Bài Thứ Chín
KHÔNG
CÒN LÀ MỐI NGUY CƠ.
Bằng Phong Đặng văn Âu
Lời mở đầu : Nhận thấy Họa Diệt
Chủng nòi giống Việt Nam không còn là nguy cơ, mà nó đang trên đà hiện thực,
người viết xin dẫn chứng những sự kiện để giải thích tại sao mình quan niệm như
thế. Người viết dành quyền phản biện cho quý vị thức giả. Tác giả sẽ viết làm
nhiều kỳ, kính mong quý độc giả quan tâm vui lòng kiên nhẫn theo dõi.
Tôi tin rằng số phận của mỗi Con
Người hay mỗi Quốc Gia đều do sự an bài của đấng Tạo Hóa. Có lẽ vì người phàm
mắt thịt, không thể nhìn thấy sự huyền diệu của Thượng Đế đó thôi. Nếu không
lái xe đưa thằng bạn vào Tân Sơn Nhất xin đơn xin gia nhập Không Quân, chắc
chắn tôi sẽ không trở thành phi công VNCH, mà là bác sĩ theo niềm mong ước của
Mẹ. Đối với tôi, học để lấy mảnh bằng bác sĩ chẳng có gì là khó. Ở tuổi thanh
niên mơ mộng, dù bị hấp dẫn bởi “Vol de nuit” hay “Le petit Prince” của Saint-Exupéry,
nhưng tôi vẫn phải có bổn phận làm hài lòng Mẹ trước đã! Vả lại, nếu có tâm hồn
đam mê nghiệp bay như bạn tôi mà không qua cuộc trắc nghiệm sức khỏe của Trung
tâm Giám định Y Khoa thì cũng không thể trở thành phi công được.
Nhờ Trời ban cho tôi có sức khỏe và
phản ứng tay chân thích hợp để được huấn luyện thành phi công. Và vì là phi
công, tôi đã nguyện mình phải là phi công có lý tưởng yêu Công Lý và Sự Thật,
chứ không phải là loại tài xế chỉ biết lái máy bay. Nhờ theo đuổi ngành phi
công, tâm tư của tôi khác so với cái nghề làm bác sĩ, vì được dịp nhìn thấy từ
trên cao quê hương đất nước mình đẹp tuyệt vời. Từ đó, tình yêu Đất Nước nồng
nàn, tha thiết càng ngày càng lớn dần.
Ví dụ, thi hành một phi vụ từ Sài
Gòn ra Huế vào một buổi sáng sớm mờ sương, khi mặt trời vừa hừng Đông, lộ trình
bay qua Ban Mê Thuột, Pleiku, Đà Nẳng, Huế thì tôi thấy dưới đôi cánh bạc của
mình là núi rừng trập trùng, hùng vĩ và màu sắc núi rừng biến đổi từng phút.
Khi bay từ Huế trở về, để tránh bức tường mây vùng cao nguyên xuống thấp, tôi
bay dọc bờ biển theo lộ trình Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan
Thiết, Sài Gòn thì thấy màu sắc nước biển vỗ vào bờ từng đoạn khác nhau. Tuy không
có tài thơ văn trác tuyệt, nhưng tâm hồn tôi thì chứa đầy tố chất lãng mạn của
một người nghệ sĩ si tình: “Tình yêu quê
hương và tình yêu dân tộc”. Lại thêm, tôi còn là phi công Hỏa Long (Fire
Dragon) thường thực hiện những phi vụ về đêm bay bao vùng trên bầu trời thuộc
không phận Sài Gòn hoặc Cần Thơ. Ở đây tôi xin giải thích một chút để độc giả
hiểu. Phi cơ C-47 (Dakota) là loại phi cơ vận tải. Nhưng vì nhu cầu chống lại
chiến thuật biển người của Việt Cộng, nên Không Quân Hoa Kỳ đã biến cải loại
phi cơ vận tải thành phi cơ chiến đấu (Armed Cargo) vừa trang bị hỏa châu
(flare) vừa súng Minigun sáu nòng, có khả năng tác xạ 6 ngàn viên đạn trong
một phút. Trên mỗi tàu, trang bị ba cây súng Minigun. Nếu bắn một lúc cả ba
súng, thì có tới 18 ngàn viên đạn thoát ra khỏi nòng trong một phút. Nơi nào
đồn bót bị tấn công, chúng tôi bay tới địa điểm, thả hỏa châu và tác xạ theo
tọa độ do truyền tin dưới đồn yêu cầu. Là loại phi cơ vận tải vừa chậm chạp,
vừa khó xoay trở, nên phi cơ Hỏa Long AC-47 rất dễ bị phòng không của địch nhắm
bắn. Khi tình hình dưới đất yên tĩnh, phi công bay vòng vòng trên thành phố cho
tới khi có chiếc khác bay lên thay thế.
