Bài Thứ Tư
KHÔNG CÒN LÀ MỐI NGUY CƠ.
Bằng Phong Đặng văn Âu
Lời mở đầu : Nhận thấy Họa Diệt Chủng nòi giống Việt Nam không còn là
nguy cơ, mà nó đang trên đà hiện thực, người viết xin dẫn chứng những sự kiện
để giải thích tại sao mình quan niệm như thế. Người viết dành quyền phản biện
cho quý vị thức giả. Bài viết sẽ thực hiện nhiều kỳ, kính mong quý độc giả quan
tâm vui lòng kiên nhẫn theo dõi.
*********************************************************************
Nước Việt Nam ta không
có những nhà hiền triết như Ấn Độ, như Tây phương. Nhưng Tổ tiên ta đã để lại
cho con cháu một kho tàng Ca dao, Tục ngữ vô giá mà con cháu biết tuân
theo, thì ngày nay cả thế giới kính trọng người Việt Nam chẳng kém gì kính
trọng người Nhật Bản.
Chẳng hạn, chỉ bằng hai
câu lục bát: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng
chung một giàn” vừa nhẹ nhàng vừa thiết tha tình người. Trong
Cộng Đồng Dân Tộc có người Kinh, người Thượng, tuy chủng tộc khác nhau như bí
với bầu, nhưng cùng chung sống trên
một mảnh đất (tức là cùng một giàn) thì hãy tương thân tương trợ để cùng tồn
tại có phải là tốt đẹp hơn không? Nếu vua Gia Long thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc câu ca dao ấy
thì đâu đến nỗi xuống tay một cách tàn nhẫn, nhỏ mọn đối với anh em dòng dõi
Nhà Tây Sơn, đối với những tùy tướng của Nhà Tây Sơn? Sự kiện đào mả vua Quang
Trung, lấy thủ cấp của kẻ thù làm cái chậu để ngày ngày phóng uế vào đó, là
hành vi bất xứng của Đấng Quân Vương. Dù mối thù riêng đối với Nhà Tây Sơn cao
đến mấy, là người lãnh đạo quốc gia, vua cũng phải tỏ ra kính trọng một bậc anh
hùng dân
tộc đánh đuổi quân thù
ra khỏi nước. Giá như vua Gia Long có lối hành xử mã thượng anh hùng, con cháu
của Ngài sẽ noi gương tâm hồn cao thượng vĩ đại của Vua Cha để mà trị nước, thì
xã tắc sơn hà bền vững lâu dài.
Nếu vua Gia Long hiểu
lời cảnh báo của tiền nhân “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” thì
phải biết Luật Nhân Quả sẽ không trừ một ai, thì Ngài đã không để lại cho lịch
sử một vết dơ đáng xấu hổ như thế! Vì Thái Tổ Nhà Nguyễn đã lạnh lùng,
tàn nhẫn sử dụng sự báo thù để hả dạ, nên con dân nước Việt mới bị lãnh hậu quả
như ngày nay.
Dân tộc ta có những bậc
khí phách như Thầy Chu văn An, dũng cảm như Tướng Trần Bình Trọng, thông minh
như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại sao bộ óc của những nhà trí thức thông
thái Việt Nam bỗng trở nên đần độn, u mê để không thấy Hồ Chí Minh dựng lên nền
“vô sản chuyên chính” thì sẽ đẩy nhân dân tới chỗ bần cùng, tất nhiên cả nước chỉ còn biết đi ăn
trộm để sống mà thôi? Tiền nhân đã khuyến cáo: “Bần cùng thì sinh đạo tặc” cơ mà! Tại sao họ không thấy?
Quê Nghệ An của tôi có
một nhà trí thức tên là Tạ Quang Bửu nổi tiếng giỏi đủ các bộ môn khoa học, văn chương, ngoại ngữ, triết học.
