Search This Blog

Sunday, June 11, 2023

ĐÔI ĐIỀU NHẬN XÉT BẢN TUYÊN CÁO CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH

 

ĐÔI ĐIỀU NHẬN XÉT VỀ:

BẢN TUYÊN CÁO CỦA G. S. NGUYỄN XUÂN VINH

Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ/VNCH Hải Ngoại

KHÔNG QUÂN BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU

 

Những ai đã nghe lời phê phán của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh về Tướng Nguyễn Cao Kỳ trên đài phát thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) truyền đi khắp thế giới vào ngày 16 tháng 1 năm 2004 và đã đọc bản tuyên cáo của giáo sư được loan tải vào ngày 17 tháng 1 năm 2004, đều nhận thấy khẩu khí của người nói và văn từ của người viết tuyên cáo là một. Một mình giáo sư nói và viết, chứ không có sự cố vấn, bàn bạc của Tập Thể. Do đó, Tập Thể không chịu trách nhiệm về những lời lẽ và nội dung Bản Tuyên Cáo.

So sánh lời lẽ trong bản tuyên cáo của giáo sư và lời lẽ trong bản tuyên cáo của Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ, ngườ i ta thấy ông Trương Như Phùng mặc dầu chống đối Tướng Kỳ nhưng vẫn giữ được nhân cách.

Nhiều anh em Không Quân gọi điện thoại hỏi cảm tưởng của tôi về lời phê phán của giáo sư trên đài phát thanh, tôi chỉ đáp vỏn vẹn: buồn! Tôi buồn và tiếc vì tôi đã nhiều lần viết bài khen ngợi giáo sư trên giai phẩm Lý Tưởng. Tôi liền gọi điện thoại khuyên giáo sư không nên dùng lời lẽ nặng nề giữa người anh em với nhau, khi sự việc chưa biết ngã ngũ ra sao; hãy chờ, rồi phản ứng cũng chưa muộn. Nghe tôi nói, giáo sư nổi giận, cáu kỉnh đáp: “Tôi sẽ viết một bản tuyên cáo với lời lẽ nặng nề hơn!”

“Nếu giáo sư ra tuyên cáo, tôi sẽ lên tiếng” . Tôi thưa.

Giáo sư thách thức: “Anh có giỏi thì lê n tiếng đi !”.

Nay tôi lên tiếng.

Sở dĩ tôi thưa với giáo sư như thế là để thức tỉnh giáo sư, để ít nhất giáo sư sẽ thảo luận với các thành viên trong Tập Thể của giáo sư trước khi phổ biến tuyên cáo. Tôi nghĩ thế nào trong Tập Thể cũng có nhiều người bình tĩnh và sáng suốt hơn để lời lẽ trong tuyên cáo xứng đáng hơn. Giáo sư Giận nên mất khôn.

Giận là một trạng thái của thất tình, lục dục, rất hợp lẽ tự nhiên của người thế tục. Nhưng Cái Giận của giáo sư biểu hiện NỘ KHÍ như người nổi cơn "tam bành"; chứ không phải Cái Giận CHÍNH KHÍ vì Đại Nghĩa như:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong;

GIẬN người tham bạo, thù chồng chẳng quên…”

Người viết xin nêu ra từng điểm trong Tuyên Cáo để chứng minh những nhận xét của mình:

1/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cậy mình có văn bằng Tiến Sĩ, lớn tiếng miệt thị ông Nguyễn Cao Kỳ không có căn bản học vấn. Thiết tưởng người nào học càng cao, càng khiêm tốn vì tự biết biển học mênh mông. Đa số anh em quân nhân tác chiến trong Quân Lực VNCH, căn bản học vấn cũng chỉ tầm cỡ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Vì giận, vô tình giáo sư đã miệt thị cả Tập Thể.

