Search This Blog

Wednesday, April 13, 2022

NGUYỄN CAO KỲ, CON NGƯỜI CỦA THỜI CUỘC

 

NGUYỄN CAO KỲ, CON NGƯỜI CỦA THỜI CUỘC

 

BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU

 

Lời Tòa Soạn:  Trước những diễn biến sôi động ở Biển Đông, Đàn Chim Việt đăng lại bài nói chuyện của Tướng Nguyễn Cao Kỳ ở trường Đại học DeAnza vào năm 2003, nhiều độc giả vào đọc và góp ý kiến. Nhận thấy có nhiều độc giả quan tâm vào đọc và có những nhận định phiến diện, chúng tôi đã liên lạc với Bằng Phong Đặng văn Âu – một biên tập viên của Đàn Chim Việt – để đề nghị ông viết một bài nhằm cống hiến độc giả trong nước và hải ngoại. Nội dung chủ yếu gồm có: “Cần thay đổi cách nhìn nhận về Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tầm nhìn chiến lược của ông và có phải ông về nước để đi theo cộng sản”.

 

Thưa chị Việt Hồng, Tổng Biên tập trang mạng Đàn Chim Việt,

 

Thể theo lời yêu cầu của chị, tôi xin viết về Tướng Nguyễn Cao Kỳ xoay quanh nội dung mà chị nêu ra trong thư. Đối tượng độc giả mà tôi sẽ nhắm tới là những người đang lãnh đạo Việt Nam, những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ ở quốc nội và những người trẻ tuổi hoạt động vì mục đích tranh đấu là thay đổi đường lối cai trị của nhà cầm quyền hiện nay. Còn đối với những người Chống Cộng nhằm mục đích tạo một phòng tuyến phi cộng sản ở hải ngoại thì không liên quan gì đến con đường mà Tướng Kỳ theo đuổi và tôi ủng hộ. Do mục đích khác nhau, tôi không có tham vọng làm thay đổi cái nhìn của họ về Tướng Kỳ. Đầu óc họ đã bị đóng băng bởi những định kiến và lòng thù hận. Có một số phần tử khi thấy bài viết liên quan đến Tướng Kỳ thì họ đều tuôn ra những lời thô bỉ hàm hồ, không thèm tìm hiểu những dữ kiện (facts) được người viết đưa ra. Họ thiếu đạo đức tối thiểu của người tử tế.

 

Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng đã để lại vết thương thù hận khó lành trên thân thể dân tộc chúng ta ở cả hai phía. Tuy nhiên vì sự sống còn của Tổ Quốc do hiểm họa từ Phương Bắc, chúng ta đành phải nuốt hận để tìm đường cứu nước, dù phải vượt qua bất cứ trở ngại nào. Người cộng sản bảo thủ trong nước vì quyền, vì lợi nên cứ phải “ăn mày dĩ vãng” để muôn năm trường trị: “Thà mất Nước, hơn mất Đảng”. Người Việt chống Cộng ở hải ngoại cương quyết bảo vệ phòng tuyến phi cộng sản ở quốc gia di trú, lớn tiếng chống lại sự xâm nhập của cộng sản vào cộng đồng thì cũng không thể giải quyết nguy cơ trước mắt về sự tồn tại của Việt Nam do tham vọng bành trướng của Trung Cộng.

 

Tại sao tôi ủng hộ Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ? Tôi vốn có lòng ngưỡng mộ, khâm phục cái khí phách của những Chu văn An, Trần Bình Trọng, Phan Khôi, Phùng Quán. Trong mắt tôi, Tướng Kỳ là con người khí phách và tôi muốn noi gương ông. Một nhân vật khí phách mới xuất hiện mà tôi nghĩ rằng đó là một vị Bồ Tát xuống trần: Tù nhân Trương văn Sương. Theo quan điểm của tôi, một dân tộc ươn hèn, bạc nhược thì dù ngoại bang không xâm chiếm cũng chẳng thể nào tồn tại. Đảng cộng sản Việt Nam dùng sự khủng bố, đàn áp để triệt tiêu khí phách các nhà ái quốc là phạm trọng tội.

 

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Ceux qui se ressemblent s'assemblent” (Những kẻ nào giống nhau thì tìm đến với nhau). Tôi vốn có tính bộc trực giống Tướng Kỳ ở một số khía cạnh, không sợ sự nguy hại cho bản thân, nếu phải lên tiếng vì Sự Thật. “Sự thật giải phóng con người, giải phóng Đất Nước” (TMH)

 

1a/ Trong cuộc họp đơn vị trưởng Không Quân, dưới sự chủ trì của Tư lệnh Nguyễn Xuân Vinh, ông Kỳ lên tiếng phản đối Tư Lệnh chủ trương đưa Đảng Cần Lao của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào quân đội. Vì làm như thế là sai. Quân Đội để phục vụ Quốc gia, chứ không phải để phục vụ Đảng nào, cá nhân nào. Ông bảo rằng nếu làm như thế thì chỉ có những kẻ bất tài, dùng sự xu nịnh dựa vào thế lực đảng để thăng quan tiến chức. Quân đội sẽ không có người tài năng và yêu nước giữ vai trò chỉ huy lãnh đạo. Nhiều sĩ quan khác cũng nghĩ như ông Kỳ nhưng không dám phát biểu. Tướng Kỳ dám vì lợi ích quân đội mà nói lên sự thật. Trung tá Trần Đỗ Cung, một chứng nhân trong cuộc họp đơn vị trưởng, từng là người chịu ơn Tướng Kỳ, từng ca ngợi hành động khí khái của Tướng Kỳ, khi sang đây lại viết bài châm biếm Tướng Kỳ về vụ này, vì a dua theo Nguyễn Xuân Vinh mạ lỵ Tướng Kỳ.

 

1b/ Trong cuộc họp hành quân “cầu không vận”, cấp chỉ huy của tôi lấy tên chiến dịch là “Kỳ Duyên Mai” (tên của Tướng Kỳ, con và vợ ghép lại), tôi đứng lên phản đối, vì làm như thế tức là Không Quân ta phục vụ gia đình Nguyễn Cao Kỳ, chứ không phải phục vụ Quốc Gia, rất bất lợi cho chính nghĩa Chống Cộng. Tôi tin rằng trong phòng họp cũng có người suy nghĩ như tôi nhưng không dám nói ra.

 

Có những quân nhân rất can đảm ngoài chiến trường, nhưng rất “dè dặt” khi nói lên Sự Thật để bênh vực tính chính đáng, vì ngại bất cho lợi bản thân. May mà sống dưới chế độ Miền Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ không bị ông Diệm trừng phạt và tôi không bị ông Kỳ trù dập. Không phải muốn biểu diễn “chơi nổi” để làm người hùng, chúng tôi hành động theo lương tri mách bảo.

 

2a/ Bọn phản chiến Hoa Kỳ tố giác Tướng Nguyễn Ngọc Loan là tội phạm chiến tranh (war criminal),  đâm đơn kiện ông ra tòa án để tống xuất ông ra khỏi Hoa Kỳ, vì Tướng Loan bắn chết một kẻ khủng bố. Không một ai trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ đứng ra bênh vực Tướng Loan, ngoại trừ Tướng Kỳ. Ông nhìn nhận với tòa án, ông là người ra chỉ thị cho các cấp chỉ huy ngoài chiến trường lúc bấy giờ được quyền xử tử những tên khủng bố mà không cần đợi lệnh cấp trên. Ông Kỳ lập luận rằng Tướng Loan không vi phạm Quy ước Tù binh Genève, vì đó là tên khủng bố mặc thường phục, không mang phù hiệu gì chứng tỏ là quân nhân. Trong Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã từng xử tử hai điệp viên Đức Quốc Xã khi dùng tầu ngầm xâm nhập vào lãnh thổ nước Mỹ. Nếu tòa án trục xuất Tướng Loan ra khỏi Hoa Kỳ, ông sẵn sàng rời bỏ Hoa Kỳ để đi theo Tướng Loan, dù đến một nước nào nghèo đói ở Phi Châu. Cuối cùng tòa án Hoa Kỳ tha bổng Tướng Loan. Khi Tướng Loan lìa đời, anh nhiếp ảnh viên, từng chụp tấm hình Tướng Loan bắn tên khủng bố, đến trước linh cữu Tướng Loan bày tỏ sự hối tiếc và sau đó đã viết một bài “truy điệu” rất cảm động đăng trên tờ Newsweek.