Bộ trưởng Thanh Niên – Luật sư Phan Anh – trong Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ
định Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Hiệu trường Thanh Niên Tiền Tuyến, một trường
Quân sự đầu tiên của Việt Nam, gồm những tinh anh của nước nhà. Nhưng không ngờ
Giáo sư Tạ Quang Bửu là người có tư tưởng cộng sản, nên hầu hết “rường cột nước
nhà” đều trở thành công cụ cho Hồ Chí Minh thực hiện ý đồ diệt chủng dân tộc
Việt Nam. Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, dưới quyền Võ
Nguyên Giáp, là người ký Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước. Mặc dầu chứng kiến
Hồ Chí Minh ngược đãi, đàn áp trí thức như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần
Đức Thảo … trong vụ Nhân văn Giai Phẩm, tại sao một người nổi tiếng thông minh
về nhiều bộ môn như Tạ Quang Bửu không thấy đất nước sẽ bị thụt lùi trong ngu
dốt? Nếu đánh đuổi Thực dân Pháp thành công, thử hỏi chế độ cộng sản chủ trương
ngu dân, làm sao có thể mang lại một nền văn minh, một xã hội nhân ái, hài hòa
bằng sự đô hộ của Thực dân? Bị bệnh tiểu đường, hai chân sưng húp, Tạ Quang Bửu
vẫn cố gắng đứng cả ngày trong xưởng chế tạo vũ khí đánh cho “Mỹ cút, Ngụy
nhào”, vậy chỉ có hai chữ “quỷ ám” mới giải thích nổi sự ngu si, đần độn của
thầy Tạ Quang Bửu mà thôi. Giáo sư Tạ Quang Bửu phải thấy sau Hoa Kỳ dội hai
quả bom nguyên tử để sớm chấm chiến tranh với Nhật. Nhưng sau đó Hoa Kỳ đã đưa
nước Nhật đến chế độ Dân Chủ và thịnh vượng đứng vào hàng thứ hai trên thế
giới. Vậy có phải Hoa Kỳ là Đế Quốc hay không? Vậy tôi nói rằng trí thức Việt
Nam thông minh, càng có bằng cấp to, càng ngu là đúng hay sai?
Hình như chủ nghĩa cộng
sản có bùa mê thuốc lú hay sao đó, nó mới có thể làm cho nhiều nhà trí thức
thức thông minh cỡ Giáo sư Tạ Quang Bửu trở thành ngu si, đần độn, điên say
phục vụ cho một chế độ biến con người thành súc vật. Gần một triệu người Miền
Bắc phải rời bỏ nơi chôn dau cắt rốn để chạy trốn vào Miền Nam tìm tự do, không
thể làm trí thức mở mắt, không ngăn được sự phản bội của bọn Tướng lãnh, Tổng
thống Ngô Đình Diệm và gia đình đành phải chết bởi chân tay bộ hạ mà thôi.
Sau cái chết của Tổng
thống Diệm vào ngày 2 tháng 11 năm 1963, tình hình chính trị thêm bết bát. Tu
sĩ Phật giáo trở thành bọn kiêu tăng. Các Tướng lãnh trong cái gọi là “Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng” tổ chức đảo chánh, chỉnh lý liên tục. Ba Tàu Chợ Lớn thừa
cơ khuynh đảo thị trường. Việt Cộng thừa dịp tiến dần về thành thị. Quân sĩ vốn
sống thiếu thốn vật chất, nay tinh thần thêm sa sút, hoang man, thì sự mất nước
chỉ còn là vấn đề thời gian. Tướng Nguyễn Khánh trở thành anh hề chính trị, lúc
để chòm râu dê, lúc cạo nhẵn thín theo sự chỉ dạy của các thầy tướng số. Kéo
các Tướng lãnh ra Vũng Tàu làm Hiến Chương, bị Việt Cộng kích động sinh viên
biểu tình phản đối, Tướng Nguyễn Khánh nhảy lên chiến xa, tung quả đấm tay lên
trời và miệng hô lớn “Đả đảo Nguyễn Khánh”. Mang danh là lãnh đất
nước, lại vung tay hô đả đảo chính mình, thì đất nước còn ra cái quái gì nữa!
Tại sao ông Khánh không nghĩ đến câu “Nhật Tướng công thành, vạn cốt khô” mà
hành xử cho ra tư cách của người làm Tướng? Thật là một cảnh tượng đáng xấu hổ
trước mắt thế giới, trước Đồng Minh Hoa Kỳ! Quý vị chiến hữu còn hãnh diện mình
là Người Lính Việt Nam Cộng Hòa nữa không, khi phải chịu sự chỉ huy của thành
phần Tướng lãnh bất xứng?
Chính phủ Dân Sự ra đời,
dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát.
Người dân hy vọng các Tướng lãnh trở về vị trí của mình, lo việc “Bảo Quốc, An
Dân” để dân chúng an cư lạc nghiệp. Tôi nghĩ rằng chọn bác sĩ Phanh Huy Quát
làm Thủ tướng là đúng, vì ông là một chính trị gia lương thiện, có đạo đức và
có kinh nghiệm, vì lúc trẻ từng làm Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim và
sau đó lần lược làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Quốc
trường Phan Khắc Sửu là một nhà hoạt động chính trị yêu nước, luôn luôn tranh
đấu đòi hỏi Thực dân Pháp trả độc lập cho nhân dân Việt Nam, từng bị tù
Côn Đảo. Ai cũng tưởng hai nhà lãnh đạo cùng họ Phan có kinh nghiệm chính trị,
có lòng yêu nước sẽ ổn định tình hình sau khi các Chính phủ Quân nhân thay nhau
sụp đổ. Không ngờ chỉ vì mối hiềm khích rất nhỏ, hai vị không thể hòa giải
nhau, đưa đến sự từ chức của Thủ tướng Phan Huy Quát vào ngày 18 tháng 6 năm
1965 và trao trách nhiệm cho Quân Đội. Có phải vì bị oan hồn người Chàm hành,
đã khiến cho hai nhà chính trị yêu nước không thể đoàn kết với nhau? Đâu phải
tại vì hai vị lãnh đạo đều ngu!?
