Bài Thứ Sáu
KHÔNG
CÒN LÀ MỐI NGUY CƠ.
Bằng Phong Đặng văn Âu
Lời mở đầu : Nhận thấy Họa Diệt Chủng nòi giống Việt
Nam không còn là nguy cơ, mà nó đang trên đà hiện thực, người viết xin dẫn chứng
những sự kiện để giải thích tại sao mình quan niệm như thế. Người viết dành
quyền phản biện cho quý vị thức giả. Tác giả sẽ viết làm nhiều kỳ, kính mong
quý độc giả quan tâm vui lòng kiên nhẫn theo dõi.
*********************************************
Hôm nay, tôi xin viết
tiếp bài thứ sáu của chủ đề “KHÔNG CÒN LÀ MỐI NGUY CƠ”.
Như tôi đã thưa: Việt
Nam mắc phải căn bệnh rất trầm kha. Không thể ra sau vườn hái một mớ lá, rồi
mang vào nhà xông là khỏi bệnh. Cần phải mổ xẻ để định bệnh thì mới chính xác.
Mà mổ xẻ, tất nhiên gây đau đớn! Viết để lý giải bằng sự kiện với mục đích tìm
hiểu vì sao nước ta ra nông nỗi này, chứ tôi không hề đả kích cá nhân, đảng
phái hay tôn giáo nào.
Tuy tôi không có cơ
duyên làm người thân cận của Tướng Kỳ, khi ông đang cầm quyền. Nhưng tôi có cơ
duyên quen biết với những nhân vật làm việc trực tiếp với ông khi ông làm Thủ
tướng, như: Đại sứ Bùi Diễm, Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, Đại tá Quân Y Nguyễn Tấn
Hồng làm Bộ trưởng Thanh Niên trong Nội Các Nguyễn Cao Kỳ, Trung tá KQ Vũ Đức Vinh,
(Tổng Cục trưởng Tổng Cục Truyền Thanh), Trung tá KQ Nguyễn Khoa Dánh, Luật sư
Đinh Trịnh Chính (Đại Việt), Cố vấn Chính trị Như Phong Lê văn Tiến và nhiều
người nữa, nên tôi biết những gì đã xảy ra vào thời kỳ Tướng Kỳ cầm quyền. Vì
luôn luôn quan tâm đến Đất Nước, tôi thường đặt câu hỏi với họ để tìm hiểu
những vấn đề liên quan đến lịch sử. Sau ngày tang thương của Đất Nước, ra hải
ngoại, tôi mới có dịp gần gũi Tướng Kỳ, nên tôi đã hỏi ông để kiểm chứng
về những nguồn tin mà những người đã phục vụ trong Chính phủ của ông cung cấp
cho tôi biết.
Sau khi gây nên cuộc
Biến Động Miền Trung thất bại và mất uy tín vì Tướng Kỳ đã cho đồng bào thấy sự
kiện tuyệt thực hơn bốn mươi ngày mà vẫn béo tốt, da dẻ hồng hào, Trí Quang
không còn tiếp tục đấu tranh kiểu lùa Phật tử xuống đường nữa. Trí Quang đổi
chiến lược, đòi hỏi Đại sứ Cabot Lodge buộc Tướng Kỳ tổ chức bầu cử Quốc Hội
Lập Hiến để viết Hiến Pháp nhằm trao quyền lại cho dân sự. Tướng Kỳ nói với Đại
sứ Cabot Lodge rằng đây là một trò hề của Trí Quang có mục đích giải tán Nội
Các Chiến tranh và cài người của của Trí Quang vào Quốc Hội. Cabot Lodge nói
rằng ông ta cũng hiểu âm mưu đó của Trí Quang, nhưng Miền Nam cần có Hiến Pháp
của một Quốc gia Dân Chủ để sự viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho Việt Nam mới
được quần chúng Hoa Kỳ ủng hộ. Cabot Lodge hay bất cứ ông Đại sứ nào của Hoa Kỳ
đều có bổn phận bắt buộc Miền Nam phải có nền dân chủ (dù là dân chủ hình thức)
thì mới có chính nghĩa để chống lại độc tài cộng sản. Đòi hỏi Miền Nam phải có
dân chủ là nguyên nhân cái chết của Miền Nam.
