HỒI ÂM DÒNG ĐỜI.
Lời giới thiệu: Dưới đây là bài văn do
Bằng Phong Đặng văn Âu đóng vai cô Nga Sài Gòn chấp bút cho nhân vật trong
truyện ngắn của Đại tá Không Quân Đặng Duy Lạc thuật lại mối tình thuở học trò
thơ dại. Nhiều tờ báo và trang mạng đăng lại. Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng không
biết Bằng Phong Đặng văn Âu là tác gia, nên ông đã đăng bài văn lên Giai phẩm
Lý Tưởng Không Quân với lời giới thiệu rất trân trọng. Nhiều độc giả trên diễn
đàn cũng chuyển bài viết cho Bằng Phong đọc. Vừa rồi, Bằng Phong đã bạch hóa sự
thật để cho độc giả không bị rơi vào trường hợp nhiều người tự nhận mình chính là tác giả của những bài thơ của TTKH. Hai nhân vật từng cộng tác với
Bằng Phong là Trung tá Trần Trung Chính – bút hiệu Mây Trời – và Trung tá
Nguyễn Tiến Thành – bút hiệu Phượng Ly biết rõ Bằng Phong là tác giả, nhưng
không tiết lộ theo lời giao hẹn giữa nhau.
Dưới đây là bài giới
thiệu của anh Đào Vũ Anh Hùng viết về nhân vật Nga Sài Gòn.
Đầu
tháng 9-96, báo Ngày Nay ở Houston có đăng một lá thư, tác giả là một người đàn
bà ký tên Nga (Sàigòn) gửi cho người yêu cũ Duy, tức Đại
Tá Không Quân Đặng Duy Lạc, người đã viết đoản văn “Giòng Đời” trên
Đặc san Ngàn Sao của Hội Không Quân Houston, số mùa Hè 92 với bút danh Duy Lạc.
“Giòng Đời” là một bài văn hồi tưởng về cuộc tình lỡ của tác
giả trong thời niên thiếu. Đó là mối tình đầu, như rất nhiều mối tình đầu dang
dở khác, ở cái thời đại mà tình yêu trai gái coi như trái cấm bởi vòng rào luân
lý, và quan niệm tương giao nam nữ khắt khe của xã hội đương thời. Biết bao mối
tình trong sáng, ngây thơ, chất phác, như những đóa hoa yêu hoa lệ nở rụt rè,
rồi tan vỡ, để lại trong văn chương nhiều chuyện tình đẫm lệ, dư âm còn mãi đến
bây giờ.
Trong phần giới thiệu, Ngày Nay viết: “… Tác giả (Duy Lạc) kể
lại mối tình đầu của mình vào thời niên thiếu, lúc cắp sách đến trường huyện
với một người con gái tên Nga học cùng lớp. Lúc đó, vào dịp toàn dân kháng
Pháp, 1945. Thời thế sau đó đổi thay, ông Duy Lạc vào Nam, rồi trở thành một Sĩ
quan Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Còn cô Nga trở thành một người lính của phía
bên kia, vượt Trường Sơn vào Nam .
Chuyện không ngờ là tờ Ngàn Sao lọt được về Sàigòn, và cô Nga
ngày xưa được đọc bài “Giòng Đời” và sau đó, viết một bài chuyển ra ngoài với
tên “Hồi Âm Giòng Đời”… Đây là một bức thư tâm tình riêng tư giữa hai người bạn
lòng, nhưng tình tiết ghi lại một giai đoạn phân ly nghiệt ngã của đất nước…”
Bài “Hồi Âm Giòng Đời” đăng trên Ngày Nay đã gây một xôn xao
dư luận, nhất là trong dư luận Không Quân. Ở một vài nơi, có những báo khác
đăng lại. Đây là chuyện tình cảm động của thế hệ chúng ta, với đầy đủ tính cách
bi thương, lãng mạn, chung thủy và đằm thắm biết bao, trong bối cảnh đau thương
của đất nước, với cuộc phân tranh đối đầu chủ nghĩa, huynh đệ tương tàn.
