Gặp lại tướng Nguyễn
Cao Kỳ năm 1967 |
|||||
Nhà báo, tác giả
người Ý Oriana Fallaci là người đã thực hiện các cuộc phỏng vấn
với các nhân vật chính trị nổi tiếng như Henry Kissinger, giáo chủ
Shah của Iran, Ayatollah Khomeini, Willy Brandt, Nguyễn Cao Kỳ, Yasser
Arafat, Indira Gandhi, Golda Meir, Nguyễn Văn Thiệu, Sean Connery, và
nhiều người khác. Từng được coi là một trong
những nhà văn nữ nổi tiếng, và người có tài thuyết phục giới
lãnh đạo chịu nhận trả lời phỏng vấn. Kể từ năm 1967 bà trở thành
phóng viên chuyên viết bài về các vùng nóng trên thế giới, như cuộc
chiến tại Việt Nam, cuộc chiến Ấn Độ-Pakistan, vùng Trung Đông, và
Mỹ La Tinh. Nhiều năm bà là phóng viên chính trị cho tạp chí
L'Europeo, và viết bài cộng tác cho các tờ báo hàng đầu khác tại
Âu châu, và Hoa Kỳ. Để có thêm cái nhìn về tính
cách, và ngôn ngữ trả lời báo chí của vị tướng, từng là phó
tổng thống chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi xin giới thiệu cuộc
phỏng vấn của bà Oriana Fallaci với tướng Nguyễn Cao Kỳ thực hiện
năm 1967, được trích từ sách Egotists, của nhà xuất bản Tempo Brooks,
tại New York, năm 1969. Giới Tử dịch. Fallaci Tướng Kỳ này, có phải ông đang nói
về cách mạng không? Nguyễn Cao Kỳ Ðã hẳn. Ðiều người Mỹ không biết là
Miền Nam cần một cuộc cách mạng để ngang hàng với lý tưởng cách mạng ở Miền
Bắc, để chứng tỏ không phải chỉ ở Miền Bắc mới cần công chính... Tôi không
màng những cuộc bầu cử mà Mỹ đòi hỏi phải có. Hầu hết những người được bầu ra
ở Miền Nam không phải là những kẻ dân muốn chọn, họ không đại diện cho ai
cả... Những cuộc bầu cử vừa rồi của chúng tôi là một cách phung phí thì giờ và
tiền bạc, một trò hề... Fallaci Tướng Kỳ này, đó chính là điều Hồ
chí Minh nói, điều Việt Cộng nói. Ðó là xã hội chủ nghĩa, là Mác-xít. Nguyễn Cao Kỳ Thì có ai chối đâu? Tôi đâu có ngán
mấy chữ "xã hội chủ nghĩa". Chính người Mỹ đã làm cho mấy chữ đó
trở thành xấu xa... Cô bảo tôi là một tay Mác-xít. Ðây không phải là lần đầu tiên một
người Âu Tây bảo tôi như thế. Như vậy, có thể tôi là một tay Mác-xít. Thì đã
sao? Tôi không hề biết Marx, Engels, hoặc bất cứ một lý thuyết gia nào gốc Âu
châu. Họ lập thuyết và tôi không hơi đâu mất thì giờ với lý thuyết. Thành
thật mà nói, tôi không đọc sách. Tôi cũng không xấu hổ nhận rằng tôi ít học.
Sức học của tôi chưa quá trung học. Tôi nghỉ học lúc 18 tuổi khi người Pháp
đóng cửa trường và đẩy chúng tôi đi đánh nhau. Tôi là một phi công, sống chết
với máy bay chứ không phải với sách của Marx hay của Engels. Tôi không cần
bận tâm chuyện Marx đã khám phá ra rằng nhà nghèo không cần phải nghèo mãi.
