DÂN VIỆT NGU SI VÀ HÈN HẠ
Bằng Phong
Đặng văn Âu
(BÀI SỐ 4 Tiếp
Theo)
Thành phố Westminster, Quận Cam,
Ngày 11 tháng 12 năm 2021.
Thưa Anh Nguyễn văn Canh thân mến,
Đáng lý ra, tôi viết thư này cho anh
Bùi Diễm, nhưng tiếc rằng anh ấy đã thất lộc, nên viết thư này gửi đến anh, một
chứng nhân còn sống sót trong cuộc Hội nghị Thống nhất Đại Việt vào năm 1988.
Tuy tôi không còn sinh hoạt đảng, nhưng trong tâm tư tôi luôn luôn ghi nhớ mình
đã đưa tay lên tuyên thệ trung thành với lý tưởng “Dân Tộc Sinh Tồn”.
Anh Canh còn nhớ không? Sau khi nói
lời khiển trách các anh lãnh đạo đảng xong, cụ Cung Đình Quỳ kết luận đanh thép
như một mệnh lệnh: “Kể từ nay, tôi muốn các đồng chí phải đồng tâm nhất trí
đoàn kết một lòng thương yêu nhau, phất Ngọn Cờ Đại Việt để giải phóng đồng bào
thoát khỏi ách đô hộ cộng sản”. Các anh lớn quay sang bắt tay nhau, mắt nhòa
lệ, vừa sụt sùi vừa nói lời xin lỗi nhau như một ngầm cam kết. Tôi rất cảm động
vì những mái đầu đã bạc, sức đã yếu, mà các anh vẫn còn giữ được tấm lòng với nước
non. Khi tới phiên được phát biểu, tôi mở lời lễ phép xin các anh lớn cho tôi
được nói những lời chân thật. Tất cả thành viên trong Hội nghị, không một ai
phản bác câu nói của đồng chí niên trưởng Cung Đình Quỳ, ngoài tôi đặt vấn đề
tại sao không phất Ngọn Cờ Dân Tộc để đoàn kết toàn dân, mà chỉ Ngọn
Cờ Đại Việt? Sau đó, tôi nêu lên các khuyết điểm của đảng. Vắn tắt mấy điểm
chính như sau:
1/ Các anh không đủ lòng yêu
nước, yêu lãnh tụ Trương Tử Anh, yêu lý tưởng cứu nước nên đã chia rẽ nhau, xâu
xé nhau. Các anh không thấy Mỹ không phải là Thực dân như Pháp.
2/ Tổng thống Nguyễn văn Thiệu
là đảng viên Đại Việt, đứng ra thành lập đảng Dân Chủ, nhưng các anh không thấy
ông ta phản bội lý tưởng mà ông đã tuyên thệ trung thành. Thay vì lo củng cố
sức mạnh đảng để có một lực lượng đối lập nghiêm chỉnh, nhằm chống lại tình
trạng mua quan bán chức, tham nhũng, hối lộ, các anh lại thỏa hiệp với ông
Thiệu để chia phần cái bánh. Chính Phó Tổng thống Trần văn Hương thú nhận bằng
cái câu hết sức buồn cười: “Nếu diệt hết tham nhũng thì lấy đâu ra người làm
việc?” Chẳng lẽ các anh không thấy sự thối nát sẽ đưa đến mất nước hay sao?
Các anh đã tự làm mất tư thế lãnh đạo quần chúng để xây dựng nền dân chủ.
3/ Ra Hải ngoại, các anh vẫn
tiếp tục “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” như trước năm 1975, mặc kệ đám
giặc cỏ Hoàng Cơ Minh tha hồ tung hoành, lừa đảo. Các anh không thấy Mặt Trận
Hoàng Cơ Minh làm mất Niềm Tin của đồng bào, thì sau đó không một ai có thể
thành lập lực lượng Chống Cộng, vì chẳng còn ai tin ai. Một lần nữa, các anh tự
làm mất tư thế lãnh đạo quần chúng.