2/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh thóa mạ ông Nguyễn Cao Kỳ không có kiến thức chuyên môn về tổ chức và lãnh đạo Không Quân. Điều đó không đúng. Khi Không Quân Việt Nam được chuyển giao từ Không Quân Pháp, ông Nguyễn Cao Kỳ là người nắm quyền chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận Tải cho đến khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ. Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục về tay ông Huỳnh Hữu Hiền và Đệ Nhất Phi Đoàn Quan Sát về tay ông Nguyễn Ngọc Loan (hai vị sĩ quan chỉ huy sáng giá hơn). Trong khi ấy giáo sư Nguyễn Xuân Vinh chỉ được giao cho làm giảng viên địa huấn của Căn Cứ Huấn Luyện Nha Trang. Phải chăng giáo sư ôm Cái Giận chưa nguôi từ thuở đó cho đến nay mới bộc phát?

Lúc làm Tư Lệnh, giáo sư đã cho An Ninh Quân Đội bắt năm (5) phi hành đoàn vi phạm kỷ luật bay ở ngoại quốc về . Giáo sư ra lệnh ông Kỳ mang năm (5) phi hành đoàn ấy lên trình diện. Giáo sư đã “xỉ vả” ông Kỳ trước sự hiện diện năm (5) phi hành đoàn kia để làm nhục ông Kỳ. Giáo sư nghĩ rằng hành động như thế là lãnh đạo chỉ huy giỏi ư? (Một số người trong năm phi hành đoàn ấy lá Trung tá Nguyễn Quế Sơn, hiện sống trên đất Hoa Kỳ này).

Ngoài ra, ông Kỳ đã từng tốt nghiệp Air Command Staff (Trường Chỉ Huy và Tham Mưu của một quốc gia tiên tiến nhất thế giới) ở Hoa Kỳ. Trong khi giáo sư chưa từng chỉ huy đơn vị nào mà phút chốc bỗng làm Tư Lệnh Quân Chủng thì tự cho mình là thiên tài chăng?

3/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mạt sát ông Nguyễn Cao Kỳ có tính tình phản phúc. Phải chăng ý giáo sư muốn nói ông Nguyễn Cao Kỳ tham gia cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là phản phúc? Vì nóng giận, giáo sư đã kết tội tất cả những nhà lãnh đạo (chủ mưu đảo chánh) của nền Đệ Nhị Cộng Hòa từ Tổng Thống Thiệu đến Tướng Đỗ Mậu (người ban ơn cho giáo sư) đều là kẻ phản phúc? Giáo sư có còn nhớ ai là người đã ra lệnh Bộ Quốc Phòng hủy bản cáo thị tầm nã về tội đào ngũ của giáo sư để mời giáo sư về nước làm Tổng Trưởng Thông Tin? Giáo sư đã về nước, nhưng vì thấy tình thế quá khó khăn nên giáo sư đã quay trở lại Mỹ. Nếu giáo sư biết ông Kỳ vốn có tính phản phúc, tại sao lại về? Nhỡ ông ta “phản phúc” trở mặt, bắt nhốt giáo sư thì sao? Mặc dầu Tư Lệnh Nguyễn Xuân Vinh đối đãi không tử tế với thuộc cấp Nguyễn Cao Kỳ, nhưng khi ông Kỳ làm Thủ Tướng thì ông Kỳ biết gác mối hiềm riêng, biết đặt quyền lợi đất nước lên trên, để mời người “tài” Nguyễn Xuân Vinh ra giúp nước. Sự bao dung, lòng độ lượng của “người không có căn bản học vấn” Nguyễn Cao Kỳ không đủ sức cảm hóa nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là điều đáng buồn và đáng tiếc!