Chính những lúc bay vòng vòng chờ
đợi lệnh dưới đất, cả phi hành đoàn gồm hoa tiêu phụ, điều hành viên, xạ thủ và
áp tải ngủ, là lúc người phi công cô quạnh giữa trời đêm bao la. Chẳng biết
những phi công bạn tôi nghĩ gì trong đầu họ giữa đêm trường. Riêng tôi, thường
nghĩ ngợi miên man về phận nước, phận mình trước những nghịch cảnh phi lý mà
không thể giải thích được. Hàng vạn viên đạn do tôi rải xuống mục tiêu, liệu có
viên đạn nào chấm dứt cuộc đời của bà con thân nhân mình mang “sứ mệnh sinh Bắc,
tử Nam”? Hoặc những khi thi hành phi vụ vận tải vào ban ngày, chở quan tài,
trông thấy người quả phụ đội khăn tang cùng mấy đứa con thơ dại thò lò mũi xanh
khóc bố, tôi vớ vẩn tự hỏi nếu người nằm trong quan tài là mình, thì đàn con
thơ, vợ dại của mình sẽ ra sao? Rất nhiều lần tôi quay mặt đi để giấu những
giọt nước mắt. Phải chăng cha ông mình đã tiêu diệt dân tộc khác, mà ngày nay
con cháu phải bị lãnh hậu quả đớn đau này?
Sau chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ có
tổ chức nhiều buổi hội thảo tại Lubbock, Texas để tìm hiểu vì sao Hoa Kỳ thua
trận chiến Việt Nam. Một số học giả và Tướng lãnh Việt Nam được mời đến để
trình bày ý kiến. Nếu được mời tham dự, tôi sẽ đưa vấn đề nhân dân Việt Nam bị
lời nguyền rủa của oan hồn những người Chàm bị vua quan Triều Nguyễn giết hại. Tôi
sẽ chứng minh vì lời nguyền rủa (curse) mà đạo quân bách chiến bách thắng của
Hoa Kỳ đã thua một đối thủ Việt Cộng chẳng ra gì. Giống như gia đình Tổng thống
John F. Kennedy bị tai họa liên tiếp, thì báo chí Mỹ cũng bàn tán dòng họ
Kennedy bị nguyền rủa (cursed) vậy. Cái ý tưởng quả báo do “Đời Cha ăn mặn, thì đời con khát
nước” vẫn âm ỉ trong tôi từ khi còn cầm súng chiến đấu chống lại quân
thù.
Cho tới năm 2015, các anh chị cựu
học sinh Quốc Học tổ chức cuộc họp mặt tại Thành phố Westminster, California,
tôi tình nguyện lái xe đón một số anh chị từ Bến Xe Đò Hoàng về địa điểm tập
hợp. Đến nơi, các anh chị lâu ngày không gặp nhau, mừng rỡ hỏi han. Bỗng nhiên, có một người trong số các
anh chị ấy thường đọc những bài bình luận thời cuộc của tôi, hỏi:
– Này anh Bằng Phong, đến bao giờ thì dân Việt
Nam mình thoát họa cộng sản?”
– Tôi không biết chắc đến bao giờ. Theo tôi,
dân mình bị đọa là vì cái họa “đời cha
ăn mặn, đời con khát nước”. Tổ tiên mình gây nên tội diệt chủng dân tộc
Chàm, thì con cháu bị tai vạ. Bởi vì dù tổ tiên mình mở mang bờ cõi với mục
đích giành không gian sống cho con cháu là mục đích tốt, chúng ta phải ghi ơn.
