Search This Blog

Saturday, July 16, 2022

THƯ GỬI ĐẠI TÁ KQ ĐÀO HUY NGỌC

 

THƯ GỬI CỰU ĐẠI TÁ KHÔNG QUÂN

ĐÀO HUY NGỌC, LIỆT LÃO.

Bằng Phong Đặng văn Âu.

Kính thưa anh Đào Huy Ngọc,

Anh là Chánh Văn phòng của cựu Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ. Anh biết nhiều chuyện trong nội bộ Không Quân và biết nhiều chuyện của một số chính trị gia, một số vị lãnh tụ tôn giáo, một số tướng lãnh khúm núm đến Phủ Thủ tướng để xin ân huệ của Thiếu tướng Kỳ. Từ ngày mất nước 30 tháng 4, nhìn thấy rõ bộ mặt thật của nhiều kẻ xu phụ, chịu ơn mưa móc của ông Kỳ mà nay tráo trở, anh viết bài “Giây Phút Nát Lòng” dưới bút hiệu Liệt Lão, rồi ra Hạ Uy Di sống thầm lặng để được yên thân như một nhà tu đắc đạo, không màng đến chuyện thị phi.

Em tôn trọng quyết định của anh. Còn em, trẻ hơn anh mười tuổi, em cảm thấy mình có bổn phận gìn giữ thanh danh Người Lính Việt Nam Cộng Hòa bằng cách lên tiếng chống lại bọn buôn thần bán thánh, bọn con buôn chính trị làm mất chính nghĩa của Miền Nam. Em bất chấp chuyện thị phi.

Khi ông Kỳ lên làm Tư lệnh Không Quân, ông lập ra ban báo chí để Không Quân góp tiếng nói với tờ báo Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Tên tờ báo là Lý Tưởng.

Sau năm 1975, Tướng Tư lệnh KQ Trần văn Minh ở San Jose cho ra lại tờ Lý Tưởng. Nhưng về sau, tờ báo tự ý đình bản vì thiếu người viết. Hội Không Quân tại Houston cử em phụ trách làm sống lại tờ Lý Tưởng và em đã phục vụ trong 10 năm liền. Trước hết, em đi tìm những cây bút của báo Lý Tưởng hồi còn trong nước để cộng tác. Chẳng hạn, nhà văn Mây Trời tức là Trung tá Trần Trung Chính, nhà văn Đào Vũ Anh Hùng … Em chấm dứt làm tờ Lý Tưởng, vì sau khi Ban Chấp hành Hội KQ Houston và Ban Biên tập đồng ý đăng bài Vàng Rơi Không Tiếc của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng thì bị Thành bộ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh khủng bố, đe dọa gây nên cái chết của anh Phạm Đặng Cường mà anh em sợ hãi, duy chỉ có một mình em tự bỏ tiền túi xuất bản tờ Thần Phong để hài tội côn đồ của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Trong tình cảnh anh em bỏ rơi mình vì sự hăm dọa của một anh Trung Úy Hải Quân Đặng Viết Nghị (Bí danh Đặng Quốc Việt), thì rõ ràng anh em không sống với câu hát trong bài Không Quân Hành Khúc “Ôi Không Quân danh tiếng muôn đời và ra đi không cần ai tìm xác rơi”! Là người nêu lên câu khẩu hiệu “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè” thì em phải sống cho xứng với khẩu hiệu đó.

Trước kia, em có hỏi tại sao Trung tướng không mời nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cộng tác với tờ báo. Đây là nguyên văn tướng Minh trả lời: “Tuy Đại tá Nguyễn Xuân Vinh là Tư lệnh KQ, nhưng ông mặn nồng với anh em đồng đội. Ở Mỹ lâu, có lẽ ông đã trở thành người Mỹ, vì ông không hề liên lạc, thăm hỏi bất cứ anh em Không Quân nào đến tỵ nạn tại Mỹ.” Nghe nói vậy, em thưa với ông Tư Lệnh: “Với chủ trương Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè, tôi xin phép ông Tư Lệnh cho tôi được mời cựu Đại tá Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cộng tác với tờ báo mà anh em ở Houston yêu cầu em phụ trách”. Thật ra em không nhất thiết xin phép Tư Lệnh Trần văn Minh để mời nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cộng tác, nhưng vốn con nhà gia giáo thì phải biết kính trên nhường dưới để chứng tỏ nước đã mất, nhưng không phải là cái thứ “cá mè một lứa”!