Lý Tưởng đăng lại bài văn “Hồi Âm Giòng Đời”, vì thứ nhất,
ngoài tính chất bi thảm của một câu chuyện đầy bi thảm, còn vì cái đoạn kết bất
ngờ và đau xót là Đại Tá Đặng Duy Lạc đã chết đường đột, ít ngày sau khi bài
báo được phổ biến. Có thể chăng, lá thư tình gởi muộn đã làm anh rúng động và
cảm xúc, vì ăn năn, hờn trách mình ngày xưa đã rụt rè, yêu không dám ngỏ và đã
hiểu lầm, hóa nên cuộc tình thành chia biệt 40 năm…? Nỗi riêng nhớ ít tưởng
nhiều… (Kiều)
Phải chăng chính cái tâm “quán tưởng” theo kinh Phật mà
Nguyễn Du đề cập đến rất nhiều lần trong truyện Kiều, đã khiến con người nòi
tình nghệ sĩ Đặng Duy Lạc tưởng tượng thêm ra những tình tiết đẹp đẽ cho mối
duyên dang dở, để càng nặng lòng tiếc nuối, âu sầu, đắm đuối mình trong niềm ai
oán với trò chơi nghiệt ngã của định mệnh? Anh khổ dau, dằn vặt bởi giòng chữ
bùi ngùi thương tội “Anh đã từ phương xa lại, mình gặp gỡ nhau, anh gieo vào
lòng em một vết thương, rồi anh lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt…” khiến
“Anh Duy thân mến” của Nga đã bơi ngược giòng đời, day dứt niềm thương, đem
xuống tuyền đài mối tình đằng đẳng chưa tan.
Thứ nữa, “Hồi Âm Giòng Đời” của Nga Sàigòn
có một giá trị văn chương cao vượt trên “Giòng Đời” của Duy Lạc khó mà phủ
nhận.. Người nữ đó đã sống hết ngả truân chuyên, trôi cuốn theo giòng cuồng lưu
vận nước, vô độ thảm thương hơn thân phận Thúy Kiều, khổ đau và tủi nhục trên
cả Lara trong “Dr. Jivago”, vượt xa cơn khốn khó của Catherine Barkley trong “A
Farawell To Arms”. Những nhân vật nữ đa truân của văn chương nhân loại. Người
đàn bà tên Nga đã cho đi ở lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ đó, cả cuộc đời nàng vì
lý tưởng thiêng liêng dành cho đất nước, thủy chung ôm giữ mối tình đầu câm
lặng cùng niềm u oán… Để bốn chục năm sau, bàng hoàng sống lại nguyên tròn cảm
giác bồi hồi xưa cũ, nửa đêm ngồi viết lá thư dài, gửi “Anh Duy dấu yêu” những
lời nồng nàng tha thiết, bây giờ mới ngỏ… Để tim người tình năm xưa quặn thắt
và đau buốt nhức, tay cầm tờ thư cũng run lên, như trước đây, bên trời xa mù
tắp, Nga cũng run lên “còn hơn bị B-52 trải thảm”, khi đọc “Giòng Đời” trên
giai phẩm Ngàn Sao.
Thiên tình sử đã được viết ra bằng những giòng chữ đầm đìa
ngấn lệ, văn chương tới độ chân thành, cảm động, khiến hoe rưng người đọc.
Thêm vào đó, “Hồi Âm Giòng Đời” còn là một tác phẩm sâu sắc,
tát thẳng vào mặt chế độ với những giòng chữ viết ra từ một người theo cách
mạng, nói về thực chất của cái gọi là “nhà nước”, trên phương diện thông tin
chỉ thuần mục đích tuyên truyền “nhai đi nhai lại một luận điệu cũ rích”, về tệ
trạng tham nhũng hối mại “chỉ cần đút lót vài ba bao thuốc thơm, chiếc đồng hồ
rẻ tiền.v.v… thì cái gì to như con voi cũng qua lọt”, và thú nhận lầm lỡ đi
theo Việt cộng chỉ là do “định mệnh nghiệt ngã đã đẩy em thành một kẻ ruồng bỏ
quê hương!”…Em tập kết vì ngỡ mình sẽ đến được một nơi như thiên đàng, chứ
không phải vì lý tưởng hay vì bị huyền hoặc bởi cái chủ nghĩa hứa hẹn không còn
có cảnh người bốc lột người….”