Nhưng dù ý tốt đi nữa, luật nhân quả vẫn tác hại lên đời chúng ta.
Anh Võ văn Dật nghe tôi đem chuyện
tâm linh ra bàn để trả lời câu hỏi của anh bạn, anh Dật liền nói:
– Thầy Lê Tuyên – Giáo sư dạy Văn của trường Đại Học Huế – cũng có viết một bài về vấn đề này. Hôm nào trở về lại San Jose,
tôi sẽ gửi cho anh Bằng Phong tờ đặc san Đại Học Huế để anh tham khảo.
Sau khi đọc bài viết của Thầy Lê
Tuyên đăng trên đặc san Đại Học Huế, tôi càng vững tin hơn về sự chẩn đoán căn
bệnh Việt Nam bị vướng phải lời nguyền của dân Chàm. Tựa đề mẩu chuyện ngắn của
Thầy Lê Tuyên là “Đường Về Chiêm Quốc”
kể chuyện vào năm 1955 mấy vị Việt Nam đi thăm Giáo đường Santander tại nước
Tây Ban Nha. Khi phái đoàn vừa mới đặt chân đến sân nhà thờ, thì một vị Linh
Mục Dòng Tên từ trong bước ra chào đón và khuyên phái đoàn đừng trở về nước
nữa, bởi vì nước Việt Nam đâu còn nữa để mà về? Vị Linh mục nói:
– Tuy tôi chưa hề đến Việt Nam, chưa hề đọc lịch
sử Việt Nam, nhưng tôi là môn sinh của Thánh Mathews. Với phép tu của Ngài,
chúng tôi có thể biết việc gì đã xảy ra trong quá khứ và việc gì sẽ xảy ra
trong tương lai.
Nói xong, vị Linh Mục còn đọc một câu
thơ Kiều “Nghiệp duyên cân lại, nhắc đi
cũng nhiều”, rồi sau đó vị Linh Mục biến mất. (Ghi Chú của tác giả:
Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng, cũng tu theo dòng của Thánh Mathews).
Từ bài số một trong loạt bài “Không Còn Là Mối Nguy Cơ” đến những
bài tiếp theo, tôi đã dẫn chứng những sự kiện lịch sử đã tác động lên các Vua
Triều Nguyễn. Chẳng hạn, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị đều có 142 người con.
Nhưng đến đời vua Tự Đức thì tuyệt tự, dù có đến hàng trăm bà vợ. Ba người cháu
được một ông quan trong Hoàng tộc – Tôn thất Thuyết – đưa lên ngôi, rồi đều bị
giết chết thê thảm. Hoặc chuyện vua Minh Mạng bách hại những tín đồ Công giáo
rất khủng khiếp, nhưng vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – Hoàng đế Bảo Đại – thì
lại rửa tội theo đạo Công giáo và Hoàng tộc có cả hàng trăm ngàn người nhưng
lại để cho Vua Bảo Đại phải sống trong thiếu thốn, nghèo khổ!
Nhắc lại lời nguyền: “Ta (dân Chàm) sẽ làm cho cả dân tộc Việt Nam
chúng bay trở nên ngu si, đần độn, tàn bạo, điêu ngoa, gian ác, tôn thờ ĐẠO
QUỶ SỨ, khiến cho anh em dòng họ chúng bay đấu tố nhau, chém giết nhau, phản bội
nhau, chia rẽ nhau, đố kỵ nhau, người yêu nước bị chà đạp, đứa gian manh được
tôn vinh cho đến khi nào nòi giống chúng bay bị tận diệt như chúng tao thì mới
thôi!”
Vậy những gì tôi sắp sửa viết ra đây
là để chứng minh dân Việt Nam mình bị khốn đốn đến ngày hôm nay là do Luật Nhân
Quả. Tôi không có nhu cầu tâng bốc người này hay triệt hạ người kia vì cảm
tính. Có thể nói rằng tôi là người viết duy nhất ghi rõ tên thật, địa chỉ nhà,
địa chỉ Email và số điện thoại, thì nhất định về sau những nhà nhân chủng học
sẽ đánh giá tôi là người viết khả tín, khi họ đi tìm nguyên do nào mà nòi giống
Việt không còn.
