Search This Blog

Friday, November 18, 2022

CÁI TÔI ĐÁNG GHÉT - BẰNG PHONG

 

“CÁI TÔI ĐÁNG GHÉT.”

Bằng Phong Đặng văn Âu.

“Cái tôi đáng ghét” là quá đúng! Đó là câu nói của một nhà tư tưởng lừng danh Blaise Pascal, mà mọi người đều khen lấy khen để, dễ gì mình nói khác mà người ta nghe?

Thời tôi còn học ở bậc Trung Học, thầy giáo dạy văn thường bắt học trò tập làm văn bằng cách ra những đề tài nghị luận luân lý hoặc nghị luận văn chương. Một hôm thầy ra một bài nghị luận luân lý như sau: “Các em hãy bình luận câu nói của nhà tư tưởng Blaise Pascal: Cái tôi đáng ghét”. Tất cả học sinh trong lớp đều tỏ ra đồng ý với câu nói của nhà tư tưởng, đều chê bai “Cái tôi” một cách thậm tệ. Chỉ có bài bình luận của tôi là khác thường. Tôi viết rằng tuy “Cái tôi” có chỗ đáng ghét thật, nhưng không phải nó đáng ghét trong tất cả mọi trường hợp. Ví dụ Ngài Trần Thủ Độ nói “Cái Tôi” với vua Trần Thái Tông một câu bất hủ: “Đầu thần (tôi) chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, khi quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta lần đầu. Hoặc tiếng quát khẳng khái của người anh hùng Trần Bình Trọng vào mặt quân Tàu: “Ta (tôi) thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm Vương đất Bắc”. Vậy cái tôi của Trần Thủ Độ và của Trần Bình Trọng đáng nể trọng, chứ đâu có đáng ghét, phải không?

Nếu ghét cái tôi, thì trong tiếng Việt làm gì có chữ “tự ái” (self-love hoặc pride)? Do đó, không phải cái tôi lúc nào cũng đáng ghét. Đôi khi chúng ta cần yêu cái tôi của mình (tự ái) để có lòng tự trọng. Ví dụ: Khi một ai đó thấy mình đói, cho mình 10 đồng bạc mua khúc bánh mì để ăn, mà tỏ ra khinh bỉ bằng cách ném tờ bạc xuống đất, thì dù có đói đến mấy cũng không nên cúi xuống nhặt lên. Ở đời, hơn thua nhau là biết lúc nào sử dụng lòng tự ái để người khác kính trọng.

Ông Thầy dạy văn khen nức nở bài bình luận của tôi, vì tính chất phản biện. Ông còn khuyên tôi mai sau nên theo học ngành Luật thì rất hợp khả năng. Thế nhưng, định mệnh đã an bài, tôi trở thành một phi công cứng đầu, cứng cổ. May mắn sống dưới chế độ tự do của Miền Nam, nên tôi không bị “súc vật hóa” để phải giả bộ đui mù, câm điếc. Tôi có thể nói ra suy nghĩ của tôi mà không sợ bị trừng trị.

Lớn lên vào thời buổi chiến tranh, tôi đã tình nguyện gia nhập Quân đội để làm tròn trách nhiệm công dân. Trình độ học vấn: Biết đọc, biết viết. Đọc một cuốn sách, đọc một bài thơ, tôi biết nó hay dở ở điểm nào. Nghĩ điều gì trong đầu, tôi biết cách viết ra để độc giả hiểu mình muốn nói điều gì. Tôi không phải là học giả. Tôi học thiệt. Học ở đâu? Học ở trường đời! Cái trường không phát bằng cấp cho ai cả. Tuy không có bằng cấp, nhưng tôi không bao giờ mang mặc cảm thua kém các vị khoa bảng. Vì là phi công, tôi được xếp vào loại người ăn cơm dưới đất làm việc trên trời. Khi không có mục tiêu để tác xạ, bay bao vùng giữa trời cao về đêm, tôi thường miên man tự hỏi: “Tại sao một dân tộc thông minh, bản tính chất phác, hiền lành, mà lại có thể chém giết nhau một cách dã man, tàn bạo, không một chút nương tay?”

Chẳng rõ kiếp trước tôi thuộc chủng tộc nào: Da vàng, da trắng, da đen hay da đỏ? Nhưng kiếp này được đầu thai trong bụng người Mẹ Việt Nam, tôi luôn luôn tự dặn lòng: Nếu không lập nên công trạng gì đáng kể để đền ơn Đất Nước đã nuôi dưỡng mình, thì đừng làm bất cứ điều gì khiến cho thanh danh nòi giống Việt Nam bị tổn thương, bằng cách sống thật thà, lương thiện, không điêu ngoa dối trá, không ăn cắp và không sợ sự khủng bố.  Dưới mỗi bài viết, tôi đều ghi rõ bút hiệu, tên thật do cha mẹ đặt, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, không phải để khoe danh tánh với mọi người, mà vì muốn nói với độc giả rằng đây là người lính chính quy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tuy không còn vũ khí sát thương trong tay, nhưng còn một thứ vũ khí không thể hư hoại để chống lại Việt Cộng và bọn làm bạc giả, bọn kháng chiến bịp làm mất NIỀM TIN vào lý tưởng Quốc gia. Đó là Sự Thật!

Nhận thấy cuộc đấu tranh vì Sự Thật còn cao quý hơn người đi tu, vì tôi không màng danh lợi, chức tước. Người tu theo Phật giáo tìm nơi thành tịnh, nhưng còn mong ước trở thành Thượng Tọa, Hòa Thượng, Tăng Thống. Người tu theo Công giáo còn mong ước trở thành Linh mục, Giám mục, Hồng y hoặc Giáo hoàng. Còn tôi là loại người đi tu giữa chợ, chấp nhận những lời chửi rủa của ma quỷ, mà lòng vẫn phơi phới hân hoan, không bận tâm, không cần đáp trả.

Vì sinh ra trong dòng họ có Ông Bà, Cha Mẹ theo Phật giáo, tôi đương nhiên trở thành Phật tử. Nhưng Đạo Phật ngày nay đã bị Việt Cộng “quốc doanh hóa” từ trong nước ra hải ngoại, tượng tên tội đồ dân tộc Hồ Chí Minh được xếp ngồi ngang với Đức Thích Ca để tín đồ vào vái lạy, mà những Phật tử không dám hé răng, thì đức “vô úy” của Nhà Phật không còn. Do đó, tôi tình nguyện theo chân Chúa Jesus để đồng hành với Ngài nhằm chiến đấu cho Sự Thật, giống như cố Tổng thống Ngô Đình Diệm dõng dạc nói: “Chết là cùng! Việc gì phải sợ?”. Trong mắt tôi, Đức Jesus là nhà cách mạng được Thượng Đế sai xuống trần gian để cải tạo xã hội.