Đó là tâm trang não nề của “người đàn bà góa bụa mái tóc đã bắt
đầu điểm sương ngồi viết thư cho người bạn tình xa cách nửa vòng trái đất..”
tủi buồn ngậm giọt thương thân, nhớ lại mối tình thơ ngây không dám ngỏ và thổn
thức hồi niệm cuộc chia ly định mệnh, khiến cho đời nàng giông bão “Nhiều đêm
em đã khóc vì nỗi bơ vơ của mình nơi xứ lạ quê người. Em nhớ đến anh thật
nhiều…” Nhớ đến bóng hình xưa thuở thanh xuân đèn sách học trò và giấc mơ lãng
mạn “Có lần nào anh say xưa oanh kích, mà dưới ấy là chỗ đóng quân của em? Nếu
chẳng may bị trúng đạn phòng không, anh nhảy dù xuống và em là người băng bó
cho anh, thì không hiểu bọ mình phải xử trí ra sao trong tình huống ấy?”
“Hồi Âm Giòng Đời” nói lên đầy đủ cái thảm kịch của thế
hệ chúng ta, của phần số đau thương bất hạnh dân tộc ta gánh chịu. Lý Tưởng
trân trọng mời bạn đọc theo dõi và cảm xúc với từng giòng chữ phô diễn chân
thành tâm trạng người viết, để hiểu tại sao cái khổ đau ray rứt đã khiến ông
Đại Tá phi công khu trục Đặng Duy Lạc không gượng nổi, phải từ giã anh em, từ
giã bạn bè để ra đi mang theo tình yêu thánh hóa sang bên kia thế giới…
VÀO TRUYỆN …
Anh Duy thân mến,
Em ngồi viết lá thư
này cho anh khi cơn mưa vừa mới tạnh. Cơn giông miền nhiệt đới ào ạt, kéo dài
độ chừng hai tiếng đồng hồ, nhưng cũng đã làm cho cái nóng oi bức của Sàigòn
dịu bớt. Mưa đã dứt, chỉ còn những giọt nước nhỏ thỉnh thoảng tí tách rơi trên
miếng tôn mỏng hứng nước bên hiên nhà. Nghe tiếng giọt nước gõ đều đặn, rồi
nghe tiếng nhịp tim mình đập, em bỗng thấy hình như mình mang một tâm trạng bồi
hồi. Ðặt bút viết là thư này cho anh, lòng em cũng cảm thấy bồi hồi như thủa ấy
cầm tay anh lần đầu, mà không ngờ cũng là lần chào ly biệt.... Không biết rồi
lá thư này có thể đến tay anh? Nếu may mà thư đến, đọc xong anh sẽ nghĩ gì?
Thôi em cũng liều... Cầm bằng như gió mang đi.
Tuần trước em đến thăm
chị Hạnh, người bạn làm việc cùng cơ quan với em trước đây. Chị ấy xin phục
viên sớm, vì đồng lương nhà nước trả không đủ sống. Chưa kể là đôi ba tháng nhà
nước không có tiền phát cho nhân viên. Chị Hạnh bây giờ làm nghề buôn chui sách
báo nước ngoài. Ở chỗ này thì em phải giải thích thì anh mới rõ tại sao ngày
nay nước mình lại có cái nghề lạ như vậy. Từ ngày các nước xã hội chủ nghĩa anh
em ngưng viện trợ, nhà nước cần ngoại tệ nên họ đã mở cửa, khuyến khích người
Việt ở nước ngoài về thăm quê hương. Tuy có lệnh kiểm soát gắt gao ở các cửa
khẩu hải quan những món hàng quốc cấm như sách báo tuyên truyền của phe tư bản,
nhưng tệ nạn tham nhũng tràn lan không có cách gì ngăn cản nổi. Vì thế, du
khách chỉ cần đút lót vài ba bao thuốc thơm, chiếc đồng hồ rẻ tiền..v.v... thì
cái gì to như con voi qua cũng lọt. Người dân ở quê nhà bây giờ không ai thèm
đọc báo nhà nước, ngày nào ngày ấy tin tức đều nhai đi nhai lại một luận điệu
cũ rích. Người ta còn khôi hài nói rằng chỉ có tin tức khí tượng là không sặc
mùi tuyên truyền, còn hầu hết đều... cuội! Vì thế dân chúng mới lén lút thuê
hoặc mua lại báo chí bằng Việt ngữ hay bằng ngoại ngữ xuất bản tại nước ngoài.