4/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh phê phán ông Nguyễn Cao Kỳ có tính tình ngược ngạo. Có lẽ tại ông Kỳ khinh thượng cấp, vì thượng cấp thăng quan tiến chức bằng cửa hậu, chứ không bằng thành tích chiến đấu? Giáo sư chỉ biết bay chập chững mà “trị vì” ở ngôi vị cầm đầu Quân chủng Không Quân, tất nhiên thuộc cấp không phục! Từ những miệt thị, thóa mạ, mạt sát, phê phán đó, giáo sư kết luận: “Ông Kỳ đã không đứng vững lâu dài ở những cương vị chỉ huy và lãnh đạo”. Vì nóng giận, giáo sư dạy toán Nguyễn Xuân Vinh đã đưa ra đáp số không đúng với thực tế . Ông Nguyễn Cao Kỳ làm Chỉ Huy Trưởng Liên Phi Đoàn Vận Tải rất lâu. Chỉ có thời gian ông làm Tư Lệnh KQ không lâu, vì bị các tướng lãnh đẩy ra làm Thủ Tướng. Ý giáo sư muốn nói ông Kỳ phải ngồi lâu trên chiếc ghế Thủ Tướng như ông Phạm văn Đồng của cộng sản thì mới xứng đáng là người có tài chỉ huy?

5/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh bêu rếu ông Nguyễn Cao Kỳ bất tài nên bị khánh kiệt tài sản. Làm Thủ Tướng và Phó Tổng Thống, Nguyễn cao Kỳ không ăn cắp của công thì làm gì có tài sản để khánh kiệt? Đồng lương quân nhân (từ Lính đến Tướng) mà chưa chết đói là mừng rồi! Quân nhân nào giàu có, mới nên đặt dấu hỏi. Vì nóng giận, giáo sư tấn công vào điểm son của đối thủ, khiến người đọc nhìn thấy sự mất quân bình tâm trí của giáo sư.

6/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mạt sát ông Kỳ hèn nhát và vô liêm sỉ. Khi làm Chỉ Huy Trưởng Liên Phi Đoàn, ông Kỳ đã bay rất nhiều phi vụ bí mật trong đêm tối thả dù Biệt Kích ngoài Bắc Vĩ Tuyến 17, có phi hành đoàn đã hy sinh mà không được chính quyền công khai nhìn nhận. Khi làm Tư Lệnh Không Quân, ông Kỳ đã bay oanh tạc Bắc Việt. Một vị Tư Lệnh “bước nhảy vọt” như giáo sư chưa từng đổ mồ hôi (khoan nói đổ máu) trong chiến trận với anh em thì không nên lên giọng chê kẻ khác hèn. Nếu giáo sư có những thành tích như ông Kỳ, chắc giáo sư huyênh hoang biết chừng nào?

Ngoại trừ những anh em trẻ, trong Không Quân ai cũng biết giáo sư nhờ tham gia Đảng Cầm Quyền và “khéo ăn ở ” với Cậu Cẩn cùng Đại Tá Đỗ Mậu (Quân Ủy Đảng) mà từ một ông Thiếu Úy giảng viên địa huấn của Căn Cứ Huấn Luyện Nha Trang được thăng lên Trung Tá Quyền Tư Lệnh trong vòng hai năm (1955 - 1957). Dưới trào Cụ Diệm, lên được một lon là trầy da tróc vẩy. Liệu giáo sư còn nhớ cái ngày giáo sư mang cặp lon đến tư gia ông Đỗ Mậu để được “ân nhân” gắn lon? Hành động kín đáo bày tỏ lòng biết ơn ấy, giáo sư gọi là gì? Bên Bộ Binh, phần lớn những vị Tư Lệnh Sư Đoàn đều đã phải trải qua các giai đoạn chỉ huy Trung Đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn, Trung Đoàn. Giáo sư làm Tư Lệnh mà chưa từng làm Trưởng Phi Cơ, Phi Đội Trưởng, Phi Đoàn Trưởng bao giờ mà lên làm Tư Lệnh Quân chủng ngày thì gọi là “Bước Nhảy Vọt” là quá đúng phải không? Khi có quyền, giáo sư đã báo thù Tướng Nguyễn Ngọc Oánh ra sao, các đàn anh Không Quân thời bấy giờ đều biết và đều khinh cái tiểu tâm của giáo sư. Giáo sư nên nhìn lại bản thân trước khi mắng mỏ người khác hèn nhát và vô liêm sỉ.

