của Mặt Trận khiến 19 trong số 20 người trong Bồi Thẩm Ðoàn biểu
quyết các bị cáo Hồ Anh, Cao Thế Dung và Nguyên Vũ vô tội.
Hỏi: - Sao đã có lần bị Hồ Anh nói xấu trên báo mà Phạm Văn Liễu
lại ra Tòa cứu kẻ nói xấu mình?
Ðáp: - Xin cám ơn đã đặt câu hỏi này, để một lần nữa thấy Hồ Anh
không buông tha bất cứ ai. Sau khi Tòa tuyên bố Mặt Trận thua kiện, tôi hỏi
Liễu câu hỏi như trên thì Liễu cười chua chát: “Giữa hai thằng đáng ghét, dĩ
nhiên mình phải hạ thằng đáng ghét nhiều hơn trước. Còn thằng kia, để nó có cơ
hội ăn năn hối cải về những hành động ngu xuẩn của mình”.
Hỏi: - Hồ Anh đã viết gì để “bôi bẩn” bác?
Ðáp: - Hắn viết rằng tôi “không phải là ký giả” và đã nhầm lẫn nhờ
tôi để viết bậy bạ về cái chiến khu của Mặt Trận, nay hắn xin lỗi đồng hương(!).
Hỏi: - Chính Hồ Anh năn nỉ bác đi “chiến khu”, năn nỉ bác viết
bài, rồi những bài bác viết mà Hồ Anh, một người nhiều kinh nghiệm về nghề làm
báo, đã đọc và có đủ thì giờ cân nhắc trước khi cho đăng lên báo kia mà?
Ðáp: - Thì VNTP nổi tiếng là tờ báo “trẻ không tha, già không
thương”, chuyên đả phá không từ một người nào, từ Ðức Giáo Hoàng đến các cha
cố, thượng tọa, tăng ni, cựu công chức cao cấp, tướng tá VNCH đến các nhân sĩ
tên tuổi, đồng nghiệp, thân hữu, vân vân. Có lần Hồ Anh sang miền Tây đi chơi
với tôi hai tuần thăm mấy tiểu bang miền Tây Bắc Hoa Kỳ và Vancouver, trong lúc
ngồi xe hơi Hồ Anh cho biết sẽ có ngày y hỏi thăm sức khỏe cụ Chữ Ngọc Liễn là
vị cao niên khả kính gần 100 tuổi lúc nào cũng “tròn như hòn bi” không làm mích
lòng ai và ông Nguyễn Tấn Ðời là người đồng bệnh ung thư với Hồ Anh thường điện
thoại cho tôi hỏi thăm và nhờ tôi nói cho Hồ Anh biết những thuốc nào dùng công
hiệu chữa ung thư hay tên bác sĩ chuyên về bệnh hiểm nghèo này. Tôi khuyên Hồ
Anh không nên gây thêm oán thù nữa nhất là những người không hề chạm đến quyền
lợi của y thì Hồ Anh lớn tiếng bảo tôi: “Anh còn phải dạy tôi làm báo nữa à?
Báo mà chỉ có tin tức không thì người ta xem tivi hay đọc báo Mỹ chứ mua báo
của mình làm gì?” Thì ra đó là đường lối của một cơ quan ngôn luận có nhiều độc
giả mà người ta lại cứ tưởng chủ trương của một tờ “lá cải” do một tên hạ cấp
làm chủ. Tôi cười xin rút lui ý kiến. Tôi điện thoại kể cho cụ Chữ Ngọc Liễn,
nghe xong cụ la làng: “Ối giời ơi! Ối cha mẹ ôi! Tôi có làm điều gì xằng bậy,
có trêu chọc ai đâu mà định bêu xấu tôi? Tuy hay đả phá, trêu chọc gây sự với
mọi người, nhưng Hồ Anh lại là một tên hèn nhát nhất!