 

2b/ Đoàn viên Mặt Trận Hoàng Cơ Minh chụp mũ người bạn tôi, Thiếu tá Không Quân Phạm Đăng Cường, là cộng sản, Uất ức vì bị hàm oan, bạn tôi đã nhẩy cầu xa lộ tự tử để bảo toàn danh tiết. Tất cả bạn bè của anh, tất cả đồng chí của anh, tất cả thuộc cấp cũ của anh, không một người nào dám đứng ra thanh minh cho anh, vì trông gương ký giả Đạm Phong, Lê Triết bị thảm sát, nên sợ Mặt Trận? Ngoại trừ một mình tôi tự bỏ tiền túi xuất bản tờ báo Thần Phong để lên án sự chụp mũ của Mặt Trận và chứng minh phi công Phạm Đăng Cường là người Chống Cộng đích thực. Cần nói thêm để tránh ngộ nhận: những chiến hữu của anh Cường là những phi công vô cùng gan dạ, dũng cảm, từng thi hành nhiều phi vụ Bắc Phạt, có người bị phòng không bắn rơi, nhảy dù ra ngày hôm trước, hôm sau vẫn leo lên phi cơ thi hành phi vụ khác, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ họ.

 

Người ta thường nói: “Cha mẹ nghèo, mới biết đứa con nào hiếu thảo”.  Khi hữu sự, mới biết ai là kẻ sẵn sàng chết vì bạn bè, vì nghĩ vậy mà chúng tôi hành động, chứ không phải vì danh hão.

 

Hai nhân vật tên tuổi, chỉ cần nhắc đến, ai ai cũng biết. Đó là Đại sứ Bùi Diễm và Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã Nguyễn Ngọc Linh. Nếu viết về thành tích của Tướng Kỳ một cách rành mạch thì không ai hơn hai nhân vật vừa nêu, vì hai vị là hai người cộng sự gần gũi Tướng Kỳ nhất trong thời gian Tướng Kỳ cầm quyền. Tôi không có điều kiện như hai vị, chỉ biết một số sự kiện (facts) về Tướng Kỳ, nhưng thiết tưởng cũng đủ nói lên phần nào chân dung và phẩm chất thực sự của Tướng Kỳ.

 

Là người Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn Vận Tải, một đơn vị thường xuyên bay công tác ra ngoại quốc, Tướng Kỳ không hề buôn một thứ gì để kiếm tiền bỏ túi. Không một nhân viên nào trong Liên Phi Đoàn làm được như Tướng Kỳ. (Nếu tôi nói sai, xin quý vị nào đã phục vụ trong đơn vị dưới quyền ông hãy đứng ra công khai phản bác). Bọn nhà báo phản chiến Mỹ phịa ra chuyện Tướng Kỳ buôn lậu bạch phiến là để chống một người mà họ cho là hiếu chiến Chống Cộng. Một người danh tiếng như Tướng Kỳ mà buôn lậu bạch phiến thì không bao giờ được phép vào tị nạn ở Hoa Kỳ. Có một ông Tướng VNCH mang tiếng buôn lậu bạch phiến, đã bị Hoa Kỳ không cho vào Mỹ tị nạn, phải tạm sống ở Canada, cả chục năm sau mới được Hoa Kỳ cho qua ở Mỹ. (Đó là Tướng Đặng văn Quang).  Là người phái các sĩ quan phi công dưới quyền sang bay cho Hàng Không Việt Nam, ông Kỳ không bao giờ bắt ai phải “chi” đồng nào để hưởng đặc ân đó. Khi ông không còn quyền quyết định cử phi công nào được sang bay cho Hàng Không Việt Nam, một phi công trong Phi đoàn Vận tải là Thiếu tá Nguyễn văn Luận phải đút lót cho Phủ Đầu Rồng 5 triệu đồng mới được cử sang bay cho Air Vietnam. Khi được Đại tướng Nguyễn Khánh tặng ông – đương kim Tư lệnh KQ – một triệu đồng, ông đã trao trọn số tiền cho ông Tham Mưu phó Tài chánh (Đại tá Hà Dương Hoán) sung vào quỹ xã hội để giúp đỡ cô nhi quả phụ; chứ không bỏ túi riêng như ông Tổng Bí thư Đỗ Mười được Đại Hàn tặng một triệu đô la Mỹ rồi ỉm luôn để tiêu riêng. Khi bàn giao chức Thủ tướng, ông đã trao nguyên số tiền trong “quỹ đen” (caisse noire) mà ông có quyền tiêu không cần chứng minh, cho Tân Thủ tướng Nguyễn văn Lộc. Khi xử Tạ Vinh ra pháp trường cát về tội tham nhũng, Ba Tầu Chợ Lớn tặng ông hai trăm (200) triệu đồng để xin tha mạng, ông khẳng khái khước từ. Không một ai có thể kết tội ông mua quan bán chức, khi ông cầm quyền. Người ta nói “Power corrupts”, nhưng Tướng Kỳ có toàn quyền mà không thối nát, tham nhũng. Tấm gương của người lãnh đạo như Tướng Kỳ xứng đáng cho các nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay noi theo không? Trong hàng Tướng lãnh VNCH, ai có thể cho mình trong sạch hơn Tướng Kỳ, xin vui lòng công khai lên tiếng. Ai đã phải “đóng hụi sống, hụi chết” cho Tướng Kỳ để được chức nọ, chức kia, xin hãy công khai lên tiếng. Có những chiến sĩ vô cùng gan dạ, sẵn sàng chết vì lý tưởng; nhưng không đủ dũng cảm để chống lại sự cám dỗ của tiền bạc. Cho nên dám chống lại sự cám dỗ của đồng tiền như Tướng Kỳ, tôi coi là con người dũng cảm, khí phách hơn cả dám hy sinh mạng sống mình ngoài chiến trường.

 

Chưa bao giờ nắm quyền lực trong tay, tôi không dám nghĩ rằng mình giữ được sự trong sạch trước sự cám dỗ của đồng tiền để so sánh mình với Tướng Kỳ. Tuy nhiên có một hành động nhỏ mà tôi nghĩ cũng đủ để chứng tỏ sự trung tín của tôi với bạn bè. Trong thời gian chạy loạn sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, một người bạn cùng đơn vị (Thiếu tá Nguyễn văn Nhân hiện đang ở Hoa Kỳ) vì bận đi tìm vợ con thất lạc, nhờ tôi giữ túi bạc một triệu mốt đô la tiền mặt từ đảo Guam sang đến căn cứ Fort Chaffee. (Thiếu tá Nhân, con rể chủ nhân tiệm vàng Kim Tín). Ôm túi bạc hơn một triệu đô la ở đảo Guam, giữa một đám tạp nham đủ thứ hạng người là vô cùng nguy hiểm. Nếu không đủ “ngầu”, tôi đã bị đánh chết bởi một vài anh lính mất trí vì thất lạc vợ con. Khi trao lại cho Thiếu tá Nhân, số tiền còn nguyên vẹn, không suy suyển một đồng, mặc dầu trong túi không có tiền để mua chai bia uống. Tôi đã đưa cả tấm biên lai của vị sĩ quan Quan Thuế Hoa Kỳ xác nhận số tiền kia đứng tên tôi. Thiếu tá Nhân tặng tôi một số tiền là một ngàn rưởi đô-la, tôi đem chia cho những người thiếu thốn khác chưa hề quen biết và “bù khú” với bạn bè cho đến khi ra khỏi trại, không còn đồng xu dính túi. Thiếu tá Nhân là người bạn tốt, tôi không bao giờ quên ơn anh. Biết tôi lội tuyết giữa mùa Đông giá rét để đến sở làm, anh đã gửi cho tôi một nghìn đô-la để mua chiếc xe cũ.

 

Thiếu tướng Kỳ được những người nổi tiếng (celebrities) như tài tử John Wayne, các ông Sheik Ả Rập giúp đỡ tài chánh (những người như giáo sư Nguyễn Ngọc Linh và một số sĩ quan Không Quân đều biết vụ việc này), nhưng ông đã từ chối. Ông từng phải đứng bán rượu một ngày 14 giờ, phục vụ khách hàng một cách vui vẻ, nhiệt tình, không hề than vãn. Ông đã đi làm ngư phủ để mưu sinh, không đi xin tiền trợ cấp xã hội. Mấy ai đã làm được như ông, từ chối sự giúp đỡ, đang khi túng quẫn?