Sau năm 1975, Hoa Kỳ tổ chức các
buổi hội thảo tại Lubbock, Tiểu bang Texas để tìm hiểu tại sao Hoa Kỳ bị thua
trận ở Việt Nam. Họ mời các Tướng lãnh, học giả tham dự. Chẳng hay anh Canh có
được mời tham dự trong buổi hội thảo đó không? Theo nhận định của tôi, các
Tướng lãnh và các “học giả” đã không nói lên sự thật phũ phàng vì sao Hoa Kỳ
thua trận. Nếu tôi có mặt trong buổi hội thảo, tôi sẽ nói rằng người Mỹ đến
giúp Việt Nam nhưng không tìm hiểu tâm lý trí thức Việt Nam. Dù cho ông Ngô
Đình Diệm có khả năng, có lòng yêu nước ngất trời, cũng không thể nào cứu được
Miền Nam, vì trí thức Miền Nam tồi, không thấy hiểm họa ghê gớm của Việt Cộng
để đoàn kết với nhau. Hoa Kỳ đòi ông Diệm xây dựng nền dân chủ kiểu Tây phương
là sai. Tại sao? Tại vì “gia tài của Mẹ để lại cho con là “một bọn lai
căng và một lũ bội tình!”
Dù không đồng ý với Trịnh Công Sơn
về chính kiến, nhưng phải nhìn nhận rằng đó là câu hát đúng, vì nó phản ảnh
chính xác thực trạng lịch sử. Chủ nghĩa Karl Marx là lai căng, nhưng trí thức
hàng đầu như Giáo sư Trần Đức Thảo, Tạ Quang Bửu, Trần văn Giàu, Nguyễn Khắc
Viện, Phạm khắc Hòe … sùng bái chủ nghĩa vô sản, là vì quên lời dạy của
tổ tiên: “Bần cùng sinh đạo tặc”. “Vô Gia đình, Vô Tổ quốc, Vô Tôn giáo”
thì giải phóng dân tộc nào? Tôi kể chuyện bố tôi tuy là bác sĩ, nhưng kiến thức
triết học, chính trị học đâu bằng các vị vừa nêu? Bố tôi từ chối tham gia đảng
cộng sản chỉ bởi một lý do rất giản dị: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Vậy tôi
bảo dân ta ngu, là vì trí thức Việt Nam ngu, khiến cho cả dân tộc ngu theo là
không đúng à?
Vua Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm về
nước làm Thủ tướng. Ông Diệm ngần ngại vì ông Diệm nhận thấy Quân đội Quốc gia
do Thực dân Pháp đào tạo những sĩ quan chỉ để tiếp tay với Thực dân Pháp diệt
cộng sản nhằm kéo dài thời gian đô hộ nước Việt Nam. Thực dân không thể dạy cho
sĩ quan Việt Nam lòng yêu nước giống như Hồ Chí Minh nhồi sọ vào Bộ đội của hắn
lý tưởng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Bằng cớ là ông Diệm mời Tướng
Nguyễn văn Hinh (quốc tịch Pháp) giữ chức chỉ huy Quân đội Quốc gia (hồi đó
chưa có Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa), thì Nguyễn văn Hinh trả lời một cách hỗn
xược: “Tôi không biết ông là ai”.