Đêm 18 tháng 6, Thủ
tướng Phan Huy Quát mời các Tướng lãnh đến Dinh Thủ tướng để tường trình sự
xung khắc với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và tuyên bố quyết định giải tán Nội Các
để giao lại cho Quân Đội. Lúc bấy giờ, Tướng Tư lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ
lên tiếng đề nghị: “Hai nhà lãnh đạo cố gắng hòa giải với nhau, anh em
quân nhân chúng tôi chán ngán chính trị lắm rồi, chúng tôi chỉ chú tâm lo đánh
giặc”. Nhưng Thủ tướng Phan Huy Quát cho biết bản tuyên bố giải nhiệm Nội
Các sẽ được đọc trên đài phát thanh trong chốc lát. Câu hỏi đặt ra: “Tại sao Cụ
Phan Khắc Sửu và bác sĩ Phan Huy Quát đều là hai nhà trí thức yêu nước nhiệt
tình, không thể vì sự sống còn của Tổ Quốc để cùng nhau điều khiển con thuyền
đang chồng chềnh trong giông bão giữa biển khơi? Giông bão đây là Nhóm Phật
giáo Ấn Quang – tay sai Việt Cộng – đang mưu toan dâng Miền Nam cho cộng sản ở
Miền Bắc? Đâu phải hai ông không đủ trí tuệ để không thấy âm mưu của Việt Cộng
dùng Phật giáo làm quân cờ?” Tôi càng nghi ngờ lời nguyền rủa của
người Chàm đã tác động lên sự chia rẽ của người lãnh đạo Quốc gia!
Ngày hôm sau, các Tướng
lãnh họp nhau tại Câu Lạc Bộ Hải Quân ở Bến Bạch Đằng để chọn người lãnh đạo
Quốc Gia. Trước hết, Tướng Kỳ đề nghị Trung tướng Nguyễn văn Thiệu làm Thủ
tướng – một vị Tướng cao niên và đương kim Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng
trong Nội các Phan Huy Quát, một đề nghị rất chính đáng, nên được các Tướng
lãnh vỗ tay tán thưởng. Nhưng Tướng Thiệu không nhận. Tướng Kỳ vẫn kiên nhẫn
thuyết phục thêm ba lần nữa, đến nỗi Tướng Thiệu cứng rắn phát biểu: “Nếu
anh em cứ ép buộc tôi làm Thủ tướng, tôi sẽ tuyên bố giải tán Đại Hội hôm nay”. Tướng
Kỳ bèn quay sang đề nghị Trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Nhưng giống như Tướng
Thiệu, Tướng Thi cũng cương quyết chối từ. Chẳng phải hai ông Tướng Thiệu và
Tướng Thi không ham chức Thủ tướng. Hai ông đều thấy tình hình quá khó khăn, sợ
mình không đảm đương nổi, thì tương lai chính trị sẽ bị cháy rụi. Tới giờ ăn
trưa, cuộc họp tạm ngưng. Tướng Thiệu, Tướng Thi bàn tính với nhau, rồi vẩy
Tướng Kỳ bước tới và nói: “Moa (Tướng Thiệu) và anh Thi bàn tính nhau đưa toa
(Tướng Kỳ) ra đảm nhiệm chức Thủ tướng. Khi xong buổi ăn trưa, vào họp tiếp,
moa sẽ đề nghị toa giữ chức Thủ tướng, đừng từ chối nhé! Bọn moa sẽ yểm trợ toa
hết mình”. Ở đây, tôi kể theo lời thuật của Trung tá KQ Nguyễn Khoa Dánh, cố
vấn chính trị đặc biệt của Tướng Kỳ.
Vào họp lại, Trung tướng
Nguyễn văn Thiệu – Chủ tọa phiên họp – dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi đã bàn
tính với nhau, chúng tôi đề cử Thiếu tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ
trách nhiệm thành lập Chính phủ”. Lời tuyên bố của Tướng Thiệu giống như một
mệnh lênh ban ra, người được chỉ định phải thi hành “phi vụ” theo quân kỷ. Đại
Hội vỗ tay. Tướng Kỳ đứng lên đáp: “Là quân nhân, được Trung tướng đương kim
Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng chỉ định thi hành phận sự, tôi xin
tuân lệnh. Nhưng tôi có một yêu cầu, các Tướng vỗ tay ủng hộ tôi, thì các vị
phải nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh của tôi giao phó”. Đại Hội lại vỗ tay để
biểu lộ họ chấp nhận.
