Search This Blog

Saturday, October 28, 2023

HOÀNG CƠ MINH - CHIẾN DỊCH ĐÔNG TIẾN

 

Chiến Dịch Đông Tiến tới Cái Chết của

Chiến Hữu "Chủ Tịch" Hoàng Cơ Minh.

 Tân Dân

 

Lời Mở Đầu: Bài viết này được đúc kết lại từ nhiều nguồn, từ những cựu kháng chiến quân, đến cả các báo của cộng sản Việt Nam, phát hành trong nước. Chúng tôi đối chiếu và gạn lọc lại với một tâm tư ước mong duy nhất đó viết lên sự thật về Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, từ lúc bắt đầu hoạt động đến những phút cuối cùng của cái gọi là “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam”. Hầu cống hiến đến đồng hương Hải Ngoại một cách tường tận, từng diễn tiến chiến dịch Đông Tiến đưa đến cái kết của “Phong Trào Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh”.

 

Chủ tịch Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam - Tiền thân của Đảng Việt Tân.
23 giờ ngày 18/7/1987, nhóm kháng chiến Hoàng Cơ Minh lên đường, đi đầu là “Quyết đoàn Tiền phương”. Càng đến gần biên giới Thái - Lào, các kháng chiến quân càng hoang mang, lo sợ vì họ biết chuyến đi này không phải để dàn cảnh, quay phim, mà dữ nhiều, lành ít.


Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh.


Cách đây hơn 30 năm - ngày 28/8/1987, trên đường xâm nhập qua lãnh thổ nước Lào để vào Việt Nam, nhằm thực hiện âm mưu, lật đổ chính quyền cộng sản, Hoàng Cơ Minh, nguyên Phó đề đốc Hải Quân VNCH, người cầm đầu tổ chức kháng chiến gọi là "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam", đã bị các lực lượng vũ trang bộ đội Lào phát hiện, truy đuổi và bắn bị thương tại vùng Bản Pon, tỉnh Xa La Van.

Sau đó, do lo sợ bị bắt, cũng như đoán trước được kết cục dành cho mình, Hoàng Cơ Minh tự sát.


Chiến dịch Đông tiến 2.


Sau khi “chiến dịch Đông tiến 1” tổ chức hồi tháng 8/1986 thất bại, bị cộng đồng người Việt hải ngoại vạch trần âm mưu bịp bợm vì thực chất của “chiến dịch” này, chỉ là đưa một nhóm tay chân về vùng rừng núi biên giới tiếp giáp giữa Thái Lan, Lào, dưới vỏ bọc công nhân liên doanh lâm nghiệp, và sau đó cho mặc quần áo rằn ri, vai đeo balô, tay cầm súng, lăn lê bò lết để quay phim, chụp ảnh, đưa về Mỹ tuyên truyền rằng, “mặt trận” đã thành lập được nhiều “khu chiến” bên trong lãnh thổ Việt Nam, thì Hoàng Cơ Minh, chủ tịch “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (từ đây gọi tắt là Mặt trận Hoàng Cơ Minh) cùng đám tay chân thân tín nhận ra rằng, trò lừa đảo của “mặt trận” đang có nguy cơ đổ bể.

Nếu như trước kia, hệ thống "phở Hòa", tàu đánh cá, nhà in – là cơ quan kinh tài của “mặt trận”, có chi nhánh trên nhiều Tiểu bang của nước Mỹ, liên tục kêu gào cộng đồng người Việt đóng góp phần ủng hộ “kháng chiến”, thì nay dù thúc ép, thậm chí hăm dọa, cũng chẳng còn ai tin. Những cuộc biểu tình do “mặt trận” tổ chức, người tham dự cũng ngày càng thưa thớt.

Đã thế, trong nội bộ “mặt trận” lại xuất hiện sự chống đối, nhiều người thẳng thừng gọi tổ chức Hoàng Cơ Minh là “kháng chiến bịp”, Hoàng Cơ Minh là chủ tịch lừa.

Vì thế, "ngài" Chủ Tịch quyết tâm tiến hành một chiến dịch nữa nhằm tạo tiếng vang và lấy lại uy tín, hầu dễ bề quyên góp tiền bạc. Đầu tháng 7/1987, ông cho di chuyển khoảng 100 kháng Chiến Quân (cả số đang còn ở lại ở biên giới Thái Lan, Lào sau “chiến dịch Đông tiến 1”, lẫn số từ Mỹ sang), đến một khu rừng thuộc tỉnh UBon – Thái Lan, rồi móc nối với bọn thổ phỉ người Lào để thuê bọn này dẫn đường vượt qua đất Lào.


Theo kế hoạch – được Hoàng Cơ Minh đặt tên là “chiến dịch Đông tiến 2”, đoàn kháng chiến quân chia thành 4 bộ phận: Đó là “Quyết đoàn Tiền Phương”, gồm 40 người do Phan Thanh Phương làm Quyết đoàn trưởng (mỗi Quyết đoàn lại chia thành nhiều Dân đoàn, mỗi Dân đoàn gồm 9, 10 người), có nhiệm vụ mở đường. “Quyết đoàn Bắc Bình”, gồm 29 kháng chiến quân do Lê Đình Bảy làm Quyết đoàn trưởng, đi giữa. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Huy, Trần Khánh, Võ Hoàng (là ủy viên trung ương mặt trận) cùng một số chiến sĩ chóp bu khác.


Đoàn kháng chiến quân "tuyên thệ" trước khi lên đường Đông Tiến.


Đi sau cùng là “Quyết đoàn Anh dũng” gồm 40 kháng chiến quân, do Khu Xuân Hưng làm Quyết đoàn trưởng. Các Quyết đoàn ngoài vũ khí cá nhân như súng AK, M16, lựu đạn, mìn claymore, còn có một hoặc hai khẩu B40, B41, và vài máy bộ đàm tầm hoạt động khoảng 3 cây số.


Tất cả những thứ ấy, mặt trận mua lại từ các nhóm thổ phỉ Lào hoặc từ các chợ trời vũ khí dọc theo biên giới Lào, Thái Lan. Riêng bộ chỉ huy của Hoàng Cơ Minh, còn được trang bị thêm 2 khẩu súng cối cá nhân M79. Quần áo, giày dép, mũ nón sử dụng cũng vậy, hầu hết đều mua ở chợ trời biên giới với đủ chủng loại.


Về lương thực, mỗi kháng chiến quân mang trên lưng 20 - 30kg, gồm gạo, mì ăn liền, mắm muối, nồi niêu xoong chảo. Bên cạnh đó, các Quyết đoàn còn được cấp một ít tiền để mua lương thực nếu đi ngang thôn bản người Lào. Riêng các Quyết đoàn trưởng và các Ủy viên mặt trận, Hoàng Cơ Minh giao cho mỗi kháng chiến quân từ 2 đến 5 lượng vàng, một số tiền đô la Mỹ và đồng bạt Thái Lan để... hối lộ bộ đội Lào nếu bị bắt!


Theo kế hoạch, cả toán Đông Tiến sẽ vượt sông Mê Kông, sang tỉnh Xa La Van – miền Nam nước Lào rồi từ đó, dưới sự dẫn đường của 20 tên thổ phỉ Lào, toán sẽ đi về tỉnh Sê Kông và xâm nhập khu vực ngã ba biên giới, thuộc tỉnh Kon Tum, Việt Nam. Tại đây, toán kháng chiến sẽ lập căn cứ, tiến hành phục kích xe cộ, đặt mìn phá cầu, tấn công các đồn biên phòng Việt Nam để gây tiếng vang, tạo cơ hội cho chiến binh ở lại bên Mỹ, thúc ép đồng hương người Việt góp thêm tiền ủng hộ...


23 giờ ngày 18/7/1987, đoàn kháng chiến quân Hoàng Cơ Minh lên đường, đi đầu là “Quyết đoàn Tiền phương”. Càng đến gần biên giới Thái - Lào, mọi người càng hoang mang, lo sợ, nhất là những vị chỉ huy các Quyết đoàn, dân đoàn vì họ biết chuyến đi này không phải để dàn cảnh, quay phim, mà dữ nhiều, lành ít. Khi chỉ còn cách điểm tập kết là bờ sông Mê Kông ngăn đôi hai nước Lào, Thái Lan chừng 3km, Hoàng Cơ Minh sai “Quyết đoàn trưởng quyết đoàn Tiền phương” Phan Thanh Phương, cử một Dân đoàn đi trinh sát.


Thế nhưng, 9 người trong dân đoàn ấy chỉ đi khoảng 300 mét, rồi lủi vào bụi rậm nằm chờ đến giờ quay về báo cáo. Tuy nhiên lúc quay về, thì một người trong “Dân đoàn” bỗng dưng biến mất. (Do quá sợ hãi, gã vứt bỏ toàn bộ lương thực, súng ống, vạch rừng mò ngược trở lại rồi sau một thời gian sống chui lủi, khi nghe tin toàn bộ nhóm xâm nhập đã bị bắt hoặc bị giết, gã dạt về Campuchia, chạy xe ôm kiếm sống, cạch mặt “mặt trận” tới già).


Tin một chiến binh “Dân đoàn viên” bỏ trốn được Phạm Thanh Phương giấu kín vì sợ bị Hoàng Cơ Minh trừng trị mặc dù Phương rất lo gã kia ra hàng cộng sản, bộ đội Pathet Lào. Trong suốt ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba của cuộc xâm nhập, Phương đứng ngồi không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo lắng.