Cái việc hai sĩ quan Tình báo tay
sai Thực dân Pháp là Vương văn Đông và Trần Đình Lan làm cuộc đảo chánh năm
1960 mà bác sĩ Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy và những đảng viên Quốc Dân Đảng
tham gia, thì có phải họ muốn Thực dân Pháp trở lại đô hộ Việt Nam? Đó không
phải lai căng, thì là gì? Một lãnh tụ tầm cỡ như nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam mà để lại một bức thư tuyệt mạng “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu
để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia là một tội
nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình
cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp
mọi thứ tự do” là hết sức cao ngạo vì tự cho mình đứng trên luật pháp. Với
tư cách là kẻ hậu sinh, tôi nhận thấy rằng sự tự tử vào ngày 7/7/1963
của ông Nguyễn Tường Tam là chảo dầu đổ vào ngọn lửa đấu tranh của bọn Việt
Cộng đội lốt Phật giáo. Buộc tội ông Diệm bắt bớ những nhà “Đối lập Quốc Gia”
là không đúng. Bởi vì Chính phủ Tổng thống Diệm do dân bầu mà đối lập làm đảo
chánh là phản loạn! Tổng thống Diệm đâu có ra lệnh bắt ông Nhất Linh? Ông Lê
Nguyên Phu đến tận nhà ông Nhất Linh chỉ để nhã nhặn hỏi nhà văn có dính líu
đền cuộc đảo chánh mà thôi. Vì sợ không dám đối chất trước tòa với các đồng chí
phản loạn thì ông tự kết liễu đời minh. Tôi ghi ơn nhà văn Nhất Linh vì có công
dùng văn học để đả phá những loại hủ tục “Ba Giai Tú Xuất”, nhưng về phương
diện chính trị, tôi đánh giá nhà lãnh đạo Nguyễn tường Tam bất xứng, vì ông
không thấy đàn em của mình tham gia cuộc đảo chính do tay sai Thực dân Pháp
thực hiện là làm mất chính nghĩa chống độc tài Cộng sản. Ông không thấy cuộc
đấu tranh của Phật giáo đòi tự do tôn giáo là kém cỏi về mặt nhận thức, vì nếu
ông Diệm thực sự đàn áp Phật giáo, thì làm sao Khuôn Hội Phật học, Gia đình
Phật tử, trường Bồ Đề có thể bùng phát? Đó là chưa kể chùa chiền bị hư hại vì
chiến tranh đều được ông Diệm giúp tiền trùng tu. Ông Nguyễn tường Tam tự
tử là không có cái dũng của nhà tranh đấu.
Ở Miền Băc, tôn giáo bị triệt hạ,
trí thức bị đày đọa. Ở Miền Nam, tôn giáo được tự do phát triển, trí thức được
tôn trọng. Năm 1960, bác sĩ Phan Quang Đán tưởng bọn tay sai Thực dân Pháp đảo
chánh thành công tới nơi, ông lên đài phát thanh đọc bản cáo trạng kết tội Ngô
Đình Diệm độc tài, gia đình trị. Cuộc đảo chánh thất bại, bác sĩ Phan Quang Đán
bị bắt, không hề bị Công An tra khảo. Bác sĩ Đán bù lu, bù loa khóc, thú tội.
Công An đưa cuốn băng ghi âm sang Văn phòng Nghiên cứu Chính trị của bác sĩ
Trần Kim Tuyến và đề nghi cho phát thanh trên đài để quần chúng thấy cái hèn
của phe đảo chánh. Tổng thống Ngô Đình Diệm không đồng ý và bảo rằng nếu chúng
ta làm nhục người trí thức, thì chế độ của ta đâu có hơn gì chế độ cộng sản ở ngoài
Bắc. Qua sự kiện này, có phải Tổng thống Ngô Đình Diệm đàn áp trí thức hay
không?