Tôi thuật đoạn này để
độc giả nhận thấy Tướng Kỳ làm Thủ tướng là do Tướng Thiệu và Tướng Thi có cấp
bậc cao hơn trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy cho Tướng Kỳ, chứ chẳng phải vì lợi
ích Quốc gia. Trung tướng Thiệu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia,
Thiếu tướng Kỳ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương và Trung tướng
Phạm Xuân Chiểu giữ chức Tổng Thư ký. Nội Các mang tên Nội Các Chiến tranh. Bộ
trưởng các Bộ gọi là Ủy viên. Báo chí và dư luận trong dân chúng đều đoán rằng
Nội các Chiến tranh sẽ đổ chừng vài tháng sau, vì Tướng Kỳ là một tay ăn chơi
(playboy), không có kinh nghiệm chính trị, bốc đồng. Chẳng ngờ Tướng Kỳ đã mang
lại sự ổn định, tinh thần quân sĩ phấn chấn, vì ông cấp tốc có biện pháp thiết
thực giúp đỡ đời sống thiếu thốn của anh em đồng đội. Thấy ông là người nhiệt
tình, thanh liêm, các Ủy viên dần dần tỏ ra mến phục ông.
Trước hết tôi xin đưa lên đây bài tường thuật của bà Fallaci, một ký giả tả khuynh, phỏng vấn Tướng
Kỳ để độc giả biết nhà báo ngoại quốc đánh giá Tướng Kỳ là người thế nào:
https://khongquanc130.blogspot.com/2022/06/ky-gia-falaci-phong-van-tuong-ky.html
Và sau đây là mẩu chuyện do Đại tá Dương Thiệu Hùng kể cho tôi về cuộc họp đơn vị trưởng dưới
sự chủ tọa của Tư lệnh Không Quân Nguyễn Xuân Vinh, Về sau, Đại tá Trần Đỗ Cung
viết Hồi ký cũng thuật lại cuộc họp đơn vị trưởng này, nhưng với luận điệu chế giễu:
“Trong cuộc họp đơn vị trưởng, Trung tá Nguyễn Cao Kỳ –
Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn Vận tải – rút khẩu súng lục đeo bên người và
nói: “Tôi không đồng ý chính phủ đưa chính trị vào Quân Đội. Vì làm như
thế, cấp Chỉ Huy Quân Đội sẽ chỉ là kẻ bất tài và khéo nịnh. Còn người có tài,
nhưng không muốn lệ thuộc vào đảng, sẽ bị loại.” Sau câu nói đó, không
khí buổi họp trở nên căng thẳng, một sự im lặng khó thở, bởi vì ông Tư Lệnh
không biết xử trí ra sao. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng lên tiếng phá tan sự im lặng:
“chiều nay có trận đá banh giữa Áo
quốc với Hội tuyển Việt Nam, tôi đề nghị ngưng buổi họp hôm nay, rồi ngày hôm
sau chúng ta sẽ tiếp tục họp”. Mọi người đều đồng ý đề nghị của bác sĩ Nguyễn
Tấn Hồng để hóa giải thế bí của ông Tư Lệnh. Nhân chứng về sự kiện này còn minh mẫn đến ngày
hôm nay là Đại tá Đào Huy Ngọc – 92 tuổi – đang sống tại Hawaii.
Mọi người thư thái ra về. Tư Lệnh Nguyễn Xuân Vinh gọi
điện thoại trách ông Kỳ: “Tại sao toa không nói riêng quan điểm của toa với
moa, mà lại đem ra giữa buổi họp để làm cho moa khó xử?”. Ông Kỳ đáp: “Tôi muốn
nói cho các đơn vị trưởng hiểu rằng đem chính trị vào Quân đội thì sẽ gây bè
cánh, mất đoàn kết giữa anh em. Tôi nói riêng với Đại tá thì giải quyết được
gì?”. Đại tá Đỗ Mậu biết sự gây cấn trong buổi họp đơn vị trưởng, trình nội vụ
lên ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Ông Cố vấn nói: “Kỳ là con người bộc trực và lãng
mạn, nhưng yêu nước. Tôi sẽ gặp
riêng Kỳ và giải thích cho anh ta hiểu tại sao Quân Đội cần chính trị hóa trong
hoàn cảnh đánh nhau với cộng sản”.