Trước khi lên đường ra căn cứ Không Quân Nha Trang thụ huấn quân sự, khóa của tụi em tập họp tại sân Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc để nghe huấn lệnh của Tư Lệnh Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Đó là lần đầu tiên em được giáp mặt nhà văn Toàn Phong. Không ngờ vị Tư Lệnh Không Quân, tác giả cuốn Đời Phi Công mà lại có vóc dáng nhỏ thó đến như vậy và giọng nói lí nhí dù cố vểnh tai lắng nghe ông nói cũng chẳng hiểu được ông nói cái gì.

Thú thực với anh Ngọc rằng vì mang tính nghệ sĩ lãng mạn, nên khi lái xe đưa thằng bạn cùng học ở Đại học Khoa Học Sài Gòn vào Tân Sơn Nhất, thấy nó điền đơn gia nhập Không Quân, thì em cũng điền đơn. Kỳ thực, trước đó em chẳng bao giờ nghĩ đến gia nhập Quân Đội, vì sống trong xã hội trọng văn khinh võ, thì mình phải có mảnh bằng Đại Học để người đời không coi thường. Vả lại, trong gia tộc mình ai nấy đều có bằng cấp Đại Học, thì lại càng không thể bỏ đi lính. Đó là tâm lý cổ hũ của con nhà gia thế. Trong cuốn Đời Phi Công, tác giả Toàn Phong tả buổi tiệc của một gia đình trưởng giả có máu mặt, người khách nào cũng tự giới thiệu chức phận bác sĩ, kỹ sư, giáo sư Đại Học. Đến phiên, tác giả Toàn Phong tự giới thiệu với mọi người: “Tôi là người phi công của Đất Nước”. Nghe qua có vẻ khiêm tốn, nhưng hàm chứa một niềm kiêu hãnh. Hơn nữa, có lần nghe các sĩ quan Không Quân đi tuyển mộ khoe: “Không Quân là một ngành học uyên bác, một kiếp sống hải hồ, một cuộc đời ngang dọc” thì còn chờ đợi gì nữa mà không gia nhập? Vậy Không Quân đâu phải là cái thứ Khố Xanh, Khố Đỏ thời đại vua chúa?

Xin thưa với anh Ngọc rằng vì tự hào mình là “Người phi công của Đất Nước” nên em là một người lính rất tuân thủ kỷ luật, không đến các tiệm nhảy đầm cậy thế mình nhà binh say sưa, đánh lộn để làm xấu hình ảnh Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Khi tham gia Cầu Không Vận gồm 16 chiếc Dakota tiếp tế gạo cho tỉnh Ban Mê Thuột bị bão lụt, ông Chỉ huy trưởng lấy tên chiến dịch là “Kỳ-Duyên-Mai” (tên của ông Tướng Tư Lệnh, con và vợ ghép lại) em đứng lên phản đối ngay. Tại sao không lấy tên một vị anh hùng trong lịch sử để đặt tên chiến dịch, mà lại lấy tên Kỳ Duyên Mai? Làm như thế thì Việt Cộng có cớ tuyên truyền Quân chủng Không Quân đánh giặc cho gia đình ông Kỳ. Em nghĩ vậy có đúng không anh Ngọc? Một số người tham dự chiến dịch như Thiếu tá Nguyễn Uông, Thiếu tá Nguyễn Mộng Khôi là những chứng nhân còn sống, chứ đâu phải em bịa chuyện để nổ?

Ngày hôm sau được lệnh lên Văn phòng Tư Lệnh trình diện. Dọc đường đi, em tự nghĩ thầm: “Cùng lắm thì bị đổi sang Bộ Binh. Việc gì phải sợ?” Được người sĩ quan tùy viên mở cửa cho vào phòng trình diện Tư Lệnh, tôi thấy “Tướng Râu Kẽm” ngồi uy nghi sau chiếc bàn thật lớn, em làm thủ tục chào kính, xưng danh tánh, số quân. Ông Tướng đứng lên, tiến đến gần, bắt tay và nói: “Cậu xứng đáng là học trò Trường Chu văn An.” Em định cải chính em là học sinh trường Quốc Học Huế, nhưng biết ông Tư Lệnh của mình là cựu học sinh Chu văn An, nên em im lặng, không cãi chính. Từ giây phút đó, em rất cảm phục phong cách của ông Tư Lệnh, vì mình chống lại cái tên chiến dịch “Kỳ-Duyên-Mai” mà không bị ông đì. Tuy em chỉ bay một phi vụ huấn luyện với Tướng Kỳ khi ông làm Chỉ Huy trưởng Liên Phi Đoàn Vận Tải, nhưng em vẫn kính trọng ông là Người Thầy ở cái phong cách đối xử với đàn em.