Thực sự, Trí Quang chẳng
có mưu mô hay tài cán gì. Tất cả sách lược, chiến lược hành động của Trí Quang
đều do Bộ Chính trị Cộng sản đứng đàn sau chỉ đạo. Biết âm mưu của Trí Quang,
nhưng Tướng Kỳ vẫn tổ chức bầu cử để chiều theo yêu cầu của Đại sứ Cabot Lodge.
Cuộc bầu cử Quốc hội Lập Hiến đã diễn ra ngày 11 tháng 9 năm 1966.
Tôi có thể nói mà không
sợ sai lầm rằng tại Việt Nam. Phật giáo chiếm đa số, nhưng không có người Phật
tử trí thức đích thực, vì họ không áp dụng lời dạy “BI – TRÍ – DŨNG” của
Đức Phật. Sau khi vu khống cho chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và đã hoàn
thành cuộc lật đổ, Trí Quang vẫn tiếp tục xách động đệ tử biểu tình để lật đổ
các chính quyền kế nhiệm thì ai ai cũng thấy Trí Quang có mưu đồ tiếp tay với
quân xâm lược Việt Cộng. Thế mà không một trí thức Phật giáo nào nghiêm khắc
lên tiếng để ngăn cản hành vi phản đạo Phật, phản Quốc Gia của Trí Quang. Biết
đường lối tranh đấu của Trí Quang là phản Đạo Phật, phản Quốc Gia mà không dám
lên tiếng, thì rõ ràng người trí thức Phật giáo hèn, đã đánh mất chữ DŨNG
của Nhà Phật.
Tôi cũng có thể nói mà
không sợ sai lầm rằng tại Việt Nam có đông khoa bảng, nhưng hiếm có KẺ SĨ,
tức là trí thức. Ngoại trưởng Vũ văn Mẫu cạo trọc đầu, a dua theo hầu Trí Quang
là thái độ của một chính khách cơ hội. Cái việc Trí Quang liên tục xách động
quần chúng biểu tình, gây xáo trộn tại hậu phương là có mục đích làm nản lòng
chiến sĩ ngoài mặt trận. Thế mà Vũ văn Mẫu vẫn được đi dạy ở Trường Luật, thì
làm sao có thể đào tạo thanh niên biết nghĩa vụ công dân trong thời chiến? Thứ
chính trị gia hoạt đầu như Vũ văn Mẫu có xứng đáng làm thụ ủy Liên danh Hoa Sen
đại diện Phật giáo để được bầu làm Thượng Nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa? Tướng Kỳ
rất chính xác, khi đánh giá Trí Quang đòi hỏi Chính phủ phải tổ chức bầu Quốc
Hội là một trò hề. Tướng Trần văn Đôn, người Sài Gòn, ra tranh cử Dân biểu tại
Quảng Ngãi thì ông có đại diện cho dân Quảng Ngãi không? Đinh văn Đệ –
một cán bộ cộng sản nằm vùng – là người đại diện cho Mặt trận Giải phóng
Miền Nam hay cho nhân dân Việt Nam Cộng Hòa ư?
Bộ Giáo dục của Việt Nam
Cộng Hòa nhượng bộ sự đòi hỏi của các Giáo sư khuynh tả muốn Tự Trị Đại học
giống như Đại Học ở các nước dân chủ Tây phương là có ý đồ thể hiện âm mưu của
Việt cộng, vì Việt Cộng xâm lăng Miền Nam không phải chỉ thuần trên mặt trận
Quân Sự, mà còn cả mặt trận Giáo Dục, Văn Hóa và Tôn Giáo. Vì Tự Trị Đại Học,
nên Đại Học Huế mới có thể là hang ổ của Việt Cộng. Giáo sư Lý Chánh Trung có
tư tưởng cộng sản, mà vẫn được dạy môn Đạo Đức Học ở Đại học Văn khoa, thì làm
sao sinh viên không bị ảnh hưởng tư tưởng cộng sản?