Gặp em, chị ấy vội kéo
vào buồng trong nói nhỏ:
- Này Nga, tôi có món
quà này, chắc Nga sẽ thích vô cùng.
Em chưa kịp hỏi chi ấy món quà gì, chị Hạnh đã dúi vào tay em
một tờ báo. Chị nói:
- Dấu cho kỹ vào người
đi! Về nhà, chờ đêm khuya thanh vắng rồi hãy đem ra đọc. Ðọc để xúc động vì
"người ta" còn nhớ tới mình!
Nhìn trang bìa tờ báo có hình một nửa chiếc máy bay phản lực đậu
trên phi đạo và tên tờ báo là Ngàn Sao, lại nghe chị Hạnh nói bóng gió xa xôi,
em linh cảm một điều gì đó rất mơ hồ. Nửa năm trước, chú Lâm từ bên Mỹ đi công
tác cho hãng về Việt Nam đến thăm em. Chú ấy nhắc đến anh, đến tình cảm anh vẫn
âm thầm dành cho em. Giác quan thứ sáu xui em liên tưởng đến một điều gí đó (mơ
hồ thôi) rằng anh, chàng Phi công Cộng Hòa lãng mạn, có thể đem chuyện tình hai
đứa dệt thành văn? Cầm tờ báo trên tay, em run còn hơn bị B-52 trải thảm hay
như hồi sơ tán phòng không ở Việt Bắc. Chị Hạnh trấn an:
- Làm gì mà run dữ vậy? Bề nào Nga cũng là cựu sĩ quan quân đội
nhân dân, công an nào dám đụng đến?
Em run không phải là sợ công an khám xét thấy mình mang món hàng
quốc cấm. Em run vì không hiểu điều dự đoán của mình có phải là sự thực. Em run
vì liên tưởng đến người bạn năm xưa vẫn còn nhớ đến mình. Anh đừng cười em già
rồi mà còn vớ vẩn.
Chị Hạnh là người bạn sát cánh với em vào thời kỳ chiến đấu dọc
Trường Sơn. Chị ấy cũng là con nhà tiểu tư sản như mình, nên em thường nhỏ to
tâm sự trong những lúc dừng quân. Em có kể cho chị ấy nghe về anh, người bạn
học cùng trường thủa thiếu thời.
Về nhà, chờ đêm khuya thanh vắng, mọi người đều đã say giấc
nồng, em len lén đem tờ báo ra chong đèn lên đọc. Em đọc từng trang, rồi em
dừng lại ở bài viết mang tên tác giả Duy Lạc, "Chắc chắn là anh đây
rồi?!" Em tự nhủ: Quả nhiên đúng như điều em dự đoán.
Thời gian trôi nhanh quá anh nhỉ? Thấm thoát đã bốn mươi năm rồi
còn gì? Bao nhiêu tấn tuồng dâu bể diễn ra! Bao nhiêu nước chảy dưới cầu! Hai
mái tóc xanh của đôi trẻ ngày nay đã bắt đầu điểm trắng.
Chiến tranh bùng nổ, anh từ Sàigòn về lánh nạn ở quê nhà. May
mắn thay giặc chưa thể tràn về vùng đất của mình, nên chúng ta có một thời kỳ
bình yên. Khí thế bừng bừng của phong trào giành độc lập xứ sở bốc cao khiến
tất cả thanh niên hăm hở lên đường làm anh vệ quốc quân. Tuy bọn mình còn nhỏ
mà trong trí óc non nớt cũng đã thấy lòng rộn ràng vui thích như đi trẩy hội
ngày Xuân. Em còn nhớ đêm liên hoan, anh hát bài "Nhớ Chiến Khu". Lúc
bấy giờ nghe giọng anh run run, em cứ tưởng anh vì cảm thương nỗi nhớ nhà của
anh vệ quốc quân trong núi rừng thâm u; nào dè anh run ...vì ánh mắt ngưỡng mộ
va say mê theo dõi của em. Thì ra nhãn lực của em cũng khá đấy anh Duy nhỉ?
Dạo ấy lần đầu tiên nghe anh trả bài thầy giáo, em mới để ý thấy
cách phát âm của anh khác với những học trò con trai trong huyện. Chẳng hạn,
"mờ mịt" thì anh phát âm thành "mờ mịch" hay "vui
quá" thành "vui góa". Và còn nhiều chữ độc đáo nữa...