Mất nước, ra hải ngoại, em vẫn cố nhớ mình là “Người Phi công của Đất Nước”, nhất định phải làm một cái gì cho Tổ Quốc để không mang tiếng là “kẻ tha phương cầu thực” hay “giá áo túi cơm”. Bởi thế, em mới liên lạc một số anh em Vùng Hoa Thịnh Đốn thành lập Ủy Ban Tranh Đấu Nhân Quyền Cho Việt Nam, gồm có một số gương mặt tên tuổi lãnh đạo tôn giáo, chính trị, Tướng lãnh như: Thượng tọa Giác Đức, Linh mục Trần Duy Nhất, ông Hà Thúc Ký (nguyên Chủ Đảng Đại Việt Cách Mạng, Nghị sĩ Đoàn văn Cầu, Dân biểu Nguyễn văn Kim, Bộ trưởng Tài chánh Châu Kim Nhân, Cụ Đổng Lý Bộ Xã Hội Chữ Ngọc Liễn (thân sinh nhà báo Chữ Bá Anh), Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Tham vụ Ngoại giao Luật sư Lê Chí Thảo, Luật sư Đỗ Đức Hậu, bà Lê Thị Anh (đại diện Hòa Hảo). Về phía Quân đội thì có Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn (Tỉnh trưởng Tuyên Đức), Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn văn Phán và em. Đặc biệt cụ bà Đức Thụ cao niên nhất, bạn đồng chí với bà Cả Tề cũng tham dự buổi họp do lời mời của em. Vào năm 1976, liên lạc một số nhân vật tên tuổi như vừa kể trên, đâu phải dễ dàng? Người đứng ra mời ít nhất phải có tư cách như thế nào thì họ mới nhận lời tham dự chứ, phải không anh Ngọc?

Nhờ lập ra Ủy Ban Tranh Đấu Nhân Quyền cho Việt Nam, em mới biết trong Hải Quân có ông Phó Đề đốc tên là Hoàng Cơ Minh. Sau khi nghe em thuyết trình lý do nào chúng ta cần phải tập hợp nhau để yêu cầu Chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter đòi hỏi bọn Việt Cộng phải tôn trọng quyền làm người cho dân tộc Việt Nam, vì ông Jimmy Carter đang sử dụng sách lược Nhân Quyền để chống chủ nghĩa cộng sản.  Sau buổi họp, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh mới đứng gần bên em và nói: “Tôi tưởng cậu là phi công bay bướm, chỉ biết lái máy bay, không ngờ cậu cũng khá giỏi về nhận thức chính trị”. Em cám ơn lời khen của ông Tướng Hải Quân, nhưng trong lòng thầm nghĩ mấy ông Tướng thường cho rằng sĩ quan cấp dưới không thể có suy nghĩ (tư duy) bằng mấy ông Tướng được.

