Trí thức miền Nam sau 75
Sau ngày 30-4-1975, Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà chuyên môn hợp
tác toàn diện với chế độ. Ông và một số nhà khoa học khác thường không câu nệ
khi nhận các đơn đặt hàng thực hiện những công trình “khoa học” phục vụ nhu cầu
chính trị. Theo Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh
Kim Báu: “Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn
phòng Thành ủy hỏi xem: ‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’.
Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa
học nào gọi là khoa học chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người
thì làm ra chất tẩy rửa ‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ
bằng một ký thịt bò’, người thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng
ngay cả những ‘nỗ lực’ đó cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”.
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn kể: “Nhìn vào lý lịch, thấy trước đây năm nào tôi
cũng đi Mỹ nghiên cứu hoặc đi dạy, người ta cứ thắc mắc sao đi Mỹ quá trời. Tôi
nộp đơn xin vô Hội Trí thức Yêu nước, mấy lần bị từ chối”. Năm 1980, trong thời
gian Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn đi Liên Xô, một người con của ông vượt biên
không thành. Người con gái của ông cũng cảm thấy bế tắc khi thi không đậu vào
dự bị y khoa. Biết chuyện, ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện,
khi hiểu thêm nội tình, ông nói với Giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và
mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này
nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn
phận”.
Ông Huỳnh Kim Báu kể: Sau giải phóng, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn vào Sài Gòn, sau
khi nghe Mai Chí Thọ, Trần Trọng Tân báo cáo tình hình, ông nói: “Nãy giờ có
một chiến lợi phẩm rất lớn mà các đồng chí không đề cập, đó là lực lượng trí
thức được đào tạo từ nhiều nguồn. Lenin nói, không có trí thức là không có xã
hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Báu, cách mà chính quyền sử dụng
trí thức chủ yếu là “làm kiểng”.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ tuy ở thời điểm đó vẫn còn là hiệu phó Đại học Khoa học,
nhưng theo ông Báu: “Đấy chỉ là một chức vụ bù nhìn, không có vai trò gì trong
giáo dục”. Giáo sư Hộ là hiệu phó nhưng không phải đảng viên, nên khi có vấn đề
gì thì những người trong Đảng họp riêng, quyết định xong, có việc nói với ông,
có việc ông không bao giờ được biết. Từ rất sớm, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã phản
đối cách đào tạo đưa thời gian học chính trị quá nhiều vào chương trình. Ông
cảnh báo: “Nếu chính trị can dự quá mạnh, các nhà khoa học sẽ mất căn bản”.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ nói lên điều này sau khi chính ông đã được trải nghiệm
trong những ngày học chính trị. Năm 1977, một lớp học kéo dài mười tám tháng về
“Chủ nghĩa xã hội khoa học” dành riêng cho các trí thức miền Nam đã được tổ
chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Võ Ba, người tham gia tổ chức lớp học này,
kể: “Chính quyền tưởng rằng sau lớp học sẽ có được một tầng lớp trí thức của
chế độ cũ yêu mến và phụng sự chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu như Marxism đã
từng được các trí thức miền Nam quan tâm như là một môn khoa học thì giờ đây họ
lại nghe những giảng sư miền Bắc nói về Marx hết sức giáo điều. Chưa kể, những
người đứng lớp còn rao giảng với tư thế của người chiến thắng, tự tôn, tự đắc”.
Những đảng viên tham gia lớp học như ông Võ Ba cũng thừa nhận: “Trước giới trí
thức Sài Gòn, chính quyền đã thất bại ngay trong lần trình diễn đầu tiên”.
Chưa kết thúc lớp học, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trung, một giáo sư triết học nổi
tiếng của Sài Gòn, một người được coi là “hằn học với Giáo hội”, đã coi cộng
sản cũng là “một giáo hội”. Tiến sỹ Nguyễn Văn Trung cho rằng hình thức “kiểm
điểm” mà cộng sản áp dụng trong sinh hoạt chính là một thứ “xưng tội man rợ”.