Giáo sư dạy triết Nguyễn
văn Trung viết: “Người
trí thức không phải là người có kiến thức Đại học hoặc sau Đại học, mà là người
có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt
yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà là thái độ trí thức đối với
các vốn ấy và, nhất là, đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra”. Bằng
Phong tôi là quân nhân miệt mài trong lửa đạn, tuy không có văn bằng Đại Học,
nhưng chịu khó đọc sách, nên hiểu rất rõ ý nghĩa của cuộc chiến mà mình tham
gia. Vì thế, tôi đã công khai lên tiếng phản đối vị Chỉ huy Không Đoàn lấy tên
chiến dịch “Kỳ Duyên Mai” là sai. Tuy không muốn được xem là người trí
thức, nhưng tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng bất cứ điều gì
phương hại đến lý tưởng đấu tranh của người Quốc Gia.
Năm sau 1967, Nội Các
Chiến tranh tổ chức bầu cử Tổng thống, Thượng Viện và Hạ Viện. Trung tướng
Nguyễn văn Thiệu – Chủ tịch Ủy Ban Lãnh đạo Quốc gia – và Thiếu tướng Nguyễn
Cao Kỳ – Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung ương – đều nạp đơn tranh cử Tổng
thống. Lo sợ hai ứng cử viên gốc quân nhân cùng ra tranh cử Tổng thống thì e
rằng khó thắng ứng cử viên dân sự, Hội Đồng Quân Lực họp để lấy quyết định sẽ
ủng hộ một ứng cử viên Quân Đội mà thôi. Hoặc Tướng Thiệu, hoặc Tướng Kỳ. Đa số
Tướng lãnh ủng hộ Tướng Kỳ, vì họ thấy thành tích của Tướng Kỳ trong hai năm
cầm quyền. Suốt thời gian ở vai trò Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Tướng
Thiệu chỉ âm thầm đi lập đảng Dân Chủ và để mặc cho Tướng Kỳ tả xung hữu đột,
nên Tướng lãnh không “mặn mà” với Tướng Thiệu. Biết Quân Đội không ủng hộ mình,
Tướng Thiệu tuyên bố với báo chí một câu bất hủ: “Làm chính trị là phải lì,
dù chỉ đạt được một lá phiếu của vợ tôi, tôi vẫn ra tranh cử”.
Vì mục đích danh chánh
ngôn thuận, Hội Đồng Quân Lực họp để lấy quyết định chọn ông Tướng nào đại diện
Quân Đội. Tướng Nguyễn Cao Kỳ cùng ông Nguyễn văn Lộc thuộc đạo Cao Đài đứng
phó, thành một Liên danh. Tướng Nguyễn văn Thiệu chọn ông Trình Quốc Khánh
thuộc Phật giáo Hòa Hảo đứng phó thành một liên danh. Trong khi Hội Đồng Quân
Lực họp, Tướng Thiệu và Tướng Kỳ ngồi ở phòng ngoài để chờ nghe kết quả. Dường
như đã biết trước cuộc họp của Hội đồng Quân Lực chỉ có tính hình thức, nên khi
Đại tướng Cao văn Viên mở cửa ra đón hai vị vào nghe Quyết Định, Tướng Thiệu
bỗng nhiên đổ gục xuống và đôi mắt đỏ hoe khóc. Tướng Kỳ cảm thấy xót xa trước
sự mong muốn được làm Tổng thống quá độ của Tướng Thiệu. Vì thế, khi vừa bước
chân vào Hội trường, Tướng Kỳ tuyên bố:
– Vì tình đoàn kết Quân
Đội, tôi nhường Tướng Thiệu ra tranh cử, còn tôi trở về với anh em Không Quân.