Người cha đẻ nền Đệ nhất Cộng Hòa – Tổng thống Ngô Đình Diệm – là một người yêu nước, có tấm lòng
nhân hậu chưa từng thấy trong lịch sử. Theo tôi, Tổng thống Diệm đã sai lầm khi
ra lệnh Đại tá Giám đốc Cảnh sát Nguyễn văn Y đốt hồ sơ của Tướng Dương văn
Minh làm tay sai Việt Cộng, để cho Dương văn Minh được tự do làm đảo chánh giết
gia đình mình và giết chết nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Phải chăng Ngài cũng bị quỷ ám,
nên đã đặt lòng nhân từ không đúng chỗ? Phải chăng những kẻ được Ngài ban ân bố
đức đã bị quỷ ám, nên đã trở thành những tên phản bội man rợ để cho muôn đời
sau khinh bỉ?
Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị bọn
phản phúc lật đổ, các Tướng lãnh cậy có súng, có quân cứ tiếp tục đảo chánh,
chỉnh lý khiến cho đời sống nhân dân càng ngày càng khốn đốn. Cuối cùng, Chính
quyền phải chuyển sang Dân sự. Cụ Phan Khắc Sửu, ông Phan Huy Quát đều là những
người từng ở địa vị lãnh đạo đất nước, kinh nghiệm chính trị đầy mình, cũng trở
nên bất lực, không thể gạt sang một bên những xung khắc cá nhân để bảo vệ sự
sống còn của Miền Nam. Đêm 18 tháng 6 năm 1965, ông Phan Huy Quát đã mời các
Tướng lãnh đến Dinh Thủ tướng để trao trả Chính quyền cho Quân Đội.
Ngày 19 tháng 6 các Tướng lãnh họp
nhau để chọn người làm Thủ tướng. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã ba lần đề nghị Trung
tướng Nguyễn văn Thiệu – đương kim
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng trong Nội các Phan Huy Quát – làm Thủ tướng, nhưng cả ba lần đều bị
Trung tướng Thiệu quyết liệt từ chối. Đến lượt Trung tướng Nguyễn Chánh Thi được
đề nghị, Tướng Thi cũng từ chối làm Thủ
tướng. Cuối cùng, Tướng Thiệu và Tướng Thi bàn tính nhau, đẩy Tướng Kỳ ra làm
Thủ tướng. Cái ý đồ của Tướng Thiệu, Tướng Thi là muốn đốt cháy sự nghiệp của
vị Tướng trẻ có triển vọng cầm quyền mai sau, chứ chẳng phải tốt lành gì với
Tướng Kỳ. Hơn nữa hai ông Tướng Thiệu, Thi sợ không đủ khả năng điều hành việc
nước vào thời điểm cực kỳ khó khăn mà thoái thác, chứ chẳng phải là người không
tham lam quyền hành.
Trước hết, tôi xin nói rõ Nguyễn Cao
Kỳ là ai?
– Là một cấp Chỉ huy biệt đội Thần
Phong, từng bay những phi vụ ở cao độ thấp sát đỉnh núi để tránh radar của
địch, vào những đêm không trăng để thả biệt kích xuống Bắc Việt.
– Là vị Tư Lệnh duy nhất của KQVNCH
bay phi vụ Bắc Phạt. Hành động gan dạ của Tướng Kỳ làm nức lòng những phi công
trẻ. Ví dụ: Một phi vụ Bắc phạt chỉ cần 16 phi công mà có đến 30 phi công tình
nguyện. Như thế, họ phải bốc thăm. Nếu phi công nào bị lọt sổ, không được dịp
làm “người hùng” để hy sinh cho Tổ Quốc thì buồn bã lắm! Tướng Kỳ đã gây lại
niềm tin trong lòng những chiến sĩ trẻ đã quá ê chề vì nạn các Tướng lãnh đua
nhau làm đảo chánh! “Leadership” là dám chấp nhận mạo hiểm bằng hành động thì
sẽ thu phục nhân tâm! Nguyễn Cao Kỳ, cấp chỉ huy đối xử công minh với thuộc cấp
và luôn luôn bảo vệ đàn em. Nguyễn cao Kỳ là cấp Chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận tải
thường xuyên bay ra ngoại quốc, nhưng không bao giờ buôn lậu một thứ gì. Nhân
viên đều biết rõ điều đó.