Về đường lối, ông cho rằng: “Có thể có những điều Lenin nói đã đúng vào năm
1916, nhưng sau bảy mươi năm mà ta áp dụng là không lý trí”. Còn Giáo sư Châu
Tâm Luân thì khi nghe các giảng sư miền Bắc say sưa nói về con đường “tiến lên
chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản” đã mỉa mai: “Sao
không tìm hiểu xem sau chủ nghĩa cộng sản là gì để nhân tiện bỏ qua, mình bỏ
qua luôn hai, ba bước”. Giáo sư Châu Tâm Luân lấy bằng tiến sỹ về kinh tế nông
nghiệp ở Đại học Illinois, Mỹ, năm hai mươi lăm tuổi, trở về dạy cùng lúc ở hai
trường đại học Minh Đức và Vạn Hạnh. Ông là một trong những trí thức phản chiến
hàng đầu, bị chế độ Sài Gòn bắt giam đầu năm 1975 cho tới những ngày cuối tháng
4-1975 mới được Chính quyền Dương Văn Minh thả ra. Giáo sư Châu Tâm Luân là một
thành viên của nhóm “sứ giả” được ông Dương Văn Minh phái vào trại Davis và
được giữ lại ở đây cho đến trưa ngày 30-4-1975. Sau giải phóng, chính quyền xếp
ông vào diện “người của ta”. Ông là đại biểu khóa I Hội đồng Nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh, đồng thời là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía mình, Giáo sư Châu Tâm Luân cũng là một trong những trí thức kỳ vọng
nhiều vào chế độ mới. Mấy tháng “sau giải phóng”, giá cả sinh hoạt tăng vọt
lên, trong khi dân tình lo âu thì ông lại cho là giá tăng vì “tâm lý”, giống
như cách giải thích thời ấy của chính quyền. Sau khi cho rằng nhà nước không
thể dùng ngoại tệ để nhập hàng như trước đây, Giáo sư Châu Tâm Luân viết: “Giờ
đây không còn bọn tay sai đem máu của con em nhân dân đổi lấy đô la nữa thì cần
phải tiết kiệm tối đa số ngoại tệ mà dân phải lao động đổ mồ hôi mới đem về
được cho quốc gia… Vì vậy ngoài sự tiếp tay chánh quyền kiểm soát gian thương,
chúng ta cũng cần kềm hãm bớt kẻ địch ở ngay trong lòng mình…”
Khi trao cho Giáo sư Châu Tâm Luân nhiều trọng trách, Chính quyền nghĩ đơn giản
ông là người “dùng” được. Nhưng, cũng như nhiều trí thức Sài Gòn, ông đã không
hành xử như là một công cụ. Từ năm 1976, Giáo sư Châu Tâm Luân không được đứng
lớp vì kiến thức kinh tế của ông là “kinh tế tư bản”, tuy nhiên, ông vẫn còn
được để ngồi trong Hội đồng Khoa học của trường. Chỉ ít lâu sau, Đảng ủy trường
nhận xét ông muốn “tranh giành lãnh đạo với Đảng”.
Giáo sư Châu Tâm Luân kể: “Tôi ngạc nhiên, chế độ cũ hai lần giao chức cho tôi
mà tôi có màng tới đâu”. Nhưng té ra vấn đề không phải là “ghế”, mà là những ý
kiến của ông ở Hội đồng Khoa học luôn luôn khác với ý kiến của chi bộ. Trong
một cuộc họp, khi nghe ông Đỗ Mười thao thao nói về “hợp tác hóa”, về chủ
trương phải đưa những người bần cố nông lên làm lãnh đạo hợp tác và “phải đào
tạo họ”, Giáo sư Luân hỏi: “Nhà nước định đào tạo trong bao lâu?”. Ông Đỗ Mười
nói: “Tình hình gấp rút, đào tạo ba ngày”. Giáo sư Châu Tâm Luân nhớ lại: “Tôi
bắt đầu ngao ngán vì muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ cái đầu mà… những ‘cái
đầu’ thì như thế”. Sau lần gặp ông Đỗ Mười, nhà kinh tế nông nghiệp Châu Tâm
Luân được đưa về Viện Khoa học Xã hội.