Tâm lý người Việt Nam thời trước, trong dân gian có câu “Theo đạo, có gạo mà ăn”. Tôi không rõ động cơ nào đã khiến bác sĩ Đặng văn Sung, giáo sư Vũ Quốc Thúc, Chủ tịch Tập thể Chiến sĩ VNCH Nguyễn Xuân Vinh xin rửa tội theo Đạo Chúa. Còn tôi, tôi theo đạo Chúa, vì tôi thấy được sự mầu nhiệm của Thiên Chúa qua sự chiến thắng của nhà tỷ phú Donald Trump chống lại cái đám ma quỷ lúc nhúc trong đầm lầy ở Hoa Thịnh Đốn.

Là một tỷ phú, ông Trump có vợ đẹp, con ngoan và cuộc sống vương giả. Nếu không vì lòng thiết tha yêu nước, ông Trump cứ bình an thụ hưởng, thì có nhiều đứa đến xin tiền của ông để tranh cử. Vì bất bình với sự dối trá, đạo đức giả của đám chính trị gia bất lương, tỷ phú Donald Trump nói ra Sự Thật. Tất nhiên bọn chính trị gia bẩn thỉu, bọn làm truyền thông lưu manh sợ Sự Thật, phải tấn công ông bằng những cú đấm dưới thắt lưng quần. Điều gì đã giúp ông Trump can đảm và sức mạnh để bất chấp sự tấn công nhớp nhúa của bọn khuynh tả chạy theo xã hội chủ nghĩa? Tại vì ông Trump có Niềm Tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa qua câu nói: “Nhân dân Hoa Kỳ chỉ quỳ gối trước Thiên Chúa mà thôi!” (tức là chỉ quỳ trước tổ tiên, ông bà cha mẹ mình, chứ không quỳ trước bọn quỷ sứ ma vương). Tôi cũng vậy! Nhất định không quỳ trước quỷ sứ, ma vương.

Tôi rất mong muốn chiến tranh sớm chấm dứt để mình được sống sót, trở về đời sống dân sự, chăm sóc mẹ già cho tròn chữ hiếu và lo chu toàn bổn phận làm chồng, làm cha cho tròn đạo nghĩa phu thê. Mỗi lần thấy Mẹ ra đứng giữa trời trong đêm khuya, thắp hương van vái Trời Đất cho thằng con trai độc nhất không bị tử vong trong chiến trận, lòng tôi xót xa vô cùng. Hoặc khi lặng lẽ rời nhà lúc sáng sớm, vào căn cứ thi hành phi vụ, nhìn thấy vợ con đang yên giấc, tôi thầm cầu mong rằng hôm nay không phải là phi vụ cuối cùng. Tôi mơ ước khi đất nước thanh bình, đưa vợ con đi thăm thú những thắng cảnh của quê hương và ngồi kể chuyện cho con cái nghe về cuộc đời bay bổng của mình. Không ngờ có ngày mình ngồi viết chuyện thế sự trên đất nước người để bị những cái thứ cà lơ thất thểu, đầu đường xó chợ buông lời hỗn láo, mất dạy mà đành bó tay. Giá như đoán trước mình có ngày ngồi gõ bàn phím computer trong đêm khuya để viết truyện lịch sử, tôi đã bắt chước giáo sư Đoàn Thêm ghi chép “Việc Từng Ngày”, thì những gì tôi viết sẽ được coi là biên niên sử. Thôi thì đành viết “Ngoại Sử”, giống như khi làm Chủ bút Giai phẩm Lý Tưởng Không Quân, tôi đã thực hiện cuốn “Không Quân Ngoại Truyện” vậy.

Tuy mang danh là “Ngoại Sử” nhưng rất khả tín, bởi vì tôi không viết dưới sự chỉ đạo của đoàn thể nào, cá nhân nào. Tôi không viết để lãnh tiền nhuận bút hoặc mua vui thiên hạ. Tôi viết vì có những sự kiện lịch sử mà các sử gia không biết hoặc không dám viết. Tôi tin rằng sở dĩ nước Việt Nam đã bị mất vào tay Việt Cộng và rồi nòi giống Việt Nam sẽ không còn là do lời nguyền rủa của những oan hồn người Chàm dùng đảng Cộng Sản làm công cụ để hủy diệt nòi giống Tiên Rồng. Tôi viết để mai sau những nhà nhân chủng học đỡ mất công tìm hiểu vì nguyên nhân nào mà nòi giống Việt Nam đã biến mất.

Trong cuộc họp thống nhất đảng Đại Việt vào năm 1988, có sự hiện diện của bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, bác sĩ Đặng văn Sung, kỹ sư Hà Thúc Ký, Đại sứ Bùi Diễm, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Tiến sĩ Nguyễn văn Canh, anh Đặng văn Đệ, anh Đào Nhật Tiến, anh Lê tấn Trạng, anh Nguyễn văn Ánh và tôi. Cụ Cung Đình Quỳ Bộ trưởng Bộ Canh Nông trong Chính phủ Trần trọng Kim, 92 tuổi Chủ toạ phiên họp. Sau một hồi hạch tội các đồng chí lãnh đạo, cụ Quỳ kết luận: “Kể từ nay, tôi muốn các đồng chí phải đoàn kết nhất trí một lòng để phất ngọn cờ Đại Việt giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ cộng sản.” Lúc bấy giờ ai nấy đều răm rắp nghe chỉ thị của đồng chí Niên trưởng. Riêng tôi lên tiếng phản đối: “Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta cần một Ngọn Cờ Dân Tộc để kết hợp toàn dân. Hãy quên đi Ngọn Cờ Đại Việt, để tự bản thân thoát ra khỏi tinh thần cục bộ, thì mới hết lòng vì nước vì dân. Bao lâu còn coi lớn “Cái Tôi”, thì cuộc tranh đấu không bao giờ thành công.”