Tôi nghĩ rằng có lẽ ông Cố vấn Ngô Đình Nhu noi gương
Tổng Thống Tưởng Giới Thạch sau khi rời lục địa, chạy ra đảo Đài Loan thì đem
chủ nghĩa Tam Dân của Quốc Dân Đảng áp dụng vào tổ chức Quân Đội, giống như
phía đảng Cộng sản có chính trị viên. Ông Kỳ may mắn phục vụ chế độ dân chủ
dưới sự lãnh đạo của anh em ông Diệm. Nếu ở Miền Bắc, ông Kỳ bày tỏ sự bất đồng
với chính sách của chế độ, ông Kỳ sẽ bị triệt tiêu ngay. Kết tội chế độ Ngô
Đình Diệm độc tài là một sự vu khống
trắng trợn, đáng khinh bỉ.
Dưới đây, tôi xin kể ra một số việc làm mà các sử gia có thể biết mà không viết ra, nhưng có một số anh em
Không Quân chúng tôi biết:
1/ Chế
độ Ngô Đình Diệm đã bị thanh toán, nhưng các nhà sư Phật giáo vẫn tiếp tục tranh đấu. Các Tướng lãnh, các
chính trị gia có vẻ sợ thế lực Phật giáo Ấn Quang. Nhưng ông Kỳ không sợ. Vì ông Kỳ bị Quân Đội đẩy ra làm Thủ
Tướng. Tuy là “Buddha Child” (Con Phật) nhưng ông không mắc nợ Phật Giáo, nhất
là Phật Giáo Ấn Quang. Với tư cách Thủ Tướng, ông Kỳ cho người đi mời các nhà sư “tranh đấu” vào tư dinh
trong Tân Sơn Nhất để nghe quyết định của ông. Đợi các tu sĩ yên vị xong, ông nói: “Về chính trị, tôi
không bằng cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng về sự can đảm, tôi hơn Tổng thống
Diệm. Tôi sẽ ra tay giết quý vị trước khi quý vị có thể giết tôi như giết ông
Diệm”. Thượng tọa Tâm Châu ngồi bên cạnh Tướng Kỳ lên
tiếng: “Chúng ta đều là con Phật. Tôi đề nghị Thiếu tướng đừng nặng
lời, sinh ra khẩu nghiệp không tốt”. Tướng Kỳ đáp trả ngay: “Tôi
mới thực sự là con Phật. Các vị chỉ là đầy tớ của Phật”. Tướng Kỳ xác nhận
một lần nữa: “Quý vị đừng hòng giết được tôi. Nếu quý vị không chịu trở
về Chùa tu tập, cứ tiếp tục gây rối loạn, tôi sẽ trừng trị thẳng tay. Tôi nói
thật, chứ không phải đe dọa đâu!”.
Quả nhiên, mấy ông sư
cũng sợ ông Tướng Cao Bồi làm ẩu. Kể từ cuộc họp hôm đó, Sài Gòn không còn có
cuộc biểu tình xuống đường của Phật giáo Ấn Quang như trước.
2/ Ông Âu Trường Thanh,
Ủy viên Kinh tế, vào căn cứ Tân Sơn Nhất báo cáo mấy xì thẩu Ba Tàu trong Chợ
Lớn đầu cơ tích trữ gạo, khiến giá gạo tăng lên vùn vụt. Tướng Kỳ cho người gọi
mấy xì thẩu Ba Tàu vào tư dinh trong Tân Sơn Nhất trình diện. Các xì thẩu Ba
Tàu tỏ ra coi thường ông Tướng trẻ. Họ ăn mặc nhếch nhác, chân mang giép lẹt
xẹt. Tướng Kỳ bắt họ ngồi trong phòng đợi chừng một giờ đồng hồ, không mở máy
lạnh, các xì thẩu người nào người nấy toát mồ hôi vì cái nóng của Sài Gòn giống
như lò lửa. Khi Tướng Kỳ bước vào phòng, các xì thẩu Ba Tàu vẫn ngồi nguyên,
không thèm đứng dậy. Ông Kỳ nghiêm sắc mặt, đảo mắt nhìn quanh một
vòng, rồi ra lệnh sĩ quan
tùy viên mang vào giấy bút và cái hộp. Ông bảo các xì thẩu ghi tên lên
giấy, xếp làm bốn và bỏ vào hộp. Xong xuôi, ông cho tay vào hộp lấy ra một tờ
giấy thứ nhất xướng danh từ người, đến tờ giấy cuối cùng. Người sĩ quan tùy
viên ghi tên từng người một, thành danh sách, ông tuyên bố: “ Sau cuộc trình diện của
quý vị với tôi hôm nay, tôi ra lệnh
các ông phải mở kho gạo ra bán cho dân chúng theo giá trước kia. Nếu người nào
không tuân lệnh, tôi sẽ đưa ra pháp trường cát lãnh án tử hình. Tôi không đùa
với các ông.