Đám thổ phỉ Lào ở riêng một góc, lo sợ không kém vì chúng được trả tiền để dẫn đường, nhưng Hoàng Cơ Minh dùng dằng nửa đi, nửa ở khiến chúng như ngồi trên đống lửa. Chúng không biết Hoàng Cơ Minh đang chờ một bộ phận nữa, là “đoàn đặc nhiệm” do Nguyễn Quang Phục, biệt danh Hải “xâm” cầm đầu.


Đoàn đặc nhiệm này chỉ gồm 7 kháng chiến quân nhưng hầu hết đã từng tham gia các sắc lính trong quân đội Sài Gòn nên dạn dày kinh nghiệm, được Hoàng Cơ Minh đặc biệt tin tưởng. Thế nhưng, lúc nghe tin Hải “xâm” không đến điểm hẹn vì bất ngờ lên cơn sốt rét, và cả “đoàn đặc nhiệm” còn cách nơi tập kết khá xa, nên Hoàng Cơ Minh đành ra lệnh cho Hải “xâm” khi nào hết sốt, sẽ dẫn quân đuổi theo các “Quyết đoàn”. Việc Hải “xâm” bị sốt ít nhiều gây hoang mang trong hàng ngũ, và có tin đồn truyền tai nhau, rằng sốt chỉ là cái cớ để Hải “xâm” được nằm lại. 

 

Chập tối ngày 20/7/1987, mọi người trong toán Hoàng Cơ Minh cùng nhắm hướng sông Mê Kông thẳng tiến. Tại đây, nhóm thổ phỉ Lào đã thuê sẵn mấy chiếc ghe máy, mỗi chiếc có thể chở được 30 người nên việc vượt sông diễn ra êm ả. Nhưng ở bờ bên kia, là những vách đất cao, trơn trượt nên các kháng chiến quân phải mất hơn 10 phút mới trèo lên được.


Sau này, khi bị bộ đội Lào bắt, nhiều kháng chiến quân khai rằng, tinh thần của hầu hết các “dân đoàn viên” đã rệu rã ngay từ khi vượt sông, và cầu mong chỉ vào sâu trong đất Lào chừng vài cây số để quay phim, chụp hình rồi rút về như “chiến dịch” trước. Thậm chí có người trong khi trèo lên con dốc dựng đứng ở bờ sông, đã lén vứt đi mìn, lựu đạn và đạn.


Có người còn giả bộ ngã trặc chân để mong được cho ở lại. “Dân đoàn viên” Nguyễn Văn Náo khai: “Lúc vượt sông, lợi dụng trời tối không ai để ý, tôi thả xuống nước 2 băng đạn và 1 quả lựu đạn. Tôi tính nếu đụng trận, tôi sẽ tìm cách trốn về Thái Lan”.


Vượt qua được bờ dốc, Hoàng Cơ Minh cho cả toán nghỉ đêm. Bên các bụi tre, mọi người trong toán ngủ chập chờn trong tư thế ngồi co quắp. Tờ mờ sáng, sau khi nhai trệu trạo mì gói vì không dám nổi lửa, toán kháng chiến đi ngang một trảng lớn, cỏ mọc lưa thưa rồi bắt đầu leo lên dãy núi đá, sườn núi đầy những bụi cây nhỏ.


Đến 9 giờ, khi mọi người đang ở ngang lưng chừng núi thì bất ngờ trên trời có tiếng động cơ máy bay, rồi một chiếc máy bay trinh sát xuất hiện khiến tất cả kháng chiến quân, người thì lủi vào bụi cây, người lăn ra đất nằm im như chết.


Thoạt đầu, Hoàng Cơ Minh cùng bộ chỉ huy nhận định đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng khi thấy chiếc máy bay đảo đi đảo lại hai, ba vòng, họ liền đặt câu hỏi, rằng đó chỉ là nhiệm vụ hàng ngày của Không quân Lào trên vùng biên giới, hay h
 ta đã bị lộ?


Khoảng 10 phút sau, chiếc máy bay trinh sát biến mất, Hoàng Cơ Minh ra lệnh tiếp tục lên đường vì ông tin rằng sự xuất hiện của chiếc máy bay chỉ là sự tình cờ. Các “Quyết đoàn”, “Dân đoàn” lầm lũi bước, mắt dáo dác nhìn chung quanh. Gần tối, khi đến cạnh một con suối lớn, Hoàng Cơ Minh cho dừng chân, bố trí đội hình phòng thủ và nấu cơm.


Bữa cơm một phần ăn với mắm kèm còn phần kia nắm lại, để dành hôm sau. Bốn năm người – trong đó có Nguyễn Văn Dũng lén lút mang theo được mấy bi đông rượu từ đất Thái, giờ tụm lại dưới bụi cây, chuyền tay nhau tu. Bị “Dân đoàn trưởng” là Đỗ Bạch Thố phát hiện, chửi bới, Dũng toan chụp khẩu M16, lia cho Thố một băng nhưng đồng bọn ngăn cản. Sau này khi Dũng kiệt sức, chính tay Đỗ Bạch Thố đã dùng dây giày, xiết cổ Nguyễn Văn Dũng đến chết để trả thù hành động Dũng định bắn mình.

Sáng ngày thứ 5 của chuyến xâm nhập, Các kháng chiến quân khởi hành sớm. Lúc mặt trời lên, họ nhận ra địa hình đang đi khá trống trải và nếu xảy ra đụng độ, sẽ chẳng khác gì phơi lưng ra làm bia. Hỏi nhóm thổ phỉ Lào dẫn đường, thì chỉ nhận được câu trả lời là cứ đi tiếp. Y như rằng, khoảng 8 giờ sáng, ở cuối đội hình bỗng vang lên từng loạt súng.


Trận chạm súng giữa bộ đội Lào và nhóm kháng chiến quân đi đoạn hậu diễn ra rất ngắn, cả hai bên không ai thương vong nhưng chứng tỏ rằng việc xâm nhập đã bị lộ và điều này khiến tinh thần của hầu hết đoàn viên đều hoang mang. Bất lợi hơn nữa là theo kế hoạch, các Dân đoàn, Quyết đoàn sẽ tìm cách tiếp cận với những bản làng người Lào trên đường đi qua để mua thức ăn tươi, cũng như tìm hiểu tình hình.


Nhưng nay cuộc chạm súng đã khiến 
toán kháng chiến phải lùi sâu vào rừng trong lúc gạo, mì bắt đầu vơi dần. Đã vậy, số chiến binh từ Mỹ, Pháp, Nhật về, do không quen với khí hậu, địa hình, không quen với cuộc di hành chỉ bằng đôi chân nên đâm ra cáu kỉnh. Hầu như lúc nào cũng có những cuộc cãi vã – không ở Dân đoàn này thì cũng ở Quyết đoàn khác. Gần 100 chiến binh xâm nhập nhưng chỉ có 1 y tá. Các vết lở loét ở chân do giày thấm nước, vết rách ở tay, ở cổ do đá cắt, gai cào, muỗi chích, vắt cắn, chỉ được rửa ráy, băng bó sơ sài nên nhiều người bị nhiễm trùng, bước đi phải có kẻ xốc nách hoặc chống gậy.


Sau cuộc chạm súng, Hoàng Cơ Minh hạ lệnh đi nhanh hơn. Đến 4 giờ chiều, lúc lên tới một triền núi và khi mọi người chuẩn bị dừng chân qua đêm, thì vài đoàn viên thuộc “Quyết đoàn Anh dũng” mò xuống những bụi tre phía dưới kiếm măng tươi. Chỉ vài phút sau đó, đột ngột tiếng súng AK nổ từng loạt dài, cùng tiếng la hét inh ỏi.


Lúc bọn lấy măng tháo chạy về, kiểm điểm lại thấy mất Nguyễn Văn Náo. Theo lời bọn chúng, một toán bộ đội Lào đã bí mật bám theo, rồi bất ngờ tập kích, bắt sống Nguyễn Văn Náo. Điều này rất nguy hiểm vì Hoàng Cơ Minh nhận định, nếu Náo bị bắt, toàn bộ kế hoạch xâm nhập cũng như lực lượng và trang bị vũ khí của cả đoàn, coi như hoàn toàn bị lộ.


Đã đâm lao thì phải theo lao. Quay về cũng dở mà ở cũng không xong, Hoàng Cơ Minh ra lệnh đi tiếp. Đường đi càng lúc càng khó vì phải leo lên những tảng đá, tảng nọ chồng tảng kia. Sẩm tối, khi toán đoạn hậu báo cáo không thấy dấu hiệu bộ đội Lào đuổi theo, Hoàng Cơ Minh mới dám cho dừng chân nấu cơm gần một con suối.


Để đề phòng, ông chỉ thị cho các Quyết đoàn trưởng, là từng Dân đoàn lần lượt cử người xuống suối lấy nước chứ không đi đồng loạt. Lúc này, nhiều bếp lửa đã được nhóm lên, “Dân đoàn viên” Trần Văn Thảo đang ngồi hong khô đôi giày thì phát hiện bóng người thấp thoáng. Gã hỏi lớn: “Ai đó?". Phía bên kia đáp lại một chữ ngắn gọn, nghe như tiếng Lào, rồi lập tức, hàng loạt đạn AK quạt xối xả vào đội hình của đoàn, kèm theo những tiếng nổ tức ngực của đạn B40. Một quả B40 nổ ngay cạnh bếp cơm của “Dân đoàn viên” Nguyễn Văn Hòa khiến gã bật ngửa, chết tại chỗ.
Đến lúc ấy, cả đoàn vẫn chưa hay biết, rằng mọi người đã bị một tổ b
ộ đội Lào tuần tra biên giới phát hiện ngay từ khi chúng đang vượt sông Mê Kông. Và bởi vì lực lượng ở khu vực đó mỏng, hơn nữa chưa rõ nhóm kháng chiến quân vượt sông có phải là nhóm đi đầu mở đường cho những nhóm tiếp theo hay không, nên bộ đội Lào quyết định chỉ cử một toán nhỏ bám theo, trinh sát, tìm cách bắt tù binh đưa về khai thác, điều tra...