Mọi người trong bàn Hội nghị sững sờ, vì không ngờ một “cậu” đồng chí đáng tuổi con của các lãnh tụ mà dám mở lời phản đối “Cái Tôi” của lãnh tụ vào hàng cha chú? Nhưng làm sao các lãnh tụ khiển trách “cậu” đồng chí đàn em được, khi mà lời nói của nó quá đúng? Tôi trách các anh lớn đã không thi hành lý tưởng “Dân Tộc Sinh Tồn” do đồng chí đảng trưởng Trương Tử Anh đề ra, vì anh Ký và anh Huy chia rẽ nhau. Tôi còn nói đảng không có biện pháp kỷ luật như trong Nội Quy của đảng là đảng đã tự mình xóa vai trò lãnh đạo quần chúng. Đó là sự im lặng trước sự kiện đồng chí Nguyễn văn Thiệu bỏ đảng và ra lập riêng đảng Dân Chủ. Ra Hải ngoại, các anh cũng im lặng trước cái việc Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh lập Mặt Trận Kháng Chiến để lừa đồng bào, thì một lần nữa đảng lại đánh mất vai trò lãnh đạo quần chúng. Niềm tin của quần chúng vào lý tưởng diệt Cộng cứu nước không còn, thì dù hôm nay đảng đi đến thống nhất đi nữa, cũng chẳng làm được gì. Hãy khoan nghĩ tới chuyện giải phóng dân tộc. Hãy cố gắng bảo vệ phòng tuyến của mình ở Hải ngoại để Cộng Đồng không bị Việt Cộng xâm nhập. Tôi đã làm cho không khí buổi họp trở nên căng thẳng. Anh chủ nhà Thiếu tá KQ Nguyễn Quan Vĩnh, cùng khóa với tôi hiện ở San José tiến tới mời mọi người ngừng họp để dùng buổi trưa. Ông anh của tôi bác sĩ Đặng văn Sung gọi tôi lại, khiển trách: “Cái thói nhà binh của chú bao nhiêu năm nay cũng không chịu bỏ. Những lời phát biểu vừa rồi của chú, làm cho anh Ký và anh Huy buồn lắm đấy!”. Lễ giáo của dòng họ Đặng rất nghiêm. Em út không được phép đối đáp, khi đàn anh dạy bảo. Tôi phải cẩn thận xin phép: “Thưa anh, em nghĩ rằng cuộc họp hôm nay là để mổ xẻ vấn đề tại sao nước mình mất vào tay cộng sản. Mà mổ xẻ, ắt phải đau đớn. Nếu không chịu được đau, thì căn bệnh không thể chữa. Em cũng biết cách nói để làm đẹp lòng các anh, mhưng để làm gì? Xin anh tha tội cho em, đây là lúc chúng ta cần nói thật, nói thẳng với nhau”.  

Tiến sĩ Nguyễn văn Canh, hiện còn sống ở San José được đảng giao phó soạn thảo phương sách kết hợp giữa đảng của anh Ký và đảng của anh Huy. Những phiên họp kế tiếp, tôi không được đảng mời tham dự, vì không muốn sự có mặt của thằng đàn em dám nói Sự Thật. Hình như chừng ba hay bốn tháng sau đó, người ta đọc thấy trên báo tuyên cáo của anh Nguyễn Tôn Hoàn và anh Hà Thúc Ký khai trừ lẫn nhau. Chẳng phải là người giỏi tiên đoán thời cuộc, nhưng sau buổi họp gọi là Thống Nhất Đại Việt, tôi biết trước thế nào Đại Việt cũng tan rã, vì nghiệp chướng của dân tộc còn nặng lắm, chưa thể dứt được: “Đố ai đoàn kết được với ai”!

Thuật lại câu chuyện Thống Nhất Đại Việt để bạn đọc hiểu rằng tôi là người không ngần ngại nói lên Sự Thật, dù trước mặt mình là các vị lãnh tụ thuộc hàng cha chú.

   Tôi là người duy nhất dám nói Tổng thống Ngô Đình Diệm người cha đẻ nền Đệ nhất Cộng Hòa bị ma đưa lối quỷ đưa đường nên mới ra lệnh cho Đại tá Nguyễn văn Y Tổng Giám đốc Cảnh Sát Quốc gia đốt tất cả hồ sơ do cơ quan Tình báo Phản gián cung cấp cho biết Tướng Dương văn Minh thông đồng với Việt Cộng, để cuối cùng bị Dương văn Minh làm đảo chánh và giết một cách tàn bạo.

  Tôi là người duy nhất dám nói thẳng với Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người cha đẻ nền Đệ nhị Cộng Hòa, rằng ông bị quỷ ám nên mới nhường cho Tướng Nguyễn văn Thiệu tranh chức Tổng thống. Ông Thiệu là người phản Tổng thống Ngô Đình Diệm và phản đảng Đại Việt.

  Tôi là người duy nhất dám nói thẳng vào mặt ông Phó Đề đốc Hải quân Hoàng Cơ Minh (khi ông chưa thành lập Mặt Trận Kháng Chiến): “Nếu anh làm kháng chiến giải phóng Việt Nam giống như anh nói với tôi vừa rồi, anh sẽ trở thành thảo khấu”. Quả nhiên sau này ông Minh thú nhận với Nguyễn Xuân Nghĩa thà rằng làm một tên thảo khấu chết trong rừng, hơn là làm một người tị nạn sống qua ngày trên đất Mỹ.

   Tôi là người dám khẳng định rằng nòi giống Việt Nam rồi đây sẽ không còn, bằng những lập luận rất toán học. Tới nay, chưa một ai phản biện lập luận của tôi.

  Tuy không phải là nhà tiên tri, tôi là người dám nói nguyên nhân cái chết của nền văn minh Hoa Kỳ là từ chiến tranh Việt Nam. Tiến sĩ Peter Navarro viết cuốn sách “Death By China” chỉ là hậu quả. Nguyên nhân cái chết của nước Mỹ là do chiến tranh Việt Nam mà ra. Nếu tôi được mời họp tại Lubbock, Tiểu bang Texas để trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam Cộng Hòa thua Việt Cộng, thì tôi có câu trả lời khác hẳn lý do của các học giả Việt Nam và Tướng lĩnh Việt Nam. Hoa Kỳ thua Việt Cộng là do bị quỷ ám. Bởi vì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ có thừa để đè bẹp Việt Cộng lẫn Trung Cộng. Nhưng họ không ra tay, vì Hoa Kỳ cũng bị quỷ ám giống như những trí thức ở Miền Nam chạy theo cộng sản vậy.