Ngoại trưởng Vũ văn Mẫu được Tổng
thống Diệm kính trọng, luôn luôn dùng chữ Ngài mỗi khi giao tiếp nhau. Bọn Việt
Cộng đội lốt Phật giáo đấu tranh đòi hỏi bình đẳng tôn giáo. Tổng thống Diệm đã
nhượng bộ đủ điều, vẫn không thỏa mãn các sư. Ông Vũ văn Mẫu phải thấy Tổng
thống Diệm không hề có hành vi chèn ép Phật giáo, nhưng ông ta có một hành động
rất đáng khinh: Cạo trọc đầu để bày tỏ sự ủng hộ bọn Việt Cộng. Sau cuộc đảo
chánh 1963, Trí Quang vẫn tiếp tục xách động quần chúng đấu tranh, gây bất ổn ở
hậu phương thì chiến sĩ dù tinh nhuệ đến đâu cũng không thể đánh bại Việt Cộng
ngoài tiền tuyến. Ông Vũ văn Mẫu phải thấy mưu đồ của Trí Quang là có mục đích
dâng Miền Nam cho Việt Cộng. Trái lại, ông Mẫu cam tâm làm đệ tử trung thành
của Trí Quang! Một điều đáng xấu hổ cho thành phần trí thức của Miền Nam là
không một vị nào phê bình hành vi phản phúc đối với chế độ, tay sai Trí Quang
của ông Mẫu, là một sự nhục mạ giới trí thức. Ông Mẫu vẫn đi dạy thì làm sao
truyền đạt cho sinh viên thấy hiểm họa cộng sản? Ông Mẫu vẫn trở thành Thượng
Nghị sĩ thì nền dân chủ của Miền Nam ra cái quái gi?
Hai Giáo sư dạy triết, Lý Chánh
Trung và Nguyễn văn Trung đều là tín đồ Công giáo, lập thuyết ở Miền Nam cần có
ý thức hệ xã hội nhân bản giống như các nước Bắc Âu để chống lại ý thức hệ xã
hội cộng sản của Hồ Chí Minh, mà không có một trí thức bậc thầy nào như Giáo sư
Vũ Quốc Thúc, Giáo sư Nguyễn Cao Hách lên tiếng phản bác. Tôi đã viết thư cho
Giáo sư Nguyễn văn Trung để nói rằng các nước Bắc Âu không áp dụng ý thức hệ xã
hội như các nước cộng sản, vì họ vẫn tôn trọng quyền tư hữu của nhân dân. Các
nước Bắc Âu vẫn đứng về phe Tư bản, nên họ vẫn được cái dù NATO bảo vệ. Là một
quân nhân cấp bậc thấp, nhưng tôi thấy được sự lệch lạc tư tưởng của trí thức.
Chẳng lẽ trí thức đáng bậc thầy của tôi không đủ kiến thức để phản bác sự lệch
lạc tư tưởng của hai ông Giáo sư Lý Chánh Trung, Nguyễn văn Trung?
Ra Hải ngoại, Đại sứ Bùi Diễm viết
cuốn “In The Jaw Of History” (Trong gọng kìm lịch sử) chỉ đúng vào thời kỳ
trước năm 1954 vì các đảng yêu nước vừa chống Thực dân Pháp, vừa chống Việt
Minh (cộng sản). Nhưng không đúng sau năm 1954, vì gọng kìm Thực dân Pháp không
còn nữa. Nếu nói rằng sau năm 1954 mà Đại Việt vẫn còn nằm trong gọng kìm lịch
sử, thì khác nào đảng Đại Việt coi Mỹ là Đế quốc giống như Thực dân Pháp hay
sao? Họ nhìn nhận Việt Cộng tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” là đúng à? Tôi
nhận định như thế có phải không anh Canh?