Hình như nghiệp chướng của dân tộc, anh Ngọc ạ! Ủy Ban Tranh Đấu Nhân Quyền cho Việt Nam tổ chức vài cuộc biểu tình trước White House tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại New York được vài lần thì “anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thể. Đã quyết không mong sum họp mãi. Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?”. Ông Hoàng Cơ Minh đi làm Kháng Chiến, thế là Ủy ban Tranh Đấu Nhân Quyền cho Việt Nam tự động tan rã.  Anh Hoàng Cơ Minh thường tới nhà em mỗi đêm, ăn mì gói, uống trà, hút thuốc lá và bàn chuyện cứu nước. Em nói với anh Minh cần nỗ lực xây dựng Cộng Đồng để giữ phòng tuyến phi cộng sản cuối cùng trên đất Mỹ. Khoan hãy nghĩ đến chuyện giải phóng Việt Nam bằng cuộc cách mạng vũ trang. Anh Minh nói: “Con có khóc thì Mẹ mới cho bú. Mình phải tự làm một cái gì trước, thì mới mong Hoa Kỳ ra tay giúp mình”. Em trả lời: “Đối với người Mẹ thương con thật lòng, thi câu anh nói là đúng! Nhưng gặp bà Mẹ đã ném con đi, để theo trai, thì anh trông đợi được gì?” Rất nhiều đêm anh Minh và em tranh luận với nhau, tốn rất nhiều bao thuốc lá, bao nhiêu ấm trà, nhưng không đi tới đâu, vì em vẫn giữ lập trường phải xây dựng phòng tuyến của chúng ta trước, đừng cho Việt Cộng xâm nhập. Cuối cùng anh Minh nổi cáu, phán một câu xanh dờn: “Cậu chỉ giỏi lý thuyết, không dám dấn thân!” Em cũng nổi cáu và đáp trả: “Được rồi, anh cứ việc cho tôi là thằng hèn, chết nhát, không dám dấn thân. Nhưng xin anh đừng quên tôi từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, tôi không phải là thứ lính kiểng. Nếu anh không nghe lời tôi, anh vẫn tiến hành cuộc cách mạng vũ trang, anh sẽ trở thành thảo khấu!” Từ đó chúng tôi chia tay. Và kết quả Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh trở thành thảo khấu, giống như ông đã tâm sự với Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa!

Thưa anh Đào Huy Ngọc.

Lén lút chui vào các tổ chức Chống Cộng là ngón nghề của Việt Cộng. Cho nên, em đã cùng một số anh em tại Houston bàn tính nhau thành lập Hội Văn Hóa Khoa Học để truyền đạt cho những trí thức trẻ Việt Nam hiểu thủ đoạn, âm mưu của Việt Cộng nhằm giúp họ tránh khỏi sự dụ dỗ của Việt Cộng. Anh Nguyễn Ngọc Bảo làm việc tại NASA được những anh em trí thức trẻ bầu làm Hội Trưởng Nhóm. Anh em tổ chức buổi ra mắt Nhóm tại Houston và em đích thân mời Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh làm “keynote speaker”. Em đề nghị anh em trong Nhóm dành cho Giáo sư Vinh một sự ngạc nhiên bằng cách chọn ngày 1 tháng 3 là ngày sinh nhật của Giáo sư để ra mắt. Cuối buổi họp, chiếc bánh sinh nhật được dọn ra trước sự cảm động và ngạc nhiên của Giáo sư Vinh. Thử hỏi trong những người anh em Không Quân, đã có ai đối xử với vị Cựu Tư lệnh của mình với đầy đủ tình nghĩa như thế?

Em mời Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh giữ chức Chủ tịch Hội Văn Hóa Khoa Học tại Houston làm hạt nhân và dần dần phát triển Nhóm hiện diện trên các Tiểu bang Hoa Kỳ và Thế Giới. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vừa là Tiến sĩ Toán, dạy Đại Học Hoa Kỳ và vừa là nhà văn được giải thưởng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngoài Giáo sư Vinh ra, đâu còn ai xứng đáng hơn để giữ vai trò Chủ tịch Hội Văn Hóa Khoa Học? Thế nhưng Giáo sư Vinh từ chối mà chẳng nêu lên lý do gì mà không nhận lời.

Năm 2003, em được tin đảng Việt Tân muốn mời một ông Tướng làm Chủ tịch Tập thể Chiến sĩ VNCH. Các ông Tướng ở vùng San Jose, bản doanh của băng đảng Việt Tân, như Tướng Bùi Đình Đạm, Tướng Lâm Quang Thi, Tướng Nguyễn Khắc Bình … đề nghị cử Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, vừa là cựu Tư Lệnh KQ, vừa là người không dính líu đến nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa thì tiện việc sổ sánh hơn. Em biết việc thành lập Tập thể Chiến sĩ là âm mưu của Việt Tân, muốn biến các cựu Quân nhân thành các cơ sở ngoại vi của Việt Tân. Em liền gọi cho Giáo sư biết để đừng nhận lời. Em nói với Giáo sư Vinh: “Anh rời Quân Đội đã lâu, nên anh không hiểu tâm lý của anh em cựu Quân nhân bằng em đâu! Nếu anh mà nhận lời, thì em bảo đảm với anh rằng sẽ không làm được việc gì cả đâu!” Câu nói ý nhị của em là ngầm nói cho ông Vinh hiểu ông là người được Tổng thống Ngô Đình Diệm cho sang Mỹ để lấy bằng Tiến sĩ về giúp nước. Nhưng học thành tài, ông làm đơn xin Chính phủ Mỹ ở lại Mỹ để hành nghề dạy học. Nước Mỹ vốn trọng nhân tài, chấp thuận đơn xin của Giáo sư Vinh là điều dễ hiểu. Nhưng đứng về phương diện chính đáng, Quốc gia Việt Nam cần nhân tài hơn Mỹ, mà Giáo sư xin ở lại Mỹ, tức là Giáo sư là Người Lính Đào Ngũ.