Dù năm 2024 ông Donald Trump ra tranh cử chức Tổng thống và thắng cử, ông có thể phục hồi nền kinh tế, nhưng không thể phục hồi đạo đức của nước Mỹ. Bởi vì đà tiến của văn minh kỹ thuật quá mạnh, quá nhanh và đạo đức có xu hướng đi ngược chiều cũng quá mạnh. Phương châm “In God We Trust” sẽ nhạt phai dần và thay vào đó là “In the Evil We Trust” sẽ thắng thế do bọn truyền thông ma quỷ nhồi sọ vào óc quần chúng. Giấc mơ Mỹ sẽ biến thành ác mộng địa ngục trần gian, một khi kế hoạch thống trị toàn cầu của Trung Cộng thực hiện xong.

“Cái Tôi (của Bằng Phong) Đáng Ghét” thực! Nhưng Bằng Phong nói Sự Thật do được Thiên Chúa mặc khải, chứ tôi không hề có mục đích đề cao cái viễn kiến của mình. Ai ghét “Cái Tôi của tôi” là quyền của họ! Nền văn minh của nhân loại sẽ không còn, một khi chủ nghĩa vô thần thống trị. Đó là một khẳng định, chẳng còn gì để nghi ngờ.

Vừa viết đến đây, có anh bạn ở Nhật gửi cho xem cái video clip này, mời quý vị mở xem.

https://fb.watch/gIPAoSQ7Uh/

Bằng Phong Đặng văn Âu, ngày 10 tháng 11 năm 2022.

Địa chỉ nhà: 10200 Bolsa Avenue, Westminster, California 92683

Địa chỉ Email: bangphongdva033@gmail.com Telephone: 714 – 276 – 5600  

Wednesday, November 16, 2022

LỊCH SỬ THẢM HỌA CHAMPA BỊ DIỆT CHỦNG

 

       THM HA DIT CHNG VÀ QU BÁO ?

 

Đây có phải là quả báo khi chính chúng ta cũng đã dùng chính sách diệt chủng đối với dân tộc Champa.

      Lịch sử 33 năm cuối cùng của  VƯƠNG QUỐC CHAMPA 

 BBT Champaka.info  

Vương quốc Champa : Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802-1835) là công trình nghiên cứu của Pgs. Ts. Po Dharma được xuất bản tại Paris vào năm 1987 bởi Viện Viễn Đông Pháp, với nhan đề : Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam (1802-1835). Đây là tác phẩm lịch sử Champa cận đại đầu tiên viết về tình hình chính trị, quân sự và mối quan hệ với triều đình Huế kể từ ngày vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802 cho đến khi vua Minh Mệnh xóa bỏ Champa trên bản đồ vào năm 1832, kéo theo sự ra đời phong trào kháng chiến của Katip Sumat (1833-1834) và sự vùng dậy vũ trang của Katip Ja Thak Wa(1834-1835) nhằm chống lại cuộc xâm lăng của triều đình Huế và phục hưng lại vương quốc Champa độc lập có chủ quyền.

Lịch sử 33 năm cuối cùng của Champa là tổng thể của những biến cố tang thương nhất và đẫm máu nhất chưa từng xảy ra trong quá trình hình thành vương quốc Champa kể từ thế kỷ thứ II, một quốc gia hùng mạnh dưới thời cổ đại, nhưng không còn nghị lực và sức lực chống lại chính sách tàn bạo của vua Minh Mệnh (1820-1841) nhằm trừng phạt vô cùng dã man dân tộc Champa về tội theo Lê Văn Duyệt và hành động chống lại uy quyền của triều đình Huế. Đây cũng là giai đoạn đen tối nhất của một dân tộc Champa có nền văn tự và văn minh từ lâu đời, nhưng đành bó tay đầu hàng và qui phục trước làn sóng Nam Tiến, một chủ thuyết «đế quốc» trong nghĩa rộng của nó, nhắm vào mục tiêu xâm chiếm đất đai và tiêu diệt dân tộc láng giềng bằng bạo lực và súng đạn.

Sau 8 thế kỷ chiến tranh tương tàn để thực hiện chính sách Nam Tiến, Việt Nam chiếm trọn lãnh thổ Champa rộng lớn chạy dài từ tỉnh Quàng Bình đến biên giới Biên Hòa, chỉ để lại cho hậu thế hôm nay một chuổi đền đài điêu tàn và hoang phế nằm ngổn ngang ở miền trung và một cộng đồng người Chăm chưa đầy 100 ngàn người đang sống chui nhủi và khốn cùng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chính đó là bức tranh thật sự của lịch sử Champa vào những thập niên đầu của thế kỷ thứ XIX mà Pgs. Ts. Po Dharma đã đưa ra phân tích và trình bày một cách khách quan và nghiêm túc trong tác phẩm mang tựa đề «Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa, 1802-1835» do International Office of Champa (IOC-Champa) xuất bản tại San Jose, California (Hoa Kỳ), với sự bảo trợ của Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa-Xã Hội Champa (CSCD-Champa). Tác phẩm này tổng cộng 279 trang + 2 bản đồ, chia thành nhiều chương mục.

1). Lời mở đầu

Khởi đầu của tác phẩm là  Lời mở đầu» trong đó Pgs. Ts. Po Dharma nêu ra nguyên nhân của sự chọn lựa đề tài và giải thích tại sao có sự giới hạn không gian của chủ đề từ 1802 đến 1835, tức là chỉ tập trung vào 33 cuối cùng của vương quốc này, nhưng 33 năm của bao biến cố thăng trầm đã diễn ra trên bàn cờ chính trị Champa, cấu thành một tiếng chuông báo động cho sự xụp đổ vĩnh viễn của vương quốc này trên bản đồ Đông Dương vào năm 1832.

Ai cũng biết Pgs. Ts. Po Dharma là người Chăm Ninh Thuận đã từng tham gia phong trào vũ trang Fulro vào những năm 1968-1975 và tiếp tục đấu tranh trong phong trào phát huy và truyền bá di sản lịch sử và nền văn minh Champa tại hải ngoại cho đến hôm nay. Nhưng trong ngành nghiên cứu, Pgs. Ts. Po Dharma không bao giờ dựa vào lăng kính hay tình cảm của dân tộc Chăm để bảo vệ quan điểm của vương quốc Champa hay lên án vua chúa Việt Nam, mà là dựa vào nguồn tư liệu thuyết phục cũng như phương pháp trình bày và lý luận khách quan của một nhà lịch sử học để hoàn thành tác phẩm : Vương quốc Champa : Lịch sử 33 năm cuối cùng, 1802-1835.