Trong Hội nghị Thống nhất Đại Việt,
tôi nêu ra những khuyết điểm của đảng, không một ai lên tiếng phản bác. Tức là
nhận định của tôi quá đúng, phải không? Đáng lý ra, sau giờ giải lao ăn trưa,
trở lại tiếp tục họp, các anh phải hỏi tôi, chúng ta phải hành động thế nào để sửa
chữa các khuyết điểm mà tôi nêu ra. Tôi sẽ trình bày rõ ràng sách lược, chủ
trương, đường lối mà tôi đã chuẩn bị sẵn trong đầu. Nếu các anh lớn nhận thấy
giải pháp của tôi đưa ra là đúng, thì các anh phải nhường sự lãnh đạo đảng cho
tôi mới phải. Bởi vì tôi trẻ hơn các anh, năng lực tôi dồi dào hơn, trí óc sáng
suốt hơn, năng động hơn và đặc biệt tôi có cách giải quyết vấn đề hợp lý hơn
thì tôi lãnh đạo đảng hiệu quả hơn các anh là điều chắc chắn. Anh Hoàn và anh
Ký chỉ nhắm chức Chủ tịch, hơn là muốn giải quyết bế tắc của đảng. Anh Canh
được các anh lớn giao trách nhiệm soạn thảo cách thức kết hợp. Tôi chẳng hiểu
tại sao anh Canh đồng ý hai anh cùng giữ chức Đồng Chủ tịch. Tại sao anh Canh
không thuyết phục một anh làm Chủ tịch, một anh làm Phó Chủ tịch để thiên hạ
không chê cười?
Anh Nguyễn văn Canh thân mến,
Anh Hà Thúc Ký lấy tên Đại Việt Cách
Mạng để khác với Tân Đại Việt của anh Nguyễn Ngọc Huy, nhưng thực chất hai anh
đều là những ông quan Cách Mạng; chứ không phải là lãnh tụ có đầu óc cách mạng.
Các anh lớn không có tầm nhìn để truyền đạt khả năng lãnh đạo (leadership) và
kiến thức (knowledge) cho đảng viên trẻ để chuẩn bị cho thế hệ trẻ dần dần tiến
lên vai trò lãnh đạo đảng. Vì thế, đảng mỗi ngày một già nua. Khi các anh lãnh
tụ qua đời là đảng tàn lụi theo. Đảng Đại Việt ngày nay chỉ có hư danh,
không có thực lực!
Khi được tin Anh Cả trao chức Chủ
tịch Đảng cho anh Bùi Diễm, tôi liền gọi điện thoại khuyên anh Diễm đừng nhận.
Tại vì tôi biết anh Diễm có thể là một “Good Administrator” cho một Nội các có
sẵn hơn là nhà lãnh đạo đảng. Cho nên, trước năm 1975, anh Diễm bị người ta xếp
vào loại “Đại Việt quan lại”. Lãnh đạo đảng cần có viễn kiến, tinh thần dấn
thân và dám hy sinh (take risk). Anh Diễm trả lời: “Anh đã trót hứa với lời
trăng trối của Anh Cả trong giờ lâm chung mất rồi”. Tôi đề nghị: “Nếu thế, anh
hãy mời tất cả những đảng viên đã từng hoạt động trong Đại Việt như các anh
Nguyễn văn Ngải, Nguyễn văn Canh, Nguyễn Lý Tưởng, Nguyễn đức Cung v… v… tổ
chức Đại hội để bầu người lãnh đạo mới, còn anh Diễm chỉ giữ vai trò Cố vấn mà
thôi”. Anh Diễm đồng ý. Nhưng khi về Houston tổ chức Đại Hội, nơi tôi đang ở,
anh Diễm không tiếp xúc với tôi để biết thành phần nhân sự, vì dù sao tôi là
người địa phương, sinh hoạt trong đảng lâu năm thì tôi nắm vững cá tính đảng
viên hơn. Rút cục, anh Bùi Diễm làm Chủ tịch Đảng mà Ban Chấp hành gồm một vài
thành phần không có khả năng và phẩm chất kém vì chỉ háo danh. Kết quả, nội bộ
chia rẽ, tố giác nhau bằng những lời lẽ rất nặng. Ví dụ anh Bùi Diễm bị gọi là
Bú Dù! Thật tình tôi không thể hiểu nổi phẩm chất của người hoạt động cách mạng
mà xuống dốc đến thế. Tại sao không tranh luận đàng hoàng với nhau, mà lại dùng
lời lẽ khả ố để mạ lỵ nhau?