Mới đầu bọn học trò trong lớp, rồi về sau bọn học trò của cả trường
thường nhại cách phát âm ấy để trêu ghẹo anh. Thoạt tiên em cũng cười hùa theo
bọn chúng, nhưng thấy anh chẳng phản ứng gì, mà chỉ nhún vai cười khỉnh rất
là... Sàigòn, tự nhiên em đâm ra thích cái giọng ấy mới kỳ chứ! Mỗi lần đến giờ
học, em đều cầu mong thầy giáo gọi anh lên trả bài để em được nghe cái giọng
ngồ ngộ ấy.
Anh còn nhớ lần đi cắm trại đầu tiên do nhà trường tổ chức trước
vụ Hè 51 không? Lớp mình chia làm bốn toán mà anh thì ở toán A, còn em ở toán
B. Khi đến nơi, ai nấy đều lo căng lều dựng trại của toán mình, trong lúc đó
anh lại chạy sang loay hoay giúp em làm chuyện này chuyện kia. Cử chỉ lăng xăng
của anh có vẻ vụng về, khiến cho em vừa buồn cười vừa cảm động. Vì thế, buổi
tối họp lửa trại, em mới lén dúi vào tay anh củ khoai em vùi trong bếp lúc nấu
cơm chiều. Em còn trêu:
- Trại sinh bên toán B ăn hết "thịch" (thịt) cá rồi,
em chỉ còn củ khoai nóng này tặng anh dùng đỡ cho "dzui"!
Chẳng những anh không giận vì bị em nhái giọng, anh chìa tay ra
cầm củ khoai một cách hồn nhiên, mà miệng còn ấp úng nói gì nghe không rõ, em
bỗng cảm thấy thương anh chi lạ!
Dân trong làng kế cận khu cắm trại, tối đến xong việc đồng áng
cũng ra tham dự trò chơi lửa trại của đám học sinh. Ánh lửa hồng chờn vờn nhảy
múa ngọn thấp ngọn cao, nhịp nhàng lung linh với tiếng đàn guitar bập bùng của
anh tạo nên cảnh tượng kỳ ảo rất liêu trai. Con Thủy, con gái ông Xã Tài; con
Nhạn, con gái ông Lý Trân, ngồi bên em cứ huých cùi chỏ vào hông em từng chập,
mỗi lần chúng nó trông thấy anh gật gà gật gù theo điệu nhạc trầm bổng.
Dường như lúc bấy giờ anh say sưa với âm thanh của từng nốt
nhạc, không thèm biết gì đang xảy ra chung quanh. Khách quan nhận xét, cả huyện
mình đâu có cậu học trò nào chơi đàn ngọt như anh? Chúng nó cũng khoái và để ý
"người Sàigòn" có mái tóc chải bảy ba tango lắm đấy! Anh có biết rằng
anh đã lọt vào mắt xanh của bọn học trò con gái tinh quái ấy không?
Em còn nhớ tính anh ít nói. Trong lúc mọi người ngồi huyên
thuyên, thình thoảng anh chêm một câu pha trò hóm hỉnh mà nhiều khi người nghe
không tinh ý, phải mất ba, bốn ngày sau mới hiểu. Cái tính "nghịch"
ấy ngày nay anh vẫn không bỏ. Trong bài "Giòng Ðời", em vẫn đọc thấy
thấp thoáng cái văn phong đó.
Anh cao lớn, nhưng không gầy như cây sậy và anh đâu có đen đúa
xấu trai như anh tự chế diễu mình trong bài văn? Lại còn bày đặt tự chê mình
học dốt!
Xong màn văn nghệ và đọc tin thời sự về những chiến thắng công
đồn đả viện của bộ đội cụ Hồ cho dân chúng nghe, bọn học trò chạy xuống bờ biển
nô đùa với sóng nước. Em nhớ đêm đó trăng lên muộn và trời trong xanh không một
vẩn mây. Hình như đốm lửa trại cuối cùng tàn lụi rồi trăng mới lên. Khác với
những học trò khác cùng lớp, anh không xuống bờ cát giỡn nước, giỡn trăng. Em
thấy anh ngồi tựa lưng vào một cây dừa lả ngọn và đôi mắt đăm chiêu nhìn ra
trùng khơi. Anh ngồi yên một cách thư thái, tự tại, đẹp như một pho tượng!