2). Nguồn tư liệu 

Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa là tổng thể của những biến cố đã xảy ra trong quá khứ được ghi chép lại trên nhiều nguồn tư liệu, nhất là văn bản viết bằng tiếng Chăm và biên niên sử Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Tiếc rằng, mỗi tư liệu viết bằng tiếng Chăm hay Hán của nhà Nguyễn chỉ là tiếng nói của vua chúa thời đó, thường trình bày yếu tố lịch sử theo quan điểm và nhìn qua lăng kính của cung đình hơn là bài viết mang tính cách khách quan và khoa học. Chính vì thế, một biến cố đã xảy ra vào một thời điểm nhất định, nhưng tư liệu Chăm và biên niên sử Việt Nam nêu ra hai xuất xứ và đưa ra hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Đây là vần đề khó khăn nhất trong ngành sử học. Để giải quyết vấn đề trên, Pgs. Ts. Po Dharma lúc nào cũng thận trọng và đi tìm những kiểm chứng trước khi sử dụng nội dung của nguồn tư liệu này để xây dựng cho một yếu tố lịch sử. 

Để thực hiện tác phẩm Vương quốc Champa : Lịch sử 33 năm cuối cùng, 1802-1835, Pgs... Ts. Po Dharma phải dựa vào một khối tư liệu đáng kể trong đó có 32 tác phẩm viết bằng tiếng Chăm, 20 biên niên sử Việt Nam và hơn 150 bài khảo luận hay tác phẩm khoa học đã xuất bản bằng tiếng Pháp, Anh và Quốc Ngữ. Đây là kho tàng tư liệu liên quan đến lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa mà Pgs. Ts. Po Dharma trích dẫn trong công trình nghiên cứu của mình, chứ không phải tài liêu tham khảo ghi vào danh sách cho có lệ, mà độc giả thường thấy trong nhiều tác phẩm khoa học xuất bản tại Việt Nam hôm nay.

3). Tổng luận đầu sách 

Gần một thế kỷ qua, hầu hết các nhà khoa học chuyên về Đông Nam Á đều có chung một quan điểm về cụm từ «Thủ Đô», tức là trung tâm chính trị và quyền lực của một vương quốc, nơi ngự trị của vua chúa và gia đình hoàng gia của một quốc gia. Một khi thủ đô bị chiếm đóng thì chủ quyền quốc gia đó không còn nữa. Sự thất thủ Sàigòn vào tháng 4 năm 1975 đánh dấu cho sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một thí dụ điển hình.

Nói đến vương quốc Champa, thì người ta phải nói đến ngày thất thủ Vijaya (Đồ Bàn) vào năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Dựa vào sự sụp đổ thủ đô Viyaya, nhà sử học Pháp là G. Maspero đưa ra nhận định trong tác phẩm Vương Quốc Champa (1828) cho rằng Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ kể từ năm 1471 và không còn lý do để tồn tại trên lãnh thổ miền trung Việt Nam nữa. Kể từ đó các nhà nghiên cứu thường lặp đi lặp lại lý thuyết của G. Maspero, nhưng không cần kiểm chứng lại giả thuyết này có đúng hay không !

Pgs. Ts. Po Dharma là nhà nghiên cứu đầu tiên không tin vào giả thuyết của G. Maspero. Theo tác giả, vương quốc Champa không phải là quốc gia có hệ thống chính trị «trung ương tập quyền» theo kiểu Đại Việt hay Tàu Quốc vào thời cổ đại, mà là quốc gia liên bang tập trung năm tiểu vương quốc : Inrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Pandurang. Mỗi tiểu vương quốc có lãnh thổ riêng và vua chúa riêng. Chính vì nguyên nhân đó, sự sụp đổ thành Đồ Bàn vào năm 1471 chỉ biểu tượng cho sự xụp đổ của tiểu vương quốc Vijaya ở miền Bắc. Vì rằng vương quốc Champa vẫn còn hiện hữu ở miền Trung Việt Nam sau năm 1471, nhưng lãnh thổ đất đai Champa bị thu hẹp lại trên lãnh thổ của tiểu vương quốc Khauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận) cho đến năm 1832.

« Tổng luận đầu sách » là chương khởi đầu của tác phẩm trong đó Pgs. Ts. Po Dharma phát họa lại hệ thống tổ chức hành chánh và chính trị của vương quốc Champa sau ngày thất thủ thành Đồ Bàn vào năm 1471 và trình bày một cách hệ thống lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga xuất hiện lần đầu tiên trên bia ký Champa vào năm 817. Hay nói một cách khác, «Tổng luận đầu sách» là phần tóm lược lịch sử Champa từ năm 1471 cho đến ngày lên ngôi của vua Gia Long vào năm 1802.

4). Champa dưới triều đại Po Saong Nyung Ceng (1779-1822)

Chiến thắng trên thành Đồ Bàn của Lê Thánh Tông vào năm 1471 chỉ là hồi chuông báo động cho sự suy thoái của thời hậu Lê, kéo theo sự phân tranh giữa chúa Trịnh ở miền Bắc và chúa Nguyễn ở miến Nam. Năm 1569, Nguyễn Hoàng quyết định hình thành một triều đại riêng trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng.

Vì không đủ tiềm lực tiến quân ra Bắc chống lại chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng chỉ còn cách mở cuộc Nam Tiến về phía nam trên lãnh thổ Champa để xây dựng uy quyền của mình. Năm 1611, nhà Nguyễn xua quân xâm chiếm Phú Yên và năm 1653 đặt nền đô hộ trên tiểu vương quốc Kauthara (Khánh Hòa). Năm 1692, nhà Nguyễn tấn công Champa, thay đổi danh xưng «Chiêm Thành» thành «Trấn Thuận Thành» và thành lập phủ Bình Thuận đầu tiên trên lãnh thổ của vương quốc này, tập trung những cư dân người Kinh sinh sống ở Champa nhưng họ là công dân của triều đình Huế.