 

Một người từng ngồi trên quyền lực, một chữ ký, một cái gật đầu đủ bỏ túi hàng triệu Mỹ Kim, mà ông không làm. Có lẽ không phải ông muốn làm gương cho cấp dưới, tôi nghĩ đó là bản chất không tham lam của cải một cách bất chính. Nếu mua vé số mà trúng lô độc đắc, chắc ông cũng vui mừng như mọi người. Với một con người có quá khứ trong sạch rõ ràng như thế, chẳng lẽ về già trở nên đổ đốn để đi làm tay sai cho cộng sản nhằm kiếm chút tiền còm? Sau hơn 6 năm về Việt Nam, Tướng Kỳ vẫn là dân  “abc”, chữ của người Miền Nam, để chỉ người ở nhà thuê. Năm nay ông đã 80 tuổi, chẳng lẽ ông giấu số tiền bất chính kiếm được để xuống âm phủ tiêu à? Tôi viết những bài nói lên Sự Thật Tướng Kỳ về Việt Nam là để cảnh báo nhà cầm quyền cộng sản về mối hiểm họa từ Phương Bắc, chứ không phải về để xin hòa giải hòa hợp với cộng sản. Cuộc sống của tôi đầy đủ, chẳng có động cơ vì danh, vì lợi mà tôi phải nói điều dối trá. Không cần viết biện minh, sự thật rồi cũng sẽ hiện ra dưới ánh mặt trời.

 

Có người vẫn công kích Tướng Kỳ tìm cách đưa ra lập luận khác: “Ông Tướng Kỳ không tham tiền, nhưng háo danh?”. Nói chung bản chất người Á Châu, nhất là người Tầu và người Việt Nam có tính độc ác. Phải luôn luôn tìm cách nghĩ, cách nói điều không tốt đẹp về người khác cho hả dạ. Tôi xin xác định một lần nữa rằng Tướng Kỳ về Việt Nam với tư cách một cựu lãnh tụ nổi tiếng Chống Cộng ở Miền Nam để nói với lãnh đạo cộng sản thực hiện những điều lợi ích cho Dân tộc và Đất nước.  Tướng Kỳ về Việt Nam không phải là ông Việt kiều giống như nhạc sĩ Phạm Duy hay Thích Nhất Hạnh. Ông chả xin một ân huệ nào. Ông chỉ nói lời cảnh báo để thức tỉnh nhà cầm quyền bằng ngôn ngữ của một lãnh tụ, chứ không phải bằng ngôn từ của đám đông ủng hộ hay đả đảo trên đường phố. Ông không phải là Nguyễn văn Kèo, Lê văn Cột. Tiếng nói của ông là tiếng nói của người đã cầm quyền, mà ngày nay không còn ai khác ngoài ông ra để nói như ông. Vì vậy trong cuộc họp báo khi mới về Việt Nam, lời đầu tiên ông đã tự giới thiệu với ký giả: “Tôi nguyên là Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ, Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa”, tức là ông minh danh vai trò của một người cựu lãnh tụ Miền Nam có một chế độ hợp pháp, hợp hiến được nhiều quốc gia trên thế giới nhìn nhận; chứ không phải là Ngụy Quân, Ngụy Quyền mà cộng sản cố tình bôi nhọ từ nhiều năm qua. Ngày nay những giới chức trong chính quyền ở Việt Nam đánh giá cao phong cách của ông, nên họ đều gọi ông là Phó Tổng thống. Vậy thì chỉ bằng một câu tự giới thiệu nhẹ nhàng, ông đã lấy lại vị trí chính thống của Miền Nam, ai đã làm được? Khi một ký giả hỏi có phải ông đã xin Nhà Nước cho ông về nước? Ông đáp: “Cái chính quyền này có cái gì cho tôi mà bảo tôi xin? Làm việc Đất Nước mà xin thì có gì là xấu và cho thì có gì là hãnh diện? Hãy bỏ cái tinh thần “xin, cho” như kiểu Lý Toét Xã Xệ đó đi, nghe chưa?”. Đó là câu trả lời của một cựu lãnh tụ Miền Nam ngồi giữa thành phố Sài Gòn nói thẳng với chế độ “xin cho”; chứ đâu phải là nói lời huyênh hoang giống như mấy ông Chống Cộng nói trong bàn nhậu ở hải ngoại? Chức Tổng thống coi như nắm trong tay, ông còn nhường cho ông Thiệu, thì ai có thể cho ông hơn chức gì?

 

Suốt cuộc đời binh nghiệp của Tướng Kỳ, đường thăng quan tiến chức đều do thành tích chiến đấu mà có. Ông không gia nhập đảng phái chính trị nào để dựa thế lực đảng. Không bao giờ cúi mình quỵ lụy cấp trên để tiến thân. Không toa rập, âm mưu với ai, không lòn cửa hậu Toà Đại sứ Mỹ để âm mưu lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Mấy ông Tướng ở Hội đồng Quân lực quyết định đưa ông lên làm Tư Lệnh Không Quân, chứ ông không xin. Chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu – Phan Huy Quát bất lực trước tình thế rối loạn, trao lại cho Quân đội. Trong phiên họp Đại Hội đồng Quân lực, Tướng Kỳ đề nghị ban đầu là Tướng Nguyễn văn Thiệu, sau đó là Tướng Nguyễn Chánh Thi đứng ra thành lập chính phủ. Nhưng cả hai ông Tướng này đều từ chối vì tình hình quá khó khăn, sợ không đảm đương nổi, chứ đâu phải họ chê chức Thủ tướng? Cuối cùng, ông Thiệu và ông Thi bàn nhau đề nghị Tướng Kỳ. Là người luôn luôn can đảm nhận lãnh trọng trách của mình với Đất Nước, Tướng Kỳ đã chấp hành quyết định của Quân Đội. Vậy chức Thủ tướng là do Quân đội ủy thác; chứ ông không âm mưu với ai, kéo bè kéo cánh với ai, xin xỏ ai để được phong chức. Hai vị Trung tướng còn sống là Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Bảo trị là nhân chứng còn sống có thể xác nhận điều tôi viết là sự thật trăm phần trăm.

 

Khi báo chí phổ biến tin tức Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng, nhiều dư luận trong giới làm chính trị, trong dân chúng (có cả tôi nữa) đều nghĩ Tướng Kỳ giỏi lắm thì chỉ giữ chức Thủ tướng ba bảy hăm mốt ngày. Tại sao? Vì tình hình chính trị quá rối ren, vì Tướng Kỳ là một quân nhân trẻ chưa có kinh nghiệm chính trị, không có bất cứ một thế lực nào như Tôn giáo hoặc Đảng phái đứng đàng sau hậu thuẫn, kể cả Tòa Đại sứ Mỹ. Chính ông Cabot Lodge cũng hoài nghi khả năng của Tướng Kỳ, nên ông Lodge đã đến gặp Tướng Kỳ trực tiếp để tìm hiểu đường hướng điều hành việc nước ra sao. Dù rất đột ngột, Tướng Kỳ chỉ trả lời bằng hai chữ tiếng Pháp ngắn ngủi: “Justice sociale” (Công bằng xã hội) vì ông Lodge nói thạo tiếng Pháp như người Pháp. Sau khi nghe câu trả lời ngắn ngủi đó, ông Lodge đứng lên bắt tay Tướng Kỳ và nói: “Ngài nói vậy là đủ. Đó là điều tôi cần biết”, rồi ra về. Câu trả lời đó phản ảnh cái ước vọng “công bằng xã hội” đã nung nấu tự tiềm thức người sĩ quan trẻ tuổi, khi được đề cập tới thì bật ra, không cần suy nghĩ. Ở đây người viết xin nói cho những lãnh đạo trong nước biết: “Tướng Kỳ nói và làm đi đôi, chứ không phải nói một đường làm một nẻo”. Ông đã thực hiện lời hứa hữu sản hóa dân nghèo. Giúp vốn cho anh em lao động mua xe Lambretta trả góp không lấy lời; yểm trợ tối đa phương tiện cho Tổng trưởng Thanh Niên Võ Long Triều trong chương trình phát triển dân sinh Quận VIII là hai thí dụ điển hình nhất. Vì thế, khi Tướng Kỳ về Việt Nam năm 2004 mới có những anh em xe “Lam” thuở trước nhớ ơn ông, đã đến chào hỏi rất thân tình. Cung cấp đất cho sĩ quan KQ xây cư xá, mà không giành lô đất nào cho riêng mình. Biết anh em phi công khu trục sống thiếu thốn, ông đã phái Đại tá Huỳnh Minh Quang xuống Biên Hòa đặc biệt lo cho anh em.