Em biết rồi, người đó đang mơ mộng vì người đó đang yêu?! Lúc
bấy giờ những cơn sóng bạc đầu phản chiếu ánh trăng nhấp nhô vờn nhau xô vào
bờ, có làm cho tim anh xao xuyến, hởi người nghệ sĩ với cây đàn?
Em là con gái, trời ban cho em cảm nhận bén nhạy hơn con trai.
Kinh nghiệm đời trải qua, chắc bây giờ anh đã hiểu rõ điều đó. Hồi ấy, mới
thoáng thấy cử chỉ ân cần và ánh mắt trìu mến của anh nhìn em trong lớp học,
ngoài sân trường, em đã đọc được ý nghĩ thầm kín của anh. Nhưng em là con gái,
đặc biệt vào thời buổi ấy, luân lý và bản tính rụt rè của phụ nữ đâu cho phép
em có một cử chỉ gì gọi là biểu đồng tình, dù trong thâm tâm em cũng rất cảm
mến anh. Cũng có những đêm nằm một mình vẩn vơ bên cửa sổ ngắm trăng, bỗng
nhiên ngửi thấy mùi hoa cau bưởi từ đâu đưa lại, em chợt thèm có anh bên cạnh
để... ngắm anh (!) Hoặc để luồn những ngón tay thon nhỏ của mình vào tóc người
yêu. Ðó là cái rạo rực rất tự nhiên của người con gái ở tuổi dậy thì khi biết
mình đang có một anh chàng đang ngấm nghé.
Em đã đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư anh trao. Vì sự bất cẩn
của em, con nhỏ Thủy - con gái ông Xã Tài - đọc trộm lá thư em dấu trong sách
cho mượn, thế là nó đem đi mách lẻo với mọi người, gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc
khiến anh sinh lòng oán hận em. Nếu lá thư ấy bị một người bạn gái nào khác đọc
thì chẳng đến nỗi nào. Ðằng này con nhỏ Thủy vốn thầm yêu trộm nhớ anh, nên khi
nó vớ được lá thư là nó kháo ầm lên để anh phải thẹn thùng với đám bạn gái của
em và hai bà chị họ. Nghĩ lại, em chẳng phiền trách gì nó. Âu cũng là tại sợi
chỉ hồng không se duyên cuộc tình chúng mình!
Ngày anh cầm tay em lần đầu (và cũng là lần cuối), em đã khóc,
đã hết lòng gạn hỏi tại sao anh bỏ học và cố tình lẩn tránh em. Anh cứ lầm lì
im lặng. Không ngờ bữa đó anh đã quyết định xuống tàu trở lại chốn phồn hoa.
Tuổi trẻ thường hay đặt tự ái quá cao! Anh đi biền biệt để lại cho em nỗi nhớ
đoạn trường. Em thẩn thờ biếng nhác việc học hành và công việc trong nhà. Ba mẹ
không hiểu chuyện cứ rầy la. Bỗng nhiên em cũng sinh lòng trách cứ anh. Anh đã
từ phương xa lại, mình gặp gỡ nhau, anh gieo vào lòng em một vết thương, rồi
anh lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt. Bạn bè em một đôi đứa đem lòng
thương hại, vài đứa trêu ghẹo em mang mối sầu tương tư. Em lại càng giận anh
hơn.
Năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi đất nước. Một số người
trong làng xã tập kết ra Bắc. Gia đình em vẫn ở lại vì thuộc thành phần địa
chủ. Tổng Thống Diệm về nước, đẩy mạnh chiến dịch Tố Cộng. Gia đình em không bị
ảnh hưởng gì, vì người ta biết thời ấy ai cũng chống Tây. Nhưng chỉ có một số
cán bộ Tố Cộng của ông Diệm lợi dụng quyền thế, thấy em có nhan sắc nên họ gây
nhiều khó dễ để cưỡng bách em trao thân gởi phận. Nếu em liều mình nhắm mắt đưa
chân, chắc chắn em sẽ cũng được yên thân. Nhưng tính em ương ngạnh, không chấp
nhận sự hà hiếp, em bèn tìm đường lên núi để rồi ngả về phía bên kia. Thân gái
dậm trường, liều mình bỏ gia đình ra đi đến phương trời vô định, em nào muốn
làm một cuộc phiêu lưu? Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã đẩy em thành một kẻ ruồng
bỏ quê hương!