Sau trận chạm súng đầu tiên kể từ khi nhóm kháng chiến quân đặt chân lên đất Lào, dẫn đến việc Dân đoàn viên Trần Văn Náo bị bắt, rồi tiếp theo là cuộc tập kích khiến Dân đoàn viên Nguyễn Văn Hòa bị thương, Hoàng Cơ Minh cùng bộ chỉ huy “chiến dịch” hiểu rằng yếu tố bất ngờ đã không còn nữa.


Những cái chết yểu trên đường xâm nhập.


Điều nguy hiểm nhất là từ sự khai báo của Nguyễn Văn Náo, bộ đội Lào hẳn sẽ biết rõ sự có mặt của Hoàng Cơ Minh, cũng như nhóm kháng chiến quân gồm bao nhiêu người, vũ khí trang bị có những gì, tình hình lương thực ra sao. Dĩ nhiên, họ cũng sẽ thông báo cho cộng sản Việt Nam biết về mục đích của nhóm kháng chiến quân và như vậy, Hoàng Cơ Minh bị đặt vào thế “lưỡng đầu thọ địch”.


Một điều bất lợi nữa: Theo hợp đồng thì nhóm thổ phỉ Lào sẽ chỉ dẫn đường cho toán kháng chiến quân đến địa phận tỉnh Xa La Van, tiếp giáp tỉnh Sê Kông vì chúng không dám đi vào sâu hơn. Nghe chúng trao đổi với nhau, Hoàng Cơ Minh biết rằng chỉ nội ngày mai, nhóm thổ phỉ Lào sẽ rút.


Tuy nhiên, từng là Phó 
Đề Đốc trong quân đội VNCH, Hoàng Cơ Minh ít nhiều cũng hiểu về binh pháp. Tiến hành họp với bộ chỉ huy, ông vạch ra chiến thuật “tương kế tựu kế”. Đó là cho Nguyễn Văn Hòa cùng “Chủ tịch mặt trận quốc nội” Nguyễn Thế Minh, theo nhóm thổ phỉ Lào quay lại Thái Lan.


Động tác này có thể khiến toán trinh sát của bộ đội Lào tưởng lầm là kháng chiến quân đã từ bỏ ý đồ xâm nhập, và sẽ chỉ bám theo, tấn công nhóm thổ phỉ chứ không tiếp tục truy đuổi. Như thế, nhóm thổ phỉ và Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thế Minh sẽ trở thành mồi nhử, thành bia đỡ đạn cho cuộc “đông tiến”.


Hoàng Cơ Minh họp bàn trước ngày xâm nhập.


Đêm hôm đó, kháng chiến quân không dám nổi lửa nấu cơm, mà chỉ nhai mì sống cầm hơi. Mờ sáng, khi sương mù còn dày đặc, cả bọn lên đường, khiêng theo Nguyễn Văn Hòa trong tình trạng nửa mê, nửa tỉnh vì mất máu. Đến trưa, tên cầm đầu nhóm thổ phỉ sau khi cùng Hoàng Cơ Minh xem lại bản đồ, thì ông đồng ý cho Nguyễn Văn Hòa, và “Chủ tịch mặt trận quốc nội” Nguyễn Thế Minh theo chúng, quay lại biên giới Lào, Thái. Nhưng rất nhiều năm sau đó, chẳng ai còn nghe được bất cứ một tin tức gì về Minh và Hòa.


Mãi đến năm 1998, một thông tin nhỏ mới được tiết lộ trên một tờ báo của người Việt ở Mỹ. Ấy là một nông dân Lào khi vào rừng chặt cây làm nhà, đã gặp bọn 
thổ phỉ đang rút lui. Nghe chúng nói chuyện, rằng tự dưng lãnh cái của nợ phải khiêng là Nguyễn Văn Hòa, nên chúng giết y chết. Mà nếu đã giết Hòa chết, thì dĩ nhiên phải giết cả Nguyễn Thế Minh.


Trở lại chuyện xâm nhập, khi bọn thổ phỉ vừa đi khỏi, Hoàng Cơ Minh cho các “Quyết đoàn” rải ra, hình thành những cụm phòng ngự với mệnh lệnh súng ống trên tay sẵn sàng chiến đấu, không nấu cơm, không ra suối lấy nước, không giăng võng hay dựng lều. Suốt buổi chiều rồi cả đêm, kháng chiến quân thức trắng trong tâm trạng lo âu vì sợ bị tập kích.


Gần sáng, nghĩ là đã đánh lừa được toán truy đuổi, cả đoàn lục tục kéo nhau lên đường. Đi khoảng 30 phút, Quyết đoàn trưởng Quyết đoàn Anh Dũng là Khu Xuân Hưng nhận được tin báo, rằng Dân đoàn trưởng Hà Hoài Hùng đã bỏ trốn cùng với chiếc balô đựng tiền, vàng của Quyết đoàn.
Đây là trường hợp bỏ trốn thứ hai khiến Khu Xuân Hưng rất hoang mang vì từ lâu, Hà Hoài Hùng vẫn được Hoàng Cơ Minh tin cậy. Vì thế, một mặt, anh cử người lên bộ chỉ huy báo cho Hoàng Cơ Minh. Mặt khác, anh sai 4 Dân đoàn viên quay lại tìm Hùng với mệnh lệnh “nếu không gọi về được thì lấy chiếc ba lô rồi bắn bỏ”.


Nhưng 4 gã Dân đoàn viên vừa quay lưng, thì có tiếng AK và B40 nổ dồn dập ở phía xa. Điều này chứng tỏ bộ đội Lào vẫn bám theo nhóm kháng chiến quân, và Hà Hoài Hùng trên đường bỏ trốn, đã gặp họ.


Từ đó cho tới khi bị đánh tan tác, không còn ai nghe được tin gì về Hà Hoài Hùng.


Đã là ngày thứ 10 của cuộc xâm nhập, mà nhóm kháng chiến quân vẫn chưa đến được tỉnh Sê Kông vì thiếu người dẫn đường, sự di chuyển dựa vào những tấm bản đồ do quân đội Mỹ vẽ từ năm 1972. Vì thế, có những đoạn chỉ cần lội xuống khe rồi đi vòng chừng 6 tiếng là đã vượt qua được dãy núi, nhưng kháng chiến quân lại phải leo trèo suốt 2 ngày. Lương thực càng lúc càng cạn, bữa cơm 1 phần gạo thì có đến 3 phần củ rừng. Quần áo không giặt nên bốc mùi hôi hám. Hầu hết đều bị ghẻ do muỗi, vắt cắn.


Việc Hà Hoài Hùng bỏ trốn – rồi sau đó súng nổ khiến Hoàng Cơ Minh hiểu rằng kế ly gián đã thất bại. Trước ngày lên đường, tin tình báo của nhóm thổ phỉ Lào cho biết trên địa bàn tỉnh Xa La Van, bộ đội Lào có khoảng 1 Trung đoàn, chưa kể dân quân, du kích địa phương. Quân số của một Trung đoàn khoảng gần 3.000 người, được trang bị, tiếp tế đầy đủ trong lúc nhóm kháng chiến chỉ gần 100 người nên nếu chạm nhau trực diện, thì chết là cái chắc.


Sáng ngày thứ 12 trong lúc các dân đoàn viên, kẻ loay hoay tháo võng, kẻ nấu cơm thì bất ngờ, có tiếng súng nổ dồn dập từ phía Quyết đoàn đi đoạn hậu. Lợi dụng lúc các kháng chiến đang chuẩn bị di chuyển, toán trinh sát bộ đội Lào bất ngờ tập kích rồi nhanh chóng biến mất. Kiểm điểm lại, chỉ có Huỳnh Văn Tiến bị thương nặng vì mảnh B40.


Y tá Lý Hổ được gọi đến nhưng trước khi đến, “Ủy viên trung ương mặt trận” Nguyễn Huy kéo Lý Hổ ra một góc, nói nhỏ vài câu. Băng vết thương cho Tiến xong, Lý Hổ chích cho gã một mũi thuốc. Vài phút sau, Tiến nấc lên, mắt trợn ngược. Lúc này, cả nhóm kháng chiến thuộc Quyết đoàn Anh dũng đều biết rằng Nguyễn Văn Tiến đã bị chích thuốc cho chết, để khỏi trở thành gánh nặng cho cả đoàn. Xác Nguyễn Văn Tiến bọc trong mảnh nylon, kéo lá rừng phủ lên vì chẳng còn thời gian đào huyệt. Tài sản của Tiến, mỗi n
gười lấy một vài món. Riêng phần cơm mà lẽ ra sẻ chia cho Nguyễn Văn Tiến ăn bữa sáng, thì Dân đoàn viên Thạch Chen bỏ ngay vào trong balô.
Sau khi bị tập kích, kháng chiến quân được lệnh đi nhanh hơn nhưng tốc độ xem ra cũng chỉ được khoảng 3km mỗi giờ. Một phần vì địa thế hiểm trở, phần nữa vừa đi vừa dò dẫm. Suốt buổi sáng, tình hình yên tĩnh nhưng đến giữa trưa, đột ngột từng loạt đạn súng cối nổ tung giữa đội hình Quyết đoàn Anh dũng. Lúc này, kháng chiến quân đang ở trên một đỉnh núi.