 

Kể từ khi ông Kỳ làm Thủ tướng, những vụ đảo chánh của các ông Tướng chấm dứt, các cuộc biểu tình ở thủ đô Sài Gòn bắt đầu giảm dần và ngưng hẳn. Riêng ở Miền Trung, Thích Trí Quang – một nhà tu hành cao ngạo, đầy tham vọng chính trị – dùng đệ tử của mình để xách động quần chúng nổi dậy chống chính quyền “quân phiệt Thiệu Kỳ”. Trí Quang lôi kéo Tướng Tư lệnh Vùng I Nguyễn Chánh Thi chống Chính quyền Trung ương. Trí Quang xúi giục nhà trí thức thiên tả – bác sĩ Lê Khắc Quyền – lập phong trào Nhân Dân Cứu Quốc đòi hòa bình vô điều kiện. Thủ tướng Kỳ đã cử ba vị Tướng gồm Nguyễn văn Chuân, Huỳnh văn Cao, Tôn Thất Đính lần lượt ra Trung dẹp loạn. Ba vị Tướng đều lần lượt thất bại, đặc biệt Tướng Tôn Thất Đính nhảy sang phe Phật giáo tranh đấu để chống chính quyền. Có lẽ Trí Quang đã hứa hẹn với Tướng Đính một chức vụ gì xứng đáng lắm để ông phản lại Chính quyền Trung ương? Cuối cùng, Tướng Kỳ đã đích thân bay ra Đà Nẵng dẹp loạn thành công. Ai dám bảo Tướng Kỳ bất tài? Tướng Tôn thất Đính ngả theo Trí Quang chống chính quyền Trung Ương, khi tổ chức bầu Thượng Viện, Tướng Kỳ vẫn để cho ông Đính ra tranh cử cùng liên danh với Tướng Trần văn Đôn. Ai dám bảo Tướng Kỳ không có lòng nhân hậu?

 

Nếu Tướng Kỳ cũng thất bại như ba vị Tướng nêu trên, chính quyền Miền Nam rơi vào tay “Thầy Trí Quang” dâng cho Miền Bắc, thử hỏi Miền Nam có nền Đệ Nhị Cộng Hòa hay không? Miền Nam có cơ cấu hiến định Quốc hội Lập hiến, Quốc hội Lập pháp, Thượng Nghị viện hay không? Ngày nay ở hải ngoại, các nhà “trí thức” xưng là cựu Thượng Nghị sĩ, cựu Dân biểu nền Đệ nhị Cộng Hòa có biết điều đó hay không? Ai đã đẻ ra nền Đệ nhị Cộng hòa để quý vị có thể ký Thượng Nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội dưới những bài viết phỉ báng Tướng Kỳ một cách thô tục, bẩn thỉu? Hãy nhìn lại bản thân đi. Tại sao lại có ông cựu dân biểu, giáo sư kiêm nhà thơ (?) dám gọi xách mé “Tên Nguyễn cao Kỳ”?

 

Thêm một điểm nữa, tôi muốn nói với những lãnh đạo cộng sản: Sau khi dẹp tan cuộc biến động Miền Trung, Tướng Kỳ đã không trừng phạt những quân nhân phản loạn, không đưa Tướng Thi ra tòa án quân sự như luật định, mà để cho Tướng Thi bình yên, thong thả đi Hoa Kỳ. Điều đó chứng tỏ lòng bao dung của một nhà lãnh đạo, không trả thù kẻ phản bội mình, đầy đọa kẻ phản bội mình bằng cách tống vào trại “cải tạo”. Tại sao quý vị không làm theo lời khuyên của Tướng Kỳ: “Nếu chưa thể hòa giải được với người sống, thì hãy hòa giải với người chết bằng cách trùng tu Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, dựng Đài Tưởng niệm cho tất cả những chiến sĩ của hai miền, của mọi quốc gia đã từng tham chiến trên xứ sở mình để tạo một bộ mặt văn minh trước thế giới? Quý vị sợ gì?  Sợ Tầu à?”

 

Sau khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm sụp đổ, các chính phủ kế tiếp sau đó đều bị ông Trí Quang và nhóm Phật tử tranh đấu của ông ta đòi lật đổ vì họ vẫn cho rằng đấy vẫn là chính phủ Diệm không Diệm của Cần Lao ác ôn. Chính phủ nào cũng sợ ông Trí Quang. Nhưng khi Tướng Kỳ làm Thủ tướng, ông đã ra lệnh Bộ Tư pháp xét xử phân minh những cựu đảng viên Cần Lao bị giam không có án tù. Người nào có tội với Đất Nước thì phải đền tội. Nếu người nào vô tội thì thả ra. Tài sản nào thuộc về quốc gia thì sung vào công quỹ, tài sản nào thuộc về của riêng cá nhân, không dính dấp đến tham những thì trả lại cho nạn nhân. Cụ Huỳnh văn Lang, Chủ tịch Liên Kỳ của đảng Cần Lao có biết điều đó hay không? Nếu cần kiểm chứng thực hư, xin Cụ hãy hỏi ông Cao Xuân Vỹ – người đảng viên Cần Lao gộc, cũng là người bà con của tôi – hiện sống tại Orange County, California, 90 tuổi. Có ai can đảm và công minh hơn Tướng Kỳ? Từ đó Trí Quang mới chấm dứt luận điệu : Chính quyền Diệm không Diệm.

 

Đại tá Nguyễn văn Y – thân phụ ca sĩ Nguyệt Ánh – xem tử vi cho Tướng Kỳ và nói cái số của ông là số người đi đào giếng cho thiên hạ uống. Ngôi sao Long Tĩnh của Tướng Kỳ ứng vào cái nghiệp của ông như thế. Cụ Diễn bảo ông là người của thời loạn, khi nào có biến cố lớn thì ông mới xuất hiện. Khi cầm quyền thì có vẻ hơi ngu, vì cầm quyền mà không biết bỏ túi một tí vốn liếng để phòng khi mưa bão. Tôi thì nói nhờ cái hành động ông nhường cho ông Thiệu làm Tổng thống, nên ông mới sống đến ngày hôm nay. Đó là mệnh Trời. Vì ông Kỳ mà làm Tổng thống thì ông sẽ chiến đấu cho tới chết; chứ không bao giờ bỏ chạy như ông Thiệu. Ông Trời dành cho ông sống là để giao cho ông cái sứ mạng cứu nước đó. Ông gật gù: “Anh nói nghe cũng phải, Trời cho mình nhìn thấy trước việc gì sẽ xảy ra thì nói thôi, giống như nhà khí tượng học thấy ngày mai trời mưa thì nói ngày mai mưa, mặc dù trong lòng mình không muốn”. Điều ân hận nhất trong đời của Tướng Kỳ là đã chọn nhầm người để giao phó trọng trách lãnh đạo Quốc gia. Tôi lại nghĩ: “Đó cũng là mệnh Trời!”. Ông Nguyễn Xuân Vinh và một số người cậy có bằng cấp Tiến sĩ, chê ông Kỳ dốt vì “không có căn bản học vấn”. Chê như thế là không học lịch sử. Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ thuở chưa thành danh, theo anh là Nguyễn Nhạc đi thâu thuế chợ ở Quy Nhơn, chẳng học qua một trường quân sự nào cả, tại sao có thể đánh bại quân Thanh trong thời gian kỷ lục? Trời cho một cá nhân nào đó có khả năng nhìn xa trông rộng mà chẳng cần phải học, nhà Phật gọi đó là huệ nhãn. Cái gọi là “charisma” lãnh tụ là Trời ban cho, chứ chẳng ai học mà có. Đinh Bộ Lĩnh chỉ là cậu bé chăn trâu mà dẹp tan 12 Sứ quân, lập nên Nhà Đinh không thấy sao? Chúa Jésus xuống trần cứu rỗi nhân loại, rút cục bị đóng đinh trên thập tự giá mới 33 tuổi. Ngài Mahatma Gandhi, một nhà đấu tranh bất bạo động của Ấn Độ, được phong Thánh, rồi cuối cùng bị một tên côn đồ đâm chết đấy thôi. Tướng Kỳ vì nghĩa vụ cứu nước mà bị phường vô lại chửi bới bằng lời thô tục thì đã thấm vào đâu?