Ði chơi với tôi, đến đâu y cũng sợ như lúc nào cũng có người
theo dõi để hạ sát. Việc Hồ Anh viết trong báo nói tôi không phải là “ký giả”
để bôi bẩn thì trước hết tôi chưa bao giờ vỗ ngực tự nhận là “ký giả”, lý do dễ
hiểu là tôi không sống bằng nghề viết báo thì “ký giả” hay “ký thiệt” đối với
tôi không là cái đếch gì cả. Vả chăng, “ký giả” là cái quái gì? Chữ Hán định
nghĩa “ký” là ghi chép, “giả” là người. Vậy thế nào mới là ký giả? Nếu sợ có
người cưỡng đoạt cái chức cao quý ấy sao hắn không đăng ký trình tòa để giữ độc
quyền? Loạt bài “du ký thăm chiến khu” của tôi đăng trong 6 kỳ báo VNTP thì có
ba số Hồ Anh đã mở đầu, tự động giới thiệu tôi là ký giả đại diện cho tờ báo lá
cải của y. Ngoài ra, nếu tôi không phải là “ký giả” thì sao không hỏi tôi, y tự
động ghi tên Hoàng Xuyên vào trang đầu của tờ VNTP cùng với bút hiệu những
người trong Ban Biên Tập liên tục trong 20 năm? Những bài viết về “chiến khu”
gởi cho y, tôi đã nói rõ mọi uẩn khúc để tùy y định liệu. Y là nhà báo chuyên
nghiệp, “ký giả” thứ thiệt, sau khi đọc xong phải biết những bài tôi viết dở
hoặc không có lợi thì y cho đăng lên báo làm gì? Vì cái “bệnh kinh niên” chuyên
bêu xấu người khác, dù người đó là tôi, ngoài tình bạn ra, tôi còn là ân nhân
giúp đỡ hắn rất nhiều, kể cả Anh văn y gần như “i-tờ-rít” nên năm 1976 bị một
nhà in người Việt bắt nạt làm khó dễ, tôi phải tìm giúp y một nhà in khác rẻ
hơn để y in báo liên tục 15 năm, rồi thỉnh thoảng y lại nhờ tôi tìm giúp người
làm ở Cali gởi sang, mặc dù không ai làm được lâu vì bị bóc lột sức lao động
quá đáng. Nay hắn nói xấu tôi, tôi không bận tâm, không cho điều đó là xấu, vì
“ngậm máu phun người, miệng mình bẩn trước”. Hắn thuộc loại vô liêm sỉ “vừa nhổ
xong lại có thể cúi xuống liếm sạch ngay”. Rồi sẽ có một ngày vì quyền lợi tờ
báo, vì muốn mị độc giả, ta không ngạc nhiên thấy hắn bá ngọ cả những bậc sinh
thành ra hắn!
Hỏi: - Nghe nói nhờ loạt bài của bác mà số phát hành tờ VNTP
vọt lên một cách kinh khủng?
Ðáp: - Vì quảng cáo từ mấy số trước nên ngay số khởi đăng loạt
bài du ký của tôi, báo VNTP gởi bán các nơi đều hết sạch, độc giả nhôn nhao tìm
đọc, các đại lý gọi điện thoại về tòa soạn yêu cầu gởi thêm báo. Tôi điện thoại
hỏi thì Hồ Anh tỉnh bơ trả lời: “Ðâu có tăng được số nào, thụt đi thì có. Trong
cuốn Mặt Trận, Cao Thế Dung cũng xác nhận tờ VNTP lúc thường phát hành 3.000 số
mỗi kỳ là con số kỷ lục ở hải ngoại, nhưng khi loạt bài du ký của Hoàng Xuyên
bắt đầu đăng thì số phát hành vọt lên 6.000 rồi 10.000, rồi 15.000. Nhờ thế mà
chỉ trong hai năm Hồ Anh đã tậu thêm một ngôi nhà và một miếng đất ở Virginia,
đó là chưa kể xe nọ xe kia. Nhưng nay, vì chuyện chửi bới người khác quá nhàm,
bài vở quá tầm thường, không ai đọc. Tờ “lá cải” dường như không ai thèm nhắc
tới.
Hỏi: - Những bài bác viết, Hồ Anh trả tiền nhuận bút có hậu hĩnh
không?
Ðáp: - Hậu lắm lắm! Ai đã từng viết cho VNTP đều than bị bóc lột
tim óc và mồ hôi, sức lao động, vì số tiền nhuận bút ốm đói. Hồ Anh gởi check
trả tôi... “rất sòng phẳng” mỗi bài 20 dollars, vị chi 6 bài được 120 dollars.
* Cuộc phỏng vấn đến đây cũng quá đầy đủ, xin thành thật cảm ơn
bác Hoàng Xuyên đã cho chúng tôi những tài liệu thật quý báu.
Tân Dân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.