Người ta cho rằng lối giải quyết vấn để của ông Kỳ là kiểu “cao bồi”. Nhưng đừng quên nước Việt
Nam đang có chiến tranh với cộng sản chỉ có Tướng Kỳ mới dám sử dụng. Nhưng thời buổi chiến
tranh, nếu không sử dụng theo kiểu đó, thì làm sao điều khiển được đất nước có
bọn gian thương coi thường pháp luật?
3/ Giám đốc ngành
xuất nhập cảng Tạ Vinh bị kết tội đầu cơ tích trữ, thao túng thị trường. Tòa Án
Quân sự tuyên bố tử hình. Hội Tam Hoàng của Ba Tàu trong Chợ Lớn dùng tiền mua
chuộc ông Thủ tướng trẻ không xong. Vợ Tạ Vinh nhờ Lý Long Thân đưa vào Tân Sơn
Nhất, bỏ ra 250 triệu tiền Việt Nam để xin tha tội cho chồng. Tướng Kỳ bảo: “Bà
hãy mang tiền về để nuôi con, dạy dỗ chúng nó làm ăn lương thiện”. Ba Tàu còn
vận động Chính phủ Đài Loan của Tổng thống Tưởng Giới Thạch can thiệp cũng
không xong. Một Tiểu đoàn Nhảy Dù được điều động tới pháp trường để đề phòng xì
thẩu Ba Tàu xúi giục dân Tàu Chợ Lớn gây bạo loạn. Có tin đồn thất thiệt loan
ra: “Tạ Vinh không bị xử tử. Chính quyền thay một tên tù khác để xử tử hình”.
Mục đích của tin đồn thất thiệt đò nhằm đổ tội Tướng Kỳ ăn tiền của gia đình
phạm nhân, nhưng ra cái điều thanh liêm, trong sạch!
Mời quý bạn đọc mở cái
Video Clip sau đây ra xem https://youtu.be/wFEy6FS1lHM. (Dù cái Clip do Việt Cộng thực hiện, nhưng rất đúng với những gì
đã xảy ra).
4/ Đại tá Nguyễn Chánh
Thi là con cưng của Tổng thống Ngô Đình Diệm, được trao chức Tư lệnh Chiến đoàn
Nhảy Dù, một đơn vị thuộc hạng thiện chiến nhất Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1960,
ông Thi theo Trần Đình Lan, Vương văn Đông làm cuộc đảo chánh, lật đổ ông Diệm.
Cuộc đảo chánh thất bại, ông Thi được Đại úy Phan Phụng Tiên lái máy bay sang
Kampuchia tị nạn. Ông Thi không có khả năng tìm kế sinh nhai, sống nhờ vào tiền
của phi công phản loạn Nguyễn văn Cử đi dạy Pháp văn. Về sau, có một cô gái tới
phục dịch ông vì thương một người già neo đơn tội nghiệp! Sau đó, cô gái có
lòng từ tâm giúp đỡ người già, giới thiệu một ông cậu tên Sáu (giả) đến làm bầu
bạn với ông, để ông dỡ buồn chán. Sau cuộc đảo chánh 1963, Đại tá Nguyễn Chánh
Thi hồi hương, mang theo ông Sáu về làm quản gia. Một người phản chế độ, về
nước được thăng cấp Thiếu tướng.
Trong Đại Hội ngày 19
tháng 6 năm 1965, Hội đồng Quân nhân Cách Mạng chọn người làm Thủ tướng. Thiếu
Tướng Kỳ đề cử Tướng Thi, nhưng ông nhất định không chấp nhận. Tới khi thấy
Tướng Kỳ làm Thủ tướng một cách dễ dàng, Tướng Thi bèn trải lòng tham vọng với
thuộc cấp: “thằng Kỳ làm Thủ Tướng được, thì tau cũng làm Thủ Tướng
được và tau sẽ làm hay hơn nó”. Trí Quang nghe được câu tâm sự đó, bèn lợi
dụng lợi dụng thời cơ, hiến kế để lật đổ Nguyễn Cao Kỳ.