 

Thành tích trên phương diện đối nội, đối ngoại của Tướng Kỳ ra sao, tôi đã viết đầy đủ trong bài “Những Suy Nghĩ Về Đất Nước” (Phần Ba) đã được đăng trên Đàn Chim Việt và một số trang mạng khác. Để độc giả nào muốn xem lại, xin nhờ chị Việt Hồng “link” vào bài viết nêu trên. Tôi khỏi phải nhắc lại trong bài viết này. Tôi chỉ cần nhấn mạnh lại: Nhân cách lãnh đạo của Tướng Kỳ phải đặc biệt lắm thì mới được những nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Lyndon Johnson, Richard Nixon, Tưởng Giới Thạch, Phác Chính Hy, Quốc vương Thái Lan, Tungku Abdul Rahman tỏ ra rất kính trọng Tướng Kỳ. Có nhân vật lãnh đạo nào của Việt Nam Cộng Hòa lẫn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã được Mã Lai phong tước Tun, sánh ngang với chức Bá Tước của Hoàng Gia Anh như Nguyễn Cao Kỳ? Chị Việt Hồng muốn biết một cách rõ ràng hơn, tôi đề nghị chị làm cuộc phỏng vấn trực tiếp Tướng Kỳ. Ông sẽ không từ chối hoặc tìm cách nói quanh (spin) bất cứ câu hỏi nào của chị.

 

Thưa chị Việt Hồng quý mến,

Tướng Kỳ chưa hề đả kích cá nhân hay đoàn thể nào hoạt động chính trị trong cộng đồng. Mặc dù ông biết Mặt trận của Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh là không đứng đắn, nhưng ông không hề đề cập, cho đến khi đoàn viên Mặt trận vu khống cho phi công Phạm Đăng Cường là cộng sản, khiến anh phải tự tử thì lúc bấy giờ ông mới hài tội Mặt trận trong một buổi họp mặt Đêm Không Gian của Không Quân tại thành phố Houston. Có vài sĩ quan KQ là cán bộ Mặt trận đòi lên cúp micro, giống như nhà văn Trần Mạnh Hảo bị cúp micro trong Đại hội Nhà văn vừa rồi. Ông Nguyễn Xuân Vinh được người ta đưa ra làm Chủ tịch Tập Thể Chiến Sĩ, đọc bài diễn văn nhậm chức táo bạo phô trương: “Kể từ này Tập Thể Chiến Sĩ sẽ đẩy cộng sản vào chân tường”. Tướng Kỳ nghe anh em kể lại, ông chỉ mỉm cười. Khi Tướng Kỳ về nước năm 2004, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh (nghe nói Mặt Trận HCM cử ông làm Chủ tịch Tập thể Chiến sĩ?) đã phát ra một bản tuyên cáo bằng lời lẽ nhục mạ rất nặng nề, đòi trục xuất Tướng Kỳ ra khỏi cộng đồng tị nạn. Khi Tướng Kỳ trở về từ Việt Nam, nhà báo Đỗ vẫn Trọn ở San José, CA. phỏng vấn, hỏi ông có bằng lòng đối chất với giáo sư Vinh trên đài để làm sáng tỏ công luận. Tướng Kỳ đáp: “Sẵn sàng trả lời mọi sự tìm hiểu của bất cứ ai trên diễn đàn công luận, chứ không riêng với ông Nguyễn Xuân Vinh”. Tiếc thay, giáo sư Vinh không đủ can đảm để đối diện Tướng Kỳ, viện lẽ bận nhiều công việc. Ông Vinh bị dư luận đánh giá là một kẻ hèn, không dám đối diện Sự Thật, sau khi phỉ báng Tướng Kỳ. Nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm tờ tạp chí Văn Hóa phỏng vấn Tướng Kỳ có thu hình tại phim trường Saigon Television, do ông Phan Ngọc Tiếu làm Giám đốc, gần hai tiếng đồng hồ, ông Kỳ đã nói rõ mục đích chuyến đi Việt Nam của ông vừa qua. Buổi phỏng vấn được hứa hẹn sẽ chiếu liên tục nhiều kỳ trên băng tần số 44, bắt đầu từ chiều Thứ Năm, mồng 8 tháng 4 năm 2004. Tiếc thay, TV mới chiếu được một phần đầu thì đành phải ngưng vì áp lực chống đối của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Đó là lý do vì sao những đòi hỏi dân chủ ở hải ngoại mà chính quyền trong nước coi không ra gì. Người ta “chửi” cộng sản bịt miệng linh mục Nguyễn văn Lý trong nước, nhưng người ta không cho Tướng Kỳ được quyền nói ở hải ngoại. Nếu cái đám người chống Cộng đó mà cầm quyền thì sự tồi tệ cũng chẳng kém gì cộng sản! Về nước công khai, làm bổn phận chính đáng của một công dân yêu nước, Tướng Kỳ sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của đồng bào. Điều đó chứng tỏ ông không làm việc gì khuất tất, lén lút để làm mất danh dự hay chính nghĩa của Miền Nam.

 

Những tờ báo hải ngoại đăng tin thất thiệt lấy từ báo trong nước để mạ lỵ Tướng Kỳ, không cần kiểm chứng, mặc dầu báo chí hải ngoại phê phán báo trong nước không đáng tin cậy. Đôi khi còn có người bóp méo hoặc dùng tên ma phịa ra cuộc phỏng vấn giả mạo để mạ lỵ Tướng Kỳ (như kẻ dùng nặc danh Tuyết Lan), đem đăng báo nhằm kiếm tiền độc giả. Tuy mang danh nghĩa đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận trong nước, nhưng báo chí hải ngoại không làm tròn chức năng của cơ quan ngôn luận lương thiện: “Vô tư, công bình, chính xác” (fair, balance, accurate). Cho nên tôi rất khinh bỉ những nhà báo vô đạo đức mà đòi tranh đấu cho quyền làm người.

 

Suốt 6 năm qua, có những kẻ thiển cận, có những kẻ đố kỵ, có những kẻ giả bộ căm thù cộng sản đã dùng lời lẽ vô văn hóa để triệt hạ thanh danh một người luôn hết lòng với Đất Nước, Tướng Kỳ không hề buồn phiền, quan tâm. Điều đó chứng tỏ bản lĩnh vững vàng của một nhà lãnh đạo chỉ chú tâm lo việc Đất Nước, chẳng cần đếm xỉa đến đám ruồi nhặng cản trở con đường tiến tới mục tiêu vì Nước, vì Dân. Kẻ nào lập luận rằng Tướng Kỳ về Việt Nam là làm tay sai cho cộng sản, thì hãy thử nghe một câu nói sau đây của ông với nhà lãnh đạo Việt Nam để biết ông là người thế nào: “Việt Nam bị quốc tế chia đôi: một bên được Đế quốc Đỏ Nga Tầu phát súng cho để làm người lính tiền phong mà đem chém giết anh em Miền Nam; một bên được Đế quốc Trắng đưa súng đưa tiền cho để làm người lính tiền đồn mệnh danh là bảo vệ chính nghĩa tự do. Cuộc chiến đã tàn rồi, hai bên phải nhận ra cái số phận đầy tớ của mình để mà quên đi cái nhục của thân phận tôi đòi. Chẳng có gì mà vênh váo, huyênh hoan! Chẳng có gì phải cay đắng!”. Thử hỏi ai đã có cái can đảm nói lên sự thật đó trước mặt quan chức cộng sản, trong khi hàng năm cứ đến ngày 30 Tháng Tư, chính quyền trong nước vẫn còn rầm rộ tổ chức ăn mừng chiến thắng, dù Võ văn Kiệt can ngăn cũng không được. Nếu câu nói đó phát xuất từ kẻ trốn lính, kẻ ngụy hòa thì khó chấp nhận; còn đây là lời nói của một người luôn luôn xông pha chốn đầu tên mũi đạn nhìn lại bản thân của cái thời đã qua. Những chiến sĩ của hai phía đã nằm gai nếm mật hãy quên niềm tự hào thành tích chống Mỹ cứu nước hoặc thành tích Sát Cộng đi! Chúng ta hai phía đều là lính đánh thuê thôi! Không viện trợ tiền bạc, súng ống đạn dược thì lấy gì để đánh nhau? (Tướng Thiệu đã xác nhận, cãi cọ làm gì nữa cho thêm ồn ào trong Cộng Đồng).