Trong những ngày cuối cùng của “chiến dịch Đông tiến 2”, nhóm
 kháng chiến Hoàng Cơ Minh chỉ còn chưa đầy 40 người, hầu hết đều bị thương hoặc kiệt sức vì đói. Lương thực mang theo cạn kiệt nên nhiều người dù muốn trốn, cũng chẳng biết về đâu. Hơn nữa, các bản án tử hình mà Hoàng Cơ Minh thi hành với đồng đội khi phát hiện âm mưu đào ngũ đã làm mọi người kinh sợ.


Ngày tàn của kháng chiến quân.

 

Trước khi “chiến dịch Đông tiến 2” bắt đầu, Hoàng Cơ Minh quyết định giết bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, Ngô Chí Dũng vì cho là chống đối, giết Trần Tuyết Ánh, A Hừng, Bùi Duy Hiền, Lưu Tuấn Hùng, Võ Sĩ Hùng, Đào Văn Lâm do nghi ngờ bỏ trốn, giết Thạch Kim Ca, Trần Tự Nhiên... vì nghi là nội gián.


Trên đường hành quân, Hoàng Cơ Minh còn cho các Quyết đoàn trưởng, Dân đoàn trưởng được quyền giết những tên thương binh như Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Anh Điền, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Hòa..., hoặc bỏ mặc nằm chết giữa rừng để khỏi phải khiêng, cáng. Ngay cả Lê Hồng (bí danh Đặng Quốc Hiền), cựu trung tá Nhảy Dù quân đội V
NCH, được Minh phong làm “thiếu tướng, tư lệnh quân kháng chiến”, cũng bị Hoàng Cơ Minh giết vì đã dám chất vấn Minh về những mờ ám trong việc sử dụng tiền.

Sáng 24, nghĩa là đúng 1 tháng 6 ngày kể từ khi “chiến dịch Đông tiến 2” bắt đầu, kháng chiến quân tiến gần đến bản Phón, thuộc tỉnh Xa La Van. Đêm hôm trước, lại có thêm 3 người bỏ trốn là Phạm Hoàng Tùng, Hà Văn Lâm và Đặng Quốc Hùng. Trốn khoảng nửa ngày, họ mới gặp Nguyễn Văn Thông, cũng đang trốn nên cho đi cùng. Lúc đi hái măng, Phạm Hoàng Tùng bị lạc rồi bị bộ đội Lào bắt sống. Hai ngày sau, 3 người còn lại cũng bị bắt vào trại giam.
Trở lại chuyện bản Phón, từ trên đỉnh núi nhìn xuống thấy mấy nóc nhà, Đinh Văn Bé, khi đó được đưa lên làm “Quyết đoàn trưởng”, đã đề nghị Hoàng Cơ Minh cho 2 Dân đoàn viên vào bản mua lương thực với mệnh lệnh “không mua được thì cướp”.


Tài sản duy nhất mà đoàn kháng chiến còn lại là 5 chỉ vàng, do Hoàng Cơ Minh giữ, được lấy ra đưa cho Trần Văn Yên và Huỳnh Văn Miền. Cũng cần nhắc lại khi thành lập “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”, bên cạnh hệ thống kinh tài là một chuỗi những tiệm “phở Hòa”, Hoàng Cơ Minh và nhóm cầm đầu như Hoàng Cơ Định, Phạm Văn Liễu, Nguyễn Kim còn tổ chức nhiều đợt quyên góp trong Cộng đồng người Việt hải ngoại dưới chiêu bài “ủng hộ kháng chiến”. Và nếu ai không đóng góp, thì bị họ chụp cho cái mũ “cộng sản nằm vùng”, rồi cho tay chân hành hung, hăm dọa, thậm chí ám sát mà cụ thể là giết vợ chồng nhà báo Lê Triết khi Triết cho đăng loạt bài vạch trần sự bịp bợm của “mặt trận Hoàng Cơ Minh”.


Tổng số tiền nhóm Hoàng Cơ Minh thu được, theo số liệu của Cục Điều tra Liên bang và Sở Thuế Mỹ sau này, là khoảng hơn 10 triệu USD. Phần lớn số tiền ấy ngoài việc chui vào túi nhóm cầm đầu, họ còn dùng để ăn chơi, du hí ở Nhật, Pháp, Thái Lan, Đức bằng hình thức “đi công cán”, cũng như để mua lương thực, vũ khí, mua vàng cho các “chiến dịch Đông tiến”.


Sau khi “chiến dịch” bị đánh tan nát, Hoàng Cơ Minh phải “hy sinh”, một số 
chóp bu cầm đầu còn lại lặng lẽ lấy tiền chia nhau, mua cổ phần trong những công ty chứng khoán, hoặc lập những đội tàu đánh cá, và nó nghiễm nhiên trở thành tài sản riêng.


Cầm 5 chỉ vàng, Trần Văn Yên và Huỳnh Văn Miền xuống núi. Nhưng mới đi chưa được 50 mét, một loạt AK vang lên đanh gọn, khiến Trần Văn Yên chết ngay tại chỗ. Cùng lúc, tứ bề súng nổ giòn, cả tiếng AK lẫn tiếng đạn cối, đạn sơn pháo. Huỳnh Văn Miền lủi vào một hốc đá, giơ khẩu M16 lên đầu, bắn bừa. Ở phía trên, Hoàng Cơ Minh lăn xuống khe suối cạn, cánh tay trái máu tuôn xối xả vì mảnh đạn cối ghim phải. Trên ghềnh đá bên bờ suối, Dân đoàn viên Tạ Hoàng Thiện lãnh nguyên một trái M79 nổ tung vào mặt.


Lẫn trong tiếng súng nổ, là tiếng quát gọi hàng của bộ đội Lào. Trần Đế, Quyết đoàn phó Quyết đoàn Cải Cách dẫn 4 Dân đoàn viên, vừa bắn loạn xạ, vừa lùi xuống khe suối cạn nơi Hoàng Cơ Minh đang nằm lăn lộn. Chưa kịp đặt chân xuống lòng suối lổn nhổn đá củ đậu, Dân đoàn viên Nguyễn Văn Sĩ ngã bổ ngửa ra, máu từ ngực phun thành vòi, còn dân đoàn viên Ngô Tấn Nghiêm, chân phải đứt tới háng, chỉ còn dính lại bằng mẩu da lủng lẳng. Cạnh đó, “Ủy viên trung ương mặt trận” Trần Khánh nằm chết.


Khoảng 40 phút sau, tiếng súng im hẳn. Phía kháng chiến chết 6, bị thương 3, còn vài người thì bỏ trốn hoặc chạy lạc. Thuốc men hầu như chẳng có gì nên cánh tay Hoàng Cơ Minh chỉ được băng bó bằng một miếng giẻ, xé ra từ chiếc khăn rằn quấn cổ. Kiểm điểm lại, t
oán kháng chiến chỉ còn 20 chiến binh trong đó 4 người không vũ khí vì đã vứt bỏ khi tháo chạy.


Đạn dược cũng thế, mỗi người chỉ còn chừng 3 băng với vài quả lựu đạn. Bên bờ suối, tiếng rên của Ngô Tấn Nghiêm lúc nghe như con 
heo bị thọc tiết, lúc chỉ ư ử trong cuống họng nhưng chẳng ai còn đủ tinh thần để kết thúc nỗi đau đớn cho mau.


Cái chết của Trần Khánh khiến Hoàng Cơ Minh mất tinh thần. Đây là lần đầu tiên, anh em kháng chiến nhìn thấy Hoàng Cơ Minh mặt tái mét, tay run rẩy, mắt mở trừng trừng nhìn xác Trần Khánh. Là nhân vật thứ hai – chỉ đứng sau Hoàng Cơ Minh trong “chiến dịch Đông tiến”, phụ trách tâm lý chiến, Trần Khánh còn có bí danh là Trần Thiện Khải, một thời gian dài chỉ huy và điều hành đài phát thanh “kháng chiến” đặt trên đất U Bon, Thái Lan.


Tự nhận là mình có họ hàng với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường, Khánh đã sáng tác một số bài hát nhằm lên dây cót tinh thần đồng bọn. Những người bị bắt sau này cho biết, Trần Khánh có tác phong quân phiệt, thường xuyên la hét, đánh chửi “chiến hữu”. Trong suốt thời gian thực hiện “chiến dịch Đông tiến 2” cho đến khi chết, Khánh đã trực tiếp hạ lệnh cho các dân đoàn, quyết đoàn giết chết ít nhất là 7 chiến hữu bị thương, đồng thời bỏ rơi nhiều người khác khi thấy họ kiệt sức.


Trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Lợi dụng thời tiết, Hoàng Cơ Minh ra lệnh cho mọi người nhanh chóng rời con suối lúc này đã ngập nước, bỏ mặc 3 chiến binh bị thương nằm lại với đất trời. Xẩm tối, họ phát hiện ra một hang đá, mọi người chui vào ẩn náu. Nếu không kể những kháng chiến quân từ Mỹ, Pháp, Nhật, Đức về, thì hầu hết Dân đoàn viên đều là những tên vượt biên – trong đó không ít là các sắc lính thờiVNCH, vào trại tị nạn Sikhiu ở Thái Lan, rồi được Hoàng Cơ Minh tuyển mộ với lời hứa “sẽ cho đi định cư tại Mỹ” sau khi hoàn thành nhiệm vụ.