Sau mấy thập niên yên bình và thịnh vượng, Champa trở thành nạn nhân của cuộc chiến kể từ năm 1771, giữa Tây Sơn làm chủ ở phương Bắc và Nguyễn Ánh chiếm đóng Sài Gòn để làm hậu cứ. Nằm trên địa thế bị kèm kẹp giữa lãnh thổ của Tây Sơn  và Nguyễn Ánh, vương quốc Champa bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa người Việt và chấp nhận phải qui phục phe thắng trận dù là Nguyễn Ánh hay Tây Sơn. Kể từ đó, định mệnh sống còn của Champa hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

Năm 1802, Nguyễn Ánh thắng trận, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, quyết định phục hưng lại nền độc lập Champa và giao cho Po Saong Nyung Ceng, người đã từng giúp đỡ Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn, quyền cai trị của vương quốc này. Bên cạnh đó, vua Gia Long còn ban cho người kế cận của mình trong chiến trường chống Tây Sơn là Lê Văn Duyệt lên làm Tổng Trấn Gia Định Thành và giao cho Lê Văn Duyệt quyền bảo trợ vương quốc Champa ở phía Nam của triều đình Huế. Kể từ đó, nền hòa bình và thịnh vượng trở lại trên vương quốc Champa, một quốc gia đặt dưới quyền đô hộ của triều đình Huế qua trung gian của Lê Văn Duyệt, phó vương ở miền Nam Bộ thời đó.

Sau ngày băng hà của vua Gia Long vào năm 1820, vua Minh Mệnh lên ngôi, tìm cách xóa bỏ qui chế Gia Định Thành của Lê Văn Duyệt và đưa vương quốc Champa vào vòng kiểm soát trực tiếp của triều đình Huế. Thế là chiến tranh giữa vua Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ để gây ảnh hưởng trên vương quốc Champa.

Vừa mới lên ngôi, Minh Mệnh cách chức trấn thủ Bình Thuận về tội quá thân cận với Lê Văn Duyệt và triệu tập phó vương Champa là Po Klan Thu (Nguyễn Văn Vĩnh) về Huế trong khi đó Quốc vương Po Saong Nyung Ceng đang lâm bệnh nặng. Năm 1822, Po Soang Nyung Ceng băng hà vì tuổi già yếu. Minh Mệnh đề nghị người thân cận của mình là Bait Lan lên nối ngôi Champa, nhưng không thành, vì có sự chống đối của Lê Văn Duyệt.  

5). Champa dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828) 

Lợi dụng tình hình rối ren ở Champa sau ngày từ trần của Po Saong Nyung Ceng vào năm 1822, Ja Lidong xua quân vùng dậy chống phá doanh trại quân sự của triều đình Huế, trong khi đó phó vương Po Klan Thu vẩn còn giam giữ ở Huế. Để giải quyết vấn đề nan giải này, Minh Mệnh chấp nhận Po Klan Thu trở về Champa để nối ngôi vua, với điều kiện là tân quốc vương Champa phải dẹp tan quân phiến loạn của Ja Lidong.

Sau ngày lên ngôi của Po Klan Thu vào năm 1822, người ta không có tin tức gì về mối quan hệ giữa Champa và Lê Văn Duyệt nữa. Nhưng sự im lặng của Lê Văn Duyệt chỉ mang tính cách chiến lược để xem xét tình hình mà thôi.

Sau 7 năm trị vì, Po Klan Thu băng hà vào 1828. Tin từ trần của Po Klan Thu không phải do quan lại của triều đình Champa cung cấp mà là phát xuất từ vị trấn thủ của phủ Bình Thuận. Điều này đã chứng minh rằng Po Klan Thu không chết trên lãnh thổ Champa mà là ở một nơi khác, có thể tại Huế trong lúc bị giam giữ, vì lý do gì đó.

Lãnh thổ Champa sau năm 1471

6). Champa dưới triều đại Po Phauk The (1828-1832)

Sau ngày từ trần của Po Klan Thu vào năm 1828, vua Minh Mệnh tìm cách đưa người trung thành với mình lên làm Quốc vương Champa trong khi đó Lê Văn Duyệt quyết định giao quyền Quốc vương Champa cho Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) tức là phó vương dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828) và cũng là con của vua Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), một vị chiến hữu của vua Gia Long. Sau ngày lên ngôi của Po Phaok The vào năm 1828, vương quốc Champa chấm dứt mối liên hệ với triều đình Huế, chỉ gửi triều cống cho Lê Văn Duyệt. Kể từ đó, nhân dân Champa hoàn toàn đặt dưới quyền che chở của tổng trấn Gia Định Thành, không còn phục tùng vua Minh Mệnh nữa. Hoàn cảnh lịch sử này đã đưa Champa vào con đường bế tắc và hoàn toàn lệ thuộc vào kết quả của cuộc tranh chấp giữa vua Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt. Nếu Minh Mệnh thắng trận, vị vua này sẽ có thái độ vô cùng tàn bạo để trừng trị dân chúng Champa về tội theo Lê Văn Duyệt và ngược lại..

Vào cuối năm 1831, một nhóm quan lại trong triều đình Champa đã đứng ra phản đối thái độ của vua Po Phaok The về việc ly khai với triều đình Huế để tuân thủ mọi chỉ thị của Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành. Lợi dụng tình hình rối ren ở Champa và sức khỏe suy yếu của Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành, Minh Mệnh ra lệnh bắt quốc vương Po Phaok The và phó vương Cei Dhar Kaok vào tháng 3 năm Thìn lịch Chăm (1832) đưa về trại giam tại Huế. Khoảng một tháng sau, tức là tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), Lê Văn Duyệt băng hà ở Gia Định Thành. Thế là vua Minh Mệnh ra lệnh xóa bỏ Champa trên bản đồ và sáp nhập đất đai của vương quốc này vào lãnh thổ Việt Nam..

7). Minh Mệnh trừng phạt dân tộc Champa (1832-1833)

Trước những hình phạt dã man của vua Minh Mệnh dành cho người Việt theo Thiên Chúa Giáo hay bản án đào mồ của Lê Văn Duyệt vào năm 1835, người ta không ngạc nhiên cho lắm về chính sách tàn bạo của vua Minh Mệnh để trừng trị dân tộc Chăm về tội theo Lê Văn Duyệt và không qui phục triều đình Huế.