 

Có người chống Tướng Kỳ vì ông có những lời lẽ khinh miệt các Tướng lãnh VNCH. Năm 1975, Bắc Việt tổng tấn công Miền Nam. Một đạo quân tinh nhuệ vào hàng thứ 5 trên thế giới mà chỉ biết chạy dài, không hề có một trận đánh kháng cự. Chạy nhanh đến nỗi địch quân đuổi theo đến hụt hơi. Tướng Lê Minh Đảo từng thú nhận với người bạn đồng khóa 10 Sĩ Quan Đà Lạt: “Sư đoàn 18 của moa phải tử chiến với địch quân vì không đường thối lui, nếu chạy được thì moa cũng chạy thôi!”. Thực tế là như vậy đấy! Trong trường hợp ấy, chẳng lẽ quy trách nhiệm cho anh Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng hay là ông Tổng Tư lệnh Quân Đội, ông Tổng Tham mưu trưởng, các ông Tư lệnh Quân Đoàn?

 

Bản thân tôi, chỉ là một Thiếu tá, cũng coi rẻ mấy ông Tướng, chứ đừng nói là Tướng Kỳ. Đây là những lý do tôi không có lòng kính trọng một số Tướng lĩnh: 

 

1/ Khi Tướng Kỳ nhường cho Tướng Thiệu ra tranh chức Tổng thống, Tướng Nguyễn Đức Thắng đề nghị thành lập Quân Ủy Hội do Tướng Kỳ làm Chủ tịch, gồm Tướng Thiệu, các Tướng Tư lệnh Quân Binh chủng, Tư lệnh Quân Đoàn làm thành viên để quyết định đường lối, chính sách lãnh đạo Quốc gia (tức là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách). Tổng thống Thiệu chỉ là người có nghĩa vụ thi hành quyết định chung. Tất cả các Tướng đều ký tên cam kết tuân thủ, nhưng khi Tướng Thiệu trở thành Tổng thống thì ông phản lại lời cam kết, giải tán Quân Ủy Hội mà các Tướng không đủ can đảm chống lại sự phản bội của Tướng Thiệu. Nếu ọng Kỳ mà chống thì hóa ra là kẻ tranh chấp quyền hành với Thiệu.

 

 2/ Năm 1967 sau khi biết Tướng Kỳ nhường Tướng Thiệu ra tranh cử Tổng thống, Tướng Hoàng Xuân Lãm rưng rưng nước mắt cảm động, ông yêu cầu Tướng Kỳ đứng chung liên danh với Tướng Thiệu để liên danh quân đội đắc thắng trong cuộc tranh cử, nếu Tướng Kỳ không thỏa mãn lời yêu cầu thì Tướng Lãm dọa bóc lon trả lại Quân đội, về sống đời sống dân sự. Năm 1971, Tổng thống Thiệu gạt Tướng Kỳ ra khỏi liên danh, chọn Trần văn Hương làm Phó Tổng thống, mà không một Tướng nào dám lên tiếng chống lại sự phản bội của ông Thiệu. Sao lần này Tướng Lãm không đòi lột lon mình?

 

3/ Sự tham nhũng, mua quan bán chức của ông Thiệu bị linh mục Trần Hữu Thanh và các vị dân cử tố giác, không một ông Tướng nào dám đòi hỏi Tướng Thiệu trong sạch hóa cơ quan công quyền để giữ vững tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Họ chỉ biết cúi đầu tuân lệnh là một hình thức đồng lõa hèn hạ. 

 

4/ Lâm vào tình trạng tị nạn, các Tướng lãnh không tỏ ra một chút hối hận vì sự vô trách nhiệm của mình, lại thành lập Hội Đồng Tướng lãnh để làm trò hề, Hội Đồng ra lệnh được ai? 

 

5/ Có ông Tướng nào kêu gọi Mặt Trận hãy chấm dứt trò lừa bịp về vụ Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã chết mà vẫn từ chiến khu quốc nội gửi thư thăm đồng bào hải ngoại; lợi dụng lá cờ vàng ba sọc đỏ dán vào các cái lon đặt ở nơi chợ búa để đi quyên tiền một cách bất chính? 

 

6/ Có Tướng nào đã làm một hành động gì để bảo vệ Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị bọn phản chiến Hoa Kỳ đâm đơn kiện tòa án, đòi trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ?

 

7/ Có Tướng nào công khai nói thẳng với Đại tướng Nguyễn Khánh và các ông Tướng chui vào chính phủ Chú Chánh là điều xấu hổ, khuyên các ông Tướng này hãy rút lui để khỏi làm mất mặt Quân Đội?

 

8/ Tướng Lâm Quang Thi, đặc trách Tư lệnh Tiền phương Quân Đoàn I, chỉ dám ngồi trên soái hạm Hải quân đậu ngoài khơi cửa biển Thuận An, điều khiển quân lính cố thủ Huế bằng “remote control”, rồi sau đó chỉ thị hạm trưởng lái tầu xuôi Nam, bỏ mặc quân sĩ sống chết ra sao chẳng cần biết. Năm 2004, nhân dịp giáo sư Nguyễn Xuân Vinh ra tuyên cáo mạ lỵ Tướng Kỳ, thì Tướng Lâm Quang Thi cũng a dua theo viết bài mắng mỏ Tướng Kỳ tại sao không noi gương các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng … tự tử mà chết đi? Nhân cách một vị Tướng như thế, có đáng kính phục không? Tướng Thi có cậu con trai của mình là Andrew Lâm hiện nay về làm ăn trong nước và trở nên rất giầu. Tướng Thi có buộc tội con mình là tay sai cộng sản, là đâm sau lưng chiến sĩ VNCH không? 

 

9/ Tướng Tổng Tư lệnh Quân đội, Tướng Tổng Tham mưu trưởng đã âm thầm bỏ trốn; Trong khi đó, sáng ngày 29 tháng Tư, Tướng Kỳ còn bay trên không phận Sài Gòn để hướng dẫn phi tuần khu trục dội bom vào các ổ trọng pháo Bắc quân nả đạn vào căn cứ Tân Sơn Nhất. Đại úy phi tuần trưởng là Trần văn Phúc năm kia còn xác nhận rằng ông là người liên lạc trên tần số với Tướng Kỳ vào ngày cuối cùng để phản bác luận điệu của nhà văn Phan Nhật Nam công kích Tướng Kỳ. Trung tướng Trần văn Đôn cũng xác nhận trong hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng” là Tướng Kỳ bay trên bầu trời Sài Gòn vào sáng 29 Tháng Tư để chỉ cho khu trục oanh kích các ổ hỏa tiễn địch quân. Nên nhớ, năm 1971 ông Thiệu đã đẩy Tướng Kỳ ra khỏi chính trường. Tướng Kỳ phải ra Khánh Dương làm nhà canh tác nông trại, không còn một chút trách nhiệm gì trong sự mất còn của Đất Nước. Cho đến khi Đại tá Lý Bá Phẩm, Tỉnh trưởng Nha trang, chạy đến Khánh Dương cầu cứu với Tướng Kỳ gọi điện về Sài Gòn xin tăng cường quân lính phòng thủ. Tướng Kỳ đã tình nguyện chỉ huy đoàn quân giải phóng Ban Mê Thuột, nhưng ông Thiệu không chấp nhận vì sợ Tướng Kỳ đảo chánh. Tướng Kỳ cũng đã tình nguyện với tân Tổng thống Trần văn Hương để đảm nhiệm vai trò Tổng Tham trưởng để có chính danh nhằm tái phối trí lực lượng phản công, khi biết Đại tướng Cao văn Viên đã âm thầm bỏ nhiệm sở, nhưng ông Hương vẫn không chấp thuận. Sau khi hướng dẫn khu trục oanh kích xong, Tướng Kỳ đáp xuống Bộ Tổng Tham mưu để liên lạc với Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Vùng IV, nhằm cố thủ được phần nào hay phần nấy. Không ai trả lời điện thoại. Nhưng cũng nhờ hành động này, Tướng Kỳ đã cứu được Tướng Ngô Quang Trưởng bị ông Thiệu giam lỏng ở đó. Khi Tướng Kỳ bị những lời khiếm nhã của báo chí vu cáo Tướng Kỳ hèn nhát bỏ nước ra đi, để lại anh em vì tin lời ông, phải bị hành hạ trong lao tù cộng sản. Tôi đã gọi điện thoại cho Tướng Trưởng để mong ông lên tiếng nói ra sự thật, chính Tướng Kỳ là người cứu ông vào phút chót, nhưng ông Trưởng đã sợ công luận nên giữ im lặng. Cho đến khi ông qua đời, nhà báo Nguyễn Tường Tâm phải làm một cuộc phỏng vấn chị mình (tức là phu nhân Tướng Trưởng) để chính bà Trưởng nói lời cảm tạ Tướng Kỳ đã cứu chồng mình. Tôi vốn có mối giao tình tốt đẹp với Tướng Trưởng và rất quý mến ông, nhưng ông không dám nói lên sự thật, tôi rất buồn ông.