Nếu Giáo sư Vinh là người tha thiết với Quân Đội thì ông phải là một “activist” đấu tranh với Chính phủ Hoa Kỳ để buộc Hà Nội thả những anh em Quân Nhân bị Việt Cộng đưa vào Trại Tập Trung (Concentration Camp) và thường xuyên đến sinh hoạt với các Hội đoàn Quân Đội, thì dù ông có quá khứ đào ngũ đi nữa, anh em Cựu  Quân Nhân sẵn sàng quên đi cái quá khứ của ông. Ngược lại, bỗng nhiên Giáo sư Vinh trở thành Chủ tịch Tập thể Chiến sĩ thì ai cũng thấy ông được một tổ chức ẩn danh dọn mâm cỗ cho ông xơi.

Ông Nguyễn Xuân Vinh nhận chức Chủ tịch Tổng Hội Chiến sĩ, mặc dầu em đã khuyến cáo cho ông biết đó là tổ chức Ngoại vi của Việt Tân. Để thử lại bài toán, em gọi điện thoại đề nghị Tập thể Chiến sĩ phải có một tờ báo để làm cơ quan ngôn luận nhằm chống lại Nghị Quyết 36 của Việt Cộng và chống lại thủ đoạn chia rẽ Cộng Đồng của băng đảng Việt Tân. Nếu ông Chủ tịch Tập thể Chiến sĩ đích thực là người Chống Cộng và quan tâm đến sự đoàn kết Cộng Đồng thì phải nghe theo lời đề nghị hữu lỳ của em, vì đó là việc chính đáng cần làm và có thể làm để chống lại âm mưu chia rẽ Cộng Đồng và bộ máy tuyên truyền của Việt Cộng. Với một cơ quan ngôn luận do những người đứng đắn, yêu lý tưởng tự do dân chủ điều hành, chắc chắn sẽ gây lại Niềm Tin nơi quần chúng và đặc biệt là giới trẻ. Nhưng Giáo sư Vinh không làm, vì Việt Tân đâu có cho phép ông làm điều đó?

Cuối năm 2017, Khóa 14 Võ Bị Đà Lạt kỷ niệm 60 năm nhập ngũ, tổ chức họp mặt. Em được Trung tá Cao Xuân Lê mời tham dự. Tự nhiên Thiếu tướng Lê Minh Đảo tới bàn em ngồi với Trung tá Cao Xuân Lê và đưa tay chào em theo lối nhà binh. Em vội đứng lên đáp lễ. Thiếu tướng Lê Minh Đảo nói: “Anh từng đọc nhiều bài viết của em và đặc biệt những bài em phản bác Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Anh chịu em lắm! Không ngờ em có mặt trong buổi tiệc này, anh phải đến chào em!” Từ sau buổi đó, Tướng Đảo thường xuyên gọi điện thoại thăm em. Rất buồn khi được tin Tướng Lê Minh Đảo qua đời.

Thưa anh Đào Huy Ngọc,

Em không cần biết ai nghĩ gì, nói gì về ông Tướng Lê Minh Đảo, nhưng qua cung cách người đàn anh đến chào thằng lính đàn em thân tình như thế là một niềm vinh dự. Tướng Đảo nói tiếp: “Nếu anh sang Mỹ mà gặp em sớm, thì anh không bao giờ tham gia Tập thể Chiến sĩ”. Nhiều cựu sinh viên Khóa 14 Võ Bị đứng chung quanh Tướng Đảo đều nghe câu nói đó.