– Là người xây dựng binh nghiệp bằng
công lao của chính mình, chứ không gia nhập đảng cầm quyền giống như vị Tư Lệnh
khác để được thăng quan tiến chức.
– Là người thẳng thắn, bộc trực, dám
nói lên sự bất đồng một cách công khai vì quyền lợi Đất Nước. Trong cuộc họp
Đơn Vị trưởng, dưới sự chủ tọa của Đại tá Tư Lệnh Nguyễn Xuân Vinh, ông Kỳ đã
phát biểu rằng ông không đồng ý việc đưa đảng Cần Lao vào Không Quân, vì làm
như thế chỉ có những kẻ bất tài, nịnh hót chạy theo Đảng để chỉ huy những anh
em có thực tài, thì sẽ gây ra sự bất mãn.
Tôi đã liệt kê những đặc tính nêu
trên của Nguyễn Cao Kỳ từ năm 2004 và yêu cầu những anh Không Quân nào đã từng
phục vụ dưới quyền Nguyễn Cao Kỳ hãy lên tiếng, nếu thấy tôi viết sai.
Khi được Hội đồng Quân Lực đề bạt
làm Thủ tướng, dư luận ngoài phố đều cho rằng Nguyễn Cao Kỳ là một phi công trẻ
bay bướm, không có bằng cấp cao, không có kinh nghiệm chính trị, chắc chắn rồi
cũng vô tích sự giống như những ông Tướng khác mà thôi! Nhưng thực tế hoàn toàn
trái ngược. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã làm được gì trong hai năm giữ chức Thủ
tướng?
1/ Ông Kỳ đã ổn định tình hình bằng
cách làm cho bọn kiêu tăng không còn dám biểu tình quấy rối trị an như trước.
Chưa có vị Tướng nào trước đó có khả năng làm điều ấy.
2/ Ông Kỳ đã chấm dứt nạn đảo chính
do mấy ông Tướng Lục Quân đầy tham vọng chính trị.
3/
Ông Kỳ đã xử tử hình Tạ Vinh để răn đe bọn gian thương Chợ Lớn kiểm soát
bao tử của đồng bào, mặc dù các bang hội trong Chợ Lớn bỏ ra 250 triệu đồng để
mua mạng sống cho Tạ Vinh và ông bất chấp sự đe dọa của những tay đầu nậu Ba
Tàu từ Hồng Kông.
4/ Ông Kỳ đã hữu sản hóa dân nghèo
bằng cách cho giới lao động vay tiền trả góp không lấy lãi để họ không còn bị
các ông chủ xe Lambretta, chủ Taxi bóc lột. Ông còn giao trách nhiệm cho Võ
Long Triều dùng Quận 8 làm thí điểm chống lại nạn nghèo khó cho đồng bào. Quan
tâm hàng đầu của ông Kỳ là chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho thuộc
cấp. Ông đặc cách Trung tá Huỳnh Minh Quang đang phục vụ tại căn cứ Tân Sơn
Nhất lên căn cứ Biên Hòa để chăm lo nơi ăn, chốn ở cho những phi công Khu Trục.
Ông cấp đất cho nhân viên thâm niên quân vụ xây nhà, mà bản thân ông không được
miếng đất nào.
5/ Ông Kỳ đã chấm dứt nạn đầu cơ
tích trữ nhu yếu phẩm của bọn gian thương Chợ Lớn, vì vụ xử tử hình Tạ Vinh thì
Ba Tàu biết ông Kỳ nói là ông Kỳ làm.