 

Dù đã mất hết binh quyền, không có trách nhiệm gì với Đất Nước, những ngày cuối ông Tướng Kỳ còn đến nhà thờ Tân Sa Châu, lên căn cứ Long Bình kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu. Nếu ông có nói ông không sang Mỹ vì uống sữa không quen, sợ đau bụng thì cũng chỉ là cách vận động tuyên truyền để mọi người ở lại chiến đấu với mình, chứ chẳng phải ông dụng tâm đánh lừa quần chúng. Bằng cớ là ông kêu gọi như thế xong, ông không lặng lẽ trốn. Ông còn ở lại chiến đấu với anh em tới phút chót, cho đến khi không còn ai nữa thì ông mới bay ra Hạm Đội 7 ngoài khơi Việt Nam. Ông Kỳ không hèn như Tổng thống lên đài truyền hình thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng với anh em binh sĩ, rồi nửa đêm lẻn trốn cùng với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm mang theo đô la, châu báu, vàng bạc phóng lên máy bay đào tẩu sang Đài Loan. Hai ông Tướng giàu có – một Tổng thống, một Thủ tướng – sống cuộc đời phong lưu, không hề nhả ra một đồng xu giúp đồng bào mình, không hề có một lời xin lỗi đồng bào mình. Nay có kẻ làm giỗ cựu Tổng thống một cách linh đình và dự định tuyên dương là một bậc anh hùng! Trong khi ấy, một kẻ không màng danh lợi, chỉ vì nhìn thấy trước hiểm họa của Trung Cộng nguy hại cho Đất Nước mà phải đích thân về thuyết phục lãnh đạo cộng sản nên liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ để giữ nước thì bị một đám người (không hiểu nên gọi tên họ là hạng người gì) đã hỗn láo, thô tục lăng mạ ông! Bởi vì Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh đầu têu làm trò bỉ ổi này mà có kẻ bắt chước?

 

Thông tin trong nước cho biết nhà cầm quyền cộng sản tỏ ra nhu nhược trước sự hống hách của Phương Bắc, thanh niên biểu tình bày tỏ lòng yêu nước bị Công An bắt bớ đành đập. Ngư dân chết cũng mặc. Tôi tỏ ra tuyệt vọng, gọi điện thoại về trong nước, nói với Tướng Kỳ: “Ông trở về Hoa Kỳ hay qua Mã Lai mà sống đi thôi. Hy vọng thuyết phục nhà cầm quyền “bắt vít” với Mỹ coi như hỏng rồi. Trung Cộng nhất định biến Việt Nam thành Giao Chỉ Quận mất rồi”. Ông cười đáp: “Chính vì thấy sự hống hách của Trung Cộng, tôi càng mừng. Hành động đó làm cho lòng yêu nước của nhân dân trỗi dậy và họ (tức là nhà cầm quyền) phải đi với Mỹ thôi, mà không đi cũng không được”. Tôi lấy làm lạ hỏi: “Ông nói không đi với Mỹ cũng không được là nghĩa làm sao?”.  Ông giải thích: “Anh còn nhớ những gì tôi nói từ thế kỷ trước không? Trung Quốc chỉ là anh “chạp phô”, lo làm ăn phát triển kinh tế thì OK. Nhưng nếu tỏ ra tham vọng làm cường quốc số 1 thì không bao giờ bọn da trắng để yên đâu! Không những Hoa Kỳ, mà Nga và Âu Châu sẽ kềm hãm Trung Cộng, vì họ rất sợ họa da vàng. Đời nào Hoa Kỳ chịu cho Trung Cộng độc quyền thao túng Biển Đông? Người cầm quyền cộng sản không thấy ra điều đó, nên cứ khăng khăng ôm chân cộng sản Tầu là có ngày chết mà không biết đấy! Anh còn trẻ hơn tôi những 10 tuổi, làm gì mà nóng vội thế?”. Nghe Tướng Kỳ nói vậy, thì hay vậy, nhưng trong lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn, tôi vẫn tỏ ra lo âu: “Não trạng của nhà cầm quyền cộng sản là thà mất nước còn hơn là mất Đảng, vì thế họ cứ do dự, không chịu canh tân cải tổ như những đề nghị của ông, mặc dầu họ vẫn nhìn nhận điều ông nói là đúng, nhưng lại than khó quá, không làm ngay được”. Ông xuống giọng trầm: “Anh cứ tin tôi đi, hãy đợi đó mà xem, cái giống dân Việt Nam mình chẳng thể bảo được nhau, nhưng ông Mỹ hay ông Tầu nói là nghe răm rắp thôi”!

 

Ngẫm nghĩ lời Tướng Kỳ nói hơi “phũ phàng”, nhưng phần lớn những điều ông nói khá đúng đã xảy ra. Quả nhiên, những sự kiện cứ tuần tự rõ nét dần: Sự hống hách của Trung Cộng đã làm cho các Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh), Tướng Đồng Sĩ Nguyên, nhà ngoại giao Dương Danh Di … vì lòng tự ái của dân tộc nên đã gay gắt công khai lên án đảng cầm quyền; Bà Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố cứng rắn; Mỹ - Hàn Quốc biểu dương sức mạnh sát nách Trung Cộng; tầu sân bay đậu ngoài khơi Đà Nẵng để đón quan chức, báo chí Việt Nam lên tầu “tham quan” … Chưa hết! Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh hình như thuộc phe thân Tầu, vừa họp báo nói năng có vẻ hèn để khỏi mất lòng ông Tầu. Hôm sau, Tuần Việt Nam cho đăng bài viết của Tướng Lưu Á Châu viết từ năm 2002 kỷ niệm một năm sau vụ “khủng bố 9-11”, đề cao nước Mỹ và chê Trung Quốc thì rõ ràng phe thân Mỹ trong Đảng có triệu chứng thắng thế. Vừa rồi, trong thư viết cho nhà văn Trần Mạnh Hảo, tôi có nói đến ông già từ Việt Nam sang thăm con đề nghị xin Việt Nam được trở thành tiểu bang 51 của Hoa Kỳ. Coi bộ đề nghị đó khó được Hoa Kỳ chấp thuận. Tôi nghĩ đến một giải pháp khác: chính quyền Việt Nam hãy cho Hoa Kỳ thuê hải cảng Cam Ranh 99 năm để dùng làm căn cứ cho Đệ thất Hạm đội, giống như Mao Trạch Đông, dù đẩy Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan, thống nhất nước Tầu, nhưng vẫn để cho Anh quốc cai trị Hongkong, sau đó chấp thuận cho Hongkong duy trì tình trạng một quốc gia hai thể chế chính trị. Cho Hoa Kỳ thuê hải cảng Cam Ranh thì nền an ninh của Việt Nam sẽ vững bền và nền kinh tế sẽ có cơ hội phát triển lành mạnh. Dám làm như thế mới không bị mất nước vào tay Trung Cộng, chứ đừng thập thò chơi với Mỹ theo cái kiểu “vừa ấy, vừa run”.

 

Chị Việt Hồng thân mến,

 