Sau 8 năm hết nhiệm kỳ làm Tổng thống của Tướng Thiệu, tôi cũng hãy còn trẻ để
tranh cử Tổng thống, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Quốc Gia.
Thiếu tướng Trần văn
Minh – Quyền Tư lệnh Không Quân – đứng lên nói:
– Xin tất cả anh em
trong phòng họp cho một tràng pháo tay để hoan hô tinh thần đoàn kết của Thủ
tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Sau tràng pháo tay vừa
dứt, Trung tướng Hoàng Xuân Lãm – Tư lệnh Vùng I Chiến thuật – bước lên bục và
phát biểu:
– Nếu anh Kỳ đã
thương Quân Đội, nhường chức Tổng thống cho anh Thiệu, thì hãy thương cho trót.
Tôi đề nghị anh Kỳ đứng phó cho anh Thiệu, thì mới mong thắng Luật sư Trương
Đình Du. Nếu anh Kỳ không đồng ý, tôi xin trả cặp lon Trung tướng này cho Quân
Đội và trở về đi dạy học. (Trung tướng Hoàng Xuân Lãm có gốc làm thầy giáo).
Một lần nữa, cả Hội
trường đồng loạt vỗ tay, như thể áp lực Tướng Kỳ làm theo lời yêu cầu của Tướng
Hoàng Xuân Lãm. Tướng Kỳ đành làm theo ý muốn của các Tướng lãnh.
Để đáp lại thiện chí của
Tướng Kỳ, Tướng Thiệu cam kết trao chức Thủ tướng Chính phủ cho ông Nguyễn văn
Lộc, người đứng phó của Liên danh Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng Trung tướng Nguyễn Đức
Thắng chưa đủ tin vào thiện chí của Tướng Thiệu, nên ông yêu cầu Đại Hội đồng
thành lập cơ chế Quân Ủy Trung Ương gồm các Tư lệnh Quân Đoàn, Tư lệnh các Quân
Binh Chủng làm thành viên và Tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ là Chủ tịch Quân Ủy. Trung
tướng Thiệu cũng tình nguyện làm thành viên và đặt bút ký. Cơ chế Quân Ủy sẽ
hoạt động giống như Bộ Chính trị Cộng sản, Tổng thống và Thủ tướng phải tuân
hành theo Nghị Quyết của Quân Ủy về vấn đề Ngoại giao và Quốc phòng. Chỉ bằng
mấy giọt nước mắt và đổ gục người xuống, giống như Lưu Bị đánh rơi ly rượu
trước mặt Tào Tháo, Tướng Thiệu đạt được chức Tổng thống, quyền hành trùm thiên
hạ!
Thái độ Trung tướng
Nguyễn văn Thiệu hoan hỉ tình nguyện làm một thành viên trong Quân Ủy và chấp
nhận thi hành chủ trương, đường lối của Quân Ủy làm cho toàn thể Tướng lãnh quá
đỗi vui mừng. Chưa bao giờ tình Chiến Hữu tỏ ra thấm thiết đến mức đó. Hội nghị
kết thúc trong tinh thần đoàn kết hân hoan. Ai nấy đều hy vọng Quân Đội sẽ làm
nên lịch sử!
Tướng Kỳ trở về Phòng
Hành Quân Chiến Cuộc (War Room) của Bộ Tư lệnh Không Quân. Đại tá Lưu Kim Cương
được tin Tướng Kỳ nhường cho Trung tướng Nguyễn văn Thiệu đại diện Quân Đội ra
tranh cử Tổng thống, ông tức tối đập đầu vào tường đến sưng cả trán. (Anh
Nguyễn Quốc Phiên, cựu phi công của Biệt Đoàn 83, hiện còn sống tại Thành phố
Westminster, Quận Cam, là người chứng kiến sự kiện này).