Tôi không cần khám phá của Marx mới biết điều sơ đẳng đó. Tôi là người da
vàng, người Á châu, tôi hiểu đất nước tôi hơn những người da trắng đã viết ra
sách vở. Fallaci Tướng Kỳ ơi, nói gì thì nói sự thật
là nếu ông đọc những sách đó thì ông sẽ ý thức rằng ông đang nói những điều
mà chính những người ông đang đánh nhau với cũng nói y hệt. Ông có thể cho
tôi biết tại sao ông chống Cộng Sản không? Nguyễn Cao Kỳ Tôi chỉ biết Cộng Sản trong xứ tôi
thôi. Và tôi không thích thứ Cộng Sản ấy. Tôi không thích thấy một đứa con
nhân danh đảng đấu tố mẹ mình. Tôi không thích một đảng nhân danh ý thức hệ
để đạp đổ gia đình và những tình cảm gia tộc. Tôi không thích một xã hội
trong đó mỗi người là một đảng viên. Do đó, dù tôi chống cái tự do đã gây nên
hỗn độn và ngăn trở thực hiện công bằng xã hội, nhưng tôi cũng chống độc tài
nữa. Tôi không biết phải nói sao về điều ấy. Ðó là lý do tại sao tôi chống
Cộng. Nhưng dĩ nhiên tôi không chống Cộng khi họ phân chia tài sản, và tôi
đồng ý trăm phần trăm với họ khi họ tước đất của người giàu đem phân phát cho
người nghèo. Khi họ trao súng cho nông dân và bảo: “Hãy đấu tranh cho một
cuộc đời tốt đẹp hơn. Khi họ tước bỏ những đặc quyền đặc lợi giai cấp, khi họ
nói rằng phân chia giai cấp là sai. Như Khổng Tử từng nói, chúng ta phải nâng
kẻ nghèo lên và hạ người giàu đến một mức mà mọi người có thể hoàn toàn hòa
hợp chung sống. Fallaci Tướng Kỳ này, có lúc nào ông nghĩ
rằng ông đã lựa chọn sai chỗ đứng không? Có bao giờ ông nghĩ rằng ông có thể hợp
với Hồ chí Minh không? Nguyễn Cao Kỳ Vâng... nếu số phần của tôi khác thì
tôi đã đứng về phía ông ấy rồi. Nhưng theo ông ấy thì bây giờ tôi là gì? Tôi
có thể chỉ là một cán bộ quèn câm nín trong guồng máy đảng, chẳng làm nên
tích sự gì. Còn ở phía bên này, tôi là Nguyễn Cao Kỳ; và tôi có thể làm được
việc này việc khác. Dĩ nhiên, một con én không làm nên mùa Xuân nhưng con én
ít ra cũng báo hiệu mùa Xuân... Ðôi khi người ta hỏi tôi: anh có muốn biết
qua về Hồ chí Minh không? Thành thật mà nói tôi không muốn, và cô biết tại
sao không? Vì ông ấy thuộc thế hệ khác. Dĩ nhiên ông ấy là một lãnh tụ tài
ba, nhưng ông ấy già rồi. Ông ấy ngoài bảy mươi còn tôi thì mới 37... Những
người như Hồ chí Minh không thuộc thế kỷ này, hệ thống chính trị của họ cũng
đã lỗi thời... Fallaci Nhưng Tướng Kỳ ơi, nếu ngày nào
đây, ông thấy ông không thể thực hiện cuộc cách mạng của ông, rằng ông đã
chọn lầm phe, ông có sẵn sàng nhảy qua bên kia không? Nguyễn Cao Kỳ Không. Ðã chọn thì phải đi đến cùng.
Sớm muộn gì, nếu tôi thấy tôi đã chọn nhầm thế đứng thì tôi thà chết còn hơn
là đổi phe... Tôi thà chết hơn là phải thú nhận mình đã chọn lầm đường đi... Fallaci Ông thực sự tin ông sẽ thành công,
hay ông chỉ mơ ông thành công? Nguyễn Cao Kỳ Tôi tin vào vận mạng của tôi, cho
nên tôi tin tôi sẽ thành công, trừ trường hợp chúng (không phải là cộng sản)
giết tôi. Nếu chúng không giết tôi thì tôi chắc thắng vì tôi không thuộc phe
thiểu số. Ðại khối quần chúng -- người nghèo, nông dân -- ủng hộ tôi. Lời người dịch Cảm tưởng của cô Oriana Fallaci sau cuộc phỏng vấn là: “Nguyễn Cao Kỳ đáng... là lãnh tụ của một vùng đất thiếu lãnh tụ một cách đau đớn”. Qúy vị sẽ nhận thấy điều đó khi ngỡ ngàng lắng nghe ông ta khoảng hơn 10 phút. Tướng Kỳ không phải là một anh chàng ngố, ông ta có điều muốn nói, và ông nói huỵch toẹt mà không sợ vạ miệng |