Chẳng phải Tướng Kỳ không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ, vấn đề đa nguyên đa đảng, bằng cớ là sau khi dẹp yên cuộc biến động Miền Trung năm 1966, ông liền tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến, viết Hiến pháp, khai sinh Đệ nhị Cộng hòa, xây dựng nền dân chủ. Nhưng quan tâm hàng đầu của ông hơn hai thập niên qua là nguy cơ bành trướng của Trung Quốc, chứ không phải là mấy năm gần đây. Ông đã vận động những nhà làm chính sách của Hoa Kỳ, đi nói chuyện ở các Đại học Mỹ, đề tài của ông luôn luôn kêu gọi Hoa Kỳ trở lại Việt Nam. Ngay cả khi Việt Nam nhượng đất nhượng biển, mất thác Bản Giốc, Trường Sa Hoàng Sa bị Quốc Vụ Viện Trung Cộng đòi sát nhập vào huyện Tam Sa, các nhà tranh đấu từ trong nước đến hải ngoại chỉ biết lên tiếng kết án nhà cầm quyền, chưa có một ai đứng ra khuyên nhà cầm quyền Việt Nam nên đi với Mỹ để có cái thế mạnh mà bang giao hữu hảo với Trung Cộng trong tinh thần bình đẳng song phương hưởng lợi. Thử hỏi đã có ông Tiến sĩ nào là người đã vận động Hoa Kỳ trở lại Việt Nam như Tướng Kỳ? Như chị Việt Hồng biết, tình báo Trung Cộng đầy rẫy ở Việt Nam, phe quan chức Việt Nam thân Tầu không phải là ít. Về nước năm 2004 để thuyết phục nhà cầm quyền Việt Nam theo Mỹ là đi giữa hai lằn đạn, vô cùng nguy hiểm. Cho nên trả lời cuộc phỏng vấn đầu tiên ở Sài Gòn, ông đáp rằng ông về Việt Nam là vì Đất Nước, chứ không phải vì Ông Chính Quyền hay Ông Hải Ngoại là ngầm chứng tỏ làm gì cho Đất Nước thì ông không từ nan, ngay cả mạng sống. Ông chẳng làm cho phe Quốc cũng chẳng làm cho phe Cộng, mà ông chỉ làm cho Đất Nước và vì Đất Nước. Tôi nghĩ vấn đề “hòa giải hòa hợp” đối với ông chỉ là diện; nguy cơ Giao Chỉ Quận mới là điểm. Do đó, những lời ong tiếng ve của hải ngoại ông xem như không có, vì sự an nguy của Việt Nam chủ yếu nằm trong tay của Hoa Kỳ, chứ không ở trong tay mấy ông, mấy bà Chống Cộng ở hải ngoại. Một chút ánh sáng hy vọng đang lóe lên ở cuối đường hầm khi Hoa Kỳ bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Cộng, bây giờ tôi mới hiểu tại sao ông nói sự hống hách của Trung Cộng là dấu hiệu đáng mừng cho xứ sở.

 

Để chấm dứt bài viết mà chị yêu cầu, tôi xin trích lại nhận xét của bà ký giả người Ý Đại Lợi – Oriana Fallaci – rất thân Cộng đã phỏng vấn Tướng Kỳ từ trước năm 1975 và kết luận như sau: Nguyễn Cao Kỳ đáng... là lãnh tụ của một vùng đất thiếu lãnh tụ một cách đau đớn”. Qúy vị sẽ nhận thấy điều đó khi ngỡ ngàng lắng nghe ông ta khoảng hơn 10 phút. Tướng Kỳ không phải là một anh chàng ngố, ông ta có điều muốn nói, và ông nói huỵch toẹt mà không sợ vạ miệng”. Nếu tôi là người viết ra câu nhận định trên, thế nào độc giả sẽ cho rằng tôi bốc thơm ông Kỳ. Bao giờ chị có dịp phỏng vấn ông, nếu trực tiếp diện đối diện thì càng tốt, chị sẽ thấy rằng câu kết luận của bà Oriana là chính xác.

 

Tôi xin cảm ơn nhã ý của chị đã yêu cầu tôi làm sáng tỏ công luận. Tôi viết bài này với hai mục đích chủ yếu:

 

1/ Nhắn với người lãnh đạo trong nước hãy nên nghe lời khuyên của một người từng lãnh đạo Miền Nam đã nhận thức sâu sắc số phận nhược tiểu của dân mình. Hãy xóa bỏ lằn ranh Quốc – Cộng đi, đừng tự ái, đừng mượn danh nghĩa “Chống Mỹ Cứu Nước” lỗi thời, hãy bắt tay với Hoa Kỳ một cách thành thật (chấp nhận cho Mỹ thuê hải cảng Cam Ranh 99 năm chẳng hạn) để mà gìn giữ đất đai của tổ tiên. Đừng sợ chơi với Hoa Kỳ thì mất đảng, rồi đàn áp những nhà dân chủ. Nếu làm điều tốt lành cho Nước, cho Dân thì quý vị sẽ cai trị lâu dài. Cả mấy trăm năm nữa như Tướng Kỳ đã nói.

 

2/ Nhắn với những người bạn trẻ nếu còn thiết tha đến giống nòi thì hãy nên bắt chước tấm gương của Nguyễn Cao Kỳ mới 35 tuổi đã dám nhận lãnh trách nhiệm điều hành quốc gia (trong khi các ông Tướng già hơn không dám đảm nhận) bằng một tinh thần dũng cảm, trong sạch, cương quyết. Nên nhớ cái khí phách làm nên con người xứng đáng; chứ không phải bằng cấp to mà có tâm địa nhỏ nhen, thấp hèn, lại nuôi tham vọng lớn thì chỉ càng thêm ô danh muôn thuở, lưu xú vạn niên. Những người già như tôi (ở tuổi 70 thất thập cổ lai hi) là những kẻ đã thất bại, lại mang hội chứng “Quốc – Cộng”, chẳng có điều gì hay ho để góp ý với các bạn trẻ. Chỉ có một điều luôn luôn đúng ở mọi thời đại, mọi hoàn cảnh: Chí cho thành, tâm cho chính thì không có điều gì phải âu lo cho sự nghiệp của mình. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Thế hệ chúng tôi phần lớn hỏng cả rồi!

 

Một điều khác nữa tôi xin nói thêm: Theo như thông tin mà tôi nhận được từ trong nước, tù nhân Trương văn Sương có thân sinh là người Trung Hoa, thân mẫu là người Kampuchia. Về huyết thống, anh chẳng dính dấp gì đến người Việt Nam. Anh Trương văn Sương chỉ là người Việt, vì sinh đẻ trên đất nước Việt Nam (như ông Phan Thanh Giản). Sau 33 năm 4 tháng ở tù, được cộng sản cho ra ngoài để chữa bệnh, anh Sương chỉ có một lời nhắn duy nhất: “Dân Tộc Việt Nam phải biết thương dân tộc Việt Nam”. Nếu người cầm quyền trong nước và người Chống Cộng ở hải ngoại vẫn ôm lấy sự thù hận đối xử với nhau, thì hãy tự biết hổ thẹn trước lời nói của một người tù bất khuất Nelson Mandela Trương văn Sương không mang trong thân thể dòng máu Việt Nam mà lại khuyên như thế. Biết xấu hổ thì mới không ăn cắp, không gian dối dựng đứng điều tai ngược để nhục mạ nhau. 

 

Sự Thật giải phóng Con Người (TMH). Tôi xin thêm: Chỉ có Con Người mới biết Sám Hối để Giác Ngộ (Con vật không biết sám hối). Tôi có người bạn thân, Trung tá Không Quân Võ Ý, xuất thân khóa 17 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Anh đã hiểu lầm tôi trong vụ Tướng Nguyễn Cao Kỳ về Việt Nam. Về sau, anh theo dõi những bài viết của tôi, anh ân hận, nên anh đã viết cho tôi một email nguyên văn như sau (không bỏ dấu tiếng Việt, nhưng ai đọc cũng hiểu):

 

“From: Voy2002@aol.com

Sent: Saturday, December 09, 2006 8:25 PM

To: adang6@houston.rr.com

Subject: Co Hoi Bang Vang

 

Than goi BP DVA

Toi that su kham phuc bai viet Co Hoi Bang Vang cua BP DVA. Ly le cua bai viet mang mot suc manh vo song. Tu do tac dung cua bai viet tat nhien phai kien hieu.

Toi TIN rang (chu khong Hy Vong), neu ba nha lanh dao CS doc bai viet, at phai suy nghi. Mot cach rieng tu, toi khong con cam thay "xa cach" sau khi doc bai viet xuat sac nay

Tran trong

voy

 

Tôi cho rằng bạn tôi là người can đảm, dám bày tỏ chân thật tấm lòng của mình để nối lại tình bạn xưa bị sứt mẻ do hiểu lầm. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Trung tá KQ Cung Thúc Cần (tức là nhà thơ Cung Trầm Tưởng nổi tiếng qua bài Lên Xe Tiễn Em Đi nhờ Phạm Duy phổ nhạc), xuất thân từ trường Không Quân Salon de Provence danh tiếng của Pháp, đã mạt sát tôi rất nặng nề. Ông Vinh gọi tôi là “thằng côn đồ”, “đứa đểu cáng”, liệu họ có đủ cái can đảm như nhà thơ – nhà văn Võ Ý để nói với tôi một lời xin lỗi để chứng tỏ sự giác ngộ? Sự giác ngộ của hai ông sĩ quan KQ của VNCH chẳng ích lợi gì cho tôi, nhưng nó sẽ giúp hai ông tỏ ra xứng đáng được gọi là … Con Người Có Văn Hóa!

 

Thân chào chị Việt Hồng cùng các anh chị em trong Ban Biên Tập,

 

Bằng Phong Đặng văn Âu,

Thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 18 tháng 8 năm 2010.