Anh
Duy yêu dấu,
Nhiều
đêm em đã khóc, vì nỗi bơ vơ của mình nơi xứ lạ quê người. Em nhớ đến anh thật
nhiều. Nhớ đến kỹ niệm của những đêm trăng ở làng quê mình, của những buổi chiều
hai đứa rong chơi lang thang trên bờ ruộng lúa vừa mới gặt, của mùi hương ngai
ngái từ gốc rạ thoảng đưa trong gió. Và em còn nhớ đến cái giọng Sàigòn ngồ ngộ
của anh nữa!
Sự
đãi ngộ ở miền Bắc không tốt đẹp như những gì mà "người ta" đã ngọt
ngào dụ dỗ em. Cũng như những bộ mặt đàn ông nham nhở (xin lỗi anh) tìm đủ mọi
cách chiếm đoạt em. Ở vào bước đường cùng, lần này em đành nhắm mắt đưa chân.
Em kết hôn với một ông sĩ quan già hơn em mười lăm tuổi. Trong bài "Giòng
Ðời" anh kể rằng em làm lẽ một viên tướng già là không đúng sự thực. Nhưng
mà thôi, không sao! Làm vợ chính thức hay làm lẽ, số phận em vẫn hẩm hiu
"bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!"
Chiến
tranh ngày càng lan rộng và khốc liệt. Phi cơ oanh tạc hầu như mỗi ngày. Ða số
nhân dân miền Bắc đều mong mỏi được quân đội miền Nam giải phóng, vì họ hết
chịu đựng nổi đói khổ và cuộc sống hắc ám, rình rập. Em là người miền Nam tập
kết muộn. Tập kết vì tưởng mình sẽ đến một nơi như thiên đàng, chứ không phải
vì lý tưởng hay bị huyễn hoặc bởi cái chủ nghĩa hứa hẹn không còn cảnh người
bóc lột người! Em chỉ tha thiết một điều: Chiến tranh sớm chấm dứt, hòa bình
mau trở lại để em được quay về xóm làng xưa. Em tình nguyện xung phong đi chiến
trường B (tức là xuôi Nam ) với hy vọng nhìn lại Bố Mẹ già và đàn em dại. Em
lên đường như một người tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, chứ không phải là kẻ lên
đường "làm nghĩa vụ quốc tế" như người ta cổ võ đề cao. Trở về đó, em
lại nghe tin đồn phong phanh rằng anh đã trở thành người phi công khu trục của
chính quyền Sàigòn. Chao ôi! có lần nào anh say sưa oanh kích mà dưới ấy là chỗ
đóng quân của em? Nếu chẳng may bị trúng đạn phòng không, anh nhảy dù xuống và
em là người băng bó cho anh, thì không hiểu bọn mình phải xử trí ra sao trong
tình huống ấy? May mà điều ấy không bao giờ xảy ra để chúng ta khỏi bị ngỡ
ngàng.
Có
lần em nhặt được tờ truyền đơn kêu gọi chiêu hồi từ trên phi cơ thả xuống. Em
vội dấu kỹ tờ truyền đơn vào lần túi áo trong để chờ dịp thuận tiện là trốn
thoát, nhưng cơ hội không bao giờ đến với em cả!
Khi
miền Nam được "giải phóng", em nghĩ rằng đây là cơ hội em có thể tìm
gặp người bạn tình năm xưa. Em biết rằng gặp nhau thì đôi ta mỗi đứa ván đã
đóng thuyền, không còn hy vọng gì chấp nối, nhưng ít nhất mình cũng còn được
thấy nhau sau mấy mùa chinh chiến. Niềm hy vọng ấy vội tan biến khi em biết
rằng anh đã ra đi nước ngoài. Tâm tình em xen lẫn hai nỗi buồn, vui: Buồn vì
không gặp được anh và vui vì anh không phải rước cảnh tù đày. Anh còn nhớ Loan,
em gái của em. Nó kết hôn với Cảnh, một người Thiếu tá trong quân đội Cộng Hòa.