Khi ra trường ở Pháp về, ba nhân vật được đảm trách vị trí Chỉ Huy đơn vị Không Quân do Thực dân Pháp trao lại vào ngày 1 tháng 7 năm 1955, là ông Huỳnh Hữu Hiền làm Chỉ huy trưởng Phi đoàn I Khu trục, ông Nguyễn Ngọc Loan làm Chỉ huy trưởng Phi đoàn I Quan sát và ông Nguyễn Cao Kỳ làm Chỉ huy trưởng Liên Phi đoàn 43 Vận tải, gồm 2 Phi đoàn 413 và Phi đoàn 415. Riêng Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, chẳng biết vì lý do gì, khi ra trường chỉ được đeo cấp bậc Chuẩn Úy, còn tất cả sinh viên sĩ quan Khóa I Nam Định hay Khóa I Thủ Đức ra trường, đều mang lon Thiếu Úy. Cho nên, sau khi học xong nghề lái máy bay ở Marrakech về nước, ông Nguyễn Xuân Vinh được đổi ra Nha Trang làm huấn luyện viên loại máy bay Morane-500 do Thực dân Pháp để lại. Trường Không Quân Salon chỉ dạy địa huấn, còn sinh viên nào muốn trở thành phi công, thì phải sang trường bay Marrakech ở Morocco thụ huấn.

Thiếu tá Đỗ Mậu làm Quân Trấn trưởng thị xã Nha Trang, một đảng viên cao cấp đảng Cần Lao, thường tổ chức các buổi học tập về chủ nghĩa Cần Lao Nhân Vị của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Giáo sư Vinh tìm cách tiếp cận với ông Đỗ Mậu. Nhờ sự khôn khéo, Giáo sư Vinh gia nhập đảng Cần Lao và được ông Đỗ Mậu tiến cử với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Máy bay Morane-500 nhẹ hơn chiếc máy bay L-19. Thế mà Giáo sư Vinh dạy học trò, đập 2 chiếc, nên Thiếu tá Nguyễn Ngọc Oánh, Chỉ huy trưởng Căn Cứ Nha trang kiêm Chỉ huy trưởng trường huấn luyện phi hành đề nghị chuyển ông Vinh sang dạy địa huấn thay vì dạy bay.

Nhờ là đảng viên Cần Lao, tỏ ra rất trung thành với Tổng thống Diệm, nên đường công danh của ông Vinh thăng tiến một cách nhanh chóng. Ngành bay thì phải bay giỏi, làm con chim đầu đàn (Tư lệnh), thì thuộc cấp mới nể nang. Giống như một anh Y tá nhờ phe đảng mà lên làm Giám đốc Bệnh Viện thì chẳng ai coi ra gì. Hồi Ký của Tướng Đỗ Mậu viết: “Ông Nguyễn Xuân Vinh khi được vinh thăng Đại tá thì mang cặp lon đến tư gia ông Đỗ Mậu, nhờ chính tay ông Đỗ Mậu gắn cặp lon Đại tá lên đôi vai mình để bày tỏ lòng biết ơn! Sự khéo léo ứng xử với “ân nhân” như vậy, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh xứng đáng được ghi vào lịch sử. Sau khi xảy ra vụ phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ném bom Dinh Độc Lập, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đem cả ban nhạc Không Quân với trống kèn và nhân viên Bộ Tư Lệnh ra Bến Bạch Đằng làm lễ tạ tội Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng Tổng thống Diệm vẫn không coi Đại tá Nguyễn Xuân Vinh có khả năng chỉ huy Quân Chủng Không Quân. Tự biết mình bị thất sủng, Đại tá Nguyễn Xuân Vinh xin Tổng thống đưa vợ con ra nước ngoài du học. Có ai được đặc ân lạ kỳ như ông Vinh đi du học mà được đem theo cả vợ con? Nếu Giáo sư Vinh sau khi thành tài, ngoài việc đi dạy học, ông dành thời giờ đi diễn thuyết tại các Đại Học, giải thích vì sao dân Miền Nam phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản, thì dù ông đào ngũ vẫn còn có lý do chính đáng để bào chữa.

Chủ tịch Tập thể Nguyễn Xuân Vinh rất coi khinh anh em lính tráng, khinh chức vụ Tư Lệnh Không Quân, vì dưới mỗi văn thư ông ký, ông đều xưng danh Giáo sư. Em đã viết thư nhắc nhở ông Vinh về việc Tướng De Gaulle sau khi lên làm Tổng thống vẫn mang lon Thiếu tướng. Ông Nguyễn Cao Kỳ sau khi làm Thủ tướng vẫn mang lon Thiếu tướng, thăng chức Tổng Tham Mưu trưởng và gắn lon Đại tướng cho Trung tướng Cao văn Viên đấy thôi! Và Muammar Gaddafi, Tổng thống nước Lybia vẫn mang lon Đại tá đấy thôi.