Vừa rồi, tôi viết loạt bài có chủ đề
“Dân Việt Ngu Si và Hèn Hạ” là cố tình tạo một cú “shock” để đánh thức
những người có trách nhiệm với nòi giống. Một người đã ở tuổi ngoài 80 vẫn còn
đeo đuổi lý tưởng “Dân Tộc Sinh Tồn”, làm sao tôi có thể miệt thị dân tộc được?
Chính vì lo ngại nòi giống Việt Nam bị diệt chủng, tôi mới phải tạo một cú
hích, anh Canh hiểu không?
Tôi từng lặp đi lặp lại rằng nếu
không có Lenin thì hai bộ sách Tuyên Ngôn Cộng Sản và Tư Bản Luận của Karl Marx
chẳng thể nào phát triển khắp thế giới. Chủ nghĩa cộng sản thành công là nhờ
Lenin thiết lập một bô máy cực kỳ tàn ác, thâm hiểm và cơ quan tuyên truyền có
khả năng gieo rắc sự khủng bố, làm cho thần kinh trí thức trở nên mụ mị, hèn hạ
(ngu si, mất khả năng lý luận). Miền Nam có một nền giáo dục, khai phóng, nhưng
không dạy cho học sinh, sinh viên hiểu thủ đoạn cộng sản biến con người thành
súc vật. Tôi có thể khẳng định rằng nếu trí thức Miền Nam hiểu được chủ nghĩa
cộng sản có chủ tâm súc vật hóa con người, thì sự đoàn kết để làm người chắc
chắn sẽ dính như keo sơn. Đường lối giáo dục ở Miền Nam chỉ dạy cho học sinh,
sinh viên một mớ kiến thức phổ thông và khả năng chuyên môn để ra trường kiếm
việc làm. Cho nên, trình độ kiến thức chính trị của cả thầy lẫn trò rất kém,
không đủ khả năng phản bác luận điệu tuyên truyền của cộng sản.
Năm 1983, tôi sang Pháp thăm gia
đình ông anh. Tôi không đòi ông anh đưa đi thăm Tháp Eiffel hay tới Moulin
Rouge. Hai anh em chỉ trò chuyện với nhau suốt tuần về kỷ niệm gia đình. Tôi
xin anh đưa tôi đi thăm Giáo sư Hoàng Xuân Hãn để tìm hiểu lịch sử. Giáo sư Hãn
người Nghệ An, bạn lâu năm với Thầy tôi, lại có một thời gian ngắn làm trong
Nội các Trần Trọng Kim. Tôi hỏi: “Ở Miền Nam các thầy giáo thường nhắc nhở đến
bác bằng những lời kính trọng. Tuy bác giữ chức Bộ trưởng Giáo dục một thời
gian ngắn ngủi, nhưng dấu ấn quan trọng bác để lại là Việt Nam hóa chương trình
giáo dục. Tại sao bác không về Miền Nam để giúp Tổng thống Ngô Đình Diệm? Trái
lại, cháu nhận thấy bác có vẻ kính trọng Hồ Chí Minh, tại sao?” Giáo sư Hoàng
Xuân Hãn nhỏ tuổi hơn Thầy tôi, nhưng tôi vẫn gọi ông bằng bác.
Giáo sư Hãn trả lời: “Bác không
thích ông Ngô Đình Diệm, vì thứ nhất ông chê Chính phủ Trần Trọng Kim là tay
sai của Quân phiệt Nhật và thứ hai bác thích hoạt động trong lĩnh vực Văn Hóa.
Cháu nên nhớ Văn Hóa là muôn đời, còn chính trị là nhất thời.” Sau một hồi trao
đổi qua lại, tôi vẫn giữ lễ độ với người bạn đồng liêu với bố mình, nhưng tôi
muốn thưa với bác rằng quan điểm về Văn Hóa và Chính Trị của bác là không đúng!
