Search This Blog
Thursday, January 20, 2022
GIỖ CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH - PHẠM ĐỊNH TRỌNG
Giỗ cụ Lê Đình Kình:
Nghĩ về vòng xoáy tội ác — Vòng xoáy đau thương.
Phạm Đình Trọng
15 tháng Chạp năm Kỷ Hợi – 15 tháng Chạp năm Tân Sửu (9.1.2020 – 17.1.2022)
1. Ra đời từ nạn đói năm 1945, không một hạt gạo, không một xu dính túi, nhà nước cộng sản của Hồ Chí Minh được người đàn bà goá bụa Nguyễn Thị Năm, chủ doanh nghiệp Cát Hanh Long mở lượng hải hà nghiêng nhà, nghiêng cửa dốc của cải, tiền bạc cả đời tần tảo, nhạy bén kinh doanh tích lũy của mẹ goá con côi ra nuôi nấng, chăm bẵm từ người đứng đầu nhà nước cộng sản đến người lính để nhà nước cộng sản làm cuộc kháng chiến chống Pháp giữ chính quyền.
Cuộc chiến tranh chống Pháp chỉ là cuộc chiến tranh giữ chính quyền cộng sản cũng như cuộc chiến tranh Nam – Bắc chỉ để áp đặt chính quyền cộng sản trên cả nước chứ không vì độc lập của nước, không vì tự do của dân. Cho đến nay nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn bị cột chặt vào nước cộng sản đàn anh trong thế giới cộng sản thì làm gì có độc lập thực sự. Cho đến nay người dân vẫn không có những quyền tự do đương nhiên của con người, không có những quyền tự do đương nhiên của công dân thì làm gì có tự do.
Nuôi chính phủ, nuôi quân, nuôi cả cuộc kháng chiến đầu tiên của nhà nước cộng sản. Khi cuộc kháng chiến cuồn cuộn thế tiến công đến thắng lợi, chính quyền cộng sản được củng cố vững mạnh, nhà nước cộng sản liền vu cho người đàn bà nuôi nhà nước cộng sản từ thuở trứng nước là địa chủ, lôi người đàn bà ân nhân, lôi người đàn bà là Thánh sống cứu sinh của chính quyền cộng sản ra bắn trong cánh rừng âm u của bầy thú thời hồng hoang.
Ngày 9 tháng bảy năm 1953 tiếng súng tội ác của nhà nước cộng sản bắn chết người đàn bà tài năng, giỏi làm giầu chính đáng và rộng lớn lòng yêu nước thương nòi Nguyễn Thị Năm.
Người dân đều biết CB là bút danh quen thuộc của ông Hồ Chí Minh trong nhiều bài viết đăng trên tờ báo đảng của ông. Mười hai ngày sau khi bắn bà Thánh Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, ngày 21 tháng bảy năm 1953, trên báo đảng lại có bài viết của CB: Địa Chủ Ác Ghê, bịa đặt, vu khống cho người đàn bà tài hiền, lòng Phật những tội do bộ máy vu khống chuyên nghiệp của đảng tạo ra. Địa Chủ Ác Ghê là những ngụm máu phun vào người đàn bà có tấm lòng Phật Nguyễn Thị Năm:
Mụ địa chủ Cát-Hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
– Giết chết 14 nông dân.
– Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
– Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
– Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
– Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-Hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào !
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:
– Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.
– Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.
– Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.
– Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.
– Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.
– Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến . . .
Địa Chủ Ác Ghê là sự vu khống vô cùng đê tiện, hèn hạ như giọng điệu của đám dư luận viên hạ đẳng ngày nay.
2. Phát động cuộc chiến tranh Nam – Bắc bằng nghị quyết trung ương 15/1959 nhằm áp đặt thể chế cộng sản trên cả nước, nhà nước cộng sản lại vét sức dân, vét máu dân làm cuộc nội chiến đẫm máu. Anh thanh niên nông dân Lê Đình Kình hăng hái nhập ngũ cầm súng đi vào cuộc nội chiến. Từ mặt trận cuộc nội chiến trở về đồng ruộng, người lính xuất ngũ Lê Đình Kình liền được trao trách nhiệm lo cho màu xanh cánh đồng, lo cho cuộc sống người dân làng xã. Lần lượt đảng viên Lê Đình Kình gánh vác: Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp toàn xã Đồng Tâm. Trưởng công an xã. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã. Bí thư đảng uỷ xã.
Từ đó, cuộc sống người dân Đồng Tâm là cuộc sống gia đình đảng viên Lê Đình Kình. Sự được, mất của mùa màng Đồng Tâm là niềm vui, nỗi buồn của lương tâm Lê Đình Kình. Sự tồn tại của mảnh đất Đồng Tâm là sự tồn tại của cuộc đời, sự nghiệp con người Lê Đình Kình.
Sau gần suốt cuộc đời gắn bó máu thịt với mảnh đất Đồng Tâm, trí nhớ minh mẫn và văn bản nhà nước về mảnh đất Đồng Tâm có đầy đủ trong tay, lão nông Lê Đình Kình thuộc địa phả Đồng Tâm như gia phả nhà mình. Biến động của đất nước, đất sống của Đồng Tâm cứ hao hụt là nỗi lo, nỗi bận tâm Lê Đình Kình.
Năm 1961 Đồng Tâm phải cắt 300 ha trong 406,3 ha đất cánh đồng Sênh cho quân đội làm trường bắn của sư đoàn 308, nay là trường bắn quốc gia Miếu Môn.
Năm 1981, sân bay đã chiến Miếu Môn được qui hoạch. 47,3 ha đất phía Đông đồng Sênh lại nằm trong 208 ha đất sân bay Miếu Môn. Một lần nữa Đồng Tâm lại phải cắt đất đồng Sênh giao cho bộ Quốc phòng. Dân Đồng Tâm chỉ còn 59 ha đất Tây đồng Sênh.
Đất sống của Đồng Tâm hao hụt hàng trăm ha, xót xa lắm nhưng nhà nước thu hồi đất đúng pháp luật thì phải chấp hành. 59 ha đất phía Tây đồng Sênh còn lại của tổ tiên người dân Đồng Tâm kéo địa giới Đồng Tâm vào tới chân dãy núi Găng, giáp đường Hồ Chí Minh đã xác định hình hài, tầm vóc Đồng Tâm, đã xác định vị thế chiến lược Đồng Tâm trong thế chiến lược của đất nước. 59 ha đất đồng Sênh còn lại của lịch sử, của sự sống Đồng Tâm, đầm đìa mồ hôi, đầm đìa khát vọng người dân Đồng Tâm càng vô cùng quí giá đến thiêng liêng.
Nhưng qua thời bần cố nông lộng hành. Qua thời bộ máy vu khống chuyện nghiệp tạo dựng lên những bần cố nông vu khống, đấu tố, buộc tội và giết hại bà Thánh Nguyễn Thị Năm lại đến thời tư bản hoang dã lộng hành. Quyền lực đồng tiền của tư bản hoang dã kết cấu với quyền lực nhà nước cộng sản sử dụng bộ máy vu khống chuyên nghiệp vu khống, buộc tội và sử dụng bạo lực nhà nước cướp đất dân.
Cho đến nay không có bất cứ một văn bản hợp pháp nào của nhà nước thu hồi 59 ha đất Tây đồng Sênh của dân Đồng Tâm. Nhưng lòng tham của tư bản hoang dã mang tên doanh nghiệp quân đội Viettel đã nhòm ngó mảnh đất Tây đồng Sênh thì dân Đồng Tâm phải mất đất Tây đồng Sênh. Như dân Văn Giang, Hưng Yên phải mất 500 ha đất bờ sôi ruộng mật, như dân Dương Nội, Hà Đông phải mất mảnh đất sống cho tư bản hoang dã chiếm làm đất kinh doanh thu lợi nhuận tư bản. Bộ máy vu khống chuyên nghiệp liền lu loa hô biến 59 ha đất Tây đồng Sênh của dân Đồng Tâm thành đất quốc phòng.
Làm kinh tế là hoạt động sản xuất kinh doanh tư bản. Quân đội làm kinh tế đã biến những tướng tá quân đội ở những đơn vị làm kinh tế thành những nhà tư bản thời tích luỹ tư bản, thời tư bản hoang dã, lòng dạ và tâm địa chỉ vì lợi nhuận. Biến người lính ở những đơn vị làm kinh tế thành những lao động không công cho những tướng tá kinh doanh tư bản. Như những nô lệ da đen lao động không công cho những tư bản da trắng thời nước Mỹ làm công nghiệp hoá.