Năm 1948, Hoa Kỳ giúp Do Thái lập quốc. Nhà bác học Albert Einstein được dân Do Thái mời về làm Tổng thống, nhưng nhà bác học từ chối vì biết mình không có khả năng lãnh đạo. Einstein giới thiệu ông David Ben Gurion làm Tổng thống thì nước Do Thái mới mạnh như ngày nay. Em góp ý xây dựng với giáo sư Nguyễn Xuân Vinh không phải ghét bỏ hay chống đối gì ông. Em chỉ muốn Tập thể Chiến sĩ không chỉ biết mặc quân phục, kéo cờ lên, hạ cờ xuống, phủ cờ, xếp cờ như nhà báo Sức Mấy Đinh Từ Thức, ông vua viết phiếm, chế giễu Quân Đội của mình thôi. Em nghĩ nếu mình có ác ý thì mới im lặng, mặc kệ cho ông Tư lệnh bêu riếu Quân Đội để thiên hạ cười chơi. Nhưng vì tự hào mình đã đóng góp xương máu thì không thể lạnh lùng quay mặt đi trước sự kiện không làm gì của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Đó là thái độ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm và danh dự mà bất cứ Quân nhân nào đều phải làm. Sống trong thời đại mặc áo thụng vái nhau, người ta ưa vinh danh thì mình chỉ đành đứng ngó thôi!

Vừa rồi bà Nguyễn Khoa Diệu Quyên, vợ của nhạc sĩ Trúc Hồ chủ hệ thống truyền hình SBTN, làm tiệc vinh danh Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, em thấy có nhiều Cụ đầu đã bạc tiến đến xoa chân nắn tay ông Cựu Tư Lệnh của mình bằng thái độ hết sức cung kính. Em mừng lắm, vì ông Tư Lệnh đã cao tuổi mà vẫn giữ được bộ mặt tươi cười đón nhận lời chúc tụng. Khi nghe tin ông Nguyễn Thượng Vũ báo Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã bị đưa vào “Hospice” thì em đã dâng lời cầu nguyện cho ông tai qua nạn khỏi để còn được hưởng nhiều lần vinh danh của thiên hạ! Em không chủ ý nói xấu Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Em chỉ muốn nói với anh em Không Quân rằng Quân Chủng của VNCH đã có một vị Tư Lệnh như thế để ... đừng buồn!

Em xin gửi đến anh Ngọc bài thơ em làm đề cao Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đăng trên Giai phẩm Lý Tưởng do em phụ trách. Có một số độc giả chê em “lấy điểm” thượng cấp. Thế đấy! Cái lưỡi nói xuôi cũng được, mà nói ngược cũng xong!

THƯ GỬI BẠN

Bằng Phong Đặng văn Âu


Vũ ạ! Ngày xưa bọn chúng mình

Đứa trường Quốc học, đứa Bình Linh.

Trường ta công lập, ngươi trường Đạo,

Ta đọc thơ Kiều, ngươi đọc Kinh.

Chúng ta khắng khít trong tình bạn

Hôm sớm chăm lo việc học hành.

Lớn lên hai đứa, hai đường chọn:

Sư Phạm ngươi vào, ta nghiệp binh.

Ta biết ngươi thường yêu đám trẻ

Và mơ cuộc sống thật an bình.

Còn ta là đứa đầy sôi nổi

Không thể chôn đời nơi Đế Kinh.

Ta muốn phong trần như tráng sĩ,

Giang hồ nối bước Nguyễn Xuân Vinh.

Người yêu ta cũng tên là Phượng

Là cõi Không Gian thật hữu tình.

Trên đó mây trời căng gió lộng

Ngàn sao vũ khúc nhạc lung linh.

Ta đã yêu nàng như Tổ Quốc

Hề chi một chút tấm thân mình!

Ta vượt bao lần qua vỹ tuyến.

Quyết diệt tiêu tan bọn giả hình.

Ngươi hiểu lòng ta hơn hết thảy.

Ta nào khao khát việc đao binh,

Chẳng qua  sinh phải thời tao loạn,

Cưỡng được làm sao luật tiến trình?