Nhưng đến giờ phút này, chẳng còn ai nghĩ đến giấc mơ được tới nước Mỹ, mà chỉ mong thoát khỏi vòng vây của bộ đội Lào. Trước lúc lên đường, mọi người bóp nhỏ những gói mì, nhét xuống đáy ba lô. Thịt gà, thịt heo, được xé nhỏ, rang thật mặn rồi ém chặt. Bây giờ vét kỹ, còn được vài nắm nên quậy chung với nước mưa, nấu thành một thứ canh lõng bõng, chia nhau húp.


Mưa suốt cả ngày hôm sau. Và có lẽ cơn mưa cũng gây khó khăn cho bộ đội Lào, nên toán kháng chiến tạm thời yên ổn. Đói quá, một vài người liều mạng bò ra ngoài, hái mấy mớ rau rừng về luộc. Tâm trạng tuyệt vọng khiến mọi người hầu như chẳng còn suy nghĩ gì nữa. Đốt lửa sáng rực, vừa để hong khô những bộ quần áo, vừa đỡ lạnh. Vết thương trên cánh tay nhiễm trùng khiến Hoàng Cơ Minh lên cơn sốt. Ông nằm co quắp trong một góc, chẳng “chiến hữu” nào còn để ý đến ông. Tất cả chỉ lo cho mạng sống của mình. Có người thì thào với nhau, rằng nếu bộ đội Lào đánh vào, họ sẽ đầu hàng hết.


Sáng 28/8, trời tạnh. Khoảng 9 giờ, Hoàng Cơ Minh ra lệnh lên đường. Trước lúc di chuyển, ông nói với đám tàn quân, rằng ai có thể quay về đất Thái thì cứ về. Chẳng phải ông tốt lành gì nhưng có lẽ vì nghĩ đến phát súng “ân huệ” của đồng đội khi cánh tay y sưng to vì nhiễm trùng, đi phải chống gậy. Nhưng về thế nào được nữa khi tấm bản đồ duy nhất, đã nằm cùng với xác Trương Ngọc Ny.


Cả toán dò dẫm ra khỏi cửa hang. Sau cơn mưa, vắt xuất hiện nhiều vươn mình bám chặt vào những ống chân khẳng khiu, ghẻ lở, nhưng chẳng ai nào còn tinh thần đâu mà gỡ. Võ Hoàng, “Tổng thư ký hội văn nghệ sĩ mặt trận” kéo “Dân đoàn trưởng” Võ Văn Tuấn lùi lại phía sau, vừa bước vừa hỏi nhỏ “Nếu quay lại Thái Lan thì đi đường nào, mất bao nhiêu ngày?”.


Tuấn dáo dác nhìn quanh như sợ có người nghe thấy, rồi vẫy “Dân đoàn viên” Nguyễn Linh lên: “Hồi trước nghe nói mày có đi khai thác gỗ ở Lào phải không?”. Linh gật đầu: “Dạ. Em đi tuốt tới gần biên giới Thái Lan, rồi em chạy qua đó xin... tị nạn luôn” – “Vậy mày còn nhớ đường không?” 

 

“Nếu đi đường từ Quảng Trị lên thì em nhớ, chứ đường này lạ quá. Thái Lan nằm ở phía Tây, là sau lưng mình...”. Võ Văn Tuấn gừ gừ trong cuống họng: “Thôi, nghe thì biết vậy thôi. Hó hé ra là mày chết trước. Từ bây giờ, mày đi sát với tao”.


9 giờ 30 sáng, trời không có nắng nên quang cảnh vẫn âm u. Toán quân nặng nề lê bước nhưng không phải là tản ra theo đội hình vừa đi, vừa sẵn sàng nổ súng như những ngày đầu, mà co cụm lại với nhau. Qua một trảng cỏ tranh trống trải, chúng cũng chẳng buồn ngụy trang vì đối với nhiều người trong toán, cái chết lúc này chính là sự giải thoát, còn bị bắt thì coi như được sinh ra lần thứ hai.


Mặc dù Hoàng Cơ Minh đã tuyên bố cho phép toán kháng chiến được trở lại đất Thái, nhưng chẳng ai nào dám công khai quay lưng bởi lẽ đường sá không rành, lương thực không có, lại thêm bộ đội Lào lúc ẩn lúc hiện nên chẳng còn cách nào khác hơn là bám theo bầy đàn. Sau này, trong trại giam, “Dân đoàn viên” Nguyễn Văn Đức kể lại: “Kể cả Hoàng Cơ Minh, chẳng ai còn tinh thần và cũng chẳng ai có một tí hy vọng gì về cuộc “Đông tiến”.

Trước lúc lên đường, ông Minh nhiều lần thao thao bất tuyệt về các “khu chiến quốc nội”, về các “đường dây xâm nhập”, về các “trạm dưỡng quân” đã được thiết lập từ nhiều năm trước. Thực tế cho thấy Hoàng Cơ Minh chỉ giỏi nói dóc, đánh lừa...”.


Đi được chừng 1km, lúc cả toán đang dò dẫm bước xuống những tảng đá trơn trợt, thì súng lại nổ. Võ Hoàng – “Tổng thư ký hội văn nghệ sĩ Mặt trận” bị một trái M79 vào đầu. Nguyễn Văn Đẩu, là khỏe nhất, đeo balo đựng quần áo, tài liệu của Hoàng Cơ Minh lĩnh nguyên một loạt AK vào bụng. Quyết đoàn phó Trần Đế vừa giương súng bắn bừa, vừa kéo Hoàng Cơ Minh, xuống con suối cạn, là điểm tiếp giáp giữa hai ngọn núi. Dân đoàn trưởng Đinh Văn Bé, có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Cơ Minh và Nguyễn Tấn Phát, “Dân đoàn viên” nhỏ tuổi nhất, mới có 16 tuổi cũng vội vã lao theo.


Bộ đội Lào tràn xuống tiếp tục bắn Dân đoàn phó Nguyễn Vĩnh Lộc trúng đạn, Dân đoàn trưởng Võ Văn Tuấn ngã gục như thân chuối bị phạt ngang. Biết là chẳng còn làm gì được nữa, Hoàng Cơ Minh rút khẩu súng ngắn Browning đeo bên mình, kê lên thái dương bóp cò tự sát. “Ủy viên trung ương” Nguyễn Huy cũng tự sát. Riêng Lưu Minh Hưng, “Ủy viên Mặt trận” khi vừa buông chốt quả lựu đạn ra, định ném thì bất ngờ lựu đạn nổ. Cả nửa thân trên của Hưng chỉ còn là nhúm thịt bầy nhầy...


* * *

 

Viết lại theo Báo Nhân Dân TP HCM.


Sáng ngày 1/12/1987, Tòa án nhân dân TP HCM đã mở phiên xét xử những tên phản động trong nhóm Hoàng Cơ Minh do Chính phủ nhân dân Cách mạng Lào chuyển giao vì mục tiêu của chúng là xâm nhập, bạo loạn lật đổ Nhà nước Việt Nam. Chúng đã lĩnh án từ 3 năm tù đến chung thân. Tổng cộng trong số 130 tên xâm nhập, có 83 tên chết. 19 tên bị bắt, số còn lại bỏ trốn khi đang trên đường xâm nhập.


Năm 1990, khi tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều biến động, hí hửng tưởng rằng thời cơ đã tới, “Quyết đoàn trưởng mặt trận Hoàng Cơ Minh” là Đào Bá Kế, nguyên sĩ quan Binh chủng Nhảy Dù, quân đội Sài Gòn, đã dẫn 30 tên mở cuộc “Đông tiến 3”. Nhưng cũng như nhóm phản động do Hoàng Cơ Minh cầm đầu, “chiến dịch Đông tiến 3” bị đánh tan tác. Nhiều tên chết, nhiều tên bị bắt trong đó, Đào Bá Kế lĩnh án tù chung thân.

 

Tân Dân

 

HOÀNG CƠ MINH - CÁI CHẾT NHỤC NHÃ

 

Những Sự Thật về cái chết của Hoàng Cơ Minh


(Bài này đã đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong trang 25 26-27 và  88-89 số 303, từ ngày 1 đến 15 tháng 9 năm 1988).

 Nguyễn Toàn

- Hoàng Cơ Minh đã chết như thế nào ?
- Các tướng Thái khai thác “dịch vụ kháng chiến” ra sao ?
- Ai chủ trương Khủng Bố người làm báo ?
- Nhóm Nguyễn Đồng Sơn và những mưu đồ mới.

Lời Mở Đầu: Có những sự kiện trong lịch sử của nhân loại nói chung, hay của một dân tộc nói riêng, đã khắc sâu vào tâm khảm của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại Việt Nam, cho tới nay, khi nghe nhắc tới bao vụ khủng bố dã man, tàn ác, gian manh lừa bịp đối với người dân Việt của Hồ chí Minh và đảng Cộng-sản Việt Nam qua việc tình nguyện làm tay sai cho Nga, Tàu, để lần lượt buôn dân bán nước; thì mọi người đều đã nhận chân được: Đảng CSVN là lũ tội đồ của dân tộc.

Trớ trêu thay, trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng-sản tại hải ngoại, hiện nay vẫn còn những bè đảng, tổ chức, cũng mạo nhận là người "Quốc Gia", "chống cộng", nhưng hành động của chúng lại làm lợi cho đảng CSVN để kéo cả nước xuống tình trạng suy đồi mọi mặt như hiện nay! Thêm vào đó, hiểm họa nô lệ giặc Bắc phương cũng gần kề!