Chồng nó bị đưa đi "học tập cải tạo", rồi chết vì lao lực trong rừng
thiêng nước độc và vì thiếu dinh dưỡng. Loan nhờ chồng em can thiệp cho Cảnh.
Như anh biết đấy. Tuy chồng em là tướng Việt cộng mà cũng đành bó tay bất lực.
Từ đó Loan không bao giờ nhìn mặt em nữa. Chị em cật ruột bỗng hóa thành kẻ
thù. Nỗi khổ tâm ấy do ai gây ra, mà một mình em phải hứng chịu sự khinh khi
của gia đình? Tại sao em phải chịu nhiều điều oan nghiệt thế hở anh Duy?
Năm
kia, chú Lâm về Sàigòn, chú ấy kể rất nhiều chuyện về anh. Em vô cùng xúc động
vì anh vẫn giữ được trong ký ức hình ảnh và tình cảm trân trọng đối với người
bạn gái đầu đời. Vận nước điêu linh, thế hệ chúng mình chẳng may phải hứng chịu
nhiều thua thiệt. Thật là vô lý khi hai kẻ yêu nhau trở nên vô tình quay mũi
súng bắn vào nhau. Ước mong sao những lớp người thuộc thế hệ mình nhìn rõ chân
lý để cùng nhau xây dựng lại xứ sở hoang tàn bởi một thứ chủ nghĩa ngoại lai
phi nhân. Mình phải có bổn phận nói rõ cho con cháu nên lấy thương yêu, chứ
không phải hận thù, bù đắp những lỗi lầm của người đi trước. Có như thế thì mới
hàn gắn được những đổ vỡ lớn lao trong quá khứ.
Ðúng
bốn mươi năm trước, dưới rặng dừa ở làng quê, anh e ấp trao em lá thư tỏ tình.
Anh nao nức chờ đợi hồi âm. Em chưa kịp hồi âm thì không may xảy ra chuyện hiểu
lầm. Bốn mươi năm sau, (nhờ đọc được bài văn của anh trên báo), từ phương trời
này, một người đàn bà góa bụa và mái tóc đã bắt đầu điểm sương lại ngồi viết
thư cho người bạn tình xa cách nửa vòng trái đất để kể lể chuyện đời. Xin cám
ơn anh đã cho em một chút nắng trong buổi chiều tàn, "Một Chút Mặt Trời
Trong Ly Nước Lạnh!" Ðời em truân chiên đã gặp nhiều bất hạnh, nhưng kể từ
khi đọc những dòng tâm tư của anh trên trang báo, em cảm thấy được an ủi phần
nào. Bây giờ thì em mới biết ở nơi cuối trời xa thẳm kia có một chàng trai
Sàigòn thủa nào vẫn còn giữ trong tim hình ảnh và kỹ niệm đằm thắm của người
yêu ban đầu.
Thư
viết cho anh đã khá dài. Những giọt nước mưa trên mái nhà cũng đã thôi gõ đều
đặn xuống tấm tôn. Ðêm đã xuống từ lâu. Cảnh vật yên lặng như tờ, nhưng dường
như trong tiềm thức em vẫn nghe tiếng sóng biển rì rào và âm thanh xào xạc của
những ngọn lá dừa cọ xát vào nhau. Biết bao giờ hai chúng ta có thể lại cùng
nhau dạo chơi hóng gió chiều và nghe sáo diều trên đường làng quê cũ anh nhỉ?
Ấy chết! Em lại lẩn thẩn mất rồi! Ðừng! Chúng mình không nên gặp lại nhau để
anh còn giữ trong trí nhớ hình ảnh con bé Nga mười mấy tuổi, má lún đồng tiền
và nụ cười răng khểnh.
Em
xin dừng bút. Cầu chúc anh dồi dào sức khỏe và gia đình gặp nhiều sự may mắn,
an khang, thịnh vượng. Và xin anh nhớ cho rằng ở nơi xứ sở nghèo khó này vẫn có
một người luôn luôn thương nhớ anh.
Thân
ái,
Em
gái anh, Nga
Tái
bút: Ðể tránh sự kiểm soát của nhà nước, em trao lá thư này cho một sĩ quan sắp
sang Mỹ theo diện H.O. và nhờ ông ta gửi đến chú Lâm bằng đường bưu diện.