7/ Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh kết tội ông Kỳ xưng tụng chế độ độc tài, độc đảng mà quên rằng chính giáo sư đã “cài đặt” các đảng viên trong hệ thống độc đảng (Cần Lao) vào bộ máy Quân Chủng khi làm Tư Lệnh. Do đó mới có phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử “nổi loạn” vì bất mãn chế độ. Giáo sư đã đem cả Bộ Tư Lệnh KQ ra bến Bạch Đằng làm lễ tạ lỗi Tổng Thống để giữ địa vị của mình. Hành động “chuộc tội” đó , đến nay vẫn còn được anh em nhắc nhở một cách “thán phục” trong lúc trà dư tửu hậu. Thuộc cấp của giáo sư nào tội tình gì? Giáo sư đã biến Quân Chủng thành công cụ của chế độ, chứ không phải là công cụ Quốc Gia để bảo vệ Tổ Quốc!

8/ Sau khi nêu rõ những “tệ hại” của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh long trọng tuyên bố “loại trừ Tướng Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi hàng ngũ Người Việt Quốc Gia” tỵ nạn cộng sản. Giáo sư Vinh không phải là người tị nạn, giáo sư là người bỏ nước không về (đào ngũ) khi Quốc Gia hãy còn chiến đấu. Người “không tị nạn”, “đào ngũ ” đòi loại trừ “người tị nạn” nghe ra không ổn chút nào!

9/ Có lẽ không mấy hãnh diện với chức vị Đại Tá Tư Lệnh Không Quân, ông Chủ Tịch Tập Thể phải ký trước tên của mình cái tước hiệu Giáo Sư bằng hai chữ tắt "G.S." để chứng tỏ mình đứng trên hàng tướng lãnh trong Tập Thể. Chắc chắn Tập Thể không phải là Viện Đại Học!

Trên đây là 9 điểm nhận xét khái quát của một người lính Không Quân vốn “không có căn bản học vấn” đã trót có thời khen ngợi giáo sư để “trưng bày” tấm gương hiếu học cho giới trẻ. Giáo sư đã bị cái “Nộ Khí” lấn áp cái “Thông Tuệ” của ông Tiến Sĩ và để lộ cái “Bản Chất” thấp hèn. Trước kia giáo sư nổi danh nhờ cuốn “Đời Phi Công”; ngày nay giáo sư chôn vùi tên tuổi vì cái “Bản Tuyên Cáo”. Thật đáng tiếc cho một đời người! “Giận cá chém thớt”, giáo sư miệt thị ông Nguyễn Cao Kỳ chỉ giỏi tài bay bổng mà “không có căn bản học vấn” làm cho mấy anh phi công “bay giỏi” của KQVNCH chạnh lòng! Bởi vì căn bản học vấn của họ cũng chỉ bằng ông Kỳ là cùng, nhưng họ rất hãnh diện!

Vì tư thù, giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ý thức rằng tên tuổi cá nhân mình không đủ uy tín để rửa hận, nên phải sử dụng bảng hiệu “Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa” để hạ đối thủ là một việc làm thiếu tự tin và thiếu quang minh chính đại của kẻ nuôi giấc mộng đội đá vá trời.

Mấy ngày trôi qua, chắc cơn “Thịnh Nộ” của giáo sư đã lắng, ngưởi viết tin rằng giáo sư đang bị lương tâm dầy vò. Chúng ta từng đòi hỏi người cộng sản Việt Nam đứng ra tạ tội với nhân dân vì những lỗi lầm của họ trong quá khứ. Tôi đề nghị giáo sư hãy can đảm công khai nhìn nhận sự Nóng Giận của mình đã làm mất Trí Khôn tối thiểu thì anh em Không Quân sẽ tha thứ, vì chủ trương của người Không Quân có lòng bao dung và độ lượng luôn luôn là: Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạ n Bè”.

Nhân dịp đầu năm Giáp Thân, người viết xin cầu chúc giáo sư dồi dào sức khỏe, đạt được những thành tựu hằng mơ ước và thân tâm thường an lạc; đặc biệt biết kiểm soát và đè nén cơn THỊNH NỘ một chút, nếu còn muốn làm việc lớn.

KHÔNG QUÂN BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU