Search This Blog

Tuesday, April 9, 2024

CHỦ NGHĨA MÁC HỎNG TỪ GỐC RỄ - HÀ SĨ PHU

 

CHỦ NGHĨA MÁC LÊ HỎNG TỪ GỐC RỄ !

Hà Sĩ Phu.

(LÝ THUYẾT MÁC-LÊ XUẤT PHÁT TỪ NHỮNG NHẦM LẪN, PHẢN TIẾN HÓA). Ước gì TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG giành 15 phút đọc bài này !

   Xin không bàn về những lý thuyết thuần túy Triết học của Marx, mặc dù Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử Mác-xít cũng có những điều rất cần phải tranh luận về mặt Triết học. Điều có ý nghĩa thực tế cần thiết cho xã hội ở đây là chỉ xét những “lý sự” gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin được dùng làm kim chỉ nam chỉ đạo mọi chủ trương của Đảng Cộng sản, những điều đã thành nhận thức phổ thông, tuyên truyền phổ cập ai cũng biết. Hiện nay về lý thuyết cũng như thực tiễn Cộng sản tuy có những biến đổi để hòng thích nghi nhưng bản chất chủ thuyết căn bản vẫn không có gì thay đổi.

Trong bài Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức (2012, đăng trên trang mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài) tôi đã kể qua 9 điều “nhầm lẫn nhỏ” (mà các Cụ nhà ta thường dùng chữ rất hay là “bé cái nhầm”) của Mác-Lênin khi dựng một học thuyết cao siêu và vĩ đại. Ở đây chỉ xin nhắc lại năm điều nhầm lẫn quan trọng nhất.

1/ MÁC-LÊNIN HIỂU NHẦM VỀ THỜI ĐẠI MÀ CÁC ÔNG ĐANG SỐNG.

     Tại sao có thể nói các nhà Mác-xít kinh điển đã “đọc nhầm” thông điệp của Thời đại?

Thế kỷ 18-19 và đầu thế kỷ 20 là thời kỳ phôi thai bột phát của nền văn minh Công nghiệp, vừa đem lại những thành quả nhảy vọt nhưng đồng thời cũng tạo ra những tai họa nhất thời mà lúc đầu chưa có phương án chế ngự, đó là sự áp chế của một số chủ Tư bản đối với Công nhân và sự áp chế của các nước đại công nghiệp đối với các nước còn lạc hậu cổ hủ, sự áp chế được gọi là Chủ nghĩa Đế quốc và Chủ nghĩa Thực dân.

     Chủ nghĩa Đế quốc-Thực dân ấy thực ra chỉ là bước chập chững, loạng choạng, hăm hở chào đời của một “đứa hài nhi” sẽ thành khổng lồ, nhưng Mác-Lê tưởng “Chủ nghĩa Đế quốc là giai đoạn tột cùng của Chủ nghĩa Tư bản”! Đã là “giai đoạn tột cùng” rồi thì tất nhiên là già nua sắp chết, nên phải nghĩ ngay ra một Chủ nghĩa mới để thay thế, trước mắt là huy động “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” để đào mồ chôn nó đi! Nhưng rồi theo thời gian đứa hài nhi có gien khổng lồ ấy “cứ giãy mãi mà không chết”, ngày càng trưởng thành và sửa chữa những điều ấu trĩ của mình, còn cái chủ nghĩa với đội quân đi “đào mồ chôn” nó thì cứ huênh hoang vô địch nhưng bỗng lăn ra chết ngay tại quê hương của mình, mà chẳng thấy giãy giụa gì.

2/ MÁC-LÊNIN HIỂU NHẦM LỊCH SỬ, TƯỞNG LỊCH SỬ CHỈ LÀ MỘT CHUỖI ĐẤU TRANH GIAI CẤP, VÀ COI ĐẤU TRANH GIAI CẤP LÀ ĐỘNG LỰC CỦA TIẾN HÓA.

     Theo Mác, Lịch sử là một chuỗi những cuộc đấu tranh giai cấp, với tư cách là động lực của Tiến hóa (trích: Giai cấp bị trị và giai cấp thống trị luôn đối kháng nhau về quyền lợi nên sinh ra đấu tranh giai cấp. Nô lệ chống chủ nô làm chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã. Nông dân chống địa chủ phong kiến làm chế độ phong kiến tan rã. Giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ…… Kết quả cuối cùng của những cuộc đấu tranh đó đều dẫn tới sự ra đời của phương thức sản xuất mới thông qua đỉnh cao của nó là những cuộc cách mạng xã hội).

Mác nhìn lịch sử Tiến hóa của nhân loại như một chuỗi những đoạn đứt khúc do các cuộc Cách mạng, dùng bạo lực lật đổ nhau để tạo ra thể chế mới và mỗi lần như thế làm cho xã hội tiến hóa lên một bước mới. Đó là quan điểm Chính trị Mác-xít xuất phát từ Chủ nghĩa Kinh tế (khi hạ tầng Kinh tế thay đổi thì thượng tầng Chính trị cũng thay đổi theo).

Nhưng trên quan điểm khoa học thì phải hiểu sự Tiến hóa như thế nào?

Trước hết, trong thế giới động vật, Tiến hóa là sự chọn lọc tự nhiên trong đấu tranh sinh tồn, đấu tranh giữa sống và chết, do đó cơ thể phải biến đổi để thích nghi. Động vật thích nghi với điều kiện sống chỉ bằng chính cơ thể của nó, loại cơ thể nào không biến đổi được để thích nghi thì bị tiêu diệt. Tiến hóa để lại dấu ấn trên cấu tạo cơ thể và do đó cũng thay đổi các tập tính.

      Nhưng sự Tiến hóa của con người, sống thành xã hội, thì khác hẳn:

Do có TRÍ TUỆ, là sự phát triển cao nhất của Sinh giới, nên hình thành tiếng nói và chữ viết để ghi lại những thành quả của thế hệ trước để thế hệ sau tiếp tục “ngồi lên vai” mà tiến cao hơn. Sự tích lũy và gia tăng của Trí tuệ để lại dấu ấn trong sách vở, trong công cụ lao động và cả trong phương thức quản lý-điều hành xã hội. Con người thích nghi với môi trường bằng những công cụ và những phương tiện do Trí tuệ và lao động của mình tạo ra, nên cấu tạo cơ thể không cần thay đổi mà cả xã hội vẫn tiến hóa ngày một cao hơn.

     Như vậy, sự tích lũy và gia tăng Trí tuệ, tức động lực của Tiến hóa, xảy ra có tính liên tục, và có sự cộng tác, hiệp lực với nhau trong xã hội, cho dù vẫn còn mâu thuẫn với nhau về quyền lợi. Còn sự Đấu tranh giai cấp cũng chỉ là một mặt trong sinh hoạt xã hội, đấu tranh giai cấp bằng các cuộc Cách mạng như thế là những bước gián đoạn, có thể thúc đẩy sự Tiến hóa nhưng cũng có khi làm hại cho Tiến hóa (cuộc đấu tranh giai cấp, một mất một còn trong Cải cách ruộng đất và trong Cải tạo Tư bản tư doanh của xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản chỉ huy là một ví dụ làm hại cho Tiến hóa, biến Việt Nam từ một xã hội có đoàn kết nhân ái và có tiềm năng phát triển biến thành một xã hội đầy thù hận và “không chịu phát triển” như bấy lâu nay).

3/ MÁC-LÊNIN TƯỞNG NHẦM VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA MÌNH, NÊN ĐOẠN TUYỆT VỚI CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG, KHÔNG ĐI TIẾP CON ĐƯỜNG VĂN MINH CỦA NHÂN LOẠI.

     Do tiếp nhận được tinh thần “vạch đường cho nhân loại, cải tạo cả nhân loại” của chủ nghĩa Mác-Lê cực đoan và ngạo mạn, nhà thơ mê tín Cộng sản Tố Hữu đã có những câu thơ để đời ca ngợi Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga như sau:

Thuở Anh [Cách mạng tháng Mười] chưa ra đời,

Trái đất còn nức nở,

Nhân loại chửa thành người.

     Người Cộng sản coi cả nhân loại này không đáng là người khi chưa được Mác-Lê dẫn lối. Họ muốn xóa sạch loài người cũ không đáng là người, để nhận trách nhiệm lịch sử dựng một loài người mới cho xứng đáng là người ư? Ngông cuồng đáng khôi hài đến thế là cùng!

    Về quản lý xã hội thì Mác-Lê coi mọi Nhà nước xưa nay chẳng qua là công cụ để bóc lột người lao động, nên phải tiến tới làm cho nhà nước tiêu vong đi để cho giới lao động trực tiếp làm lấy việc quản lý. Thế là không thèm hiểu về sự phân công xã hội. Cũng do không thèm hiểu về sự phân công xã hội nên mới coi giai cấp công nhân, giai cấp lao động, chính là “giai cấp tiền phong, giai cấp lãnh đạo, giai cấp tiêu biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất”!

     Mặc dù có nhà lý luận cố bênh vực Mác rằng “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản không phải là “ý muốn nhân tạo”, hoặc “lựa đặt ngông cuồng” của C. Mác mà do địa vị kinh tế – xã hội khách quan quy định”, nhưng thực tế thì một giới lao động nào đó cũng chỉ là sản phẩm của một nền văn minh tương ứng sinh ra, chứ tiêu biểu và dẫn dắt cho nền văn minh đó phải ở giới chuyên viên và trí thức tinh hoa, có đủ Trí tuệ, đủ trình độ điều hành, vì đó là sự phân công tự nhiên trong xã hội.

     Thực ra đến thời các ông Mác và Lê ra đời, tức thời kỳ Văn minh Công nghiệp Nhân loại đã tiến được những bước khá xa, đã có ý thức nâng đỡ sự phát triển cá nhân để tạo ra mọi giá trị, đồng thời biết quản lý xã hội theo nguyên tắc Dân chủ và Pháp trị: DÂN CHỦ để cá nhân có điều kiện phát triển nhưng đồng thời cần PHÁP TRỊ để khống chế sự phát triển Tự do cá nhân sao cho không thể ảnh hưởng xấu đến người khác và đến cả cộng đồng.

     Trong xã hội Pháp trị, Đạo đức “phải trở thành thừa”, không cần anh đạo đức, anh cứ làm đúng Pháp luật là đúng đạo đức rồi. Giáo dục đạo đức chỉ là biện pháp hỗ trợ, rất cần cho tuổi thanh thiếu niên. Khi trưởng thành, sống trong xã hội thì “Trường đời” mới là trường học tự nhiên hun đúc con người. Xã hội có Pháp trị lành mạnh thì hun đúc ra những con người tử tế, xã hội vô pháp thì hun đúc ra những con người lưu manh. Khi bộ máy cầm quyền còn hư hỏng thì làm sao các công dân lại có thể sống cho tử tế được, dù có giáo dục đạo đức bao nhiêu cũng bằng thừa, vì “Trường đời” đã giáo dục tất cả.

     Khi Mác (1818-1883) và Lê (1870-1924) ra đời thì đã có những nhà tư tưởng về Dân chủ và Pháp trị như John Locke (1632-1704), Montesquieu (1689-1775), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Voltaire (1694-1778)…, họ đã tạo ra cả một thời đại Khai sáng, với lý thuyết về Khế ước xã hội, chống chủ nghĩa chuyên chế và xây dựng Chủ nghĩa tự do, đặc biệt là hình thành lý thuyết về Tam quyền phân lập để điều hành xã hội. Lịch sử loài người hàng nghìn năm mới đạt đến trình độ như vậy, nền văn minh ấy đã đạt được rất nhiều thành quả nhưng lại tạo ra những mâu thuẫn mới mà xã hội cần tìm cách khắc phục, chứ không thể nói nhân loại lúc ấy “chưa thành người”!

     Chính Mác-Lê “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống” mới là người mắc bệnh “phủ nhận quá khứ”, mà “phủ định sạch trơn” một cách vô lý nhất, chứ những người dân chủ ngày nay có phủ định con đường Mác-Lê cũng chỉ là “phủ định sự phủ định” đúng phép biện chứng để trả lại cân bằng cho thế gian, đem lại bình yên cho cuộc sống mà thôi!

     Nếu trào lưu Cộng sản chỉ như một làn sóng phản biện, chỉ vạch trần, phê phán những yếu kém, những bất công do xã hội Công nghiệp lúc ấy tạo ra thì quá tốt, để giúp xã hội buộc phải thanh toán những khuyết tật của mình. Cộng sản muốn tranh giành quyền bính cũng tốt thôi, nhưng phải giành bằng cách cạnh tranh công khai-dân chủ, chứ không thể “cướp” chính quyền, và giành được chính quyền rồi thì đi tiếp con đường tiến bộ của nhân loại tức con đường Dân chủ đa nguyên Pháp trị như các nước Bắc Âu bây giờ (đó là nền Dân chủ Xã hội bắt nguồn từ Quốc tế 2), rồi cũng thực hiện đường lối Lao-Tư lưỡng lợi như cụ Phan Châu Trinh đã nghĩ đến (tạo điều kiện để các nhà Tư bản kinh doanh chân chính và thu lãi nhiều để có tiền góp cho các quỹ phúc lợi xã hội, trợ cấp người lao động, người nghèo, người già yếu tàn tật…).

    Con đường Dân chủ Xã hội (đừng dịch nhầm là Xã hội chủ nghĩa) của Bắc Âu tuy có tiếp nhận Mục đích tốt đẹp mà Mác-Lê gợi ý, nhưng Phương tiện tiến hành hành thì hoàn toàn khác nên thành công rực rỡ, dù bị các nhà lý luận Mác-xít ghét bỏ như kẻ thù, nhất là lý luận gia Nguyễn Đức Bình, bởi đó là đối chứng hùng hồn nhất, chứng minh Mác-Lê muốn làm điều tốt song cách làm hoàn toàn sai lầm nên gây hiệu quả ngược với mục đích.

     Lối thoát danh dự cho Cộng sản Việt Nam hiện nay là từ bỏ con đường cực đoan ảo tưởng Mác-Lê của Quốc tế 3, để theo con đường Bắc Âu (tức con đường từ Quốc tế 2 mà Thụy Điển là tiêu biểu), cũng là con đường Phan Châu Trinh chủ trương (con đường bị Hồ Chí Minh phê phán là hữu khuynh thân Pháp). Thực chất cái gọi là “chủ nghĩa Tư bản” chẳng qua là một giai đoạn khá cao trong tiến trình Tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người, giai đoạn văn minh Công nghiệp và Đại Công nghiệp, gọi là “chủ nghĩa” nhưng không ai nghĩ ra trước, không có tác giả như trường hợp “chủ nghĩa Cộng sản”.

      Nhưng sai lầm chết người ở chỗ phong trào Cộng sản tưởng nhầm là lịch sử giao cho mình nhiệm vụ phải làm lại thế giới, cướp lấy chính quyền để xây dựng một chế độ Mác-xít, theo một chủ nghĩa do một vài tác giả cụ thể bốc đồng nghĩ ra trong một thời gian ngắn, một Thiên đường hết sức chủ quan, thiếu hiểu biết, rất phản khoa học, phản quy luật. Cái chủ nghĩa Cộng sản mới toanh ấy tuyên bố “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống đã có”, nên gạt bỏ hết mọi giá trị mà nhân loại phải hàng nghìn năm mới đạt được là nền Dân chủ đa nguyên Pháp trị với thiết chế Tam quyền phân lập.

   Mục đích Cộng sản thì cao siêu nhưng phương cách thực hiện là bạo lực cách mạng, là độc đảng toàn trị nên thực tế đã đạp đổ tất cả nền Dân chủ Pháp trị vừa mới manh nha. Người Cộng sản coi các giá trị đó là sản phẩm của chủ nghĩa Tư bản nên quyết tâm đào mồ chôn nó đi. Chính từ sự kiêu ngạo vô lối này, chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lê đã tự đào mồ chôn chính mình trước lịch sử tiến hóa Nhân loại.

4/ MÁC-LÊNIN ẢO TƯỞNG VÌ KHÔNG HIỂU BẢN TÍNH CON NGƯỜI.

- Mác-Lê dám tưởng tượng sẽ có ngày “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vì tin rằng khi được chế độ Cộng sản giáo dục thì “con người mới” sẽ rất thánh thiện chứ không ai tham lam, muốn làm ít mà đòi hưởng nhiều!

- Tuy Mác vẫn nhắc một danh ngôn cổ điển “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” nhưng có lẽ Mác vẫn không hiểu, không chấp nhận bản tính tự nhiên của con người. Nếu Mác-Lê biết bản tính con người vốn tham lam và lợi dụng khi không bị luật pháp kiềm chế thì Mác-Lê đã không cho phép Đảng Cộng sản được độc quyền lãnh đạo. Không có đa nguyên kiềm chế, khiến cho các Đảng Cộng sản cầm quyền đều mặc sức lạm quyền, mặc sức tham nhũng quyền lực như ở các nước Cộng sản ngày nay (ví dụ: đã làm Tổng Bí thư lại muốn kiêm luôn Chủ tịch nước để nắm gọn toàn bộ quyền lực trong tay như Tập Cận Bình và những người tương tự)! 

     Nếu hiểu bản tính tham lam của con người, sao lại trao toàn bộ khối Công hữu khổng lồ của đất nước cho cơ quan nhà nước “thống nhất quản lý” để nó biến hết của công thành của tư? Chính luật pháp Tư bản hiểu rõ con người nên mới không cho tập trung quyền lực mà phải “Tam quyền phân lập” hẳn hoi, chứ không lừa dối bằng kiểu “tam quyền phân công” từ một đầu mối là sự chỉ huy thâu tóm của một đảng duy nhất.

5/ MÁC-LÊNIN HIỂU MHẦM VỀ NGUYÊN NHÂN KHỔ ẢI VÀ BẤT CÔNG, VÀ DO ĐÓ SAI LẦM VỀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT.

     Đi vào những việc cụ thể Mác-Lê cũng mắc những nhầm lẫn. Mác-Lê quy nguyên nhân mọi tai họa là do tính Tự do cá nhân và tính Tư hữu nên tìm mọi cách để “chống chủ nghĩa cá nhân” và diệt Tư hữu để công hữu hóa hết thảy, và để nhà nước Cộng sản duy nhất quản lý. Kết quả là không có gì phát triển được và chính cái nhà nước Vô sản độc quyền quản lý tài sản Công hữu thì nó biến mọi Công hữu thành Tư hữu của họ. Để tránh tệ nạn tham nhũng và cậy quyền thì Đảng Cộng sản lại dùng biện pháp “phê và tự phê, tu dưỡng đạo đức, theo đạo đức Bác Hồ”, kết quả là những kẻ càng ca tụng đạo đức bao nhiêu thì sự tham lam lại ngày càng phát triển bấy nhiêu. Nền Kinh tế chỉ huy (với các kế hoạch 5 năm) và Kinh tế quốc doanh làm cho nhà nước và nhân dân đều kiệt quệ nhưng cái túi riêng của những “học trò xuất sắc của đạo đức Bác Hồ” thì căng đầy tiền tỷ đô la để gửi ngân hàng Thụy Sĩ! Về sau, tuy biết sai lầm nên đã chuyển sang Kinh tế thị trường và ca ngợi Kinh tế tư nhân, nhưng tất cả vẫn nằm trong tay một đảng độc quyền và một “nền Pháp trị xã hội chủ nghĩa” thì tất cả vẫn chỉ là sự “đánh bùn sang ao”, kể cả việc “đốt lò” rùm beng cũng vậy.

     Công hữu hay Tư hữu, đó là một mấu chốt của tình hình diễn biến. Thuở ban đầu thì những người Cộng sản thật sự chân thành tin vào con đường Công hữu như lời Mác dạy. Nhưng khi bước vào thực hiện thì chút liêm khiết lúc đầu bị cái máu tham trong lòng tấn công. Máu tham tự nhiên cứ như một kẻ gian truyền kiếp ẩn nấp sẵn trong lòng những tín đồ Cộng sản, cứ đêm ngày xui họ biến những của Công trong tay thảnh của Tư, một sự “cướp ngày” có giấy tờ rất đúng quy trình! Và cứ thế tình hình mỗi ngày một xấu. Cái máu tham phục sẵn trong mỗi con người hỏi Mác có biết không, có “xa lạ” với Mác không?

      Đã từ lâu, miệng nói Công hữu nhưng tay làm Tư hữu, nhưng không phải thứ Tư hữu lành mạnh công minh mà là Tư hữu gian manh. Cờ thì giương cao Búa và Liềm nhưng hành động thì cướp đất của Nông dân và không cho Công nhân tự lập hội để bảo vệ quyền lợi. Công và Nông là những người khổ nhất hiện nay, trong khi trên truyền hình toàn thấy những ông bà Nông dân (phần đông có gốc Bộ đội) có hàng chục héc-ta đất, thu lợi hàng chục tỷ mỗi năm, quá đẹp!

     Trước tình trạng Cộng sản nói một đằng làm một nẻo như vậy thì tôi biết tranh luận những điều lý thuyết là hoàn toàn vô ích, vì người ta nói như vậy nhưng có làm như vậy đâu nên tranh luận về lời nói làm gì? Song, tôi vẫn muốn chốt lại một vài điều về lý thuyết chỉ để thấy cái gọi là học thuyết Mác-Lê và Chủ nghĩa Xã hội khoa học ngay từ đầu đã chỉ là một tà thuyết, phản khoa học, một ảo tưởng xuất phát từ khát khao đẹp đẽ muốn giải phóng con người.

    Tà thuyết đã phản lại Thiện tâm, nó sẽ bị cuộc đời vứt bỏ, Nghị quyết 1481 của Quốc hội 46 nước châu Âu đã khẳng định Chủ nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa chống Nhân loại.

Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện nay, đừng vội tưởng Ý thức hệ Cộng sản đã hết tầm quan trọng để không cần quan tâm đến nữa. Trái lại Đảng Cộng sản vẫn còn giữ chặt và đẩy mạnh giáo điều Mác-Lê và xiết chặt bộ máy Chuyên chính hơn bao giờ hết, bởi đó là chất xi măng gắn kết của hệ thống và là cái áo giáp sắt giữ an ninh chế độ. Đảng Cộng sản mỗi khi mở cửa một chút thông ra thế giới thường khiến cho nhiều người vui mừng, vì nghĩ cứ mỗi ngày một chút, một tí chút thôi thì lâu dần, tích tiểu thành đại, cũng sẽ ngày một khá lên. Xin thưa, đấy là kiểu tư duy đơn giản thuận chiều của con nít. Mỗi lần mở ra cũng kèm theo một kế hoạch xiết lại, chặt hơn. Phía trước chờ ta luôn có một dấu hỏi, ngay bên cạnh một niềm hy vọng.

(Trích từ bài viết nhân dịp kỷ niệm trang Bauxite Việt Nam 10 năm-2019- https://boxitvn.online/?p=86051 )

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.