Trong chuyến kinh lý
Vùng I Chiến Thuật, Tướng Kỳ nhận thấy Tướng Thi tỏ thái độ coi thường Tướng
Kỳ, khi Tướng Thi cử một nhân viên cấp thấp báo cáo tình hình chính trị và quân
sự tại địa phương thay vì Tướng Thi phải đích thân đứng ra thuyết trình với Thủ
tướng. Khi lên máy bay trở về Sài Gòn, Tướng Kỳ nhìn qua cửa sổ máy bay, thấy
Tướng Thi đưa tay lên cao “high five” với một sĩ quan khác, một cử chỉ chứng tỏ
với thuộc cấp “ tau chẳng coi lão Kỳ ra gì. Tướng Kỳ dùng điện thoại trên phi
cơ gọi cho Tướng Nguyễn Hữu Có – đương kim Ủy viên (Bộ trưởng Quốc Phòng – làm
lệnh cách chức Tư Lệnh của Tướng Nguyễn Chánh Thi. Lập tức, Trí Quang tập hợp
sư sãi biểu tình phản đối sự độc tài của Nguyễn Cao Kỳ và yêu cầu Nguyễn Cao Kỳ
phải phục hồi chức vị Tư Lệnh cho Tướng Nguyễn Chánh Thi. Thế là cuộc Biến Động
Miền Trung nổ ra. Luận điệu của Trí Quang tuyên truyền trong dân chúng là:
Chính quyền Quân nhân của Thiệu Kỳ là bất hợp pháp, vì không do dân bầu để coi
cuộc đấu tranh của Phật giáo là ví lý tưởng Dân Chủ – Tự Do . Đó là luận điệu
mị dân, rất được quần chúng và một số quân nhân tin theo. Làm sao có thể bầu cử
khi đang đánh nhau với quân xâm lược và bọn Việt Cộng đội lốt Phật giáo làm nội
tuyến?
Tướng Kỳ cử Tướng Nguyễn
văn Chuân – người Huế – ra Huế dẹp loạn, nhưng thất bại.
Tướng Kỳ cử Tướng
Huỳnh văn Cao – người Huế – ra Huế dẹp loạn, rồi cũng thất bại. Tướng Cao viện
cớ mình là người có đạo Công Giáo, nếu thẳng tay thì mang tiếng với Phật Giáo!
Tướng Kỳ cử Tướng Tôn
thất Đính – cũng người Huế – thì Tướng Đính láu cá, nhảy sang phe Phật giáo Ấn
Quang (để đồng hành với dân tộc?) nhằm chống là Chính Quyền Trung Ương.
Cuối cùng Tướng Kỳ phải
cùng Tướng Nguyễn Ngọc Loan – Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia– đích
thân ra Huế dẹp loạn. Trong cuốn sách Biến Động Miền Trung, tác giả Liên Thành
vì lý do “tế nhị”, chỉ đề cao vai trò của Tướng Loan, mà không nhắc đến vai trò
chỉ huy cuộc dẹp loạn là Tướng Kỳ. Tất cả những trở ngại không thể giải quyết,
Tướng Loan đều xin chỉ thị của Tướng Kỳ.
Chẳng hạn, vị trụ trì
Chùa Phổ Đà yêu cầu đạo hữu “tử thủ”, nhất định không thi hành lệnh của Quân
Đội phải giải tán cuộc tập họp bất hợp pháp. Tướng Loan phải gọi điện cho Tướng
Kỳ để giải quyết thế nào. Tướng Kỳ bảo Tướng Loan cúp điện, cúp nước thì với
cái khí hậu khắc nghiệt của Đà Nẵng vào mùa Hè mà không có điện nước thì không
ai có thể chịu đựng cái nóng và sự mất vệ sinh do không nước. Ngoài ra, Tướng
Kỳ còn ra lệnh cho Đại tá Dương Thiệu Hùng – Tư lệnh Không Đoàn 41 – đưa phi
tuần Khu trục bốn chiếc Skyraider bay thấp trên mái Chùa để uy hiếp tinh thần.
Không bao lâu sau, các đạo hữu tự động giải tán. Tướng Kỳ đã có quyết định sáng
suốt, nên sự đổ máu đã không xảy ra.
Tướng Lewis William Walt
– Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng ở căn cứ Chu Lai – cho phi cơ Phantom
F-4C lên uy hiếp phi cơ Không Quân Việt Nam. Tướng Kỳ dùng tần số “Guard” của
phương tiện vô yêu cầu phi cơ Hoa Kỳ phải trở về căn cứ, nếu bất tuân
lệnh, pháo binh Việt Nam sẽ biến Chu Lai thành bình địa. Thế là phi cơ Hoa Kỳ
trở về đáp, vì sợ Tướng Kỳ là người dám nói, dám làm, thì không có phi trường
để đáp.
Sau khi cuộc biến loạn
chấm dứt, Tướng Tư lệnh TQLC Lewis Walt vào căn cứ Không Quân Đà Nẵng xin gặp
Tướng Kỳ. Tướng Walt bước vào phòng làm việc của Đại tá Dương Thiệu Hùng (nơi
Tướng Kỳ tạm dùng đại bản doanh), đứng nghiêm chào đúng với lễ nghi quân cách.