Khởi đầu cho cuộc trừng phạt, Minh Mệnh ra lệnh cách chức và bắt giam tất cả quan lại Champa; tịch thu tất cả tài sản của họ và sau đó đưa vào gông cùm để tra tấn; buộc người Chăm phải khai báo những gì liên quan đến phong tục tập quán của vương quốc này; ra lệnh trừng phạt chức sắc Chăm bằng cách bắt buộc các vị tu sĩ Chăm Bani (Hồi Giáo) phải ăn thịt heo, thịt dông và tu sĩ Chăm Bà La Môn phải ăn thịt bò; ra lệnh đồng hóa người Chăm thành người Kinh bằng cách buộc người Chăm phải mang đồng phục người Kinh, ngăn cấm tuyệt đối người Chăm không có quyền cúng quẩy hay thực thi nghi lễ tín ngưỡng của họ; bắt buộc dân chúng Chăm phải làm nô dịch vô cùng nặng nề như việc nộp cống các loại gỗ quý, voi rừng, ngà voi, v.v, chưa nói đến khổ dịch mang súng đạn và xung phong trên chiến trường chống lại cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi ở Gia Định Thành vào năm 1833-1834.

Minh Mệnh còn cho phép quan lại người Kinh đứng ra chỉ đạo, dùng roi gậy đánh đập người Chăm nếu họ làm nô dịch quá chậm chạp; buộc người Chăm phải nộp những món thịt của thú rừng như hưu, nai, thỏ, bò, v.v.. Một khi người Chăm không tìm ra món thịt thú rừng, các quan lại người Kinh san bằng nghĩa trang Chăm, chưa nói đến việc đưa người Chăm ra xử trảm.

Sau đó Minh Mệnh còn buộc người Chăm phải lấy tên họ theo người Hoa như Quảng, Hứa, Đàng, Lâm, Châu, Thành, v.v., xóa bỏ tất cả những chức vụ quan lại Champa để thay vào đó những chức vụ mà hệ thống hành chánh Việt Nam đã qui hoạch như chánh tổng, lý trưởng, trùm, biện, hào mục, v.v.

Chính sách trừng phạt của triều đình Huế đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ thống tổ chức xã hội Chăm để rồi trong gia đình người em không còn biết người anh là ai; cháu không còn tôn trọng bậc chú bác; các thành viên trong gia đình đối xử với nhau như người Chăm-Kinh, không ngần ngại kéo nhau ra thưa kiện trước pháp lý Việt Nam.

Hết nộp thuế nặng nề, dân chúng Champa phải nộp một số lượng gỗ cho chính quyền Việt Nam dùng để đóng tàu chiến, xe bò hay đốt lò gạch ; phải xây dựng đập nước và hệ thống dẫn thủy nhập điền cho ruộng lúa của người Kinh ; ra lệnh tịch thu tất cả ruộng muối của người Chăm, được xem như là mạch máu kinh tế của dân tộc này,

Sau năm 1832, dân tộc Chăm tiếp thu thêm một khái niệm mới về tham nhũng mà họ chưa từng nghe đến trong đời. Những quan lại người Kinh không ngừng đòi tiền hối lộ của người Chăm để được miễn nô dịch ; không ngần ngại chia đất đai người Chăm thành mảnh vụn để đóng thuế và hình thành chính sách cho vay nặng lãi để rồi chủ nợ người Kinh tha hồ chiếm đoạt tài sản và ruộng rẫy của người Chăm thiếu nợ, hay bắt họ làm vật thế chấp.

Nếu người Chăm than van về thuế má quá nặng nề, hành động thối nát và tham nhũng của các quan lại người Kinh nhằm bóc lột người Chăm, thì nông dân Việt Nam vào thời điểm đó cũng không thoát khỏi nanh vuốt của triều đình Huế. Dân tộc Việt cũng bị các cường hào quan lại tướt đoạt tài sản và bị đè bẹp bởi nô dịch và thuế má. Một khi không chịu nổi cơ cực nữa, nông dân Việt Nam chỉ còn cách là nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định Thành và cuộc vùng dậy của Lê Duy Lương và Nùng Văn Vân ở phía bắc vào năm 1833 là thí dụ điển hình.

8). Phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat (1833-1834)

Katip Sumat là vị tu sĩ Chăm Hồi Giáo sinh ở Campuchia, đã từng sang Mã Lai du học về triết lý Hồi Giáo. Nghe tin vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832, Katip Sumat rời Mã Lai trở về Champa để hình thành một phong trào đấu tranh chống triều đình Huế vào năm 1833. Mục tiêu của Katip Sumat là giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị của Việt Nam. Muốn tiến đến mục tiêu này, Katip Sumat dùng triết lý Hồi Giáo làm khung cho chủ thuyết đấu tranh đó là hình thành mặt trận “thánh chiến Hồi Giáo” (Jihad) chống lại triều đình Huế.

Sự vùng dậy của Katip Sumat đã biến dân chúng Champa thành nạn nhân của chiến cuộc. Để dập tan quân phiến loạn, Minh Mệnh ra lệnh cho binh lính của triều đình Huế tha hồ giết hại người Chăm vô tội và tung ra “chiến trường đỏ lửa” bằng cách đốt phá tất cả làng mạc người Chăm theo Katip Sumat, nhất là những làng mạc gần bờ biển hầu ngăn chặn người Chăm chạy sang nước ngoài, trong khi đó dân cư người Kinh ở Bình Thuận sẵn có súng đạn trong tay tìm cách giải quyết mối hận thù riêng bằng cách giết hại người Chăm không gớm tay

Trước lực lượng hùng mạnh của vua Minh Mệnh, Katip Sumat buộc phải lui về miền núi nằm ở phía tây và ra lệnh cho quân lính Chăm tiếp tục đương đầu với triều đình Huế ở đồng bằng, nhưng không gặt hái kết quả gì.

Ai cũng biết, Minh Mệnh là vị Quốc vương rất tôn sùng giá trị văn hóa của dân tộc Việt và không bao giờ chấp nhận một tôn giáo ngoại lai nào du nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đó, cuộc khởi nghĩa của người Chăm dựa vào chủ thuyết Hồi Giáo du nhập từ bên ngoài có thể gây ra những mối nguy cơ mà vua Minh Mệnh phải đập tan bằng mọi cách, càng sớm càng tốt.

9). Cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa (1834-1835)

Xuất thân từ Palei Ram (thôn Văn Lăm, Ninh Thuận), Ja Thak Wa không phải người Hồi Giáo chính thống mà là vị tu sĩ Chăm Bani, quyết định ly khai ra khỏi tổ chức cũa Katip Sumat để hình thành một cuộc khởi nghĩa nhằm giải phóng Champa ra khỏi ách thống trị của triều đình Huế. Nhằm tiến đến mục tiêu, Ja Thak Wa thành lập một chính phủ Champa lâm thời vào cuối năm 1834, tôn vinh Po War Palei, gốc người Raglai, tức là em rể của phó vương Cei Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên) lên làm Quốc vương nhằm phục hồi lại vương niệm Champa thuộc dòng tộc Po Rome gốc người miền núi (Kaho hay Churu, tùy theo dị bản) ở Đổng Nai Thượng, nắm quyền Champa từ năm 1627 cho đến triều đại Po Cei Brei (1783-1786). Cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa bùng nổ vào tháng 7 năm Ngọ lịch Chăm (1834). Đây là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, vang dội như sấm sét làm rung chuyển cả trời đất.

Nhằm đập tan cuộc khởi nghĩa này, biên niên sử Chăm cho rằng vua Minh Mệnh ra lệnh cho mỗi binh lính người Kinh phải chặt ba cái đầu của người Chăm vào mỗi buổi sáng mới nhận được tiền lương. Lợi dụng chỉ dụ này, người Kinh tha hồ chém đầu người dân Chăm vô tội, càng nhiều càng tốt, để đem nộp cho chính quyền Việt Nam hầu nhận tiền thưởng. Đây là cuộc chém giết người Chăm vô cùng kinh hoàng chưa từng xảy ra trong lịch sử Đông Nam Á.

Đầu năm 1835 là giai đoạn đánh dấu cho những trận chiến khốc liệt tại đồng bằng Phan Rang, nơi mà Ja Thak Wa bị tử trận trên bãi chiến trường. Lợi dụng cơ hội này, vua Minh Mệnh ra lệnh tử hình Quốc vương Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) và phó vương Cei Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên) vào tháng 6 năm Ất Vị (1835) ; đốt phá tất cả thôn làng người Chăm dọc theo bờ biển; chém giết những người Chăm nào tham gia trong cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa ; đập phá nghĩa địa tổ tiên của người Chăm; đào mồ mả vua chúa Champa và đốt phá cả đền Po Rome ở khu vực Phan Rang ; cắt đứt hẳn mối liên lạc giữa người Chăm và dân tộc miền núi để họ không còn tụ tập chiến đấu chống triều đình Huế nữa.

10). Thay lời kết luận

Trong phần «thay lời kết luận », Pgs. Ts. Po Dharma đưa ra những lời nhận định sau đây:

• Trước cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, Việt Nam phải mất gần 8 thế kỷ để xâm chiếm toàn diện lãnh thổ Champa vào năm 1832. Điều này đã chứng minh rằng cuộc Nam Tiến đã gặp những sự đối kháng vô cùng quyết liệt của dân chúng Champa.

• Trong suốt thời kỳ chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh (1771-1802), Champa đã chấm dứt sự tồn tại của mình trên mặt địa lý. Nhờ vua Gia Long mà vương quốc Champa được phục hưng lại. Nhưng người ta cũng đặt ra câu hỏi tại sao vua Gia Long quyết định phục hưng lại nền độc lập Champa vào năm 1802 với mục đích gì? Và người ta cũng không biết tại sao vua Minh Mệnh chấp nhận cho vương quốc Champa được tồn tại thêm mười năm nữa (1802-1822).

• Dưới triều đại Gia Long, Champa là quốc gia đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Huế. Nhưng quyền kiểm soát của Champa hoàn toàn nằm trong tay của Lê Văn Duyệt. Trong khoảng thời gian này, Champa là vương quốc thanh bình. Nhưng sự thanh bình và thịnh vượng này chỉ là kết quả của mối liên hệ rất thân thiện giữa vua Gia Long và Lê Văn Duyệt, tức là hai nhân vật nắm toàn quyền về sự sống còn của vương quốc Champa.

• Sau ngày lên ngôi của vua Minh Mệnh vào năm 1820, Champa trở thành chủ đề tranh chấp trong nội bộ chính trị của Việt Nam. Kể từ đó, Champa chỉ là con tốt trên bàn cờ chính trị đối kháng giữa triều đình Huế và Lê Văn Duyệt.

• Là nạn nhân của cuộc tranh chấp giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt, vương quốc Champa bị đưa đẩy vào thế đứng nằm giữa hai gọng kiềm: chọn Minh Mệnh hay Lê Văn Duyệt để làm người bảo hộ cho mình. Kể từ đó, tương lai của Champa hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc tranh chấp giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt. Một khi đã lựa chọn, Champa phải chấp nhận những hậu quả kinh hoàng, nếu phe mình bị bại trận.

• Năm 1832, Lê Văn Duyệt băng hà vì tuổi già. Nhân danh phe thắng trận, vua Minh Mệnh xóa bỏ ngay tên gọi Champa trên bản đồ và ra lệnh trừng trị vô cùng khủng khiếp các quan lại và dân chúng Champa về tội theo Lê Văn Duyệt. Sự quyết định trừng phạt Champa của vua Minh Mệnh không biểu tượng cho sự thù hằn dân tộc Chăm-Việt, mà là phản ứng tự nhiên trong quá trình hình thành lịch sử dưới thời cổ đại.

• Những biện pháp trừng phạt nhân dân Champa vô cùng dã man kể từ năm 1832 không ám chỉ cho chính sách diệt chủng của vua Minh Mệnh đối với người Chăm. Và chính sách trừng phạt này không mang nội dung hận thù dân tộc hay phân biệt màu da giữa người Chăm và Kinh mà là hành động mang màu sắc chính trị dành cho những ai, dù họ là người Kinh hay Chăm đi nữa, không tôn trọng uy quyền của triều đình Huế vào thời điểm đó. Nhưng trên thực tế, những cư dân người Kinh và quan lại thuộc phủ Bình Thuận là tập thể có ý đồ hành hạ và ngược đãi dân tộc bản xứ Champa, lúc nào cũng tìm cách tước đoạt tài sản của những người không cùng màu da với mình. Và chính họ là những người đã gây ra những cuộc vùng dậy của dân tộc Champa vào những năm 1833-1835.

 Phụ Lục

Trong phần phụ lục, tác giả đính kèm: 

• Nội dung của tác phẩm viết bắng tiếng Chăm : Ariya Po Ceng

• Nội dung của tác phẩm viết bắng tiếng Chăm :  Ariya Po Phaok

• Lịch trình biến cố theo niên đại liên quan đến tiểu vương quốc Panduranga

• Bản đồ           

(nguồn champaka.info)