Nửa giờ sau, William
Colby – Trưởng cơ sở tình báo CIA ở Saigon – vào Tân Sơn Nhất,
xin gặp Tướng Kỳ. Ông Colby nói:
– Tôi được
lệnh của Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao và Pentagon phải yểm trợ phương tiện Tướng
Nguyễn Cao Kỳ tối đa để thắng cuộc tranh cử Tổng thống. Nay nghe tin Thiếu
tướng Kỳ rút lui, nhường cho Tướng Nguyễn văn Thiệu, tôi phải vào đây để đề
nghị Tướng Kỳ rút lại quyết định đáng tiếc ấy.
Tướng Kỳ bình thản đáp:
–
Chúng tôi người Việt Nam, theo truyền thống Văn hóa Phương Đông, tôn
trọng lời cam kết. Tôi không thể thay đổi quyết định giống như đứa con nít.
– Nhưng thưa Thiếu
tướng. Đây là vấn đề trọng đại của Quốc gia của Ngài, chứ không phải là chuyện
trẻ con. Xin Thiếu tướng hãy nhớ điều đó!
Có lẽ vì tự ái dân tộc,
Tướng Kỳ đã coi câu nói của ông William Colby là một sự xúc phạm, nên ông gay
gắt hỏi:
– Ông Giám đốc Tình
Báo hãy cho tôi biết, người Mỹ lãnh đạo đất nước Việt Nam hay người Việt Nam
lãnh đạo Việt Nam? Chúng tôi – người Việt Nam – có quyền tự
quyết định vận mệnh đất nước chúng tôi không?
Sau câu hỏi của Tướng
Kỳ, ông William Colby nhún vai, nói một câu ngắn ngủi “It’ s up to you, General!”
và quay gót ra khỏi Phòng Hành Quân Chiến Cuộc mà không một lời từ biệt.
(Ghi chú của người viết:
"Tổng thống Ngô Đình Diệm và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đều mắc phải căn
bệnh "Tự Ái Dân Tộc", trong khi nước mình Chống Cộng với hai bàn tay
trắng, nên hỏng việc lớn. Có thể do nỗi oan cừu?)
Kết quả cuộc bầu cử Tổng
thống, Liên danh Thiệu – Kỳ đắc cử 38% và Liên Danh Trương Đình Du về
hạng nhì, nhờ được Phật giáo Ấn Quang và Mặt Trận Giải phóng Miền Nam ủng hộ,
vì chủ trương hòa bình bằng mọi giá với Hà Nội. Đấy là nhờ có Tướng Nguyễn Cao
Kỳ – đương kim Thủ tướng – đứng chung Liên danh với Tướng Thiệu
thì mới đắc cử 38%. Nếu không có ông Kỳ đứng phó, chưa chắc Tướng Thiệu đã trở
thành Tổng thống. Ngoài phố, mấy ông chính trị gia “salon” ngồi ở Givral hoặc
Brodard bàn tán nhảm nhí “Kỳ phải nhường chức Tổng thống cho Thiệu là vì Đại
sứ Ellsworth Bunker không ưa Nguyễn Cao Kỳ” là hoàn toàn thất thiệt.
Chẳng bao lâu sau, Tổng
thống Nguyễn văn Thiệu hủy bỏ lời cam kết, thay Thủ tướng Nguyễn văn Lộc bằng
Trung tướng Trần Thiện Khiêm. Đồng thời Tổng thống Nguyễn văn Thiệu lấy
tư cách Tổng Tư lệnh Quân Đội giải tán Quân Ủy Trung Ương. Trung tướng Nguyễn
Đức Thắng tức giận, vào tận Dinh Độc Lập yêu cầu Tướng Thiệu đến Tổng Tham mưu
để giải thích với các thành viên Quân Ủy, tại sao ông không giữ lời cam kết?
Tướng Thiệu lắc đầu và nói rằng tôi đến Tổng Tham Mưu để bị các anh bắt à?