Quốc gia phải có một nền chính trị tôn trọng giá trị con người, thì mới có nền
văn hóa. Còn chế độ độc tài toàn trị của Hồ Chí Minh, chủ trương biến con người
thành súc vật, thì làm gì có văn hóa? Anh tôi nhận thấy giọng nói của tôi có vẻ
tăng lên một “octave”, ngại tôi vô lễ với bác Hãn, liền đứng lên chào bác Hãn
để chia tay bác. Trên đường về nhà, tôi nói với ông anh: “Em không phục bác
Hãn. Cái quan điểm đề cao văn hóa để né tránh chính trị là vô trách nhiệm, nếu
muốn Quốc gia có dân chủ”.
Bị ảnh hưởng nền Nho giáo Quân, Sư,
Phụ, người Việt Nam mất đi sự tranh luận, phản biện, Cho nên Giáo sư Monavon,
người thầy Math G của tôi, nhận xét người Việt Nam chỉ là “bon étudiant”, chứ
không bao giờ trở thành “leader” được. Hễ lần nào trò chuyện với anh Canh, tôi
thường nghe anh gọi tôi là “Chú”, có vẻ gia trưởng. Để giữ hòa khí giữa anh em,
tôi không phản đối. Tôi hiểu anh gọi tôi là “Chú” vì anh nghĩ anh là Giáo sư có
bằng Tiến sĩ, hơn tôi cái bằng cấp và tuổi tác, chứ không phải “Chú” là tình
nghĩa đồng chí thân mật. Bởi vì tôi biết mỗi khi anh về Quận Cam, ở nhà Tiến sĩ
Trần Huy Bích – hàng xóm của tôi – nhưng không bao giờ anh nhấc cái điện thoại
để thăm đồng chí một lần nào. Tôi nghe tin anh ở đó, thì tôi đến thăm anh mà
thôi. Kể từ khi tôi biết Tiến sĩ Trần Huy Bích giới thiệu trang mạng
“sangto.com” cho Đại tá Bác sĩ Hoàng Cơ Lân – cháu ông Hoàng Cơ Minh – tôi đánh
giá Tiến sĩ Trần Huy Bích kém trình độ nhận thức chính trị và kém tư cách, vì
thô lỗ gọi Tổng thống Donald Trump là “thằng” và kẻ nào ủng hộ “thằng Donald
Trump” là bựa!
Chủ trương Đảng Cộng Sản Việt Nam
biến dân tộc Việt Nam thành súc vật quá rõ ràng. Không còn gì tranh cãi nữa!
Chúng nhất quyết “Thà mất nước hơn mất đảng”. Ai cũng thấy được chỉ khi nào
Trung Cộng sụp đổ thì Việt Cộng – loài ký sinh của Trung Cộng – sẽ đổ. Tổng
thống Donald Trump lên cầm quyền trong một thời gian ngắn, bị đảng Dân Chủ đánh
tơi bời. Nhưng ông Trump đã làm cho Tập Cận Bình xính vính, Kim Jong Un kính
nể, Ấn độ chào đón huy hoàng, các Quốc gia Ả Rập không còn dám sử dụng khủng
bố. Vậy Tiến sĩ Trần Huy Bích, bạn anh, giới thiệu trang mạng “sangto.com”, một
trang mạng ủng hộ chủ trương xã hội chủ nghĩa của đảng Dân Chủ và còn đóng tiền
ủng hộ, thì xin thưa thật với anh Canh rằng vài ông Việt Nam có mảnh bằng Tiến
sĩ mà giá trị không bằng cái giẻ rách! Tôi có rất nhiều bằng chứng để coi khinh
các vị khoa bảng Việt Nam. Những hạng người này vô trách nhiệm với sự tồn vong
của Dân Tộc.
Thư đã khá dài. Hẹn anh Canh thư
sau. Xin chân thành chúc anh và chị Canh dồi dào sức khỏe.
Thân ái,
Bằng Phong Đặng văn Âu
Telephone: 714 – 276 – 5600. Email
Address: bangphongdva033@gmail.com