6/ Ông Kỳ đã đích thân giải quyết
cuộc Biến Động Miền Trung do Trí Quang xúi giục Tướng Nguyễn Chánh Thi làm loạn,
sau khi ba ông Tướng Bộ Binh là Nguyễn văn Chuân, Huỳnh văn Cao, Tôn Thất Đính
bất lực. Thiếu tá Liên Thành tường thuật về cuộc Biến Động Miền Trung chỉ đề
cập đến Tướng Nguyễn Ngọc Loan để tránh nói đến Tướng Kỳ. Trong khi đó, Tướng
Kỳ mới là người chỉ huy trực tiếp, còn Tướng Loan chỉ thừa hành theo lệnh Tướng
Kỳ. Như việc các sư tranh đấu quyết tử thủ tại Chùa Phổ Đà ở thành phố Đà Nẵng
thì Tướng Loan đã phải hỏi Tướng Kỳ có biện pháp gì để giải tán. Hay việc Phật
tử đem bàn thờ xuống đường ở Huế phải hành động ra sao để tránh đổ máu, Tướng
Loan cũng phải xin chỉ thị của Tướng Kỳ.
7/ Ông Kỳ đã dạy cho ông Tướng Thủy
Quân Lục Chiến Hoa Kỳ – Lewis Walt – đến Bộ Chỉ huy Hành Quân Giải Cứu Huế
tại Căn Cứ Đà Nẵng, chất vấn tại sao đem quân ra vùng trách nhiệm của Tướng
Walt mà ông Kỳ không thông báo cho Tướng Walt biết. Tướng Kỳ đã dạy cho ông
Tướng Walt một bài học về lãnh đạo và chỉ huy, khiến cho Tướng Walt hết sức
thán phục.
8/ Ông Kỳ đã làm cho cuộc tuyệt thực
của Trí Quang trước công viên gần Dinh Độc Lập trở thành một trò hề lố bịch, vì
nhịn đói hơn 40 ngày mà vẫn béo tốt, da dẻ hồng hào.
9/ Sau khi dẹp xong cuộc Biến động
Miền Trung. Ông Kỳ đã tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để viết Hiến Pháp cho
nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Do đó, giống như Thủ tướng Ngô Đình Diệm là người khai
sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa, thì ông Kỳ là người khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Trên đây là sự kiện lịch sử. Tôi
không bịa thành tích của Nguyễn Cao Kỳ giống như những kẻ viết mướn cho những
kẻ có tiền nhưng không có khả năng viết hồi ký. Một chàng phi công trẻ, (mới 35
tuổi) mà thực hiện chừng ấy công trình trong vòng hai năm để xây lên Nền Đệ Nhị
Cộng Hòa, thử hỏi có đáng đánh giá là một kỳ tích không? Nếu Tướng Kỳ cũng thất
bại như ba vị Tướng Bộ Binh trong vụ Biến Động Miền Trung, thì làm gì có nền Đệ
Nhị Cộng Hòa để cho hàng năm có cuộc Diễn hành Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 một
cách rầm rộ? Thì làm gì có vị Tổng thống mang tên là Nguyễn văn Thiệu? Thì ngày
nay ở Hải ngoại làm gì có những nhân vật mang danh cựu Dân Biểu, cựu Thượng
Nghị Sĩ, cựu Bộ trưởng? Người Mỹ đã dự tính bỏ rơi Việt Nam từ năm 1966, nếu
Tướng Kỳ thất bại trong việc dẹp tan cuộc Biến Động Miền Trung! Nên nhớ Phong
trào Nhân Dân Cứu Quốc của bác sĩ Lê Khắc Quyến đã lan tới Nha Trang.
Về phương diện Ngoại giao, Tướng
Nguyễn Cao Kỳ cũng đã tạo những thành tích khiến cho các Quốc gia lân bang kính
nể Việt Nam Cộng Hòa. Bằng cớ là Tổng thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân
Quốc đã riêng tặng Tướng Kỳ cây bảo kiếm với hàng chữ “Uy dũng Tướng Quân” và kỳ vọng Tướng Kỳ là người kế tục sự nghiệp
Chống Cộng của mình. Quốc Vương Mã Lai phong tặng chức TUN (giống như chức Bá
tước, Công tước của Pháp) cho Tướng Kỳ. Đặc biệt, Thủ tướng Holt của Úc mời
Tướng Kỳ sang thăm viếng, thì Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn khuyên ông không nên đi,
vì Phong trào Chống Chiến tranh ở Úc rất dữ dội, sẽ làm cho ông mất uy tín.