Không chỉ có những đụng độ tại cơ quan. Ở Hội đồng Nhân dân, Giáo sư Châu Tâm
Luân là trưởng Ban Nông nghiệp. Trong một phiên họp toàn thể thảo luận về các
chương trình khoa học của Thành phố, sau khi nghe ông Luân tranh luận, một đại
biểu trong Hội đồng mặc quân phục đứng dậy xin ngưng cuộc cãi vã, và lớn tiếng:
“Các chuyên viên đã để ra rất nhiều thời giờ soạn thảo, đại biểu đó tư cách gì
mà đòi sửa qua sửa lại”. Ông Luân cố dằn lòng: “Tôi xin ngưng cuộc thảo luận,
bởi như vị đại biểu vừa nói, đã có các chuyên viên nghiên cứu cho chúng ta rồi
thì chúng ta chỉ còn là chuyên viên giơ tay thôi”. Chủ trì phiên họp, ông Mai
Chí Thọ không nói gì, chỉ yêu cầu biểu quyết. Nhìn thấy ông Luân không giơ tay,
ông Mai Chí Thọ hỏi: “Ai không chấp thuận?”. Ông Luân cũng không giơ tay, ông
nói: “Toàn thể chấp thuận, một phiếu trắng”.
Một số cán bộ cách mạng tốt bụng bắt đầu lo lắng cho vị giáo sư trẻ tuổi này,
một trưởng Ban Đảng khuyên: “Tôi sáu mươi tuổi, người ta vẫn xem tôi như con
nít, phải ăn nói thận trọng lắm. Anh nhớ, anh chỉ mới hơn ba mươi tuổi”. Giáo
sư Châu Tâm Luân kể: “Tại diễn đàn của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
tôi đề nghị phải áp dụng ‘kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước’. Ông
Xuân Thủy nghe, nói với tôi: ‘Anh phải có người đỡ đầu, anh về nói với Sáu Dân
đi’. Tôi trả lời ông Xuân Thủy: ‘Nếu tôi nói đúng thì các anh phải nghe chứ sao
lại cần người đỡ đầu?’.
Sau đó, ông Mai Chí Thọ nhắc: ‘Cậu đúng, nhưng áp dụng như vậy thì phức tạp
quá, làm sao chúng tôi quản lý được. Muốn làm phải có những người như cậu. Mà
nói thật chúng tôi chưa thể tin hoàn toàn những người như cậu’”.Theo ông Luân:
“Những năm ấy, tôi chê ông Võ Văn Kiệt nhát, ‘xé rào’ là vá víu; phải ‘phá vỡ’
để áp dụng kinh tế thị trường chứ không thể phá những đoạn rào. Ông Mai Chí Thọ
nghe, nhắc: ‘Phải giữ chính quyền trước hết, chính sách sai thì còn sửa được
chứ mất chính quyền là mất hết’. Về sau tôi mới thấy ông Mai Chí Thọ đã nói rất
thật lòng, họ đã ngủ rừng hàng chục năm để có chính quyền, làm sao họ để mất
cái mà họ vừa giành được đó”.
Hai vợ chồng Giáo sư Châu Tâm Luân đều học ở Mỹ. Trước năm 1975, gia đình ông
đã định cư ở một nước Bắc Âu, nhưng cả hai đều chọn con đường về nước. Sau năm
năm cố gắng chòi đạp trong chế độ mới, ông không tìm thấy một cơ may thay đổi
nào. Đầu năm 1979, ông vẫn còn được trả lời phỏng vấn các phóng viên nước
ngoài, nhưng càng về sau thì không thấy nhà báo nào gặp ông nữa. Giáo sư Châu
Tâm Luân nói: “Tôi bắt đầu có dự cảm bất ổn. Khi tình cờ gặp một vài phóng
viên, nghe họ nói mấy lần đến Việt Nam xin gặp tôi đều được chính quyền trả lời
là Giáo sư Châu Tâm Luân đang đi công tác xa. Tôi biết tôi đang dần dần bị cô
lập”.