Nhận thấy bài viết: "Những sự thật về cái chết của Hoàng Cơ Minh" dưới đây, của tác giả Nguyễn Toàn đến nay vẫn còn giá trị thời sự; bài viết nói về sự thật của "Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam", viết tắt là "Mặt Trận" và hiện nay là "đảng" Việt Tân. "Đảng" Việt Tân đã được đoàn viên "Mặt Trận" công khai cho ra đời ngày 19/9/2004, tại Berlin, Đức quốc.

Xin trân trọng kính mời quý độc giả cùng theo dõi.

Trước khi nói đến cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, thiết tưởng cần phải lội ngược lại thời gian, khi “Mặt Trận” được thành lập, và những hoạt động của nó, để từ đó đưa đến cái chết tăm tối của người đứng đầu tổ chức từng được xảo thuật tuyên truyền của “Mặt trận” đưa lên cao như một vị anh hùng dân tộc.

Từ Thu Tiền Ở Hải Ngoại, Đến “Chiến Khu Quốc Nội”

Thật ra, vào năm 1982, khi hai ông Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu dựng ra “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” (MTQGTNGPVN), thì nhóm này chỉ đưa được có 8 (tám) người về Thái Lan. Nhưng, nhờ biết cướp thời cơ lúc tinh thần người Việt lưu vong đang lên cao, và nhất là nhờ những xảo thuật tuyên truyền lừa bịp như mấy phút phim video “Đông Tiến” dàn cảnh ở Thái Lan, “Mặt Trận” đã đưa “uy tín” của “Chủ tịch Hoàng Cơ Minh” và phe nhóm lên rất cao.

Trong khi “chiến khu quốc nội” chỉ có trên phim video, thì tại hải ngoại, “Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến” do ông Phạm Ngọc Lũy chủ xướng tha hồ thu góp tiền bạc, các “cán bộ lãnh đạo Mặt Trận” trở thành những “quan lớn phục quốc” rất hách dịch. Đoàn viên “Mặt Trận” thì vênh váo, làm như là sắp giải phóng được đất nước tới nơi và sắp đè đầu, cưỡi cổ thiên hạ. Đây là giai đoạn cực thịnh của nhóm Minh-Liễu, vì đã thành công trong việc đánh lừa được đa số người Việt tỵ nạn, khiến một số ít người phát giác được trò lừa bịp của “Mặt Trận” có nói lên cũng không mấy ai tin, mà còn bị chụp mũ là Việt cộng, hoặc bị khủng bố…

Năm 1983, ông Hoàng Cơ Minh từ “chiến khu quốc nội” về Hoa Kỳ với chiếc khăn rằn quàng cổ để mở “Đại Hội Chính Nghĩa”, tuyên bố là đã “thống hợp được 36 (ba mươi sáu) tổ chức kháng chiến gồm 10,000 (mười ngàn) tay súng ở quốc nội”, nhưng sự thật “chiến khu” này chỉ là một mảnh rừng ở Buntharit, thuộc tỉnh Uborn, được viên tướng Thái Sút-Sai, Tư lệnh đơn vị 309 Tình báo làm ngơ cho sử dụng với số tiền “trà nước” lúc đầu khoảng 2,000/ 3,000 đô la Mỹ, và phải đóng “hụi chết” hàng tháng từ  một tới ba ngàn Mỹ kim, chưa kể quà cáp biếu xén các bà tướng, bà tá “nước bạn”.

“Chiến khu” này, chính là nơi đã được nhóm Minh-Liễu dùng để khai sinh “MTQGTNGPVN” vào ngày 8.3.1982, công bố “Cương lĩnh chính trị” kêu gọi “người người nổi dậy, nhà nhà thành công chiến đấu chống lại bạo quyền cộng sản”. Tuy trình diễn rình rang và hô hào đao to búa lớn như vậy, nhưng thực ra như trên đã nói, cán bộ nòng cốt của “Mặt Trận” tại “chiến khu” không quá 8 (tám) người (trong đó, có Hoàng Cơ Minh, Lê Hồng, Nguyễn kim Huờn, Nguyễn Trọng H. Lạc), còn các “kháng chiến quân” xuất hiện trong video hầu hết là… thuê của Thái Lan!

Tàn Ác và Sắt Máu

Tuy số cán bộ của “Mặt Trận” tại “chiến khu” đếm không đủ mười đầu ngón tay, nhưng Hoàng Cơ Minh đã phong Tướng… không có quân cho tả hữu. Cựu Trung tá Nhảy dù Lê Hồng, bí danh Đặng Quốc Hiền, được phong “Tướng Tư lệnh Lực lượng Kháng chiến”, cựu Đại tá Dương Văn Tư (gia nhập “Mặt Trận” từ trại tỵ nạn Thái Lan) được phong “Tướng Tư lệnh Chiến khu (ở Uborn), ông cựu Trung úy Phòng 7 Bộ Tham Mưu Nguyễn Trọng H., bí danh Huy, được thăng “Đại tá Tư lệnh phó Lực lượng Vũ trang. Huy có một Album hình ảnh “Lễ Tuyên Bố Cương Lĩnh Mặt Trận” và sinh hoạt ở “chiến khu” đem vào các trại tỵ nạn để tuyên truyền và tuyển mộ quân.

Trong thời gian 1982-1983, có hai người Việt làm việc cho Tòa Đại Sứ Mỹ ở Bangkok là các ông V. và N., đã giúp nhóm Hoàng Cơ Minh rất nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian sôi nổi lúc đầu, những người có mặt tại Thái Lan đã thấy rõ hơn ai hết chân tướng của phe nhóm Hoàng Cơ Minh, nên ai có thể xa lánh dược, thì xa lánh, ai bị “kẹt” thì bất bình và bất mãn. Để trấn áp các sự phản kháng và ngăn chận “đào ngũ” Hoàng Cơ Minh đã cho thi hành kỷ luật thép, và hơn thế nữa, đã dùng sự tàn ác sắt máu đối với những người bất tuân phục. Không kể một số thanh niên vô danh theo “Mặt Trận” từ các trại tỵ nạn, sau đó, đã bị thủ tiêu vì định bỏ “chiến khu”, còn những cái chết bí ẩn của một số người được dư luận biết đến. Được nói tới nhiều nhất là cái chết của Kỹ sư Ngô Chí (Trí) Dũng, một thanh niên trí thức đầy nhiệt huyết đã bỏ đời sống êm ấm tiện nghi ở Nhật Bản đi theo “Mặt Trận”, người đóng góp rất nhiều cho “Mặt Trận” và cũng là người đã nuôi dưỡng “Chủ tịch Hoàng Cơ Minh” lúc còn bôn ba… ăn nhờ ở đậu tại Nhật. Ông Dũng đã tới sống tại “chiến khu” và rồi không biết chuyện gì đã xẩy ra, mà sau đó, ông Dũng bị giết chết hết sức bất ngờ, xác được vùi ở một khu rừng chồi tại Buntharit. Một người khác là bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, một cựu sĩ quan trợ y trong QLVNCH được “Mặt Trận” tuyển mộ tại trại tỵ nạn, và thăng chức bác sĩ. Ông Nhiều đã bị “Mặt Trận” xử tử. Chưa kể Đại tá Dương Văn Tư chết vì bệnh hoạn và thiếu dinh dưỡng, ít nhất cũng có ba người bị thủ tiêu tại “chiến khu” trong một thời gian ngắn. 

Cái chết của Hoàng Cơ Minh: 

Vào năm 1985, khi tại Hoa Kỳ, cánh Phạm Văn Liễu, Trần Minh Công tách ra khỏi “Mặt Trận” và những mánh lới lừa bịp nhằm moi tiền đồng bào được chính các thủ phạm vạch áo cho người xem lưng, thì cũng là lúc tại Thái Lan, nhà cầm quyền nước này làm khó dễ, trục xuất toàn bộ nhóm Hoàng Cơ Minh về Mỹ (trong đó có Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Kim H. Nguyễn Trọng H…). Thật ra, Hoàng Cơ Minh không mấy khi có mặt tại Thái Lan. Thỉnh thoảng Hoàng Cơ Minh có qua Thái Lan, nhưng thường ở căn nhà tại khu Sảm-Sẻn, được gọi là “Hậu trạm”, chứ ít khi ông ta xuất hiện tại “chiến khu”. 

Khi xảy ra vụ các “chiến hữu” chia ra hai phe bôi mặt đá nhau vì ăn chia không đồng đều và “Mặt Trận” đang trên đà tan rã thì Hoàng Cơ Minh ở luôn tại San Jose, Bắc California, thỉnh thoảng tới họp với các “xứ bộ” còn trung thành để làm ra vẻ “Mặt Trận” vẫn còn mạnh lắm. Ông ta mặc đồ lớn, chứ không còn mặc áo bà ba, cuốn khăn rằn ở cổ nữa!

Trong khi đó, “chiến khu quốc nội” tại Thái Lan lâm cảnh rắn không đầu, và bị “đuổi nhà” nên tự động tan rã, và còn một ít người vì lý do này hay lý do khác phải sống chết với “Mặt Trận” thì di chuyển lên vùng Udon. 