Nhưng Tướng Kỳ nhất quyết đi để chứng minh cho nhân dân Úc hiểu cuộc chiến đấu
của nhân dân Miền Nam là cuộc chiến tự vệ, chống làn sóng đỏ, nên có chính
nghĩa. Quả nhiên, Tướng Kỳ đã hóa giải đám đông phẫn nộ của Úc và làm cho vị
Dân cử – Arthur Caldwell, thủ lãnh phe
đối lập – thất cử sau cuộc viếng
thăm của Tướng Kỳ.
Tướng Kỳ làm Thủ tướng là thi hành
nhiệm vụ của người lính do Quân Đội đề cử. Ông không chịu ơn bất cứ đảng phái
nào. Cách thức của Tướng Kỳ chọn người vào Nội Các là do sự tiến cử của những
chính trị gia Sài Gòn. Làm được việc thì ông lưu giữ, không làm được việc thì
ông cách chức. Ví dụ: Luật sư Đinh Trịnh Chính (Đại Việt) tiến cử Đại tá Phạm
văn Liễu làm Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, liền được ông chấp thuận. Đại tá
Liễu từng Chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến, theo Nguyễn Chánh Thi làm phản năm 1960,
chạy trốn sang Nam Vang. Đại tá Liễu trong chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh sát Quốc
gia, thi hành nhiệm vụ giải tán đám sư sãi biểu tình, nhưng ngầm ra lệnh cho
thuộc cấp phát mặt nạ chống hơi cay cho sư sãi biểu tình. Tướng Kỳ biết được,
liền cách chức Đại tá Liễu ngay lập tức, bổ nhiệm Tướng Nguyễn Ngọc Loan đang
làm Giám đốc An Ninh Quân Đội, kiêm nhiệm luôn chức Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc
gia. Điều đó chứng tỏ Tướng Kỳ không nhân nhượng bất cứ ai dựa vào thế lực Phật
giáo.
Nhân tiện đây, tôi xin thuật thêm
một sự kiện để các anh chiến sĩ đã từng chiến đấu dũng cảm ngoài chiến trường
biết luôn. Trước khi Tướng Kỳ sang Phi Luật Tân dự hội nghị Thượng Đỉnh, có 8
ông Bộ trưởng gốc Miền Nam đồng loạt từ chức, với mục đích gây áp lực để làm
giảm uy tín của Tướng Kỳ trước buổi gặp gỡ Tổng thống Lyndon B. Johnson. Tướng
Kỳ gọi từng ông Bộ trưởng vào văn phòng và hỏi các ông bất mãn về điều gì mà từ
chức hàng loạt, trước khi ông đi làm công tác Ngoại Giao. Các ông Bộ trưởng đều
trả lời rằng họ chẳng có điều gì bất mãn, vì không hề bị ông Thủ tướng săm soi
vào việc của Bộ. Cuối cùng họ tiết lộ họ phải từ chức để bày tỏ thái độ không
muốn thấy Bắc Kỳ chiếm hết quyền lợi của trí thức Miền Nam. Các anh chiến sĩ có
thấy những chính trị gia mệnh danh là Việt Nam Cộng Hòa nặng tinh thần địa
phương và óc bè phái có xứng đáng với sự hy sinh xương máu của chúng ta hay
không? Tướng Kỳ vừa chống Việt Cộng, chống bọn Việt Cộng nằm vùng trong Phật
giáo, chống cả sự chia rẽ nội bộ, mà lúc bấy giờ không chết như Tổng thống Ngô
Đình Diệm là may lắm rồi.