Dù từng hoạt động trong các phong trào chống đối dưới chế độ Sài Gòn, ông Huỳnh
Kim Báu vẫn phải thừa nhận: “Trước 1975, mặc dù chính quyền bị coi là bù nhìn,
nhưng trí thức vẫn được trọng dụng, họ có quyền thực sự trong chuyên môn. Sau
giải phóng, chính quyền được nói là của mình nhưng trí thức gần như chỉ được
dùng như bù nhìn, trong khi đa phần họ là những người khảng khái”.
Năm 1977, có lần hệ thống nước máy của Thành phố bị đục, ông Võ Văn Kiệt mời
các nhà trí thức tới hiến kế. Nhiều người phát biểu, riêng ông Phạm Biểu Tâm
ngồi im. Ông Kiệt hỏi: “Sao vậy anh Tâm?”. Ông Phạm Biểu Tâm nguyên là chủ tịch
Hội Sinh viên Hà Nội trước 1945. Năm 1963, con gái Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Lệ
Thủy thi y khoa đã bị ông đánh rớt dù bị nhà Ngô gây áp lực. Ông là một nhà
giáo được sinh viên kính nể. Ông Tâm được nói là rất quý ông Kiệt, nhưng có lẽ
do quá bị dồn nén, ông đứng dậy nói: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức
khỏe, vì cái gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải
chuyện tụi tui”.
Một thời gian sau, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trả lại chức hiệu phó. Trường sợ mang
tiếng không nhận, ông khóa phòng, giao chìa khóa, tự chấm dứt vai trò “chim
kiểng” của mình. Theo ông Võ Văn Kiệt, Thành ủy vẫn để Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
hàng năm sang Pháp dạy học. Trong một lần đi Pháp, ông ở lại luôn bên đó rồi
viết thư về cho ông Kiệt nói rằng, công việc nghiên cứu nhiều, ông cần phải ở
nơi có phương tiện cho ông làm việc, khi nào đất nước thực sự cần, ông sẽ về.
Còn Giáo sư Châu Tâm Luân, nhân một buổi tối rủ ông Võ Ba tới nhà chơi, đã đưa
cho Võ Ba coi một tập đánh máy hai mươi trang về “tình hình kinh tế nông nghiệp
miền Nam”, rồi nói: “Võ Ba ơi, mình rất mừng vì bản báo cáo này của mình đã
được Mặt trận Tổ quốc đánh máy gởi đi. Hai lần trước thì họ không chịu đánh
máy. Nhưng, Võ Ba ạ, họ đánh sai hết, những thuật ngữ như ma trận họ đánh thành
mặt trận ông ạ”. Mấy hôm sau, Võ Ba chạy qua nhà Giáo sư Luân thì thấy cửa
đóng, bên trong thấp thoáng bóng mấy công an đến “chốt nhà”. Cho dù, sang tới
Thái Lan ông bị các thuyền nhân khác đánh rất đau, khi viết thư về, trả lời câu
hỏi của ông Huỳnh Kim Báu, “liệu vượt biên có phải là một quyết định sai lầm”,
Giáo sư Châu Tâm Luân vẫn cả quyết: “Không, Báu! Dù phải trả giá đắt, mình vẫn
thấy đi là đúng”.
Trong số các trí thức miền Nam, ông Võ Văn Kiệt “xếp” Giáo sư Châu Tâm Luân vào
hàng “khó tính”. Tuy nhiên, ông kể: “Đến nhà Châu Tâm Luân mình rất thích vì
ảnh thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, có khi như búa bổ. Ảnh hy vọng khi đất nước
hòa bình, với sự phì nhiêu của đất đai miền Nam, sẽ có dịp thi thố giúp phát
triển nền nông nghiệp. Nhưng một thời gian sau, thấy cơ chế như thế thì không
thể nào đóng góp được”.