Gần cuối năm 1987, sau khi tạm “củng cố hàng ngũ” còn lại ở quốc ngoại, Hoàng Cơ Minh lại vận động đút lót để được trở lại “quốc nội Thái Lan” nhưng vừa đặt chân đến đất Thái, ông ta đã nhận được lệnh của viên tướng Svet, Tư Lệnh vùng biên giới, bắt phải đổi căn cứ lên miền Bắc Thái. Hoàng Cơ Minh không còn cách nào khác hơn là phải tuân lệnh viên tướng Thái này, một lần nữa phải di chuyển căn cứ từ Udon lên Bắc Thái với dự định lập căn cứ mới tại khu Bukdahan, sát biên giới Thái-Lào. Chính trong cuộc di hành này, mà Hoàng Cơ Minh đã bị một số “kháng chiến quân” bắn chết. Bốn người trong số “kháng chiến quân” từng bị Hoàng Cơ Minh bỏ rơi ở Thái Lan từ năm 1985,  với sự xúi dục của tên Lưu Tuấn Hùng đã bất ngờ rút súng bắn sả vào Hoàng Cơ Minh trong lúc đang đi dọc đường. Cần mở một dấu ngoặc ở đây để nói thêm về Lưu Tuấn Hùng. Y là một tên gián điệp Việt cộng dưới quyền điều khiển của Trung tá  công an Việt Cộng “Việt Dũng” thuộc “Sở công an TP Hồ chí Minh”, được gửi đi vượt biên với ý đồ trường kỳ mai phục hoạt động trong các lực lượng chống cộng ở hải ngoại. Năm 1983, Lưu Tuấn Hùng được cựu Trung tá Nguyễn văn H. người từ trại tỵ nạn Sikiew ra làm việc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ ở Aranyaprathet đưa ra khỏi trại để điều tra và định dùng y xâm nhập Việt Nam, nhưng rồi kế hoạch không được thực hiện. Hùng được trả về trại Sikiew. (Ông NVH hiện cư ngụ ở Virginia. Vài tháng sau, người ta thấy Nguyễn Kim H. và Nguyễn Trọng H. đến trại tiếp xúc với Lưu Tuấn Hùng và kết nạp y làm “Đại diện Mặt Trận” tại Sikiew. Hắn đã mua chuộc được sự tín nhiệm của Hoàng Cơ Minh và được ông này sử dụng làm “tùy viên”. Chính Lưu Tuấn Hùng đã xúi dục bốn người khác giết chết Hoàng Cơ Minh để đoạt hai ký lô vàng mà ông này mang theo định để đút lót các viên chức Thái trong việc lập lại “chiến khu” mới.

Sau khi Hoàng Cơ Minh “chết”, nhóm người đi theo ông ta (độ 60 người) sợ bị Thái Lan bắt trừng trị, nên không còn con đường nào khác hơn là tạm thời vượt sông Mekong kéo nhau sang Nam Lào, không may lọt vào ổ phục kích của Lào Cộng, bị sát hại một số, còn một số bị bắt làm tù binh Việt Nam, trong số này có cả Lưu Tuấn Hùng. Bởi vậy, người biết chuyện không hề ngạc nhiên khi được tin  “Tòa án nhân dân TP Hồ chí Minh” chỉ xử Lưu Tuấn Hùng tù treo! Một chế độ cộng sản sắt máu không bao giờ xử án treo kẻ đã vượt biên trốn ra khỏi nước, gia nhập lực lượng kháng chiến và trở về chống phá chúng bằng vũ khí. Trừ khi kẻ ấy là người của chúng cài vào. Chi tiết về cái chết của Hoàng Cơ Minh đã được một số sĩ quan cao cấp Thái, trong đó, có Đại tá Thammasak  thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm 80 ở vùng biên giới Prachinburi, xác nhận với kẻ viết bài này. 

Nhóm Nguyễn Đồng Sơn và những mưu đồ mới:

Sau khi Hoàng Cơ Minh chết, MTQGTHGPVN không dám công bố tin tức này, vì sợ “Mặt Trận” tan rã và hơn nữa sợ nội bộ sẽ xâu xé nhau để giành giựt tiền bạc vì nhờ số tiền bịp bợm quyên góp được của đồng bào khắp nơi trong mấy năm, “Mặt Trận” đã sử dụng để kinh tài dưới nhiều hình thức như:

Hệ thống Phở Hòa, hệ thống Phở Bằng, hệ thống tàu đánh cá, hệ thống xuất nhập cảng hàng Á châu (nhất là thực phẩm), tiệm bida, mua nhà cho thuê… sau nhiều năm đã sinh lợi rất nhiều. 

Vào tháng 5.1988 vừa qua, Nguyễn Kim Huờn, bí danh Nguyễn Kim, “Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải Ngoại MTQGTNGPVN” đã cùng Nguyễn Xuân Xuân Nghĩa, bí danh Nguyễn Đồng Sơn, trở lại Thái Lan (nhờ móc nối với một sĩ quan cấp tướng của Thái, đút lót tiền nhiều để xin được đỡ đầu) để vận động lập lại “chiến khu quốc nội mới” và sẽ tiếp tục xin phép vào các trại biên giới (các trại đang bị Thái chèn ép bắt giam và đòi trả về Việt Nam) để tuyển mộ người (những người trong các trại này đang sống trong tình trạng tuyệt vọng, dễ bị quyến dụ đi theo).

Với sự đút lót và vận động của Sơn-Kim, viên sĩ quan cấp tướng của Thái Lan đang định thúc ép nhóm “kháng chiến” của Thái Quang Trung phải sáp nhập với nhóm của Sơn-Kim để thành lập lại trại Bukdahan. Sau khi đã có trại mới, có một ít quân, họ sẽ xúi dục những người này bịa ra câu chuyện chiến đấu ác liệt với cộng sản và nhân đó, sẽ công bố cái chết của Hoàng Cơ Minh. Họ cũng đã chuẩn bị đưa phó Đề Đốc Hải quân Đinh Mạnh Hùng lên làm “Chủ tịch Mặt Trận.

Tông tích Nguyễn Đồng Sơn không còn lạ gì đối với các tổ chức chống Cộng ở hải ngoại, cũng như với cơ quan an ninh Thái Lan. Y là cháu ruột của  Nguyễn Xuân Cúc, bí danh Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh, đang là chúa trùm đảng cộng sản Việt Nam.

Trước 30.4.1975, Nguyễn Đồng Sơn cùng cánh với Nguyễn văn Hảo. Sau khi cộng sản chiếm đoạt miền Nam, Nguyễn Đồng Sơn cũng đã cùng Hảo giúp cho Việt cộng tiếp thu của cải và “quản lý” kinh tế miền Nam, sau đó, cả hai được Việt cộng cho rời Việt Nam sang Pháp theo đường chính thức. Năm 1983, Nguyễn Đồng sơn đã sang Hoa Kỳ tìm cách xâm nhập “Mặt Trận” và mua được lòng tin cậy của mấy anh em Hoàng Cơ Minh. 

Nhóm Thái Quang Trung (con của cụ Thái Văn Kiểm) tuy có nhận sự trợ giúp của Tầu Cộng, nhưng các “kháng chiến quân” sống tại căn cứ Bukdahan cũng rất thiếu thốn cực khổ, và không có tiền mặt để đút lót cho Tướng, Tá Thái Lan, nên có thể phải nhập với “Mặt Trận” của Sơn-Kim để có thêm phương tiện và nhân sự hầu làm vừa lòng các Tướng Tá Thái Lan, để được yên, bằng cách canh chừng biên giới và xâm nhập lãnh thổ Đông Dương thâu thập tin tức tình báo cho Thái. Nếu dự định này thành tựu thì sau Hoàng Cơ Minh, “Mặt Trận” của Kim-Sơn sẽ trình diễn một màn lừa bịp thứ hai.

Tiếp tục Khủng bố

Từ ngày “Mặt Trận” ra đời đã xảy ra nhiều vụ Khủng Bố nhắm vào các phần tử Quốc Gia, đặc biệt là những người cầm bút, trong giới người Việt lưu vong tại Mỹ. Từ đe dọa, đến ám sát, đốt nhà… Những người bị Khủng bố đều có chung một “tội” là không chịu hùa theo đồng lõa với những trò lừa bịp của “Mặt Trận”, nên dù không tìm ra thủ phạm, dư luận vẫn biết ai đã chủ mưu những vụ này.

Một hôm vào trung tuần tháng 5.1988, nhân dịp Sơn và Kim đến Bangkok, nhờ tình cờ nghe được câu chuyện trao đổi giữa hai đoàn viên “Mặt Trận”, kẻ viết bài này càng tin thêm là dư luận đã không sai lầm.

Hôm ấy, kẻ viết bài này đang ngồi trong một Snack bar ở đường Sukhumvit, Bangkok, một nơi dành cho người ngoại quốc du hí, thì gặp hai người Á châu có đeo huy hiệu “Mặt Trận” trên ve áo vest. Người viết tảng lờ như không biết họ là người Việt Nam, ngồi tán tiếng Thái với cô cashier, trong khi vẫn lắng nghe và để ý dò xét hai người này. Một trong hai người dè dặt đưa mắt nhìn người viết rồi nói gì đó với bạn đồng hành. Sau đó, một người giả bộ cầm điếu thuốc lá sang hỏi người viết xin mồi lửa bằng tiếng Việt. Người viết cũng phải đóng kịch bằng cách ngẩn tò te như không hiểu hắn nói gì và hỏi lại bằng một tràng tiếng Thái:

- Tôi không hiểu ông nói gì? Tôi là người Thái. Bộ ông là người Nhật hả? Tôi không biết tiếng Nhật.

Y cười, nói với tôi bằng tiếng Anh:

- Ồ xin lỗi ông, tôi nghĩ ông là người Nhật như chúng tôi.