Nhớ đến một lần về lại Huế

Thăm ngươi ta kể chuyện linh tinh

Những chuyến bay trên vùng đất địch

Ngươi đã cười ta giọng rẻ khinh!

Ngươi cho ta chạy theo hư ảo,

Giết người, xây đắp mộng công khanh!

Ta biết tính ngươi ưa triết lý,

Ưa ngồi vơ vẩn nghĩ loanh quanh.

Mẫu người lý tưởng trong sách vở

Rất hợp thời trang buổi thái bình.

Ngươi không thèm biết ai gây hấn,

Ai đã gieo mầm mống chiến tranh?

Ta cảm thương ngươi khôn kể xiết

Nhưng làm sao nói? Chỉ làm thinh!

Ngày kia ta đọc tin trên báo

Ngươi dẫn sinh viên xuống biểu tình

Khẩu hiệu hô hào nghe thật giống

Những lời yêu mị lão già Minh.

Vũ ơi! Ai đã làm ngươi khác

Từ một anh chàng của sử kinh

Một kẻ suốt đời yêu bóng mát

Dưới thuyền, trên bến, ánh trăng thanh,

Mà nay ngươi bỗng vung tay quát

Đòi Thiệu-Kỳ thôi cuộc lửa binh?

Đơn phương đòi Mỹ ngưng oanh tạc

San bằng tất cả Tổng Hành Dinh!

Rồi Tết Mậu thân quân giặc đến

Ngươi đã reo hò đón quỷ tinh

Bao nhiêu bằng hữu trong trường cũ

Ngươi nỡ đang tâm xử tử hình

Chôn sống bao người dân ốm đói

Ngươi cho rằng đó nhục hay vinh?

Bữa trước người cười ta khát máu

Hôm nay huynh đệ bất lưu tình.

Ngươi trả lời sao câu hỏi đó?

Cứu cánh gì đây để biện minh?

May nhờ Quân Đội ta uy dũng

Đánh đuổi xâm lăng khỏi thị thành

Tất tả ngươi chuồn theo lũ cướp,

Bưng biền chui rúc giống đào binh.

Mẹ ngươi đau khổ qua đời sớm

An táng ta lo chỉ một mình

Tội nghiệp cảnh nhà đơn chiếc quá

Mà ngươi sao nỡ dứt cho đành?

Ngươi tưởng ngươi đang làm cách mạng?

Quên nhà, quên nước, chỉ hy sinh

Cho cái chủ trương đầy lệ máu!

Phá tan nền tảng của gia đình.

Năm bảy mươi lăm ngươi chiến thắng.

Ta thành một kẻ sống lênh đênh

Lòng ngươi chắc hẳn vui mừng lắm,

Mở tiệc liên hoan nhảy dập dình?

Ngươi được phong hàm to lắm nhỉ

Hay là đi xuống cảnh cùng đinh?

Hôm qua ta được thư ngươi viết

Từ đảo Ga-lăng kể sự tình:

Đất Nước từ khi quân giặc đến

Nối liền thống khổ đến điêu linh

Người dân nghèo khó hơn thời trước,

Ai nấy đều căm nỗi bất bình!

Tự do, Độc lập không còn nữa

Trại tù như nấm chốn Thần Kinh!

Ngươi đã ăn năn và hối hận

Dại khờ theo gót bọn yêu tinh

Ngươi bảo phen này thề chêt sống

Nhất quyết phanh thây quỷ hiện hình.

Ta mừng ngươi đã mau bừng tỉnh.

Dẫu đã mười năm qua thật nhanh.

Tuy trễ còn hơn đang ngụp lặn

Với loài quỷ đỏ máu hôi tanh.

Anh em ta sẽ bắt đầu lại

Nhắm hướng Trường Sơn hãy tiến hành

Dựng lại ngọn cờ trên Tổ Quốc

Nền vàng Sọc đỏ thắm nguyên trinh.

Nào hãy cùng ta nâng chén rượu,

Vỗ gươm mà hát khúc bình sinh!

 

Bằng Phong Đặng văn Âu

Bài đăng trên Giai phẩm Lý Tưởng KQ vào tháng 7 năm 1985 sau khi biết tin thằng bạn đã phản tỉnh đến đảo Ga-lăng.

https://khongquanc130.blogspot.com/2022/07/thu-gui-ai-ta-kq-ao-huy-ngoc.html

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.