Tướng Thắng đùng đùng nổi giận, xắn tay áo như thể định đánh nhau với Tướng
Thiệu:
– Anh là Trung
tướng, tôi cũng là Trung tướng. Chẳng qua, Nguyễn Cao Kỳ nhường cái chức Tổng
thống cho anh và được các Tướng lãnh chấp thuận. Nếu không, giờ này chỉ là viên
Tướng hồi hưu giống như Dương văn Minh, Trần văn Đôn, Tôn Thất Đính mà thôi!
Tôi hy vọng Tướng Nguyễn
Đức Thắng còn sống và còn minh mẫn để có thể xác minh những gì ông đã to tiếng
với Tổng thống Nguyễn văn Thiệu.
Đó là sự kiện đã xảy ra
vào thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Sự thiếu sót của Nội Các Nguyễn Cao Kỳ là
không thành lập ban lịch sử để ghi lịch trình công tác hàng ngày giống như các
Tổng thống Hoa Kỳ. Đáng lý ra công tác này, Trung tá Không Quân Vũ Đức Vinh –
Tổng Cục trưởng Cục Truyền Thanh – phải đề cử người đảm nhiệm, thì
hôm nay tôi không cần phải làm công việc này.
Anh Đỗ Văn, cựu bỉnh bút
của đài BBC, trong dịp ngồi ăn phở với Tướng Kỳ, đã hỏi Tướng Kỳ: “Tại sao
anh nhường chức Tổng thống cho Thiệu?”. Ông Kỳ đáp: “Thấy Thiệu say mê
cái chức Tổng thống quá sức, tôi thương tâm, nhường cho lũy. Còn tôi, tôi coi
cái chức Tổng thống không hơn bát phở”. Chắc chắn các ông phóng viên đài
BBC có thể liên lạc với ông Đỗ Văn đang ở Luân Đôn để kiểm chứng, tôi không nói
sai. Về phần tôi, tôi hỏi Tướng Kỳ rằng ông có nhận thấy ông có lỗi với đồng
bào Miền Nam không? Tại sao ông trao quyền lãnh đạo đất nước cho một người từng
có quá khứ phản bội? Đại tá Nguyễn văn Thiệu phải được Tổng thống Ngô Đình Diệm
tín nhiệm lắm thì mới trao chức Tư lệnh Sư đoàn V Bộ binh đóng gần Thủ Đô cho
ông, để cứu giá trong trường hợp có Binh biến. Nhưng cái ngày gọi là Cách Mạng
1 Tháng 11 năm 1963, Đại tá Nguyễn văn Thiệu kéo quân về Sài Gòn, nhưng ngả
theo phe phản loạn đảo chính! Tướng Thiệu đã phản Tổng thống Diệm. Ông Thiệu đã
tuyên thệ vào đảng Đại Việt, rồi bỏ đảng và đi lập đảng Dân Chủ là một người
phản đảng. Thiếu tướng có biết mình đã trao quyền lực Quốc Gia cho một
người có máu phản không? Thiếu tướng Kỳ buồn bã đáp:
– Trong bao năm
nay, tôi sống trong sự ân hận, hối tiếc, vì đã nhầm người để trao trách nhiệm
lãnh đạo Quốc dân. Tôi không tiếc vì mất chức Tổng thống, tôi hối tiếc vì mình
có lỗi với anh em Quân Đội và đồng bào mình. Có lẽ giờ phút đó, tôi bị ma đưa
lối quỷ đưa đường?”.
Từng ở cạnh ông, từng
bàn bạc việc nước với ông, tôi tin rằng Tướng Kỳ nói những lời thú tội ấy là
thành thật. Trong lịch sử dưới đời Nhà Trần, các vua Cha khi về già thì trao
chức cho con và lên làm Thái Thượng Hoàng. Tôi chưa từng thấy đời vua nào trong
lịch sử Việt Nam có vị Hoàng Tử tự ý nhường ngôi cho anh em.
Xin hẹn độc giả bài viết
tới.
Bằng Phong Đặng văn Âu.
10200 Bolsa Avenue, Westminster, CA. 92683
Email Address: bangphongdva033@gmail.com
Telephone: 714 – 276 – 5600
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.