Một người khác từng quen biết Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt nhưng cũng phải vượt
biên là Kỹ sư Phạm Văn Hai, giám đốc nhà máy dệt Phong Phú. Ông Phạm Văn Hai là
người đưa kỹ nghệ nhuộm vào miền Nam. Ông có hai người con, một người được đặt
tên là Phạm Chí Minh, một người là Phạm Ái Quốc. Sau ngày 30-4, ông Phạm Văn
Hai vẫn nhiệt tình tư vấn để phục hồi ngành dệt và nghiên cứu chất kích thích
cây cỏ. Nhưng năm 1977 ông quyết định “đi”. Vượt biên hai lần, cả hai lần đều
bị bắt. Lần đầu bị bắt ở Kiên Giang, Thành ủy lãnh. Lần hai, bị bắt ở thành
phố, ông Võ Văn Kiệt vào thăm, ông Hai nói: “Cho dù anh quan tâm nhưng như thế
này thì không làm được”. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: “Những người như Kỹ sư Phạm
Văn Hai, như Giáo sư Châu Tâm Luân…, nếu chỉ khó khăn về cuộc sống họ sẽ vượt
qua, nhưng nếu bị đặt vào hoàn cảnh không thể đóng góp thì họ không chịu được.
Tôi cũng không biết làm gì hơn, chỉ đề nghị mấy ảnh đừng vượt biên nguy hiểm”.
Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Tôi tiếc đứt ruột khi để những anh em trí thức ấy ra
đi, nhưng biết là nếu họ ở lại thì cơ chế hiện thời cũng chưa cho phép mình sử
dụng họ”. Trước khi vượt biên, ông Dương Kích Nhưỡng, một công trình sư cầu
cống, thủy điện, nói với ông Võ Văn Kiệt: “Ước mơ của các anh rất đẹp, nhưng
các anh làm như thế này là không được. Đi đâu cũng nghe nói tới nghị quyết, làm
cái gì cũng chỉ theo tinh thần nghị quyết này, chủ trương kia thay vì theo pháp
luật. Trị nước mà bằng nghị quyết và chỉ thị chung chung thì không được”.
Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước Huỳnh Kim Báu nhớ lại: ông Kiệt biết là các
trí thức bắt đầu vượt biên, ông gọi tôi lên và dặn “Nghe ngóng, nếu có anh em trí thức bị bắt ở đâu, anh phải lãnh về”.
Khi nhận được tin công an Bình Thuận bắt giam Kỹ sư Dương Tấn Tước, ông Kiệt
cấp giấy cho ông Báu ra Bình Thuận xin “di án về Thành phố”. Ông Báu kể: “Công
an Bình Thuận thấy giấy của Thành ủy thì cho nhận ‘can phạm’. Nhưng khi anh
Tước thấy tôi mừng quá định kêu lên, tôi đã phải giả vờ làm mặt lạnh, bước tới,
còng tay anh Tước. Dọc đường, tôi cứ phải làm thinh mặc cho Kỹ sư Dương Tấn
Tước ngơ ngác. Qua khỏi Bình Thuận, tôi mới mở còng và giải thích: Công an Bình
Thuận mà biết, người ta chụp đầu cả tôi”.
Đích thân ông Kiệt cũng nhiều lần đến các trại giam để bảo lãnh các trí thức.
Theo ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Văn Huấn, hai người giúp việc thời đó của ông,
hình thức “xử lý” đối với những trí thức vượt biên của “Anh Sáu Dân” là kêu tụi
tôi đích thân đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ. Nhưng phần lớn các trí thức
đã ra đi lặng lẽ. Giáo sư Châu Tâm Luân kể: “Tôi
đi tất cả sáu lần. Lần bị giữ lâu nhất là ở Rạch Giá, cả tháng trời. Nhưng tôi
không khai mình là ai. Như bốn lần trước, ở nhà cứ lo một cây vàng thì được
thả”.
Có những người không chịu nhờ Thành ủy, hoặc “lo” bằng vàng. Theo ông Huỳnh Kim
Báu, khi vượt biên bị bắt, Giáo sư Lê Thước đã tự sát.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.