Sau khi biết chuyện tám ông Bộ
trưởng gốc Nam Kỳ đồng loạt từ chức, tôi nói với ông Võ Long Triều: “Các anh thành lập Khối Liên Trường Miền Nam
chỉ có mục đích chia miếng đỉnh chung, chứ chẳng phải vì mục đích tăng cường sức
mạnh để Chống Cộng cho hữu hiệu. Các anh bất xứng, chỉ là thứ xôi thịt, mà
không thấy nước đang lâm nguy vì họa cộng sản.”. Tôi dám nói thẳng điều đó
với Võ Long Triều bằng tâm tư của một người lính hết sức bất mãn đối với đám
chính trị gia xôi thịt! Vì là lính, tôi chỉ kính nể người yêu nước, tôi khinh
mấy anh xôi thịt!
Nữ ký giả người Ý – Oriana Fallaci – có xu hướng thân Cộng, sau
khi phỏng vấn Tướng Kỳ năm 1967, đã có câu kết luận như sau: “Nguyễn Cao Kỳ đáng... là lãnh tụ của một vùng đất thiếu lãnh tụ một
cách đau đớn”. Qúy vị sẽ nhận thấy điều đó khi ngỡ ngàng lắng nghe ông ta khoảng
hơn 10 phút. Tướng Kỳ không phải là một anh chàng ngố, ông ta có điều muốn nói,
và ông nói huỵch toẹt mà không sợ vạ miệng.”
“Một vùng đất thiếu lãnh tụ một cách
đau đớn”
là nhận định hết sức chính xác của một ký giả ngoại quốc. Sự nhận xét của bà
Fallaci làm tôi nhớ đến Thầy Monavon dạy chứng chỉ Toán học Đại Cương (Math G)
tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Tôi hỏi Thầy:
– Thầy
đánh giá thế nào về sinh viên (étudiant) Việt Nam?
Không
một giây suy nghĩ, Thầy Monavon đáp:
– Vietnamiens sont
bons élèves (học trò)!
Lúc bấy giờ tôi khá hãnh diện câu
khen ngợi của Thầy Monavon. Nhưng sau khi từng trải đời hơn thì tôi nhận thấy rằng Thầy Monavon coi
người Việt Nam giỏi mấy cũng chỉ ở mức học trò! Nghĩa là dân Việt Nam thiếu lãnh tụ một cách đau đớn!
Dân Việt Nam vốn có máu đố kỵ. Có
người đã ví von sánh dân Việt Nam như một bầy cua bị nhốt trong một giỏ. Hễ bất
cứ con cua nào khỏe hơn (hoặc thông minh hơn) cố gắng leo lên để thoát ra khỏi
giỏ, thì lập tức con cua khác kéo xuống ngay. Nguyễn Cao Kỳ là người dám nghĩ,
dám làm. Tất nhiên Nguyễn Cao Kỳ phải bị những con cua khác tìm cách hạ bệ!
Mời
quý vị dành thời giở nghe bài nói chuyện khá dài của Tướng Nguyễn Cao Kỳ vào
năm 2010 để có sự hiểu biết vô tư về nhân vật đặc biệt này. Nhất là những nhà
viết sử công minh rất cần tham khảo để phá vỡ những tuyên truyền đầy thiên kiến
do bọn đi làm Kháng Chiến bịp bợm lấy sự dối trá, lừa đảo làm mục đích mưu sinh
một cách bẩn thỉu.
https://www.youtube.com/watch?v=LeZx5h1Re8k&list=PL0F10CFD20C7FD8B2&index=28
Sau
khi nghe xong, mời quý vị đọc những lời bình của thính giả về bài nói chuyện
thì sẽ thấy rõ Tướng Nguyễn Cao Kỳ là nạn nhân bởi sự trả thù của một dân tộc bị
diệt chủng.
Những
bài viết tới, tôi sẽ trình bày những sự kiện lịch sử mà tôi cho rằng oan hồn
người Chàm đã dùng cộng sản làm công cụ để trả thù nòi giống Việt Nam.
Bằng Phong Đặng văn Âu, Ngày 10 tháng 8
năm 2022.
Địa chỉ Email: bangphongdva033@gmail.com
Địa chỉ nhà: 10200 Bolsa Avenue,
Westminster, CA.92683
Điện thoại: 714 – 276 – 5600
https://khongquanc130.blogspot.com/2022/08/khong-con-la-moi-nguy-co-bai-so-8-bang.html