Quân đội làm kinh tế biến nhiều tướng tá thành tư bản hoang dã, hối hả săn tìm lợi nhuận. Lợi nhuận bất chính đã dẫn dắt nhiều ông tướng vào con đường phạm pháp, tù tội, từ thượng tướng thứ trưởng bộ Quốc phòng đến trung tướng tư lệnh Cảnh sát biển. Quân đội làm kinh tế làm hư hỏng quân đội, tàn phá sức mạnh quốc phòng của đất nước và biến quan hệ quân dân cá nước thành quan hệ đối kháng. Đối kháng giữa tư bản hoang dã cướp đất phi pháp với người dân giữ đất hợp pháp, chính đáng.
Lão nông, đảng viên Lê Đình Kình quyết giữ chính đáng 59 ha đất Tây đồng Sênh cho người dân Đồng Tâm đã phải đối đầu với sức mạnh đồng tiền của tư bản hoang dã, đối đầu sức mạnh chính trị lực lượng vũ trang của đảng, đối đầu sức mạnh bạo lực nhà nước chuyên chính vô sản và người nông dân giữ đất chính đáng Lê Đình Kình phải nhận cái chết rùng rợn, man rợ hơn cả cái chết đau đớn của bà Thánh Nguyễn Thị Năm.
Bà Thánh Nguyễn Thị Năm bị toà án bần cố nông tuyên án tử hình và bị đội du kích xã xử bắn ban ngày trong cánh rừng chiến khu Việt Bắc.
Không có bản án nào buộc tội công dân Lê Đình Kình. Không có một hình thức kỉ luật nào kết tội đảng viên Lê Đình Kình. Đang là công dân lương thiện, đang là đảng viên trong sạch, giữa đêm bình yên rạng sáng 9.1.2020 đúng ngày rằm tháng chạp Kỷ Hợi, lão nông Lê Đình Kình bị cả một trung đoàn cảnh sát cơ động với xe bọc thép súng lớn, xe vũ khí điện tử, với ba ngàn quân tinh nhuệ vây kín quanh nhà và đội đặc nhiệm cảnh sát còn đảng còn mình, coi dân có tiếng nói khác biệt với đảng là thù địch, sôi sục sắt máu, phá cửa xông vào tận giường ngủ kề súng vào sát đầu, sát ngực dân xả đạn.
Công dân lương thiện, đảng viên trong sạch Lê Đình Kình không những bị bắn vỡ sọ, thủng ngực, toác đầu gối mà còn bị mang xác đi phanh thây từ cổ tới tận cùng bụng. Chỉ những kẻ lòng lang dạ thú không còn một chút tính người mới hành xử với con người, với đồng loại man rợ như vậy.
Giết bà Thánh Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm rồi CB Hồ Chí Minh viết trên tờ báo đảng của ông vu khống người đàn bà mở lượng hải hà nuôi nấng đảng cộng sản thành địa chủ giết người!
Tung cả một trung đoàn công an tinh nhuệ trong đêm đánh úp thôn Hoành bé nhỏ, bình yên, tung lực lượng đặc nhiệm phá cửa xông vào tận giường ngủ bắn nát tim, vỡ sọ đảng viên lão thành cách mạng 59 tuổi đảng rồi tướng phát ngôn bộ Công an Tô Ân Xô lên báo vu cho công dân lương thiện, đảng viên trong sạch Lê Đình Kình là “Địa chủ cường hào mới”. Tướng Xô đơm đặt: “Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại cường hào địa chủ mới”. Địa chủ thì phải làm chủ nhiều đất hơn người dân trong làng xã. Cường hào thì phải có sức mạnh quyền uy và sức mạnh bạo lực đàn áp, khống chế người khác. Đảng viên Lê Đình Kình chỉ có lòng tin ngây thơ, son sắt vào đảng của ông và tình yêu máu thịt với con người và mảnh đất Đồng Tâm.
3. Từ đội du kích thi hành bản án tử hình xử bắn bà Thánh Nguyễn Thị Năm giữa ban ngày trong cánh rừng vắng đến đội đặc nhiệm cảnh sát trong đội hình trung đoàn cảnh sát cơ động giữa đêm xông vào tận giường ngủ hành quyết không cần có bản án, xả súng giết rồi phanh thây công dân thánh thiện, đảng viên trong sạch Lê Đình Kình đã tạo ra vòng xoáy tội ác ngày càng ghê tởm, tội ác đã được đẩy lên cao tới tận cùng man rợ!
Trong nhà nước cộng sản, quyền lực cộng sản cứ ngạo nghễ ngự trị trên vòng xoáy tội ác và người dân cứ mãi mãi chìm sâu trong vòng xoáy thăm thẳm đau thương, oan trái và oán hờn.
Phạm Đình Trọng
16-1-2022
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.