Từ đó, hai người không e ngại tôi nữa. Họ thản nhiên nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt nho nhỏ. Trong bar, ngoại trừ tôi và hai người đó là Á châu cùng với cô cashier duyên dáng người Thái, còn khách toàn là Tây phương; vì vậy, hai người này không phải e dè gì cả. Nhưng họ không biết một điều tối hệ trọng là ở Bangkok có rất nhiều gián điệp của nhiều quốc gia Tây phương và của cả cộng sản nữa, và rất nhiều người biết tiếng Việt, nghe, viết, nói cả tiếng Việt rất giỏi. Có nhiều người nếu không gặp mặt, nhìn họ nói mà chỉ nghe qua vách thì sẽ nghĩ là hai người Việt đang nói chuyện với nhau. 

Sau khi nói những chuyện tầm phào, bá vơ, chuyện chơi bời du hí ở các động sang trọng của thủ đô Bangkok, nơi rất nổi tiếng về các món ăn chơi ở vùng Đông Nam Á, hai người vừa uống bia Singha (loại bia đen của Thái rất nặng), vừa trò chuyện. Một người hỏi:

- Tại sao không làm luôn thằng Nguyễn Thanh Hoàng của tờ Văn Nghệ Tiền Phong cho rồi?

- Tại sao phải làm thằng Nguyễn Thanh Hoàng?

- Tên này liên tiếp chửi bới, bôi nhọ và lật tẩy Mặt Trận. Nếu không “dứt” thì sẽ tai hại rất nhiều, vì y nắm được rất nhiều tài liệu về hoạt động của Mặt Trận.

- Vậy sao mình không dứt bọn nó cho rồi.

- Bây giờ chưa được. Vì bứt dây động rừng ông biết không? Biết đâu bọn nó đã nhờ cảnh sát bảo vệ, mình cựa quậy bây giờ là nát xương…

 Kháng Chiến Phục Quốc Hay Giữ Dưa?

Như trên đã trình bày, chính sách Thái Lan từ trước tới nay đối với các tổ chức kháng chiến chống cộng sản Việt Nam, là mở cửa cho bất cứ người nào có khả năng về nhân sự, tài chánh, và tổ chức để gây dựng một “chiến khu” ở vùng biên giới Thái-Miên hoặc Thái-Lào. Áp dụng chính sách này, Thái Lan có hai điều lợi: Thứ nhất, là họ có một đơn vị biên phòng ngăn cản Việt cộng mà không phải trả lương. Thứ hai, là họ có thể sử dụng những lực lượng kháng chiến Việt-Miên-Lào để trả giá với Việt cộng. Nếu Việt cộng tấn công mạnh sang đất Thái, họ sẽ có cớ để mặc cả bằng cách dọa dẫm sẽ yểm trợ các lực lượng kháng chiến của cả ba nước Đông Dương mạnh hơn… Dù sao thì người Thái vẫn có lợi, đó là chưa kể đến cái lợi về tài chánh do lực lượng có căn cứ ở biên giới Thái phải yểm trợ cho kháng chiến của mình qua tay của người Thái. Kháng chiến đã trở thành một dịch vụ sinh lợi cho các vị tướng lãnh Thái, Tư lệnh các đơn vị được phép yểm trợ cho từng tổ chức kháng chiến. Thí dụ: đơn vị 309 tình Báo Biên Giới trực thuộc Bộ tư Lệnh Quân Đội Hoàng gia Thái Lan đỡ đầu cho “Mặt Trận” của Hoàng Cơ Minh. Họ đã che chở cho nhóm Hoàng Cơ Minh và trực tiếp chỉ huy những người lãnh đạo lực lượng Hoàng Cơ Minh. Tư lệnh của đơn vị 309 Tình Báo là tướng Sút-Sai, một người đã được hưởng khá nhiều tiền của nhóm Hoàng Cơ Minh qua trương mục ở Ngân Hàng Quân Đội. Ngoài số tiền “thuê” mảnh đất rừng ở Bultarit, tỉnh Ubon, phải đóng lần đầu cho vị tướng này (khoảng từ 20,000 đến 30,000 dollars); hàng tháng “Mặt Trận” lại phải đóng “hụi chết” cho các vị tướng Thái, khi thì 1000 đô la, khi 2-3000 vô kể. Ngoài ra còn phải quà cáp biếu xén bà Tướng, và các vị Đại tá, Trung tá… Đơn vị 315 Tình Báo Biên Giới Thái là cha đỡ đầu cho nhóm kháng chiến của ông Lê Quốc Túy.

Những đơn vị kháng chiến trở thành những tiền đồn cho Thái Lan và tùy theo các đơn vị Thái đỡ đầu, các lực lượng kháng chiến Việt Nam còn phải làm công tác tình báo, trinh sát vào nội địa Lào, Miên để thu thập tin tức tình báo. Vì thế, khi nhìn hình ảnh các kháng chiến quân người Việt Nam, người ta thấy mặc quân phục Thái, đội mũ của lực lượng biên phòng Thái, nhiều người đã tưởng rằng đây là đơn vị của Thái Lan, và không ai nghĩ rằng đó là những người bị giới hạn cư ngụ trong những vùng đèo heo hút gió, không có quyền đi ra khỏi khu vực trú đóng. Thỉnh thoảng mới có một, hai người được người Thái chở vào các thị xã để mua bán, hoặc liên lạc với “hậu trạm” đặt tại Bangkok.

Lực lượng kháng chiến nào cũng có “hậu trạm” đặt tại Bangkok. Khi thì đặt tại nhà một vị Tướng Thái, có số điện thoại để liên lạc viễn liên về Hoa Kỳ và các “hậu trạm' này đều thuê hộp thư ở bưu điện để liên lạc với các tổ chức yểm trợ tại Hoa Kỳ hoặc các nước khác.

Cũng có khi thì “hậu trạm” được các sĩ quan Thái của đơn vị đỡ đầu thuê cho ở một căn nhà bên ngoài thuộc khu an toàn, và thường là nhà của các sĩ quan cao cấp Thái để bảo đảm an toàn; tất nhiên cũng có đầy đủ tiện nghi và phương tiện để liên lạc đi các nơi. Trung bình giá một căn cứ (là một cánh rừng thuộc các tỉnh Đông Bắc Thái Lan giáp ranh giới Miên, Lào), các lực lượng kháng chiến Việt Nam trả cho các vị tướng Thái vào khoảng 20,000 đến 30,000 Mỹ kim… mỗi tháng, lại phải đóng tiền “thuê rừng” cho vị Tướng vào khoảng 2,000 đến 3,000 dollars. Số tiền này hoàn toàn vào túi riêng của vị tướng. Khi vui thì họ cho ở, phật ý thì họ đuổi.

Trên thực tế, chính quyền Thái chưa bao giờ chính thức yểm trợ các tổ chức kháng chiến Việt Nam, các nhân vật lãnh đạo các tổ chức kháng chiến chỉ được sự che chở ngầm của quân đội Thái và các Tướng chỉ huy đơn vị đỡ đầu. Vì vậy, tình trạng của các đơn vị kháng chiến rất mong manh, nhất là anh em từ các trại tỵ nạn nhập vào. Họ bị sống bơ vơ trong các căn nhà lá nằm cheo leo trong những rừng núi hoang vu mà tình trạng tiện nghi rất là thiếu thốn, sinh hoạt hàng ngày cũng vô cùng eo hẹp. Đối với một số những cán bộ lãnh đạo đã có Quốc tịch ở các Quốc gia tạm dung như Pháp, Úc… thì tình trạng khá hơn, vì khi ông Tướng Thái không bằng lòng vì một lý do nào đó (như nộp tiền hàng tháng trễ), thì họ chỉ trục xuất các cán bộ lãnh đạo này ra khỏi nước Thái; còn những người ở các trại tị nạn ra thì đi cũng không xong, mà ở cũng không chẳng được, tình trạng này thật là vô cùng bi đát. Người nào liều lĩnh trốn đi một cách bất hợp pháp, nếu người Thái bắt được sẽ bị đánh đập dã man, nếu không thì lọt vào tay cộng sản. Đằng nào cũng… chết!!!

Mấy năm nay, các tổ chức kháng chiến có căn cứ ở Thái Lan cứ quanh quẩn dậm chân ở biên giới Đông Dương, vừa nuôi béo các ông tướng, bà tướng Thái Lan bằng những đồng tiền thu góp của đồng bào ta ở hải ngoại, vừa đóng vai trò “giữ dưa” canh đất không lương cho “nước bạn”.

Đây là chiếc thùng không đáy sẽ khiến cho chúng ta lao tâm khổ trí, hao tài, tổn sức vì nó. Nhưng nếu bỏ đi thì cũng không đành lòng, vì còn đâu cơ hội mong manh giải phóng quê hương? Và niềm tin mù mờ kia sẽ lụi tàn theo năm tháng và quên lãng với thời gian; rồi những cám dỗ xa hoa của đời sống tiện nghi ở nước tạm dung sẽ làm chúng ta không còn thiết tha với chuyện đấu tranh gian khổ. Một khi ngọn lửa đấu tranh đã thực sự lụi tàn, chỉ còn là những tro than lạnh lẽo, thì làm sao chúng ta có thể khơi lại cho bùng cháy dữ dội để thiêu đốt bọn quỷ dữ cộng sản Việt Nam.

Tệ hơn nữa, có những nhóm người bất lương với các ý đồ đen tối, đã lợi dụng những “chiến khu” ở Thái Lan, để lừa bịp đồng bào, vơ vét tiền bạc của những người dễ tin - Khủng Bố những ai dám nói thật, biến kháng chiến thành trò hề, và đẩy lùi giấc mơ phục quốc ngày một thêm xa!!!

Nguyễn Toàn


Hoàng Cơ Minh (HCM) và Hồ Chí Minh (HCM)