Tướng Kỳ không nhìn lên, vẫn cúi mặt đọc báo cáo tình hình. Chừng 10 phút sau
ông mới ngẩng mặt lên và hỏi Tướng Walt vào gặp ông có chuyện gì. Tướng Walt lễ
phép thưa:
– Tôi
vào gặp ông Thủ tướng để hỏi tại sao ông đưa quân đến vùng trách nhiệm của tôi,
mà không cho tôi hay biết?
Tướng Kỳ hỏi:
– Ông Tướng
đã phục vụ bao nhiêu năm trong Quân Đội? Trung tướng có hiểu hệ thống quân giai
là gì không? Tôi đang là người lãnh đạo đất nước này. Tôi có phải xin phép
Trung tướng để điều hành đất nước này không? Trung tướng có biết rằng chỉ cần
một cú điện thoại của tôi gọi Tổng thống Lyndon B. Johnson, thì Trung tướng
phải rời chức vụ trong vòng 24 tiếng đồng hồ không?
Trung tướng Walt nghe
xong câu hỏi của Tướng Kỳ, vội vàng đưa tay lên chào kính và “đàng sau” quay!
Sau năm 1975, biết Tướng
Kỳ định cư tại California, Tướng Walt đến nhà Tướng Kỳ thăm viếng và thổ
lộ: “Tôi rất biết ơn Ngài Phó Tổng thống, vì Ngài đã dạy cho tôi một
bài học về lãnh đạo và chỉ huy. Chúng tôi rất tiếc là Chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ
rơi một dân tộc dũng cảm, anh hùng”.
Đại tá Dương Thiệu Hùng
– Tư Lệnh Không Đoàn 41 ở Đà Nẵng – hiện diện trong cuộc gặp gỡ giữa Tướng Walt
và Tướng Kỳ, đã vô cùng hãnh diện cấp chỉ huy của mình, đã làm cho ông Tướng Mỹ
cảm phục dân tộc Việt Nam.
Tôi thuật lại mẩu chuyện
này để bạn đọc biết một nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ mới 36 tuổi, người
nhỏ thó, đối diện với một ông Tướng Thủy Quân Lục Chiến cao hơn 6 feet, nhưng
không hề có một chút mặc cảm về thân hình nhỏ bé của mình. Với giọng nói uy
nghiêm, dõng dạc và thông minh của Tướng Kỳ với ông Tướng Mỹ, tôi tin rằng
không một nhà lãnh đạo chính trị nào, một vị Tướng nào của Việt Nam Cộng Hòa có
thể làm cho Trung tướng Walt bày tỏ niềm cảm phục để nhìn nhận mình đã học được
một bài học về lãnh đạo, chỉ huy. Đại tá Dương Thiệu Hùng – Tư Lệnh Không Đoàn
41 ở Đà Nẵng cũng như Đại tá Lưu Kim Cương, hiện diện trong phòng họp Hành Quân
của Không Đoàn 41, không ngớt bày tỏ sự ngưỡng mộ cung cách ứng xử của Tướng Kỳ
đối với Đồng Minh.
Tôi tin rằng, chẳng phải
riêng tôi, mà bất cứ quân nhân nào khác, đều muốn mình được phục vụ dưới quyền
của một vị chỉ huy thông minh, có bản lĩnh và không có mặc cảm đối với Đồng
Minh. Một số anh em Không Quân chưa được dịp tiếp xúc với Tướng Kỳ, khi đọc báo
chí của đối phương gièm pha, thì cũng về hùa với dư luận. Tướng Nguyễn Cao Kỳ
là vị Tư Lệnh Không Quân duy nhất dám gọi điện thoại cho Trung tướng Đỗ Cao Trí
– Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật – để yêu cầu thả Đại Úy Trương Dzù ra khỏi quân
lao ngay lập tức. Sở dĩ, Đại Úy Trương thường được anh em Không Quận gọi ông
bằng ngoại danh “Trương Dzù”, vì ông nguyên là sĩ quan Nhảy Dzù được chuyển
sang Không Quân.
Xin nói một chút về điểm
này. Từ khi Tướng Kỳ làm Tư Lệnh KQ, thì mới được các ông Tướng Bộ Binh bên
Tổng Tham Mưu nể trọng. Sự thật này chỉ có những Không Quân thâm niên cỡ tuổi
tôi trở lên, thì mới biết mà thôi. Mời quý vị độc giả kiên nhẫn theo dõi những
bài kế tiếp của tôi để biết về một giai đoạn lịch sử đã qua, mà không một nhà
viết sử nào đề cập tới.
Bằng Phong Đặng văn Âu, ngày 25 tháng 6 năm 2022.
10200n Bolsa Avenue, Westminster, California 92683.
Email Address: bangphongdva033@gmail.com
Telephone: 714 – 276 - 5600
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.